Trần Quốc Hương - Nhân cách và kỳ tích (Phần I - IV)

Do nhu cầu công tác, một thời gian ông Khoa cố dành giờ đi học lớp dạy đánh máy chữ của bà Nguyễn Tăng Phú, một người rất sùng đạo Thiên Chúa, lại rất hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, như xây dựng “Nhà ánh sáng” và truyền bá quốc ngữ. Bà Phú cũng rất quý ông Mười Hương.

IV

Vừa ra khỏi nhà giam, đầu còn đang bị cạo trọc, ông Mười Hương vội về ngay Thị xã Phủ Lý, để cha mẹ và toàn gia đình yên lòng. Ông được người thân trong gia đình kể lại, thời gian ông bị giam giữ, mẹ ông khóc nhiều lắm. Lúc nào mẹ ông cứ như người bần thần, ngong ngóng mong con về. Cha ông bình tĩnh hơn, nhưng biết việc này khó lắm, vì dính đến chính trị, chỉ nhắc anh ông, tốn thì tốn cũng phải lo cho nó ra. Cả gia đình ai trông thấy ông cũng xót xa, mừng mừng tủi tủi.

Khoảng gần một tháng sau, ông nói với bố mẹ có việc cần lên Hà Nội. Thật ra ông là người đã bị “Nhà nước” bắt, bọn cầm quyền địa phương đã biết, chúng hay dò la, ông ở nhà vừa phiền cho gia đình và cả cho ông nữa, cho nên ông kiếm cớ ra đi.

Lên Hà Nội, ông Mười Hương đạp xe về làng Nhót (Đông Phù, Thanh Trì, quê của ông Nguyễn Thọ Chân). Được cơ sở tin cậy tại đây cho biết ông Hương (bí danh của đồng chí Hạ Bá Cang lúc đó) thỉnh thoảng có qua lại vùng này. Giữ chắc đầu mối liên lạc này, ông Mười Hương kiên trì chờ đợi. Mấy hôm sau, ông Mười Hương nhận được tin đồng chí Hạ Bá Cang cho gặp ở một cái miếu nhỏ giữa cánh đồng. Đây là lần đầu tiên ông Mười Hương được tiếp xúc với đồng chí Hạ Bá Cang, Thường vụ Trung ương Đảng.

Thấy ông Mười Hương ngả mũ chào, tóc trên đầu còn lởm chởm, đồng chí Hạ Bá Cang mỉm cười độ lượng. Đồng chí hỏi ông Mười Hương các chuyện trong nhà tủ Hỏa Lò, từ đời sống ăn, ở đến thái độ của bọn cai ngục. Ông lắng nghe rất chăm chú những hoạt động của anh em đang lúc bị giam giữ, đôi lúc tỏ ra xúc động mủi lòng thương xót anh em bị địch đánh đập, ngược đãi. Đồng chí cũng rất quan tâm đến những vụ khai báo làm vỡ cơ sở, nhất là vụ tên Trọng, tên Quát... Thời gian thưa chuyện đã khá lâu, ông Mười Hương xin phép được cáo từ. Lúc chia tay, đồng chí Hạ Bá Cang thân mật căn dặn ông Mười Hương.

-Cậu ăn mặc thế này về nông thôn dễ lộ lắm, nhất là vừa bị bắt, cậu phải cẩn thận đấy. Bây giờ hãy cứ hoạt động trong Thanh niên cứu quốc Hà Nội, rồi Đoàn thể sẽ cho người bắt liên lạc.

Thế là từ đây, theo con đường lý tưởng đã chọn, ông Mười Hương quyết tâm thoát ly gia đình, đi hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Một bước ngoặt quan trọng của đời ông. Từ đây, cuộc sống của ông gắn bó với Đảng, với phong trào yêu nước của quần chúng; ông quyết tâm theo con đường đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, con người ông thuộc về Đảng, về nhân dân.

Trở về nội thành, ông Mười Hương tiếp tục tìm kiếm, bắt liên lạc với cơ sở Đảng. Ông tìm đến nhà ông Nghiên, ở một ngõ hẻm phố Hàng Bột. Trước kia, nhà này là nơi ông Thôi Hữu và ông thường hẹn tìm gặp nhau trường hợp có “báo động đỏ”. Ông Nghiên đã bị bắt và ông Thôi Hữu lúc này cũng không biết ở đâu. Bà vợ ông Nghiên có vẻ buồn. Nhưng, nhờ qua bà, người cũng đã quen biết ông Mười Hương từ trước, ông được chỉ chỗ ở của ông Thạch.

Ông Mười Hương đến nhà ông Thạch, tên thật là Trưng, sau này có thời gian ông Thạch làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và Tổng cục Thủy sản. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông Thạch rất tích cực hoạt động trong phong trào báo chí cách mạng công khai của Đảng. Hai người gặp lại nhau rất mừng, nhưng ông Thạch cũng đang trong tình trạng mất liên lạc với Đảng, cho nên chẳng giúp gì thêm cho ông Mười Hương.

Một hôm, vào lúc Hà Nội vừa lên đèn, ông Mười Hương đóng bộ công chức có hạng đến phố Hàng Điếu. Người bạn của chủ nhà cơ sở mừng rỡ cho ông biết, thỉnh thoảng có một người quen hoạt động trong truyền bá quốc ngữ hay lui tới đây.

Vậy là vẫn có hy vọng. Cần kiên trì, ông tự nhủ như thế. Cứ vài ba hôm ông lại đến “săn tìm” và rồi ông cũng tóm được ông Nguyễn Hữu Đang, một người có tên tuổi trong Hội truyền bá quốc ngữ, đóng góp tích cực cho phong trào này. Phút gặp lại nhau rất vui, nhưng ông Nguyễn Hữu Đang cho biết vừa bị Tây tạm giữ. Chúng truy hỏi rất gắt gao, tuy chúng chưa có đủ chứng cớ để có thể bắt và bỏ tù, nhưng chúng vẫn thường xuyên dính đuôi theo dõi. Nét mặt có vẻ buồn, ông Nguyễn Hữu Đang nói:

-Tao đang tính chuyện “lặn” một thời gian đi nơi khác, cho nên lúc này cũng không muốn liên hệ với thằng nào cả. Tình hình này đang khó khăn, địch lùng bắt dữ quá, đợi yên yên một chút hãy hay. Nhưng, sao mày không tìm, móc với thằng Khoa, Phó Trưởng Ban vận động Truyền bá quốc ngữ của tao trước đây, chuyên tổ chức các cuộc vui lấy tiền mua giấy bút, sách vở cho học sinh nghèo. Khoa nó tháo vát lắm đấy và là người tin cậy, hiện nó đang dạy tiếng Pháp ở trường Tàu, phố Hàng Buồm.

Chiều hôm sau, ông Mười Hương đóng bộ, đầu đội khăn xếp, mặc áo the dài, đi giầy chững chạc, tìm đến chỗ ở của ông Phạm Văn Khoa.

Hai người biết nhau khi ông Mười Hương tham gia dạy truyền bá quốc ngữ và đã có những buổi họp chung của phong trào với nhau. Không biết có gì hợp nhau không, nhưng ông Mười Hương cảm thấy ông Khoa thích ông, mến ông. Tính tình ông Khoa cởi mở, rất hòa nhã, thẳng thắn, nhưng cũng rất năng động, sôi nổi, giao du quen biết nhiều với tất cả các tầng lớp xã hội, nhất là giới văn nghệ sĩ, bản thân ông Khoa cũng có năng khiếu văn nghệ. Nhờ thạo tiếng Pháp, lại giỏi cả tiếng bạch thoại (Quảng Đông, Trung Quốc), cho nên ông Khoa xin được chân dạy tiếng Pháp ở trường Tàu được gần một năm nay. Ông Khoa được Ban Giám hiệu nhà trường trả lương cao. Một tham biện, công chức chính ngạch, lúc bấy giờ mỗi tháng được lĩnh bốn mươi nhăm đồng Đông Dương, vậy mà lương của ông Khoa được nhà trường trả tới một trăm sáu mươi đồng.

Sau này, biết ông Phạm Văn Khoa đã tham gia một đoàn thể cách mạng, đã qua thời gian thử thách, ông Khoa là thanh niên có tâm huyết với nhiều đức tính tốt, một người say mê hoạt động sân khấu, ông Mười Hương đã giới thiệu ông Khoa vào Đảng Cộng sản Đông Dương cùng một ngày với ông Nguyễn Văn Mỹ có lúc làm Bí thư Ban Cán sự Tỉnh ủy Bắc Giang.

Do nhu cầu công tác, một thời gian ông Khoa cố dành giờ đi học lớp dạy đánh máy chữ của bà Nguyễn Tăng Phú, một người rất sùng đạo Thiên Chúa, lại rất hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, như xây dựng “Nhà ánh sáng” và truyền bá quốc ngữ. Bà Phú cũng rất quý ông Mười Hương.

Sau khi gặp được ông Khoa, ông Mười Hương bớt lo về mặt sinh hoạt đời sống hàng ngày và có điều kiện tiếp tục giao lưu làm quen với giới văn nghệ sĩ. Song thuận lợi cho ông Mười Hương bao nhiêu, thì lại gây khó cho ông Khoa bấy nhiêu. Vì ông Mười Hương mà ông Khoa bị mang tiếng oan.

Chẳng là một buổi sáng sớm, khi ông Mười Hương chia tay với ông Khoa ở góc phố thì người tùy phái nhà trường ở cùng ký túc xá với ông Khoa cũng vừa thức dậy, trông thấy tà áo the dài của ông Mười Hương đi khuất vào ngõ hẻm, ông ta tưởng rằng đó là một người con gái, do đó ông loan tin ông Phạm Văn Khoa đưa vợ vào ngủ qua đêm ở ký túc xá. Kỷ luật nhà trường rất nghiêm, ký túc xá chỉ dành riêng cho những người chưa lập gia đình. Trước tin đồn ấy, ông Khoa cảm thấy ngượng với bạn bè giáo viên nhà trường. Nhưng thật khó cải chính tin thất thiệt đó!

Mấy hôm sau, ông Mười Hương đến thăm ông Đỗ Xuân Hạc (em luật sư Đỗ Xuân Sảng), một huynh trưởng Hướng đạo, cùng trong tổ chức Thanh niên thành Hoàng Diệu, cùng bị bắt một đợt với ông, nhưng được tha. Qua ông Hạc, ông Mười Hương gặp lại ông Vũ Quý, một huynh trưởng Hướng đạo mà ông Mười Hương rất ngưỡng mộ và quý về tài năng cũng như đức độ. Ông Quý coi ông Mười Hương là bạn vong niên, vì ông Quý hơn đến bảy, tám tuổi. Quê ông Vũ Quý ở xã Cống Mỹ, huyện An Dương, tỉnh Kiến An (nay thuộc ngoại thành Hải Phòng). Ông Mười Hương coi ông Vũ Quý là người anh lớn, một thời là thần tượng của ông Mười Hương, không chỉ trong Hướng đạo, trong Truyền bá quốc ngữ mà cả trên bước đường chập chững đi vào hoạt động cách mạng của ông. Gia đình ông Vũ Quý rất nghèo, mới học xong tiểu học, vừa rời ghế nhà trường, ông đã phải đi làm thợ phụ cho xưởng sửa chữa xe ô tô thuộc Công ty vệ sinh Hải Phòng. Chính nhờ lăn lộn với trường đời, từ trước thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông Vũ Quý đã được ông Lương Khánh Thiện lúc bấy giờ làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, dìu dắt và kết nạp vào Đảng Cộng sản. Vóc người tầm thước, chắc nịch, da ngăm đen, ông Vũ Quý say mê các môn thể dục, thể thao, nhất là môn bơi, ông bơi rất giỏi. Biết mình học còn kém, ông kiên trì tự học về văn hóa, trau dồi đủ các kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, lại có hiểu biết cả về khoa chiêm tinh. Ông Mười Hương trọng nể và mến ông Vũ Quý về tính trung thực, nhất quán về lời ăn tiếng nói đến việc làm; lối sống giản dị, chan hòa và tôn trọng với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với lứa trẻ kém tuổi mình. Địa bàn hoạt động quen thuộc của ông là Hải Phòng, từ thành phố đến các vùng ngoại thành xa, nhất là vùng dân chuyên trồng thuốc lào mà ông hay đến trên chiếc xe tải chở phân bón. Ông Vũ Quý đã vận động được nhiều thanh niên thuộc các tầng lớp xã hội, nhất là giới văn hóa, văn nghệ Hải Phòng, lôi cuốn họ tham gia hoạt động từ Hướng đạo, Truyền bá quốc ngữ sang phong trào Việt Minh.

Khi gặp ông Mười Hương, ông Vũ Quý cho biết, gần đây hoạt động của ông ở Hải Phòng có thể đã bị lộ. Mật thám Tây và tay sai ở Hải Phòng luôn bám riết, săn đuổi ông. Một lần chúng đã ập đến khám xét nhà ông, bắt người anh trai trông bề ngoài rất giống ông. Chúng hý hửng tưởng đã tóm được Vũ Quý, là người chúng đang truy tìm. Sau chúng biết là lầm, nhưng chúng vẫn ra lệnh cho tay sai tra tấn rất dã man, đánh đến chết người anh của ông Vũ Quý ngay tại phòng hỏi cung.

Lần này, ông Vũ Quý với tư cách là cán bộ chủ chốt của Ban Cán sự Thành ủy Hải Phòng, lên Hà Nội để họp hội nghị do Xứ ủy triệu tập.

Ông Mười Hương vô cùng mừng rỡ gặp lại ông Vũ Quý, tâm sự hàn huyên với ông Quý mọi chuyện, từ khi bị bắt, ở trong tù, đến lúc được tha ra như thế nào, kể cả việc đã được gặp đồng chí Hạ Bá Cang. Nhưng hiện thời chờ đợi rất sốt ruột, chưa được tổ chức Đảng giao một công tác cụ thể nào.

Thế là ông Vũ Quý sốt sắng nhận giúp ông Mười Hương chắp mối với đồng chí Lê Quang Đạo, lúc này đang làm Bí thư Ban Cán sự Thành ủy Hà Nội và là Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, ông Vũ Quý sẽ gặp trong cuộc họp sắp tới. Thật vô cùng may mắn cho ông Mười Hương!

Cũng cần nói ở đây, lúc gần Tổng khởi nghĩa, ông Vũ Quý được Trung ương điều lên phụ trách Hà Nội, chính ông Vũ Quý đã tìm gặp nhạc sĩ Văn Cao để yêu cầu nhạc sĩ làm một bài hát cho một khóa quân chính sắp mở ở chiến khu. Nhạc sĩ Văn Cao nhận lời và sau đó đã đưa nộp cho ông Vũ Quý bài Tiến quân ca. Ông Vũ Quý rất hài lòng và bài hát đó đến Đại hội quốc dân ở Tân Trào tháng Tám 1945, đã được nhất trí chọn làm bài Quốc ca của nước ta cho đến nay.

Chắc là đã xin ý kiến của các đồng chí Trường Chinh và Hạ Bá Cang, mấy ngày sau, qua sự thu xếp của ông Vũ Quý, đồng chí Lê Quang Đạo tiếp ông Mười Hương tại nhà một cơ sở cách mạng là gia đình anh Dương Đình Hợi, người treo cờ với ông Mười Hương, có bố làm nghề thầu khoán. Anh Hợi bị Pháp bắt với ông Mười Hương. Khi ra tòa, Pháp kết án anh Hợi tù 20 năm và đưa đi giam ngoài Côn Đảo. Kỷ niệm này khó quên là vì, sau này vào hoạt động ở miền Nam, ông Mười Hương biết anh Hợi sau Cách mạng Tháng Tám được rước về, Xứ ủy phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Gò Công, lấy bí danh là Hợp. Năm 1948, một lần trên đường về Khu Tám họp, anh Hợi bị lính Pháp phục kích bắn chết cùng với người giao thông ở Hóc Dùng, cách thị xã Mỹ Tho khoảng 4 kilômét, có con rạch chảy ra sông Bảo Định. Cán bộ và nhân dân địa phương chôn anh Hợi ở nghĩa trang Hóc Dùng, sau thắng lợi 1975, đưa về nghĩa trang Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang.

Ông Mười Hương báo cáo mọi chuyện với đồng chí Lê Quang Đạo. Sau đó mấy ngày, đồng chí Lê Quang Đạo giới thiệu cho ông Mười Hương đi học một lớp chính trị ngắn ngày cho cán bộ, đảng viên, do Xứ ủy mở ở địa phận làng Đình Bảng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, quê của đồng chí Lê Quang Đạo. Vùng này cũng nằm trong ATK của Trung ương.

Một bữa, đồng chí Lê Quang Đạo cho ông Mười Hương biết, ông đã báo cáo với đồng chí Trường Chinh về chuyện ông Mười Hương đã ra khỏi tù và đang theo lớp học do Xứ ủy tổ chức. Ông Mười Hương nhớ đến hai lá thư của nhóm trung kiên nhà tù Hỏa Lò vẫn còn đang giữ. Ông liền nói với đồng chí Lê Quang Đạo và nhờ đồng chí Lê Quang Đạo chuyển hai lá thư đó tới Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Tan lớp học, ông Mười Hương được Xứ ủy Bắc kỳ bố trí tham gia Ban Cán sự Tỉnh ủy Phúc Yên, phụ trách địa bàn từ thị trấn Hương Canh đến huyện Tam Dương, giáp chân dãy núi Tam Đảo và thị xã Vĩnh Yên.

Một thời gian sau, quãng cuối tháng 6/1943, ông Mười Hương nhận được tin, đồng chí Trường Chinh cho gặp. Người giao liên do đồng chí Trường Chinh phái đi tìm ông Mười Hương chính là bà Ngôn, còn có tên là Lịch, vợ ông Lê Dung, sau này có lúc làm Công tác Đội bên Chính phủ. Bà vốn là người Hà Nam cùng quê với ông Mười Hương, sớm thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, đã tham gia Ban Cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên và ở trong Công tác đội, trước ông Mười Hương.

Ngày giờ, địa điểm, mật hiệu mà đồng chí Trường Chinh căn dặn, ông Mười Hương thầm nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Cứ tưởng mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ. Nào ngờ, đêm trước ngày hẹn, ông Mười Hương ngủ một giấc thật ngon lành, tỉnh dậy ra đến ga thì tàu hỏa đã chuyển bánh rồi. Thế là lỡ tàu. Thật là buồn. Câu chuyện nhớ đời, không bao giờ quên. Đúng mười năm sau, trong một lớp Chỉnh Đảng ở Việt Bắc đồng chí Trường Chinh còn nhắc chuyện đó với ông Mười Hương.

Một tuần sau, vẫn bà Ngôn được phái đến tìm ông Mười Hương. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này ông Mười Hương không dùng tàu hỏa mà mượn một chiếc xe đạp tốt, chuẩn bị săm lốp thật chu đáo. Suốt đêm ấy, ông Mười Hương không sao ngủ được. Vậy mà sớm tinh mơ hôm sau, vẫn tỉnh táo, gò lưng đạp hơn hai mươi cây số, tới nơi trước giờ hẹn.

Bữa ấy, ở đền thờ Hai Bà Trưng, làng Hạ Lôi (Phúc Yên), ngay phút gặp đầu tiên, ông Mười Hương đã thành thật trình bày với đồng chí Trường Chinh vì sao lần trước lỗi hẹn và ông Mười Hương lấy làm xấu hổ vì chuyện lỡ hẹn này.

Thấy ông Mười Hương thành khẩn nhận khuyết điểm, đồng chí Trường Chinh vui vẻ bỏ qua chuyện đó. Suốt một buổi, từ bảy giờ sáng cho đến quãng trưa, đồng chí Trường Chinh hỏi ông Mười Hương đủ chuyện và lắng nghe ông Mười Hương trình bày. Đối với ông Mười Hương, đó là một cuộc sát hạch thật nghiêm túc của một người thầy đáng kính, lớn hơn ông nhiều cái đầu. Ông Mười Hương nhớ mãi một câu hỏi đột ngột của đồng chí Trường Chinh:

-Người nông dân làm cách mạng để có ruộng đất. Anh công nhân làm cách mạng để có nhà máy. Còn cậu, học sinh con nhà giàu, làm cách mạng để có được cái gì?

Không một chút đắn đo, ông Mười Hương trả lời ngay:

-Thanh niên học sinh như chúng em đi thoát ly hoạt động cách mạng là do lòng yêu nước, muốn sống vì lý tưởng cao đẹp, để biết yêu cái gì, đấu tranh gìn giữ cái gì, ghét cái gì và chống cái gì.

Nở một nụ cười đôn hậu, đồng chí Trường Chinh gật đầu, tỏ ý hài lòng.

Ông Mười Hương rất vui mừng thấy đồng chí Trường Chinh hỏi rất kỹ và lắng nghe ông Mười Hương nói về tình hình mọi mặt của Hà Nội, mà đồng chí Trường Chinh biết ông Mười Hương khá thông thạo. Cũng từ buổi đó, đồng chí Trường Chinh thường gọi ông Mười Hương là “thổ công” Hà Nội.

Và ngay buổi trưa hè nắng gắt đó, ông Mười Hương dùng xe đạp chở đồng chí Trường Chinh trên đường về hướng Hà Nội. Đồng chí Trường Chinh bảo ông Mười Hương không đi theo đường nhựa, mà men theo đường đất ven sông, đến gần bến đò trạm Trôi, nằm trên đường Hà Nội – Sơn Tây, thì đồng chí Trường Chinh chia tay với ông Mười Hương.

Đến lần gặp sau, ở bên bờ sông Hồng, đồng chí Trường Chinh vui vẻ báo cho ông Mười Hương, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định rút ông Mười Hương khỏi Ban Cán sự Tỉnh ủy Phúc Yên để nhận công tác mới. Lúc bấy giờ ông Mười Hương cũng chưa rõ mình sẽ nhận nhiệm vụ cụ thể gì.

Mấy hôm sau, bà Ngôn đến gặp và bảo ông Mười Hương thu xếp, theo bà sang Sù, Gạ (Phú Xá, Phú Thượng), bây giờ thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Chính tại đây, đồng chí Trường Chinh phân công ông Mười Hương về Công tác Đội ở An Toàn Khu của Trung ương.

(Còn nữa)

Trần Giang

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy