Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều

Công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Trong từng giai đoạn, cùng với hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành đồng bộ, toàn diện, đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là chương trình) đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội. Tuy nhiên, để chương trình có hiệu quả thực chất, tác động sâu đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, các cấp ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Xác định chỉ tiêu giảm nghèo phù hợp với thực tế

Tính đến hết tháng 11, toàn tỉnh ước tính còn gần 8.000 hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giai đoạn 2021-2025. Trong số này, 70% là hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Mục tiêu của chương trình đặt ra giai đoạn này của tỉnh là hạn chế tái nghèo, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các địa bàn còn có tỷ lệ nghèo cao, khu vực nông thôn; tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; tạo việc làm đầy đủ, giảm bất bình đẳng trong xã hội hướng đến những người yếu thế trong xã hội, góp phần phát triển hệ thống kinh tế - xã hội của tỉnh. Số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 phấn đấu giảm từ 60% đến 65% so với kết quả rà soát hộ nghèo đầu kỳ theo tiêu chí mới của Chính phủ. Hằng năm, các địa phương xây dựng kế hoạch rà soát hộ nghèo, cận nghèo định kỳ bảo đảm chính xác, khách quan, đúng tình hình thực tế.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều

Phân loại từng nhóm hộ nghèo: Nghèo thu nhập, nghèo thiếu hụt, nhóm hộ nghèo bảo trợ xã hội, để có giải pháp giảm nghèo phù hợp. Những hộ nghèo thuộc diện nghèo bảo trợ xã hội, không có khả năng lao động, không nguồn thu nhập, được lập danh sách theo dõi riêng và xây dựng chính sách hỗ trợ riêng. Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, các địa phương  cần tích cực vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nhận hỗ trợ người nghèo, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao gắn với địa chỉ cụ thể. Hằng năm, các địa phương tổ chức cho các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, nhu cầu hỗ trợ để thoát nghèo. Giữa giai đoạn và cuối giai đoạn tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết biểu dương, khen thưởng những tấm gương thoát nghèo tiêu biểu.

Theo ông Trần Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo trợ và Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) để triển khai chương trình, tỉnh đã dự kiến huy động chi khoảng 37 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương là 20 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương là 3 tỷ đồng, còn lại là các nguồn khác. Cơ cấu phân bổ nguồn vốn cho từng nội dung hỗ trợ, thực hiện giao kế hoạch trung hạn 5 năm (không giao từng năm) để địa phương chủ động trong việc triển khai kế hoạch thực hiện.

Nhìn lại kết quả giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh cho thấy, các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa và lồng ghép từ các chính sách dạy nghề, xây dựng NTM với số tiền trên 23 tỷ đồng, các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ; cơ bản bao phủ được số hộ nghèo, người nghèo và địa bàn xã còn khó khăn, người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Các chính sách, giải pháp giảm nghèo được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống, đến tận cơ sở, từng hộ gia đình, mở ra cơ hội cho hàng trăm người nghèo, cận nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều
Người nông dân xã NTM kiểu  mẫu Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) tin tưởng không thể tái nghèo khi họ đang có việc làm và thu nhập ổn định từ các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.

Các mô hình, dự án giảm nghèo tiếp tục được triển khai hiệu quả trong giai đoạn mới như: nuôi bò vàng sinh sản, nuôi gà, gia cầm... đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo sinh kế, tăng thu nhập, làm cho người dân có việc làm ổn định. Những xã như: Nhân Thịnh, Hợp Lý, Chân Lý, Xuân Khê, Trần Hưng Đạo (huyện Lý Nhân); Trịnh Xá, Tiên Hải (TP Phủ Lý); xã Thanh Hải (huyện Thanh Liêm); xã Vũ Bản (huyện Bình Lục), đã có gần 200 hộ nghèo được hỗ trợ bò để tạo sinh kế với số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ dành cho mỗi xã 300 triệu đồng/năm. Tổng kinh phí thực hiện 10 dự án phát triển đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng và 4 mô hình nhân rộng về giảm nghèo do Sở LĐ-TB&XH thực hiện với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng trong hai năm 2018-2019 đã đáp ứng yêu cầu đề ra trong kế hoạch, phát huy được hiệu quả, giúp các hộ dân tham gia có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn này giảm từ 5,81% xuống còn 1,84%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 4,8% xuống còn 2,74%.

Tuy nhiên, mức chuẩn nghèo còn thấp, có nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Hộ nghèo chưa được đầu tư bền vững, không có nền tảng nghề nghiệp vững chắc mặc dù đã được hưởng các chương trình, chính sách ưu đãi và được tạo điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ đã vượt qua chuẩn nghèo, nhưng thu nhập không bảo đảm trang trải cuộc sống; nguồn kinh phí chi cho việc tổ chức các hoạt động thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ. Ông Trần Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo trợ và phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng: Để xác định tiêu chí nghèo và đưa ra chỉ tiêu nghèo cần phải căn cứ vào tình hình thực tế khi các địa phương cùng một lúc vừa thực hiện giảm nghèo đa chiều và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Mấy năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế của nhân dân, nhất là doanh nghiệp. Việc làm và thu nhập của công nhân cũng có những tác động nhất định, trong khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng nhanh. Với mức thu nhập ít ỏi, người nghèo, người mới thoát nghèo khó có thể bảo đảm cuộc sống.

Khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Hà Nam sẽ thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo để triển khai thực hiện trong giai đoạn tới, đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm theo chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý chương trình giảm nghèo bền vững, coi công tác cán bộ quản lý chương trình ở các cấp là nhiệm vụ quan trọng có tính quyết định sự thành công của chương trình.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều

Đặc biệt, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức hội đoàn thể và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phát huy sự chủ động của các địa phương và vai trò chủ thể, ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của cộng đồng, người dân, từng bước chuyển từ hỗ trợ trực tiếp đến hộ dân, hỗ trợ nhỏ lẻ sang hỗ trợ mô hình sản xuất tập trung, trang trại, hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng dùng chung phục vụ trực tiếp cho phát triển sản xuất.

Tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách, các nội dung, tiến độ triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến mọi tầng lớp nhân dân để người dân hiểu rõ và đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, giáo dục ý thức tự vươn lên giảm nghèo, chống tư tưởng ỷ lại, đồng thời hướng dẫn cho người nghèo có nhận thức đúng, biết tận dụng các cơ hội để giảm nghèo và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều

Mục tiêu, giải pháp đặt ra như vậy, nhưng thực tế từ năm 2021 đến nay, nguồn kinh phí cho công tác giảm nghèo của tỉnh còn cầm chừng do phải tập trung nguồn lực chống dịch Covid-19. Dù vậy, người nghèo vẫn là đối tượng hướng tới trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như khi thực hiện triển khai các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 42, Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 của Chính phủ… Ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định: Dù trực tiếp hay gián tiếp, người dân có mức sống thấp, gặp khó khăn trong cuộc sống do dịch bệnh Covid-19 vẫn được nhận hỗ trợ và sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Hà Nam tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, các chính sách tín dụng ưu đãi cho các nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2022, Hà Nam bắt đầu thực hiện tự chủ về ngân sách, việc huy động nguồn lực từ Trung ương cho công tác giảm nghèo sẽ hạn chế. Hà Nam đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ xem xét ban hành chính sách trợ cấp cho hộ nghèo yếu thế không có khả năng thoát nghèo (là những hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, ốm đau, bệnh nặng không có khả năng lao động), hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công để thoát nghèo.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, theo ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể cần tiếp tục lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương ái, phát huy nội lực cũng như sự vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều

P.V: Thưa ông, thực hiện Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh đã có những hoạt động thiết thực, nổi bật gì?

Ông Vũ Hồng Sơn: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022, bám sát mục đích, yêu cầu theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Trước hết,  thông qua các hoạt động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và hành động tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; vận động nguồn lực ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, cùng với ngân sách nhà nước, nhằm tăng thêm nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và toàn xã hội cùng chăm lo, giúp đỡ người nghèo cải thiện cuộc sống. Các hoạt động có sự phối hợp thống nhất giữa Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh với các ban, ngành, tổ chức thành viên của MTTQ để tránh chồng chéo trong công tác vận động và triển khai hỗ trợ cho hộ nghèo.

P.V: Từ việc thực hiện Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, chúng ta đã huy động được một nguồn lực tương đối lớn, phục vụ cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh khá tích cực. Vậy, ông có thể trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Vũ Hồng Sơn: Kết quả công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh thời gian qua không chỉ tạo ra nguồn lực tài chính hỗ trợ trực tiếp, hiệu quả cho người nghèo trong tỉnh; mà hơn thế nữa đã khơi dậy và lan tỏa trong xã hội tình yêu thương con người, kết nối những tấm lòng thơm thảo đến với người nghèo trong tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, số tiền các tập thể, cá nhân quyên góp, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” đạt gần 28,1 tỷ đồng. Với kinh phí này, Hà Nam đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho người nghèo trên địa bàn tỉnh như: tặng quà Tết cho người nghèo trên 12,7 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 385 nhà đại đoàn kết cho người nghèo với tổng số tiền là 16,25 tỷ đồng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều
Ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Hà Nam về công tác giảm nghèo của tỉnh.

P.V: Hà Nam đang thực hiện các hoạt động này theo đúng tinh thần Chỉ thị 05 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, thưa ông?

Ông Vũ Hồng Sơn: Đúng là như vậy. Tính đến hết tháng 11/2022, áp theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh ước còn 7.890 hộ nghèo, giảm 0,89% so với năm 2021, trong đó có những địa phương giảm sâu như: Kim Bảng giảm 1,55%, Lý Nhân giảm 1,73%, Bình Lục giảm 1,2%. Số hộ cận nghèo cũng đã giảm còn trên 7.800 hộ, tức là giảm 0,76% so với năm 2021. So với mục tiêu đặt ra, tỷ lệ giảm nghèo của chúng ta vượt chỉ tiêu. Theo Chỉ thị 05 của Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cần tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo. Hà Nam đã và đang thực hiện những dự án, mô hình giảm nghèo khá hiệu quả.

P.V: Nguồn lực cho giảm nghèo ở Hà Nam cần được huy động tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Theo ông, cần có những giải pháp trọng tâm gì?

Ông Vũ Hồng Sơn: Hoạt động vì người nghèo là hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phát huy bản chất tốt đẹp của dân tộc, được thực hiện xuyên suốt tại các địa phương trong tỉnh và thành đợt cao điểm từ 17/10 đến 18/11 hằng năm, bảo đảm mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều

 MTTQ các cấp cùng với các tổ chức thành viên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trong các tầng lớp nhân dân. Nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta để xây dựng ý thức tự giác giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; để mọi người, nhà và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều thấy rõ trách nhiệm cùng chung tay để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo bằng những việc làm thiết thực và thực hiện một cách thường xuyên, chứ không phải chỉ trong những đợt cao điểm “Vì người nghèo”.

MTTQ cần thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa những tấm lòng nhân ái với người nghèo. Tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền và sự nỗ lực vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Tổ chức nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm huy động mọi nguồn lực về vật chất và tinh thần giúp đỡ người nghèo.

Để tránh chồng chéo trong công tác vận động và triển khai hỗ trợ cho hộ nghèo, việc triển khai các hoạt động “Vì người nghèo” cần phải có sự phối hợp thống nhất giữa ban thường trực ủy ban MTTQ các cấp với các ngành, các tổ chức thành viên. Dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác tiếp nhận, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo”. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc vận động, hỗ trợ người nghèo thông qua chương trình an sinh xã hội tại địa phương.

Ngoài việc tổ chức các hoạt động như: thăm hỏi, tặng quà, hiện vật, sửa chữa nhà ở, xây nhà Đại đoàn kết… cần tập trung theo hướng hỗ trợ "cần câu" như: hỗ trợ về vật tư sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi… để tránh hiện tượng trông chờ ỷ lại và khơi dậy được tinh thần tự giác, tạo động lực giúp các hộ nghèo tìm sinh kế lao động sản xuất, để phấn đấu, vươn lên thoát nghèo bền vững…

 P.V: Xin cảm ơn ông!

Nội dung: Chu Uyên

Ảnh: Chu Uyên

Thiết kế: Quốc Khánh

Trương Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.