Người cao tuổi cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trong đại dịch?

Người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn, bệnh cảnh nặng nề hơn, điều trị kéo dài hơn với chi phí tốn kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Người cao tuổi cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trong đại dịch
Cần quan tâm người cao tuổi trong đại dịch. (Ảnh: DUY LINH)

Câu hỏi: Ông tôi năm nay đã 80 tuổi, có nhiều bệnh lý nền và ông mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine. Làm thế nào để bảo vệ được ông trong mùa dịch?

Trả lời:

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành… Trung bình, người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh.

Việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi vì họ có sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra.

Người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn, bệnh cảnh nặng nề hơn, điều trị kéo dài hơn với chi phí tốn kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. 

Theo các chuyên gia, người cao tuổi cần phải được ưu tiên tiêm vaccine phòng, chống Covid-19. Đây là biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa bệnh Covid-19 và giảm nguy cơ biến chứng nặng khi mắc Covid-19. Hầu hết các loại vaccine phòng Covid-19 đều đã được chứng minh giảm nguy cơ nhập viện và biến chứng nặng cho người cao tuổi khi mắc bệnh.

Với những diễn biến dịch bệnh phức tạp, đa phần các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng nhưng vẫn lây bệnh cho người khác. Do vậy, người cao tuổi cần phải lưu ý hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trong không gian kín.

Các chuyên gia khuyến cáo, người cao tuổi hãy ở nhà, hạn chế ra ngoài. Với những người mắc các bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành…), bệnh phổi (hen phế quản, bệnh phổi mạn tính…), đái tháo đường…nên ở nhà. Vì đây là nhóm đối tượng nếu không may bị mắc Covid- 19 thì dễ diễn biến nặng và nguy cơ tử vong cao.

Với những trường hợp bắt buộc phải ra ngoài thì cần đeo khẩu trang; Giữ khoảng cách 2m với người có biểu hiện ho, hắt hơi…; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh. Tránh đến những nơi đông người như chợ, lễ hội, đám cưới…; Đi lại bằng máy bay, tàu thủy; Tham gia phương tiện công cộng như xe buýt, tàu…

Đối với người có bệnh lý nền mạn tính, bác sĩ lưu ý không được ngưng thuốc, chuẩn bị sẵn những thuốc thường dùng để sử dụng trong thời gian lâu dài. Có thể liên hệ điện thoại với cơ sở y tế đang điều trị để trao đổi trực tiếp và được tư vấn phù hợp.

NDĐT

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.