Bảo đảm an toàn diện tích nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão

Trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhất là ở những vùng trũng, vùng có nguy cơ ngập úng cao là vấn đề quan trọng. Nhiều diện tích NTTS ở tỉnh ta trong vùng sản xuất đa canh, hạ tầng cơ sở phục vụ cho sản xuất chưa đồng bộ, nguy cơ xảy ra sự cố tràn bờ, ngập úng khi có mưa to kéo dài là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

 Trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích NTTS hiện có khoảng 6.000ha, gồm cả diện tích NTTS tập trung và diện tích sản xuất đa canh. Tuy chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhưng lĩnh vực thủy sản vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, mức tăng bình quân 3,7% (giai đoạn 2015-2020). NTTS đang phát triển theo hướng thâm canh, tăng năng suất, ứng dụng công nghệ mới. Đối tượng con vật nuôi cũng tiếp tục chuyển dịch theo hướng mở rộng sản xuất các loại cá có năng suất, giá trị kinh tế cao, như: rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá trắm, cá chép, cá lăng… Vấn đề đáng quan tâm chính là phương thức sản xuất NTTS có sự thay đổi nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu.

Bảo đảm an toàn diện tích nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão
Mô hình nuôi cá trong ao nổi của hộ gia đình anh Phạm Văn Cảnh ở thôn 3 Tâng, xã Thanh Hương (Thanh Liêm).

NTTS phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi mưa bão lớn, nhiều diện tích nằm trong vùng có nguy cơ ngập, tràn, thiệt hại rất lớn về kinh tế. Như năm 2017, mưa lũ trong tháng 10 làm cho hơn 4.700 ha NTTS bị thiệt hại, nhiều diện tích tại các khu sản xuất đa canh bị ngập hoặc tràn bờ. Những diện tích bị ngập ước thiệt hại về kinh tế đến 70%, diện tích tràn bờ ước thiệt hại từ 30-50%. Tổng sản lượng thủy sản thiệt hại hơn 8.200 tấn, với số tiền ước tính lên tới hơn 200 tỷ đồng.  

Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, ngay từ đầu mùa mưa bão, các địa phương đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó có phương án phòng chống úng nội đồng; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tự bảo vệ tài sản được tăng cường bằng nhiều hình thức. Nhiều địa phương rà soát các vùng NTTS, hệ thống kênh, trạm bơm tiêu chống úng khu vực nội đồng nhằm chủ động các biện pháp ứng phó khi có mưa to, bão lớn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã có công văn gửi các địa phương hướng dẫn cụ thể một số giải pháp bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi và diện tích NTTS. Hướng dẫn nhấn mạnh vào giải pháp kiểm tra, tu bổ lại bờ ao bảo đảm chắc chắn, phát quang cây cối, tạo đường thoát nước mưa; đặt lưới chắn xung quanh bờ ao (độ cao 40-50cm, ghim sâu 20-30 cm dưới mặt đất) để ngăn thủy sản thoát ra ngoài, đặt lưới chắn hình chữ V trước cống xả tràn để tăng diện tích thoát nước khi có lũ lụt lớn xảy ra; tháo bớt nước trong ao trước các đợt mưa lũ lớn, chuẩn bị các dụng cụ, vật tư cần thiết để dự phòng; kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng bè, dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng; trong trường hợp lồng không thể di chuyển, cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng…

Nhiều hộ NTTS đã thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, điều kiện về cơ sở hạ tầng tại khu NTTS hạn chế nên khó bảo đảm an toàn tuyệt đối cho diện tích NTTS.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hạ tầng tại các khu NTTS tập trung đã được đầu tư, nhưng qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp. Đối với các khu đa canh, hạ tầng không được đồng bộ nên việc bảo đảm an toàn cho vật nuôi khi có mưa, bão lớn khó khăn hơn nhiều. Qua đánh giá thực trạng cho thấy, những vùng NTTS ở khu vực ven sông Châu, sông Đáy là những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi có mưa lớn kéo dài. Do đó, các hộ NTTS trong khu vực này cần quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn vùng sản xuất. 

Thị xã Duy Tiên có 829 ha NTTS. Các vùng NTTS  trên địa bàn thị xã chủ yếu tại các khu chuyển đổi ruộng trũng sang sản xuất đa canh, có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Duy Tiên đã thực hiện quy hoạch 2 khu NTTS tập trung tại xã Mộc Bắc và Mộc Nam, với diện tích quy hoạch 138,2 ha; có 27 hộ tham gia nuôi cá lồng trên sông Hồng, với tổng số 127 lồng nuôi. Sản lượng cá lồng nuôi trên sông Hồng ước đạt bình quân trên 400 tấn/năm; có 2 mô hình NTTS ứng dụng công nghệ cao “sông trong ao” tại phường Châu Giang và xã Chuyên Ngoại diện tích 7,6 ha. Trong những năm có mưa lớn, vùng NTTS tập trung ở thị xã Duy Tiên được đánh giá là nơi ít bị thiệt hại về kinh tế so với vùng sản xuất đa canh do có hạ tầng tốt và đồng bộ hơn.

 Chia sẻ với chúng tôi, nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo đảm an toàn, chống thất thoát sản lượng cho vùng sản xuất đa canh đang khó khăn, không chỉ trong mùa mưa, bão lớn mà còn cả vấn đề an toàn dịch bệnh. Do tính chất sản xuất đa canh, nên các hộ dân vừa nuôi trồng thủy sản, vừa chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả… Trong khi, sản xuất đa canh phải tuân thủ các yêu cầu về xây dựng hạ tầng theo quy hoạch, các hộ sản xuất không thể đầu tư hạ tầng bảo đảm sản xuất đa mục tiêu.  

Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định: Mô hình sản xuất đa canh giờ không còn phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay nữa. Do vậy, xây dựng các phương án hiệu quả, bảo đảm an toàn cho sản xuất, bảo toàn tài sản, con vật nuôi cho phương thức sản xuất này là khó có tính khả thi. Diện tích đa canh bình quân mỗi hộ ở tỉnh ta chỉ có từ 0,5-0,6 ha, hộ có nhiều diện tích hơn từ 1-2 ha, số này rất ít. Sản xuất quy mô nhỏ, với nhiều đối tượng con vật nuôi trong điều kiện cơ sở hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu, nhất là về nguồn nước thì chắc chắn hiệu quả kinh tế thu được sẽ không cao. Giải pháp đặt ra chính là hình thành vùng NTTS tập trung và  đầu tư hạ tầng phù hợp (đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi). Để sản xuất chuyên canh, tập trung, quy mô lớn phải có hạ tầng đồng bộ và cần tập trung ruộng đất. Quản lý NTTS cũng phải chặt chẽ, theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có quy hoạch. Có như vậy về lâu dài, NTTS mới có nền tảng để phát triển bền vững, tránh rủi ro do thiên tai gây ra và nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Phát triển NTTS là giải pháp quan trọng đóng góp cho nông nghiệp tăng trưởng. Về lâu dài, để tiếp tục mở rộng các vùng nuôi cá thâm canh, nuôi cá tập trung, an toàn dịch bệnh theo chủ trương của ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi phương thức sản xuất và đầu tư hạ tầng cơ sở phù hợp là yêu cầu cần thiết. 

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.