kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Đào tạo nghề - Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, dịch vụ đã và đang tạo nên một thị trường lao động dồi dào, sôi động trên địa bàn Hà Nam. Hiện toàn tỉnh có trên 130.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Mỗi năm trung bình số lao động các doanh nghiệp cần tuyển dụng của tỉnh từ 35.000-40.000 người. Trong khi đó, lao động qua đào tạo của tỉnh chỉ đạt 18.500 người/năm.

Quan tâm đào tạo  nguồn nhân lực chất lượng cao

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025. Giải pháp thực hiện nhiệm vụ này chính là tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phối hợp, tạo điều kiện để các bệnh viện Trung ương, các cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao, các trường đại học, trường đào tạo nghề có thương hiệu triển khai đầu tư, đi vào hoạt động. Đào tạo nghề trở thành một lĩnh vực quan trọng thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các tỉnh lân cận, thậm chí xuất khẩu lao động.

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớnTỉnh Hà Nam đã triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển GDNN giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo những bước chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu học tập của người lao động (NLĐ). Các cơ sở GDNN tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp; đào tạo kỹ năng nghề theo hướng ứng dụng, thực hành; chuyển từ đào tạo những nghề nhà trường có sang đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, tạo nên môi trường dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo...

Từ mục tiêu này, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, mạng lưới cơ sở GDNN vẫn được củng cố, sắp xếp theo hướng tập trung các ngành, nghề trọng điểm. Điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề đang từng bước được nâng lên để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách cũng được ban hành kịp thời để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ về GDNN như: Quy định mức học phí tại các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc tỉnh quản lý; quy định mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh; quy định mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp có dự án đầu tư...

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn

Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tại những cơ sở GDNN của tỉnh, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được tăng cường đầu tư, chuẩn hóa theo quy định, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề từng bước được nâng lên. Trong số gần 240 giáo viên ở các cơ sở GDNN, đa số đã được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, bao gồm năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực phát triển nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học. Chương trình đào tạo, giáo dục đào tạo các cấp được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.  Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề được tăng cường, nhất là đối với những ngành nghề trọng điểm.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết: “Nếu trong giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí cho hoạt động GDNN của tỉnh là hơn 480 tỷ đồng, thì giai đoạn 2021-2025, nguồn lực đầu tư cho hoạt động này dự kiến là 855 tỷ đồng. Đây sẽ là giai đoạn mở ra nhiều cơ hội cho các trường nghề, nhưng cũng không ít thách thức khi các cơ sở GDNN tiến tới tự chủ, thực hiện những quy định ngặt nghèo hơn trong tuyển sinh và đào tạo hướng tới xây dựng trường đào tạo nghề chất lượng cao”.

Giải quyết nghịch lý cung - cầu

Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 KCN, trong đó có 7 khu chính thức đi vào hoạt động và đang dần được lấp đầy. Với gần 7.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó trên 5.000 doanh nghiệp hoạt động thực chất, thu hút hơn 130.000 lao động, Hà Nam đã và đang hình thành thị trường lao động hấp dẫn, tương đối ổn định. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, báo cáo phân tích thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mỗi năm cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng  từ 6.800 – 8.000 người mỗi năm, phần lớn là lao động phổ thông. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp xây dựng có nhu cầu tuyển dụng chiếm 95,58%, chủ yếu tập trung tại các KCN. Với lĩnh vực sản xuất chế biến: Dệt may - giày da - nhựa - đồ chơi - bao bì – điện tử,  nhóm ngành thương mại, dịch vụ có nhu cầu tuyển từ 1.000- 1.200 người, chiếm 17,64%. Mặc dù nhóm ngành nông, lâm nghiệp  có nhu cầu tuyển dụng thấp nhất nhưng yêu cầu trình độ lao động phải có chuyên môn kỹ thuật để ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và chế biến. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh cần khoảng 10.000 lao động Hà Nam mỗi năm.

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn

Ông Đỗ Quang Triệu, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp rất lớn, có những doanh nghiệp cần tuyển vài nghìn lao động mỗi năm, nhưng thị trường lao động của tỉnh chưa thể đáp ứng được, buộc các doanh nghiệp phải tìm đủ mọi cách tuyển dụng, cạnh tranh lao động trong quá trình tuyển dụng. Nguồn của địa phương đến thời điểm này đã cạn dần. Mỗi năm số lao động mới bước vào thị trường chỉ khoảng trên 10.000 người. Số lao động được đào tạo từ các cơ sở GDNN  ra trường khoảng gần 2.000 người có trình độ cao đẳng, trung cấp, hơn 16.000 người có trình độ sơ cấp.

Vốn là cán bộ quản lý GDNN nhiều năm, ông Đỗ Quang Triệu, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH thấu hiểu thị trường lao động hiện đang tồn tại nghịch lý, bởi không ít sinh viên có trình độ đại học ra trường không thể tìm kiếm được việc làm đúng với chuyên môn đào tạo. Vì nhu cầu cuộc sống, họ phải xin việc ở các doanh nghiệp trong KCN. Muốn được nhận vào làm việc, NLĐ phải giấu bằng cấp, chỉ đăng ký hồ sơ lao động phổ thông. Trong khi gần 100% học sinh, sinh viên trường nghề ra trường có việc làm ngay, được sắp xếp vào vị trí đúng với chuyên môn đào tạo tại doanh nghiệp, nhưng số lượng đào tạo lại không nhiều. Ông Đỗ Quang Triệu khẳng định: “Để lao động được đứng đúng vị trí của mình, ngay từ đầu hãy học những nghề xã hội đang cần, không nhất thiết phải là đại học”.

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn

Xác định con người là yếu tố then chốt cho sự đổi mới và phát triển GDNN, thời gian qua, các đơn vị đào tạo nghề đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là củng cố, kiện toàn đội ngũ nhà giáo bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, thích ứng với yêu cầu thực tiễn.

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn

Là một trong 7 trường đào tạo nghề trên địa bàn Hà Nam được Bộ LĐ-TB & XH phê duyệt, lựa chọn ngành nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 thực hiện Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025”, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã nỗ lực không ngừng trong đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Ông Vũ Hữu Ý, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để có được chất lượng đào tạo, đội ngũ cán bộ, giáo viên giữ vai trò then chốt. Về trình độ, năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực phát triển nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học, đội ngũ giáo viên phải đạt chuẩn theo tiêu chí Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN”. Trong số 103 cán bộ, giáo viên của trường, 95% có trình độ đại học, 30% đạt trình độ thạc sỹ. Các nhà giáo thường xuyên có những đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công tác giảng dạy, như cải tiến các mô hình, học cụ, đổi mới chương trình dạy nghề, giáo trình dạy học. Nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng trong giảng dạy, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề.

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn

Theo ông Vũ Hữu Ý, để nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045,  nhà trường tập trung thực hiện đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN trên cơ sở thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, đội ngũ nhà giáo không chỉ chuẩn hóa theo quy định, mà còn chú trọng trau dồi kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, phương pháp dạy học hiện đại, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chuẩn hóa cán bộ quản lý theo hướng chú trọng kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ.

Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đang từng bước khẳng định vị thế trong đào tạo nghề, góp phần thực hiện mục tiêu tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tháng 3 năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, giao Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản đơn vị có liên quan thực hiện đề án.

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 dự án đầu tư của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, chiếm trên 25% tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh, tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động. Đề án này hướng tới mục tiêu đào tạo nghề cùng với đào tạo tiếng Nhật, văn hóa Nhật Bản và 5S cho người lao động. Theo ông Vũ Hữu Ý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, trường sẽ đảm nhận đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp với các nghề hàn, điện – điện tử, công nghệ ô tô. Yêu cầu về chất lượng trong đào tạo nghề của đề án là đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng nghề tương ứng với trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội và của các doanh nghiệp Nhật Bản. Học sinh, sinh viên, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh tham gia đề án này sẽ được đào tạo tiếng Nhật giao tiếp cùng với kiến thức, hiểu biết về văn hóa Nhật. Trong vòng 5 năm, trường sẽ thực hiện đào tạo nghề và đào tạo tiếng Nhật cho 1.250 người.

Ông Vũ Văn Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề khẳng định: Cùng một lúc, nhà trường triển khai thực hiện nhiều dự án, đề án, nếu không có đội ngũ cán bộ, nhà giáo bảo đảm tiêu chuẩn sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng khó khăn lớn nhất với trường hiện nay chính là làm thế nào để giữ chân được các nhà giáo tiếp tục ở lại trường và gắn bó với công việc. Bởi, với cơ chế tiền lương cho giáo viên hiện nay thấp, nhiều người đã bị dao động tâm lý, muốn chuyển việc làm đến nơi có mức lương cao hơn.

Đây không chỉ là vấn đề riêng của Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, thực tế, ở các cơ sở GDNN khác trên địa bàn tỉnh cũng chung thực trạng này. Giáo viên mới về công tác tại trường dạy nghề nhận mức lương khởi điểm vài ba triệu. Trong khi, học sinh, sinh viên học nghề ra trường được doanh nghiệp mời về làm việc với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Điều này tác động đến tâm lý của không ít giáo viên các trường nghề. Kinh nghiệm của Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam trong việc giữ chân nhà giáo là xây dựng môi trường làm việc tốt nhất, tạo cơ hội cho cán bộ, giáo viên được phấn đấu và cống hiến hết mình, tăng thêm thu nhập bằng tiền vượt giờ, bảo đảm quyền lợi cho giáo viên.

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn

Quy mô và chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở GDNN đang từng bước được nâng lên sau thời gian thực hiện Luật GDNN và chuyển đổi mô hình quản lý. Người học ra trường có việc làm và thu nhập cao chiếm tỷ lệ gần 100%. Nhận thức xã hội về học nghề có những chuyển biến tích cực. Lực lượng lao động được đào tạo nghề tham gia thị trường lao động đã tạo ra cuộc cạnh tranh tích cực giữa các doanh nghiệp trong tuyển dụng, thúc đẩy quá trình tham gia liên kết đào tạo với các trường nghề hiệu quả hơn.

Cách đây 5 năm, số lao động được đào tạo từ 21 cơ sở GDNN của tỉnh chỉ đạt bình quân 15.000 người/năm, tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo đạt 80-85%, thì đến nay, mỗi năm có trên 18.500 người được đào tạo nghề, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo trên 95%.

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn

Trong kế hoạch phát triển GDNN tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo đặt mục tiêu mỗi năm, số lao động qua đào tạo đạt từ 18.500 đến 19.000 người, trong đó, trình độ cao đẳng là 800 người, trung cấp 700 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 17.000 người. Theo ông Đỗ Quang Triệu, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH, mục tiêu này đặt ra trên cơ sở đánh giá khách quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua, đặc biệt là thị trường lao động có những chuyển biến tích cực. Như vậy, trong 5 năm, các cơ sở GDNN do tỉnh quản lý sẽ thực hiện tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 92.000 lao động. Có ít nhất một trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí trường cao đẳng nghề chất lượng cao, 10% cơ sở GDNN công lập tự chủ về tài chính.

Hà Nam sau nhiều năm kiên định với mục tiêu phân luồng giáo dục, tạo chuyển biến trong nhận thức của nhân dân về đào tạo nghề. Đến nay, tỷ lệ học sinh thực hiện phân luồng cấp THCS đạt 40%. Năm học 2022-2023, chỉ tiêu tuyển vào các trung tâm GDNN-Giáo dục thường xuyên (GDTX) là 1.350 học sinh, các cơ sở GDNN của tỉnh trên 1.000 học sinh cho hệ trung cấp văn hóa nghề. Việc tuyển sinh của các cơ sở GDNN đang trở nên thuận lợi và đạt chất lượng hơn khi nguồn đầu vào dồi dào. Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở LĐ – TB &XH chia sẻ: Chất lượng GDNN thực sự có bước chuyển biến tích cực, kỹ năng nghề nghiệp của người học sau khi tốt nghiệp đã được nâng lên nhất là các chương trình chất lượng cao. Nhiều người được đào tạo tại các cơ sở GDNN có trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước (các doanh nghiệp FDI) và cho thị trường lao động ngoài nước.

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn
Công ty TNHH Yokowo thăm quan giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam.

Hiện nay, các cơ sở GDNN của tỉnh đang thực hiện tuyển sinh và đào tạo 101 nghề, trong đó có 16 nghề trọng điểm bao phủ trên nhiều lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ, sức khỏe. 3 trường: Cao đẳng Nghề Hà Nam, Cao đẳng Y tế Hà Nam, Trung cấp Nghề công nghệ Hà Nam đã và đang thực hiện Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” thuộc Chương trình Mục tiêu GDNN – Việc làm và An toàn lao động. Với nguồn kinh phí đầu tư đã thụ hưởng trong giai đoạn 2016-2020 gần 35 tỷ đồng, dự án đã tạo điều kiện cho các nhà trường đầu tư và bổ sung nhiều trang thiết bị dạy nghề, bảo đảm phục vụ hoàn thành việc đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia. Học sinh được học lý thuyết với thực hành ngay tại trường. Các cơ sở GDNN đã coi trọng giảng dạy thực hành, không ngừng đổi mới phương pháp đào tạo, tiếp cận chương trình nên chất lượng tiếp thu bài giảng của học sinh, sinh viên ngày một tốt hơn.

Tại kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề những năm gần đây, các trường cao đẳng thi theo bộ đề thi chung của Tổng cục GDNN có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc coi thi, chấm thi. Trên 95% người tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp với ngành nghề và trình độ đào tạo hoặc tự tạo việc làm, tham gia vào các lĩnh vực của nền kinh tế. Ông Đỗ Quang Triệu, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Ở một số nghề như hàn, cơ – điện tử, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện lạnh… kỹ năng nghề của lao động được đào tạo đáp ứng tốt yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc mà các vị trí này trước đây do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Việc phối hợp giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại cho người lao động (NLĐ) của doanh nghiệp được cập nhật và bổ sung phù hợp với tình hình. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 156 doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở GDNN, trên 95% người học sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay vào làm các công việc phù hợp với ngành, nghề đào tạo với mức lương từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Nhằm thúc đẩy kết nối cung – cầu về thị trường lao động, nhiều hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp đã được chú trọng triển khai đồng bộ và mạnh mẽ.

Đào tạo nghề  Cơ hội nhiều thách thức lớn

Là một trong những doanh nghiệp tích cực hợp tác và liên kết đào tạo với cơ sở GDNN, Công ty Honda Việt Nam Chi nhánh Hà Nam nhiều năm là địa chỉ đỏ cho học sinh, sinh viên các trường nghề thực tập, thực hành kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp. Ông Dương Vũ Phát, Phó Trưởng phòng Nhân sự Công ty Honda Việt Nam Chi nhánh Hà Nam cho biết: Những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 20 học sinh, sinh viên đến thực tập tại công ty, tất cả đều hoàn thành xuất sắc chương trình thực tập của mình. Với các cơ sở đào tạo nghề, Công ty Honda Việt Nam là một trong số những doanh nghiệp có sự liên kết và gắn bó chặt chẽ, hiệu quả trong đào tạo và giải quyết việc làm cho NLĐ. Ngoài tạo điều kiện để học sinh, sinh viên thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, tham gia trực tiếp làm việc ở các dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp còn hỗ trợ học cụ, máy móc thiết bị cho nhà trường thực hành, tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu cơ hội việc làm tại công ty cho người học...

“Doanh nghiệp ở Hà Nam đang dần đi sâu vào các hoạt động GDNN, thúc đẩy thị trường lao động và việc làm phát triển. Chẳng hạn, việc Trường Cao đẳng nghề Hà Nam thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nam giai đoạn 2021-2025; xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Dịch vụ đào tạo và hợp tác doanh nghiệp… Quá trình hợp tác này sẽ tạo tiếng nói chung trong chương trình đào tạo đã xây dựng và đang được tổ chức thực hiện. Đây sẽ là tiền đề hình thành nên mô hình đào tạo tại doanh nghiệp, để doanh nghiệp đóng vai trò là nhà trường thứ hai trong hoạt động đào tạo nghề” – Ông Đỗ Quang Triệu, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH nhận định.

Nội dung: Chu Uyên

Ảnh: Chu Uyên

Thiết kế: Quốc Khánh

www.baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy