Cần quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch

Đối với phát triển du lịch, quà lưu niệm có vị trí khá quan trọng bởi không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn là một kênh quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa cho địa phương.

Với Hà Nam, dù có lợi thế một số trục quốc lộ chạy qua, có những lễ hội, điểm du lịch, văn hóa thu hút lượng du khách nhất định nhưng dường như chúng ta đang bỏ phí cơ hội phát triển các sản phẩm phục vụ du khách làm quà.

Đã có nhưng ít và chưa thu hút

Đặc sản bánh đa Kiện Khê, Thanh Liêm.

Hiện tại chỉ có sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng và cá kho Nhân Hậu là làm khá tốt công tác tiếp cận với thị trường, trở thành sản phẩm phục vụ nhu cầu mua làm quà của du khách cũng như người dân trong tỉnh. Ở thành phố Phủ Lý có khá nhiều cửa hàng bán chuối ngự, cá kho Nhân Hậu. Ngoài ra, một số nhà hàng, khách sạn vừa phục vụ chuối trong tiệc vừa có hàng bán riêng, khách có nhu cầu mua đều kịp thời đáp ứng.

Dọc tuyến quốc lộ 1A, đoạn chạy qua huyện Thanh Liêm 1-2 năm trở lại đây có khá nhiều điểm bán bánh đa Kiện Khê. Chủ một điểm bán bánh đa Kiện Khê cạnh quốc lộ 1A, đoạn qua xã Thanh Phong cho biết mỗi ngày chị bán được khoảng 100 chiếc.

Ngoài ra, đoạn quốc lộ 1A qua thị trấn Đồng Văn cũng có một vài hàng bán trà sen Đồng Văn thu hút một lượng khách đi đường nhất định vào uống trà và mua trà sen gói về dùng và làm quà.

Ngoài các sản phẩm trên, Hà Nam có một số sản phẩm khác phục vụ nhu cầu làm quà như: sừng mỹ nghệ Đô Hai, lụa Nha Xá, thêu ren Thanh Hà, rượu Vọc, gốm son Quyết Thành. Tuy nhiên, sản phẩm thêu ren Thanh Hà gần như không còn từ khi làng thêu rơi vào suy thoái. Lụa Nha Xá có cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm nhưng so với các loại lụa khác trên thị trường còn mức độ và chỉ đến tận làng dệt mới có thể mua được. Sừng Đô Hai chưa chú ý đa dạng sản phẩm. Rượu Vọc, gốm son Quyết Thành cũng gần như không thấy xuất hiện ở các điểm có đông du khách.

Trong các sản phẩm trên chỉ có bánh đa Kiện Khê là loại quà mang tính phổ thông được nhiều người mua. Những loại quà còn lại chỉ phục vụ cho một số đối tượng khách nhất định. Với cá kho và chuối ngự  giá khá cao, cá kho 500-1,5 triệu đồng/nồi, chuối ngự tùy mùa nhưng từ 200-500 nghìn đồng/buồng. Cá kho phải đặt trước mới có, chuối ngự khó trong vận chuyển bởi khá cồng kềnh.

Những sản phẩm mang tính phổ biến phục vụ số đông du khách mua làm quà về biếu, tặng như bánh kẹo, hoa quả, đồ lưu niệm mang đặc trưng của Hà Nam gần như chưa có.

Bỏ trống thị trường các sản phẩm làm quà phổ thông

Có mặt ở điểm dừng nghỉ Thăng Long (thuộc xã Thanh Phong, Thanh Liêm) vào cuối giờ sáng một ngày, chúng tôi thấy có 2 xe khách đang dừng tại đây. Lượng khách từ 2 xe đổ xuống tới gần trăm người, vừa uống nước và mua khá nhiều quà bánh. Điểm dừng nghỉ có rất nhiều loại bánh kẹo bán cho khách nhưng đều là đặc sản của các tỉnh khác như: kẹo lạc, sừu châu Nam Định; cu đơ Nghệ An; bánh đậu xanh Hải Dương; kẹo dừa Bến Tre…, tuyệt đối không có sản phẩm nào của Hà Nam. 

Chủ điểm dừng nghỉ cho biết khách vào đây khá đông và hầu hết đều có nhu cầu mua các sản phẩm mang tính phổ thông để về dùng hoặc làm quà, chủ yếu là bánh kẹo, hoa quả. Cũng có không ít khách hỏi về sản phẩm gắn mác Hà Nam. Nếu có chắc chắn cửa hàng sẽ nhập hàng về bán và sẽ ưu ái quảng bá hơn bởi dù sao cũng là quê hương mình. 

Hỏi một nữ hành khách khoảng ngoài 40 tuổi đi xe khách chiều từ Hà Nội về Nghệ An, chị cho biết, ra Hà Nội chơi với con, cháu cũng có mua quà cho mẹ mang về rồi nhưng tại điểm dừng nghỉ này nếu có sản phẩm của Hà Nam chắc chắn chị sẽ mua nữa, như là ghi một dấu ấn đi qua vùng đất này.

Dọc tuyến quốc lộ 1A chạy qua Hà Nam, có một số điểm dừng nghỉ thu hút khá nhiều khách qua đường vào nghỉ ngơi, uống nước và mua các thứ làm quà. Tuy nhiên, tất cả các điểm này đều bán đặc sản của các tỉnh khác, gần như không có sản phẩm gắn mác Hà Nam.

Sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng, xã Hoà Hậu (Lý Nhân).

Phát huy sức sáng tạo của người dân nhưng rất cần bàn tay "bà đỡ"

Ông Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Có hai yếu tố tác động đến việc phát triển các sản phẩm phục vụ nhu cầu làm quà: đó là lượng du khách phải đông và người dân phải có trình độ, kỹ năng sản xuất tốt, không ngừng phát huy sự năng động, sáng tạo. Cả hai yếu tố này ở Hà Nam đều còn hạn chế.

Thực tế ở một số địa phương đã có cách làm hiệu quả, thể hiện bàn tay "bà đỡ" của chính quyền trong việc hỗ trợ để nâng tầm, phát triển các sản phẩm mang đặc trưng địa phương phục vụ du khách mua làm quà. Ví dụ như tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư hỗ trợ phát triển, nâng tầm sản phẩm chả mực. Nhờ đó, chả mực giờ là mặt hàng tiêu thụ rất tốt, được đông đảo du khách mua làm quà khi đến đây.

Cũng có ý kiến cho rằng, với trình độ sản xuất các mặt hàng như của ta, có thể hỗ trợ để có sản phẩm gắn mác Hà Nam nhưng nếu chất lượng không tốt, không bằng nơi khác khách có thể chỉ mua một lần rồi thôi. Cách đây mấy năm, kẹo lạc Hùng Hạnh gắn mác đặc sản Hà Nam là một sản phẩm mang tính phổ thông phù hợp với đông đảo du khách mua làm quà. Nhưng sản phẩm này đã không thể tồn tại được trước các sản phẩm kẹo lạc, kẹo sừu châu của Nam Định có kỹ thuật chế biến ngon hơn và không ngừng thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của khách, và đã "chết yểu" sau mấy năm xuất hiện trên thị trường.

Nhưng nếu không làm chúng ta sẽ không bao giờ có sản phẩm và sẽ mãi mãi yếu. Không làm đồng nghĩa với việc chúng ta "giương cờ trắng" ngay từ đầu trên chính sân nhà mình. Nếu cứ với tình trạng như hiện tại, thời gian tới khi các khu, điểm du lịch trong tỉnh thu hút lượng khách tăng lên, về lĩnh vực sản phẩm làm quà chúng ta sẽ trở thành nơi tiêu thụ đặc sản của các tỉnh khác. Chỉ có bắt tay vào làm mới có thể nâng dần trình độ.

Sản xuất hàng sừng mỹ nghệ ở Đô Hai, xã An Lão (Bình Lục).

Về sản phẩm làm quà mang tính phổ thông ở Hà Nam không có gì nổi bật nhưng không phải là không có. Nhìn sang các tỉnh bạn thấy rằng các sản phẩm làm quà của họ chất lượng tốt, đứng vững được trên thị trường chủ yếu là do họ làm đã lâu và liên tục tìm tòi, đổi mới để nâng cao trình độ sản xuất, quảng bá ra thị trường. Đều là gạo vùng đồng bằng sông Hồng, cơm cháy ở đâu chẳng ngon. Cơm cháy Ninh Bình trước đây có ai biết đến nhưng bây giờ tràn ngập các cửa hàng trên toàn quốc. Họ đã biết làm cho hạt than rất nhỏ trở thành ngọn lửa lớn.

Gần đây Ninh Bình có thêm một đặc sản nữa được nhiều du khách mua là mắm tép. Ở Hà Nam cũng có một số xã thuộc huyện Thanh Liêm có các cánh đồng ven núi với các điều kiện tương tự như tỉnh bạn: có tép riu, có nghề làm mắm tép ngon. Nếu quan tâm phát triển, nâng tầm sản phẩm, quảng bá chắc chắn sẽ là một mặt hàng được nhiều du khách tìm mua khi đến Hà Nam. Chúng ta cũng có ổi, sấu Lam Hạ; chuối, tương Phù Vân; na Bằng Khê; sen Nhân Đạo;… ngon nức tiếng. Nếu khi đến Hà Nam, qua Hà Nam, hay nghỉ ở Phủ Lý mà gặp những sản phẩm này chắc chắn du khách sẽ mua làm quà thay vì mua sản phẩm đến từ địa phương khác như hiện tại.

Chọn các sản phẩm trúng thị hiếu khách hàng, củng cố chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm đến gần du khách chính là con đường các địa phương khác đã làm và đã thành công trong phát triển các sản phẩm làm quà cho du khách. Để làm được điều này, cần bàn tay "bà đỡ" của chính quyền, ngành chức năng, cần sự khuyến khích để phát huy sự sáng tạo, năng động từ chính người dân.

Hồng Bình (ảnh: TT - ĐH)

Hồng Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy