Các doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch để đẩy mạnh sản xuất

Nhanh chóng đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường, duy trì và không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã quay trở lại hoạt động ổn định sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Lao động phấn khởi, hăng say làm việc vì trong bối cảnh dịch bệnh nhưng vẫn được bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định.

Tại Công ty cổ phần Vissai Hà Nam, bộ phận sản xuất duy trì đều đặn các ca làm việc, kịp đáp ứng những đơn hàng đã ký với đối tác. Bảo đảm chiến lược sản xuất, kinh doanh mới, từ tháng 6 và tháng 10/2021, công ty lần lượt đưa vào hoạt động 2 trạm phát điện tận dụng nhiệt dư, tổng công suất 7MV đã góp phần bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất và làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường. Duy trì đều đặn sản xuất từ ngày mùng 2 Tết, Vissai Hà Nam đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên trong năm mới, với 45.000 tấn sản phẩm và ngày đầu tiên quay trở lại hoạt động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, công ty cũng bắt đầu xuất bán hàng nội địa. 

Trên công trường xây dựng tuyến đường N1, thuộc dự án đầu tư xây dựng Đường Lê Công Thanh giai đoạn 3, đơn vị thi công- Tập đoàn Hải Lý đang tập trung nhân, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Đây là tuyến đường trục chính trong Khu Đại học Nam Cao kết nối các phân khu chức năng. Để phục vụ cho hoạt động của một số cơ sở đào tạo đã xây dựng xong và tiếp tục xây dựng cơ sở giáo dục mới, từ tháng 8/2021 tuyến đường được thi công trở lại.

Ông Trần Văn Hinh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hải Lý cho biết: Để phục vụ cho hoạt động và khởi công xây dựng một số dự án giáo dục - đào tạo, ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, công ty đã tập trung cao độ cho thi công hoàn thiện đường N1. Đến nay, dự án đã thi công xong phần nền và các công trình ngầm, thi công cơ bản xong lớp nhựa C19 mặt đường 7,5m. Các khối lượng thuộc hạng mục vỉa hè, điện chiếu sáng, vị trí các nút giao cắt cũng đang được triển khai thực hiện. Tổng khối lượng thi công thực hiện đạt khoảng 80% so với khối lượng thiết kế được duyệt.

Các doanh nghiệp thích ứng an toàn linh hoạt với đại dịch để đẩy mạnh sản xuất
Dây chuyền sản xuất sợi tại Chi nhánh Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (KCN Đồng Văn II).

Đối với khối các doanh nghiệp dịch vụ cũng đã sớm hoạt động ổn định phục vụ thị trường. Tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam II, các dịch vụ phục vụ khách hàng tiếp tục được nâng cao chất lượng. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam II cho biết: Đồng hành cùng khách hàng, trong năm 2022, đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của ngành ngân hàng, các chương trình, đề án phát triển kinh tế của tỉnh, tập trung đẩy mạnh cho vay vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên và quan tâm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho khách hàng, nhất là những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Còn trong các KCN trên địa bàn tỉnh, đến hết ngày 09/02, tất cả 410 doanh nghiệp hoạt động trở lại sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022. Hầu hết người lao động đều trở lại làm việc ổn định, với tổng số lao động là 87.923 người, chiếm 98,2% tổng số lao động trong KCN; số lao động chưa quay trở lại làm việc sau Tết vì lý do gia đình hoặc nghỉ phép. 

Ngay sau khi quay trở lại làm việc, để bảo đảm an toàn cho sản xuất, các doanh nghiệp đều hết sức quan tâm và coi trọng công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, với quan niệm chung là phòng, chống dịch bệnh tốt, bảo vệ công nhân khỏe thì sản xuất mới phát triển.

Tại Chi nhánh Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội và Công ty cổ phần Vissai Hà Nam, trước đây và hiện nay luôn đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền, yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm quy định 5K, kiểm soát đo thân nhiệt hằng ngày cũng như truy vết nhanh các trường hợp liên quan. Ngay ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Vissai tổ chức xét nghiệm  Covid-19 cho toàn bộ người lao động để sàng lọc các trường hợp có nguy cơ mắc Covid-19. Công ty thường xuyên tổ chức tầm soát, test Covid-19 theo cụm, khu vực sản xuất. Đối với những bộ phận có nguy cơ như bộ phận kinh doanh, bốc xếp thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng tần suất tầm soát sẽ dày hơn. Đối với khách hàng đến từ vùng 4 khi làm việc phải có giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19, nếu chưa có sẽ được làm ngay tại doanh nghiệp.

Ở trong các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đề nghị doanh nghiệp triển khai test Covid-19 cho toàn bộ người lao động ngay ngày đầu tiên quay trở lại sản xuất và yêu cầu doanh nghiệp cần chủ động rà soát người lao động đủ điều kiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 bổ sung để thực hiện việc tiêm chủng bảo đảm an toàn, hiệu quả, đạt kế hoạch tỉnh đề ra là trong quý I/2022 hoàn thành mũi tiêm bổ sung và mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên. Ban cũng yêu cầu các doanh nghiệp giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài; phối hợp thực hiện nghiêm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định. 

Hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp đều muốn tận dụng tốt cơ hội, thời gian thực hiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm.

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy