Bình Lục quan tâm phát triển làng nghề nông thôn

Những năm gần đây, việc phát triển làng nghề có thế mạnh và có tiềm năng đã được huyện Bình Lục đặc biệt quan tâm. Qua đó, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông nhàn cũng như tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Mỗi tháng, gia đình anh Lê Khắc Phong, thôn Đô Hai, xã An Lão (Bình Lục) có thu nhập trên 10 triệu đồng từ làm nghề sừng mỹ nghệ.

Trên địa bàn huyện Bình Lục hiện có 11 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng có nghề đã được UBND tỉnh công nhận (bao gồm 4 làng nghề truyền thống, 5 làng nghề TTCN, 2 làng có nghề) với các ngành nghề sản xuất chủ yếu là: chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; cơ khí; chế biến gỗ; sản xuất tre nứa…

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục, cũng như nhiều làng nghề khác trong toàn tỉnh, những năm qua, làng nghề ở Bình Lục gặp nhiều khó khăn về thị trường đầu ra, nguồn nguyên liệu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ…

Tuy nhiên, nhiều làng nghề, nhất là nhóm ngành nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ trong huyện đã tích cực đổi mới công nghệ, chủ động tìm kiếm thị trường cho sản phẩm để duy trì sản xuất. Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm, tổng doanh thu tại các làng nghề trong huyện đạt trên 150 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.800 lao động nông thôn. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, sự phát triển của hệ thống làng nghề nông thôn đã góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất CN- TTCN của huyện tăng trưởng trên 21% so với cùng kỳ năm 2018.

Làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai, xã An Lão là một trong những làng nghề duy trì nhịp độ phát triển khá ổn định trong nhiều năm liền. Anh Lê Khắc Phong, một thợ giỏi của làng nghề cho biết: Ngày nay, nghề sừng mỹ nghệ ở Đô Hai không được rộn ràng như xưa nhưng hầu hết các gia đình thuần nông vẫn đang duy trì nghề để tăng thêm thu nhập. Gia đình tôi làm nghề quanh năm, chủ yếu theo đơn đặt hàng của khách. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, ngoài những sản phẩm truyền thống như: lược chải tóc, 12 con giáp, bộ tứ quý, hiện nay, gia đình tôi còn sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác (cúc áo, móc khóa, vòng cổ, vòng đeo tay…). Mỗi tháng, gia đình tôi có thu nhập trên 10 triệu đồng từ làm nghề.

Cũng như làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai, các làng nghề: sản xuất rượu Vọc (xã Vũ Bản), sản xuất bún bánh thôn Cát Lại (xã Bình Nghĩa), chế biến gỗ xóm Cầu Gỗ (xã Đồng Du), dũa Đại Phu (xã An Đổ)… hiện cũng đang duy trì sản xuất ổn định với doanh thu năm 2018 lần lượt đạt: 60 tỷ đồng, 30 tỷ đồng, 5 tỷ đồng và 2,4 tỷ đồng.

Để thúc đẩy phát triển làng nghề, trong những năm qua, huyện Bình Lục đã triển khai nhiều giải pháp như: Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được hưởng các cơ chế ưu đãi về vốn vay, đất đai; đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn; khuyến khích thành lập hợp tác xã tại các làng nghề để các thành viên hỗ trợ nhau trong sản xuất. Cùng với đó, bố trí nguồn ngân sách cho công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm làng nghề có thế mạnh của Bình Lục trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các hội chợ thương mại như nghề sừng mỹ nghệ, đồ gỗ gia dụng, sản phẩm dũa cưa, bánh đa sợi...

Hằng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng xã trong việc bố trí nguồn ngân sách cho đào tạo nghề, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể của huyện phối hợp mở các lớp đào tạo nghề may công nghiệp, thêu ren… cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các làng nghề.

Nói về định hướng phát triển làng nghề, ông Đỗ Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có thế mạnh. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2020, có từ 5-10 doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp, nâng giá trị sản xuất CN- TTCN của huyện tăng trưởng bình quân từ 21%/năm trở lên.

Để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh việc nâng cao chất lượng các làng nghề truyền thống hiện có, huyện đã tiến hành rà soát, khuyến khích nhân rộng ngành nghề mới. Dự kiến, đến năm 2020, huyện Bình Lục sẽ có 8 làng nghề đề nghị được công nhận, chủ yếu trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, thêu ren, chế biến gỗ… nhằm tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động tại khu vực nông thôn.

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.