Ý nghĩa của chiếc ghế gãy đối diện trụ sở LHQ

Chiếc ghế 3 chân đứng vững vàng là biểu tượng cho nghị lực và phẩm giá của người khuyết tật vì các tai nạn bom mìn.

Đối diện trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở Geneva là quảng trường Place des Nations, nơi đặt một chiếc ghế khổng lồ bị gãy mất một chân. Chiếc ghế gãy này có tên là Broken Chair.

Vào thời điểm Broken Chair ra đời, LHQ đang kêu gọi các nước thành viên ký kết hiệp ước cấm mìn sát thương, còn có tên là Hiệp ước Ottawa. Để kêu gọi các quốc gia ký kết, Tổ chức giúp đỡ người tàn tật quốc tế Handicap International ủy thác cho nhà điêu khắc Thụy Sĩ Daniel Berset tạo nên một tác phẩm nhằm thu hút sự chú ý của dư luận tới những nạn nhân của mìn sát thương.

Chiếc ghế gãy chân là ý tưởng ban đầu của Paul Vermeulen, đồng sáng lập Handicap International tại Thụy Sĩ. Công trình do Handicap International tài trợ. Nó gồm hai phần có thể tháo rời. Ảnh: Geneva Tourism.

Berset đã dựng lên một chiếc ghế bằng gỗ thông Mỹ, cao 12 m và nặng 5,5 tấn với một chiếc chân gãy. Nó được đặt trên quảng trường Place des Nations vào tháng 8/1997, như lời nhắc nhở công chúng nhớ tới hình ảnh các nạn nhân vĩnh viễn bị mất đi một phần cơ thể trong các tai nạn bom mìn. Hai năm sau đó, Hiệp ước Ottawa bắt đầu có hiệu lực, đến nay có hơn 160 quốc gia là thành viên của hiệp ước và đã gỡ bỏ, phá hủy hơn 48 triệu quả mìn.

Ban đầu, chiếc ghế gãy được lên kế hoạch trưng bày tại quảng trường trong 3 tháng. Tuy nhiên, nó đã đứng vững ở đây trong suốt 20 năm. Năm 2005, chiếc ghế được di dời để cải tạo lại quảng trường và được đưa về vị trí cũ vào năm 2007. Sự hiện diện của chiếc ghế gãy trong quảng trường đối diện trụ sở LHQ như một lời nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm của họ trong việc phản đối những điều không thể chấp nhận trong xã hội và hành động.

Tháng 4/2016, Handicap International quyết định gửi gắm thêm cho Broken Chair thông điệp mới. Tới nay nó là hiện thân cho tiếng kêu cứu tuyệt vọng của những nạn nhân chiến tranh thế khắp thế giới. Chiếc ghế còn là lời nhắc nhở tới các quốc gia trên thế giới phải bảo vệ và cứu trợ những nạn nhân của chiến tranh.

Trụ sở LHQ ở Geneva nằm ở tòa nhà Palais des Nations, 1211 Genèva, Thụy Sĩ. Giao thông từ sân bay Geneva đến trung tâm thành phố rất thuận tiện, vài phút lại có một chuyến xe bus hoặc xe điện. Du khách có thể mua vé xe tại các quầy cạnh trạm xe điện, bus hoặc tại Văn phòng Giao thông Geneva nằm ở tầng trệt nhà ga trung tâm Cornavin.

Trụ sở LHQ đón 100.000 du khách mỗi năm, tới tham quan Phòng nhân quyền, Hội trường, Phòng hội đồng... cũng như xem một bộ phim về các hoạt động, mục tiêu... của LHQ. Các hướng dẫn viên sẽ thuyết trình cho du khách về các hoạt động hiện tại của LHQ và lịch sử của Palais des Nations.

Trụ sở LHQ được coi như một biểu tượng của hòa bình tại Thụy Sĩ. Ảnh: Zicasso.

Để vào tham quan Palais des Nations, bạn có thể phải đứng xếp hàng để mua vé vào cổng khá lâu, và cần mang theo hộ chiếu. Bạn sẽ được phát một thẻ an ninh và phải đeo nó trong suốt chuyến tham quan.

Giờ mở cửa: 9h30-11h45 (các buổi sáng); 13h30-15h45 (các buổi chiều), từ thứ hai đến sáu, từ tháng 1-3 và 10-12 (ngoại trừ ngày 12/10/2019). Giá vé: 15 CHF (hơn 350.000 đồng) với người lớn, 10 CHF (gần 240.000 đồng) với khách 6-18 tuổi, 13 CHF (305.000 đồng) với sinh viên.

Theo VnExpress

Trương Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy