Các doanh nghiệp mới tập trung nguồn lực đầu tư bảo đảm cam kết hoạt động

Năm 2018, trên địa bàn Hà Nam có 102 dự án đăng ký đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp đã tập trung nguồn lực đầu tư để sớm đi vào sản xuất.

Bảo đảm cam kết đầu tư

Ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh mở rộng dự án (tháng 1/2018), Công ty Honda Việt Nam tại Hà Nam đã tích cực, khẩn trương đầu tư cơ sở vật chất, lắp đặt trang thiết bị. Và chỉ sau hơn 10 tháng, dây chuyền sản xuất số 6, quy mô 250.000 xe/năm được đưa vào hoạt động. Dây chuyền này được khánh thành cùng với sự kiện đón nhận chiếc xe máy thứ 25 triệu của Honda, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho lao động và tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Park Electronics Vina, KCN Đồng Văn IV. Ảnh: Thế Tân

Phát biểu nhân sự kiện này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đông nhấn mạnh: Tôi hoan nghênh lãnh đạo Công ty Honda Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng đẩy nhanh tiến độ đầu tư để đưa dây chuyền sản xuất số 6 đi vào hoạt động đúng kế hoạch đã đăng ký. Cảm ơn sự hợp tác thiện chí của Honda Việt Nam đã đầu tư và tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh tại Hà Nam. Hà Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Honda Việt Nam cũng như các nhà đầu tư khác đã, đang và sẽ đầu tư vào tỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, an toàn, hiệu quả.

Năm 2018, các doanh nghiệp đăng ký đi vào hoạt động đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư để sớm vận hành cơ sở sản xuất mới, có sản phẩm xuất bán ra thị trường, nhanh chóng thu hồi vốn. Công ty Dệt Hà Nam đầu tư dây chuyền kéo sợi hiện đại nhất hiện nay. Dây chuyền hoạt động sớm hơn dự kiến làm tăng sản lượng sản xuất chung của công ty lên khoảng 30%. Thực hiện cam kết với tỉnh, công ty đã tập trung nguồn lực đầu tư để dự án mở rộng sản xuất sớm đi vào hoạt động. Trong giai đoạn 1, dự án đầu tư 430 tỷ đồng. Việc sớm đưa dự án vào hoạt động vừa bảo đảm hiệu quả đầu tư, vừa nâng cao năng lực kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm nay, bên cạnh nhiều dự án công nghiệp đi vào sản xuất kinh doanh còn có các dự án thương mại, dịch vụ được đưa vào khai thác. Dự án xây dựng nhà ở cho thuê và cung cấp các dịch vụ cho chuyên gia và người lao động của Công ty TNHH Fuji Engineering Việt Nam là một ví dụ. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Hà Nam ngày càng nhiều, dự án hoàn thành đi vào hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ cho doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ “lấp đầy” của dự án đạt khoảng 50%.

Hay như Dự án sân golf Kim Bảng của Công ty cổ phần Golf Trường An (giai đoạn I), tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2/9/2018, sân golf Kim Bảng đã và đang dần khai thác, phát huy thế mạnh hình thành một khu dịch vụ du lịch thể thao, nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, tạo điểm nhấn cho du lịch của tỉnh. Đáng chú ý, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, dự án đã tạo ra hơn 400 việc làm mới cho lao động địa phương và vùng phụ cận. Quan trọng hơn là dự án còn có tác động tích cực đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Tính chung, các doanh nghiệp đăng ký đi vào hoạt động trong năm 2018 đã tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động. Đây là điều kiện thuận lợi để lao động ở các địa phương trong tỉnh được tạo việc làm mới. Ông Đỗ Văn Huynh, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để phối hợp với các địa phương trong tỉnh tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp. Năm nay, lao động được tuyển dụng có chất lượng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Công ty Dệt Hà Nam phát huy hiệu quả sản xuất sau đầu tư. Ảnh: Tiến Đoàn

Vẫn còn dự án chậm tiến độ

Trong năm 2018, toàn tỉnh có tổng số 102 dự án đăng ký đi vào hoạt động, bao gồm: 25 dự án FDI và 77 dự án trong nước. Đến tháng 10/2018, có 46 dự án hoàn thành xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị và đi vào hoạt động. Trong đó có một số dự án lớn, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, nộp ngân sách nhà nước như: Dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản của Công ty TNHH CJ Vina Agri, tổng vốn đầu tư 31,4 triệu USD; Công ty TNHH Sunjin F&F, có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD...

Từ đầu năm đến nay, tại KCN Đồng Văn III có 4 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Công ty phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm tốt hạ tầng, các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện 10 cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư và tạo niềm tin để các doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất. Hiện nay, các dịch vụ tại KCN Đồng Văn III được xây dựng đồng bộ, với hệ thống cung cấp điện, hệ thống nước sạch, trạm xử lý nước thải tập trung, hệ thống dịch vụ viễn thông… được cung cấp đến chân hàng rào KCN đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Dự kiến từ nay đến hết năm 2018, trong KCN Đồng Văn III có thêm 3 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng KCN Đồng Văn III

Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành đi vào sản xuất đúng kế hoạch; đồng thời đôn đốc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhằm bảo đảm hạ tầng KCN được xây dựng đồng bộ, hiện đại, đúng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư. Song song với đó, Ban thường xuyên kiểm tra, tổng hợp, phân loại, đánh giá tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; từ đó đề xuất với tỉnh các giải pháp, chủ trương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Đỗ Thành Luân, Trưởng phòng Quản lý đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh

Riêng trong các KCN, năm nay có 28 doanh nghiệp đăng ký đi vào sản xuất. Đến nay, đã có 19 doanh nghiệp hoạt động theo đúng cam kết đầu tư. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, về cơ bản, các doanh nghiệp trong KCN đã thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng, tuân thủ mặt bằng, hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt.

Các dự án chậm đi vào hoạt động theo cam kết nguyên nhân được xác định là do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, chưa triển khai dự án, khó khăn về vốn, thị trường  tiêu thụ sản phẩm ... Từ thực tế trên, đòi hỏi ngành chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc; đối với các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư nguồn lực để các dự án sớm hoàn thành đi vào sản xuất trong thời gian sớm nhất.

Thanh Bình

Tiến Đoàn, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.