Xung quanh chuyện đặt tên cho con

Ngay từ khi có bầu, chị Ngọc và chồng là anh Hòa (ở thành phố Phủ Lý) đã chọn tên cho con. Anh họ Bùi, chị họ Nguyễn, anh chị thống nhất nếu là con trai sẽ đặt tên là Bùi Nguyễn Nhật Minh, con gái là Bùi Nguyễn Gia Linh.

Anh chị giải thích tên con đưa cả họ mẹ vào để sau này khi con khôn lớn trưởng thành luôn nhớ công dưỡng dục sinh thành của cả bố và mẹ. Còn tên đệm và tên chính thức của con đều mang nhiều hàm nghĩa, thể hiện sự mong cầu của bố mẹ về một đứa con khỏe mạnh, thông minh sáng láng, giỏi giang, xinh đẹp,…

Không phải chỉ vợ chồng chị Ngọc, anh Hòa, mà hầu hết các ông bố bà mẹ bây giờ đều rất chăm chút, khá cầu kỳ khi tìm tên đặt cho con. Khác với ông bà ta xưa đặt tên cho con thường mộc mạc kiểu “bông lúa, củ khoai”, các bậc cha mẹ ngày nay dường như gửi gắm tất cả mong cầu của mình về con cái trong cái tên. Vì thế tên đặt cho con ngày càng đẹp, hàm chứa nhiều ý nghĩa. 

Xung quanh chuyện đặt tên cho con
Ảnh minh họa.

Có một thời gian trước đây nhiều gia đình đặt tên cho con là Anh. Bây giờ mỗi kỳ thi nhìn danh sách thí sinh thấy tên Anh vẫn là nhiều nhất, có khi kéo dài đến mấy phòng thi liền. Tên này được nhiều gia đình chọn với mong muốn con sẽ đứng đầu. Với chữ cái đầu tiên là A, tên Anh cũng luôn đứng đầu trong danh sách ở lớp học, các kỳ thi,… Chữ Anh cũng được nhiều người hiểu có ý nghĩa là anh tuấn, anh tú,... Tên Anh được chọn đặt cho cả con trai và con gái, và việc phân biệt trai, gái thường phải nhờ vào tên đệm. Mấy năm trở lại đây, tên Minh (đối với con trai), tên Linh (đối với con gái) lại được chọn nhiều. Tên Minh mang ý nghĩa thông minh, tương lai sáng láng, rạng ngời. Tên Linh dành cho con gái với mong cầu con lớn lên trở thành cô gái xinh đẹp, linh hoạt, lung linh trong mắt mọi người…

Hầu hết các gia đình đặt tên con khá ngắn gọn, cả họ và tên từ 3-5 từ, bao gồm họ bố, tên đệm và tên chính thức. Ví dụ như Nguyễn Diệu Linh, Trần Ngọc Minh,… Cũng không ít nhà ghép cả họ mẹ vào tên con, sau đó mới đến tên đệm, và tên chính thức của con, ví dụ như Nguyễn Trần Minh Châu, Đỗ Hồ Hương Giang. Có người cho rằng, việc cho cả họ mẹ vào tên con còn thể hiện quyền bình đẳng nam nữ.

Tên các bậc cha mẹ đặt cho con ngày nay đẹp hơn, hay hơn trước, và hầu hết đều phù hợp với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên thực tế cũng có những trường hợp tên người đặt không phù hợp, gây nên những khó khăn, rắc rối trong đời sống, công việc,... Trước đây ông bà ta đặt tên cho con bao giờ cũng có sự phân định giới tính rất rõ, đối với con trai bao giờ cũng có chữ đệm là “Văn”, con gái thì chữ đệm là “Thị”, khi đọc tên lên đã biết ngay là nam hay nữ. Tuy nhiên bây giờ các gia đình dần bỏ những chữ này trong tên đặt cho con. Một số gia đình khi chọn tên cho con lại chọn tên và đệm đều trung tính (không rõ nam hay nữ), đến khi xem tên không biết là nam hay nữ. 

Có người đặt tên cho con quá dài, gây khó khăn khi sử dụng tên trong làm một số giấy tờ. Theo một bài viết trên Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, có người tên là Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương. Vì có tên quá dài nên chị bị ngân hàng từ chối mở thẻ ATM, bởi theo quy định khi mở thẻ, độ dài của tên tối đa 26 ký tự (kể cả khoảng trắng). Trong khi tên chị Phương dài 33 ký tự nên ngân hàng không thể thực hiện được. Nhiều giao dịch thường ngày cũng như thủ tục cấp giấy tờ tùy thân chị cũng gặp rắc rối. Sau nhiều lần đi lại làm thủ tục, chị đã được đổi tên thành Nguyễn Kim Phương.

Một trường hợp khác là anh Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn cũng có tên siêu dài với trên 35 ký tự. Không chỉ anh Nhàn mà người chị và em gái út cũng được cha mẹ đặt cho tên quá dài là Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng và Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân. Tên dài quá khổ nên hầu hết trên chứng minh nhân dân, bằng lái xe hay các giấy tờ tùy thân khác của 3 anh chị em anh Nhàn đều được viết tắt các từ lót.

Có người đặt tên con nửa nước ngoài, nửa Việt Nam, dù bố mẹ đều là người Việt Nam. Ngoài ra, nhiều năm nay có phong trào đặt tên gọi ở nhà cho con. Ngoài đặt tên chính thức theo giấy khai sinh, nhiều đứa trẻ được bố mẹ đặt tên gọi ở nhà một cách mộc mạc, như: Bi, Bon, Nếp, Lúa,… Việc đặt tên gọi ở nhà cũng hay và tiện trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên xảy ra một vấn đề là vì ở nhà chỉ gọi theo tên này nên ngoài bố mẹ, còn lại những người xung quanh, thậm chí có nhà ông bà nhiều khi cũng không biết tên thật của đứa trẻ là gì. Có cô giáo kể, bà đến lớp đón cháu nhưng không biết tên thật của cháu là gì. Có cháu khi chưa đi học, hỏi cũng không biết tên thật của mình là gì, chỉ biết tên gọi ở nhà. 

Tên của một người là định danh của người đó, được sử dụng thường xuyên trong đời sống, công việc, các giấy tờ tùy thân, ngân hàng,… Một cái tên đẹp, hàm chứa nhiều ý nghĩa, nhưng cũng phải tiện trong sử dụng, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, từ ngày 16/7, việc đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Với quy định cụ thể này, hy vọng tên người ngày càng đẹp hơn, ý nghĩa hơn, và cũng tiện trong sử dụng, phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.