Ba mũi nhọn phát triển CN - TTCN ở Thanh Liêm

Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp đến năm 2020, Huyện ủy, UBND huyện Thanh Liêm đã lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng phía tây sông Đáy, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp, mở rộng và phát triển các làng nghề. Nhờ đó, hằng năm giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy nước giải khát Number One (Thanh Liêm). Ảnh: Lương Thế

Nằm ở phía tây nam của tỉnh, huyện Thanh Liêm có nhiều lợi thế trong phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Huyện có dãy núi đá vôi với trữ lượng hàng tỷ m3, tập trung tại 5 xã, thị trấn ven sông Đáy, bao gồm: Thanh Thuỷ, Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải và thị trấn Kiện Khê.

Nhiều năm qua, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Thanh Liêm đã tập trung phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển CN – TTCN. Cụ thể, mũi nhọn thứ nhất mà huyện quan tâm đó là thu hút đầu tư vào khai thác, sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng ở khu vực phía tây sông Đáy. Qua đó, đã thu hút được 4 doanh nghiệp sản xuất xi măng, bao gồm: Công ty cổ phần xi măng Hoàng Long, Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành, Công ty cổ phần xi măng Thành Thắng GROUP và Công ty cổ phần xi măng Vissai Hà Nam.

Với tổng công suất đạt hơn 10 triệu tấn/năm và hết năm 2019, tổng công suất đạt hơn 15 triệu tấn/năm. Hiện hai Nhà máy xi măng Xuân Thành, Nhà máy xi măng Thành Thắng đang xây dựng dây chuyền 3 và Nhà máy xi măng Vissai Hà Nam đang xây dựng dây chuyền 2. Sau khi các dây chuyền trên đi vào hoạt động dự kiến đến năm 2025, công suất của các nhà máy đạt gần 26 triệu tấn/năm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất CN – TTCN của huyện.

Ngoài ra, khu vực phía tây Đáy ở Thanh Liêm còn có 80 doanh nghiệp khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, với công suất đạt hàng chục triệu m3/năm.

Ông Đinh Văn Bẩy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tân Thủy (Thanh Liêm) cho biết: Ngay sau khi Nhà nước có chủ trương cấp quyền khai thác mỏ cho các doanh nghiệp lâu dài, đơn vị đã đầu tư nâng cấp dây chuyền hiện đại, xây dựng cầu cảng ven sông Đáy, đầu tư phương tiện thủy, khai thác, chế biến đá với quy mô lớn. Nhờ đó chi phí khai thác giảm, bảo đảm an toàn cho người lao động và tiết kiệm được nguồn tài nguyên. Hơn nữa, doanh nghiệp đầu tư nhiều phương tiện đường thủy góp phần hạn chế được phương tiện đường bộ; sản phẩm sản xuất ra cung ứng tới nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực phía Bắc, đáp ứng được những đơn hàng lớn.

Để nâng cao giá trị vật liệu xây dựng, Công ty TNHH Tân Thủy còn nghiên cứu và sản xuất thành công vữa xây dựng, vữa trát tường đóng bao, sản xuất cát vàng nhân tạo, bước đầu đã được nhiều bạn hàng ở các tỉnh, thành phố tin dùng. Hiện tại, Công ty TNHH Tân Thủy còn khai thác đá thô xuất khẩu đi một số nước trong khu vực châu Á.

Bên cạnh việc khai thác thế mạnh vùng tây Đáy, huyện Thanh Liêm còn tập trung phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN),  trong đó kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp. Đây  là mũi nhọn thứ hai trong phát triển sản xuất CN – TTCN của địa phương. Đến nay, cụm công nghiệp tại các xã Thanh Lưu, Thanh Hải với quy mô 22,2 ha đã thu hút được 12 doanh nghiệp vào sản xuất, “lấp đầy” 100% diện tích. Cụm công nghiệp Kiện Khê với quy mô 78,29 ha đã thu hút một số dự án đầu tư lớn như: Nhà máy nước giải khát Number One Hà Nam, Nhà máy tôn Hoa Sen, Nhà máy sữa Nutifood, Tập đoàn Tân Á Đại Thành…

Mũi nhọn thứ ba trong phát triển CN – TTCN của huyện Thanh Liêm là tập trung phát triển các làng nghề truyền thống, khuyến khích người dân đưa nghề mới về làng. Hiện toàn huyện đã có 6 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề TTCN, 14 làng có nghề được UBND tỉnh công nhận. Hằng năm, các làng nghề đã đóng góp quan trọng vào tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. 

Theo đánh giá của các ngành chức năng, nhờ phát triển 3 mũi nhọn trên, Thanh Liêm đã khai thác được tiềm năng thế mạnh trong vùng để phát triển sản xuất CN – TTCN. Đến nay, vùng tây Đáy của huyện Thanh Liêm đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác, chế biến vật liệu xây dựng tương đối ổn định. Hằng năm, các doanh nghiệp khai thác được 7 - 8 triệu m3 đá các loại và sản xuất gần chục triệu tấn xi măng. Nghề khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng từ đá cũng chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất CN – TTCN của huyện, góp phần quan trọng giải quyết việc làm và nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp cho địa phương. 

3 năm qua, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của huyện, luôn duy trì nhịp độ tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân của Thanh Liêm đạt 9.026 tỷ đồng/năm, tăng 20,57%/năm. Các sản phẩm mũi nhọn như: vật liệu xây dựng, nước giải khát, hàng may mặc, thêu ren… ổn định và duy trì mức tăng trưởng khá.

Thời gian tới, huyện Thanh Liêm tập trung khai thác lợi thế ở địa phương để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN – TTCN. Trước hết, huyện tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng xây dựng dây chuyền sản xuất xi măng; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các loại vật liệu xây dựng từ nguyên liệu đá; tập trung xây dựng KCN Thanh Liêm để thu hút đầu tư vào địa bàn; nâng cao giá trị sản phẩm của các làng nghề… phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất CN – TTCN trên địa bàn.

Trần Hữu

Trần Thoan, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy