Bí ẩn "hố thiên đường" sâu nhất thế giới ở Trung Quốc

Miệng hố sâu nhất thế giới là nơi sinh sống của một số loài thực vật và động vật quý hiếm.

Bí ẩn hố thiên đường sâu nhất thế giới ở Trung Quốc
Hố sụt Xiaozhai ở Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia).

Được các chuyên gia phát hiện lần đầu tiên vào năm 1994, hố sụt Xiaozhai (còn gọi là hố thiên đường) đến nay vẫn là hố sâu nhất thế giới.

Vị trí của hố nằm ở quận Phụng Tiết, thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc). Hố có đường kính khoảng 537 mét, sâu từ 511 - 662 mét.

Với những vách đá gần như dựng đứng, hố sụt ước tính hấp thụ khoảng 119.349 triệu mét khối nước khi xảy ra những trận mưa lớn.

Theo lời những người kể lại, miệng hố khi ấy giống như một dòng thác đổ xuống phía sau những bức tường. Điều này khiến cho việc khám phá hố sụt, cũng như tìm hiểu cấu trúc sinh vật bên dưới trở nên khó khăn.

Cho tới nay, "thế giới ngầm" bên dưới miệng hố vẫn còn nhiều bí ẩn với các nhà khoa học.

Hệ thực vật phong phú dưới vực sâu

Theo các nhà nghiên cứu, hang Difeng nằm trên đỉnh hố sụt được hình thành bởi một con sông ngầm chảy xiết.

Con sông này chạy dài khoảng 8,5 km, và hiện có thể được quan sát thấy bên dưới miệng hố, nơi nó mang dòng nước qua suốt qua các hệ thống hang động bên trong.

Nhờ được cung cấp lượng nước dồi dào, hệ thực vật bên dưới miệng hố cũng vô cùng phong phú.

Bí ẩn hố thiên đường sâu nhất thế giới ở Trung Quốc
Bên dưới hố sụt là cả một hệ thực vật phong phú, độc đáo (Ảnh: BBC).

Theo Iflscience, hiện có 1.285 loài thực vật đã được phát hiện ở độ sâu của hố sụt Xiaozhai, tạo nên hệ sinh thái phong phú, độc đáo và quý hiếm.

Trong đó, cá biệt có Ginkgo biloba, một loại cây quý hiếm chỉ có thể được tìm thấy trong hố.

Ngoài ra, đây cũng là nơi sinh sống của các loài động vật quý hiếm như báo gấm, ước tính chỉ còn ít hơn 10.000 con trong tự nhiên.

Hố Xiaozhai nằm trong một khu vực núi đá vôi rộng lớn, khiến cho cấu trúc đá vôi Triassic được tìm thấy tại hầu hết nơi miệng hố.

Theo các nhà nghiên cứu, hố Xiaozhai được cho là đã hình thành trong ít nhất 128.000 năm qua. Dẫu vậy, đây vẫn là con số tương đối thấp so với các hố sụt khác trong khu vực.

Nhiều "hố thiên đường" tại Trung Quốc

Trên thế giới, Trung Quốc hiện là nơi có nhiều hố sụt nhất, thường được biết đến với tên gọi là "tiankeng" (hay hố thiên đường).

Đây là từ được dùng để chỉ một nhóm cấu trúc địa chất rất cụ thể, bao gồm độ sâu và rộng ít nhất 100 mét, cũng như bao gồm một dòng sông chảy qua ở khu vực đáy.

Hầu hết các hố thiên đường trên thế giới đều bao gồm đá cacbonat, ngoại trừ 2 cấu trúc cá biệt ở Venezuela với đá sa thạch.

Theo các nhà khoa học, chúng được hình thành thông qua quá trình Karst, hay còn được biết đến như hiện tượng phong hóa đặc trưng của những khu vực núi đá vôi bị nước làm xói mòn.

Dẫu vậy, các điều kiện cần thiết để hình thành một "tiankeng" là rất đặc trưng, khiến cho những cấu trúc địa chất dạng này trở nên tương đối hiếm gặp.

Cụ thể, cấu trúc này yêu cầu lớp đất đá phải ở trên mực nước biển, và đủ dày để không bị trộn lẫn lớp tạp chất.

Hiện trong số 75 hố thiên đường được xác định, có hơn 50 hố lớn nhất được tìm thấy ở Trung Quốc.

Theo dantri.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy