Đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống

Đưa Nghị quyết 57NQTW vào cuộc sống

Đưa Nghị quyết 57NQTW vào cuộc sốngThực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Chương trình hành động cụ thể, phù hợp và sát với thực tiễn; nêu rõ mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu tổng quát: Tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tập trung phát triển kinh tế số, xã hội số dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm các tỉnh có thu nhập khá; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức khá của cả nước. Đóng góp bình quân của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới, sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Hạ tầng số tiên tiến, hiện đại, dung lượng lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các tỉnh phát triển trong cả nước; từng bước ứng dụng có hiệu quả một số công nghệ chiến lược, công nghệ số. Thực hiện quản lý nhà nước trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt trên toàn bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh… Tầm nhìn đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GRDP; chính quyền thực hiện chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ và giao dịch với người dân, doanh nghiệp trên môi trường số.

Đưa Nghị quyết 57NQTW vào cuộc sống
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam và VNPT Hà Nam ký kết thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ chuyển đổi số.

Nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết, Ban Chỉ đạo (BCĐ) về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh và BCĐ chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng tỉnh đã được thành lập, có chức năng nhiệm vụ tham mưu, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các chương trình, kế hoạch liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, làm đầu mối phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương nhằm bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo và hiệu quả trong thực thi. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện gồm 8 nhóm nhiệm vụ với 124 nhiệm vụ cụ thể; phân công trách nhiệm rõ các sở, ngành, địa phương thực hiện và tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai đến các cấp, các ngành trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm, đầu tư trên 2.900 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút các trường đại học về tỉnh; để đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Việc thu hút các cơ sở giáo dục đại học không chỉ góp phần nâng cao trình độ dân trí, mà còn tạo nền tảng cho phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ tại chỗ. Qua đó, góp phần xây dựng được đội ngũ lao động có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo. Để phục vụ công tác chuyển đổi số và chuẩn bị sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; Công an tỉnh đã chủ động tham mưu số hóa toàn bộ hồ sơ đảng viên trên địa bàn (với trên 69.400 hồ sơ, tương đương với khoảng trên 5,5 triệu trang tài liệu) và số hóa toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Công an tỉnh (trên 83.800 tập hồ sơ với trên 8 triệu trang tài liệu). Đây là khối lượng dữ liệu lớn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ giữa các các đơn vị chuyên môn. Việc số hóa dữ liệu không chỉ góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, mà còn tạo thuận lợi cho công tác quản lý, tra cứu, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
 

Đưa Nghị quyết 57NQTW vào cuộc sống

Với các chương trình, kế hoạch và hành động cụ thể, Hà Nam đang triển khai đồng bộ các nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW vào thực tiễn. Việc xác định rõ mục tiêu, lộ trình và phân công trách nhiệm tạo nền tảng quan trọng để tỉnh chủ động thích ứng với yêu cầu mới, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đưa Nghị quyết 57NQTW vào cuộc sốngChuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội. Tại Hà Nam, công cuộc chuyển đổi số đã đạt nhiều kết quả tích cực: 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình; hạ tầng số không ngừng hoàn thiện; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng nền tảng số ngày càng tăng. Những kết quả này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

 Đến nay, 100% sở, ngành và UBND các cấp có mạng LAN, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Tỷ lệ máy tính/cán bộ đạt 100% ở cấp huyện trở lên, 85% ở cấp xã. Mạng viễn thông phủ sóng 100% xã, phường với cáp quang, 3G, 4G; mạng 5G đang được triển khai tại trung tâm các huyện, thành phố và dự kiến hoàn thành toàn tỉnh vào năm 2025. Hệ thống hội nghị truyền hình với 116 điểm cầu giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Đưa Nghị quyết 57NQTW vào cuộc sống

Về nhân lực, tỉnh đã bố trí cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách tại các sở, ngành, địa phương; thành lập 795 Tổ công nghệ số cộng đồng ở xã, thôn, tổ dân phố. Năm 2024, gần 5.000 cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn về chuyển đổi số, trong đó có các lớp chuyên sâu phối hợp cùng Tập đoàn Viettel. Hà Nam cũng nằm trong nhóm dẫn đầu về kết quả học tập trên Nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).

Bên cạnh đó, các nền tảng số được đẩy mạnh trong hoạt động công vụ và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm 2024, 100% hồ sơ công việc không mật được xử lý trên môi trường mạng ở cấp tỉnh, 95% ở cấp huyện và 80% ở cấp xã. Các thủ tục hành chính có yêu cầu tài chính được thanh toán trực tuyến đạt 100%. Hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 84,6%, trong đó 69,7% là hồ sơ toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ được thanh toán trực tuyến đạt 77,1%. Đặc biệt, 93,3% hồ sơ đã được số hoá đầy đủ. Chính quyền số tiếp tục được củng cố với 100% cơ quan hành chính các cấp sử dụng phần mềm quản lý văn bản liên thông bốn cấp. 95% cán bộ cấp huyện trở lên sử dụng thư điện tử trong công việc. Hà Nam là địa phương đầu tiên kết nối Trung tâm điều hành thông minh (IOC) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thành phố Phủ Lý đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh, nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công.

Đưa Nghị quyết 57NQTW vào cuộc sống
Cán bộ công an tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tham gia gửi ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VNeID.

Kinh tế số bước đầu đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GRDP. Toàn tỉnh hiện có hơn 140 doanh nghiệp công nghệ thông tin, hai sàn thương mại điện tử hoạt động với hơn 15.000 giao dịch, gần 93.000 tài khoản thương mại điện tử và gần 70.000 hộ nông nghiệp tham gia nền tảng số. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 13,25%, xếp thứ 9 toàn quốc. Tỷ lệ phổ cập công nghệ số cũng ở mức cao: 89% người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán; 90% sử dụng điện thoại thông minh; 80% hộ gia đình có Internet cáp quang; 96% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử. Các doanh nghiệp viễn thông đã hỗ trợ hơn 9.000 điện thoại thông minh 4G cho người dân để thúc đẩy sử dụng dịch vụ số.

Hà Nam đặt mục tiêu đến hết năm 2025 đạt 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến toàn trình; trên 70% hồ sơ được giải quyết và thanh toán trực tuyến; 100% kết quả thủ tục hành chính trả dưới dạng điện tử, định danh qua VNeID; tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt 90%. Tỷ trọng kinh tế số đạt ít nhất 15% GRDP; 80% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa dùng nền tảng số. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, hạ tầng số được số hóa toàn diện.

Đưa Nghị quyết 57NQTW vào cuộc sống
Nhóm học sinh Trường THCS Thanh Hương (Thanh Liêm) thảo luận nghiên cứu Đề tài Phát triển văn hóa đọc cho học sinh trường tiểu học, THCS gắn với chuyển đổi số.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh xác định sáu nhóm giải pháp chính. Trước hết là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng và tổng đài hỗ trợ AI. Tiếp theo là tăng cường phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp, gắn cải cách hành chính với số hóa, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nền tảng số. Hà Nam cũng chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, AI, IoT; mở rộng cung cấp dịch vụ công trên thiết bị di động; thu hút nguồn lực chất lượng cao, huy động đa dạng các nguồn vốn, kết hợp các chương trình cấp bộ, ngành. Tỉnh đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi mô hình tiên tiến và phát huy vai trò mạng lưới đổi mới sáng tạo địa phương. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu thông qua việc lồng ghép chỉ tiêu chuyển đổi số vào kế hoạch, đánh giá kết quả định kỳ để thúc đẩy thi đua thiết thực, hiệu quả.

Đưa Nghị quyết 57NQTW vào cuộc sốngTrong bối cảnh Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được triển khai sâu rộng, việc trang bị năng lực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số cho thế hệ trẻ ngay từ cấp học phổ thông đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Tại Trường Tiểu học, THCS, THPT FPT Hà Nam (FPT Schools Hà Nam), định hướng này đã được cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp thiết thực, từ xây dựng chương trình học tích hợp công nghệ đến đổi mới phương pháp giảng dạy và tạo lập môi trường học tập hiện đại, sáng tạo.

Lấy triết lý “Làm khác để làm tốt” làm kim chỉ nam, FPT Schools Hà Nam đã chủ động thiết kế chương trình học tích hợp giữa kiến thức nền tảng và kỹ năng số. Ngoài khung chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đưa vào giảng dạy các nội dung thiết yếu như giáo dục STEM, Tin học, Công nghệ 4.0, chương trình Phát triển Cá nhân (PDP), cùng hệ thống ngoại ngữ chuẩn châu Âu. Những nội dung này được triển khai theo hướng thực tiễn, giúp học sinh học đi đôi với hành, phát triển năng lực toàn diện và sẵn sàng thích nghi với môi trường toàn cầu hóa. Điểm nổi bật trong phương pháp giảng dạy tại đây là việc áp dụng mô hình học qua dự án, học qua trải nghiệm. Các môn Tin học, Khoa học tự nhiên và Công nghệ đều được thiết kế theo hướng thực hành, giúp học sinh vừa học lý thuyết, vừa tự tay chế tạo, thử nghiệm và giải quyết các tình huống thực tế.

Đưa Nghị quyết 57NQTW vào cuộc sống

Thầy Đỗ Bảo Châu, Tổ trưởng Tổ STEM và Công nghệ cho biết: Trong môn Tin học và STEM, học sinh được lập trình robot qua phần mềm Scratch, Makecode hoặc điều khiển robot như: Microbit, Lego Mindstorms. Ở môn Khoa học, chúng tôi sử dụng phần mềm mô phỏng thí nghiệm để học sinh quan sát hiện tượng mà điều kiện thực tế khó triển khai. Trí tuệ nhân tạo AI cũng được tích hợp vào hoạt động nhận diện hình ảnh, ngôn ngữ, giúp học sinh làm quen và áp dụng công nghệ một cách tự nhiên. Điều đặc biệt là mỗi tiết học đều được thiết kế để học sinh thực hành, làm sản phẩm, trình bày và phản biện ý tưởng. Qua đó, các em phát triển đồng thời cả tư duy công nghệ và kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, giải quyết vấn đề.

Việc học đi đôi với hành đã giúp học sinh tại FPT Schools Hà Nam không chỉ hiểu sâu kiến thức, mà còn hình thành niềm đam mê với khoa học, công nghệ, định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Em Hoàng Duy Hưng, học sinh lớp 8A2 chia sẻ: Em rất thích các tiết học STEM vì được lập trình robot, lắp ráp và điều khiển các thiết bị. Nhóm em từng tham gia dự án vượt chướng ngại vật bằng robot Micro:bit, từ việc viết mã đến lắp ráp đều do chúng em tự làm. Có lúc làm sai phải sửa nhiều lần, nhưng chính điều đó giúp em hiểu bài sâu hơn. Em cảm thấy tự tin hơn khi áp dụng công nghệ và rất muốn sau này theo đuổi ngành kỹ thuật phần mềm hoặc trí tuệ nhân tạo AI.

Cơ sở vật chất hiện đại là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm chất lượng triển khai chương trình giáo dục khoa học, công nghệ tại FPT Schools Hà Nam. Các phòng học thông minh được trang bị bảng tương tác, máy chiếu và hệ thống kết nối internet tốc độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Bên cạnh đó, nhà trường đầu tư đồng bộ hệ thống phòng chức năng chuyên biệt như phòng máy tính, phòng thí nghiệm khoa học (lab) và không gian STEM, giúp học sinh được thực hành, khám phá và sáng tạo trong môi trường học tập hiện đại, trực quan và sinh động. Đội ngũ giáo viên được tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn định kỳ, tiếp cận sớm với các công cụ công nghệ như phần mềm mô phỏng, trí tuệ nhân tạo AI, lập trình robot… để từ đó tích hợp hiệu quả vào bài giảng.

Đưa Nghị quyết 57NQTW vào cuộc sống
Hội nghị chuyển đổi số thu hút gần 400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia.

Thầy Nguyễn Minh Đức, Phó Hiệu trưởng chia sẻ: Nhà trường xác định rõ vai trò then chốt của đổi mới sáng tạo, STEM và chuyển đổi số trong giáo dục hiện đại. Nhà trường tích hợp các yếu tố này thông qua chương trình học gắn liền thực tiễn như các dự án STEM, lập trình robot, thiết kế sản phẩm công nghệ. Học sinh được học trong môi trường số hóa với lớp học thông minh, hệ thống hiện đại, thúc đẩy học tập cá nhân hóa. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng không gian Maker Space, nâng cấp thiết bị công nghệ 4.0 và đẩy mạnh phát triển phần mềm mô phỏng, học tập trực tuyến. Tăng cường hợp tác với các tổ chức công nghệ, doanh nghiệp để học sinh tiếp cận sớm với thực tế, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Qua đó, học sinh có điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại, rèn luyện tư duy sáng tạo và phát triển toàn diện năng lực số.

Việc tích hợp khoa học, công nghệ một cách hệ thống và sáng tạo ngay từ cấp học phổ thông đang trở thành xu hướng giáo dục tất yếu. Thực tế cho thấy, mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả học tập rõ rệt, mà còn đặt nền tảng cho việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao trong tương lai, đúng với tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW trong kỷ nguyên số.       

Thực hiện: Khánh Chi
Thiết kế: Đức Huy

www baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.