Tuổi 20 nơi tâm dịch

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bùng phát dịch, xông pha vào nơi "chảo lửa" đó không chỉ có các y, bác sỹ làm việc tại các cơ sở  y tế mà còn có sinh viên các trường y. Với kiến thức được học và trách nhiệm người thầy thuốc, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, hàng ngàn sinh viên đến từ các trường y trên toàn quốc, trong đó có những sinh viên người Hà Nam đã và đang không quản ngại vất vả, nguy hiểm trên trận tuyến nóng bỏng nhất, ngày đêm miệt mài góp sức tham gia cứu người, dập dịch. 

Khi cô con gái út Trần Thu Hà (sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Y Bạch Mai, nhà ở Tổ 10, Phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý) xung phong đi miền Nam chống dịch, bố mẹ cô ban đầu đã rất lo lắng. Nhà có 2 cô con gái thì chị gái cô (đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã tham gia đoàn 1 của ngành y tế Hà Nam hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng ngay sau đó, gác lại những lo lắng thông thường, bố mẹ đã động viên cô, nói đã học nghề y thì những lúc dịch bệnh như thế này người dân cần các cô hơn bao giờ hết. Vậy là ngày hôm trước lãnh đạo nhà trường ra lời “hiệu triệu” trên Website, ngay ngày hôm sau (22/8/2021) cô sinh viên Trần Thu Hà đã ở trong đoàn gần 1.000 thầy cô và sinh viên (200 thầy cô, 800 sinh viên) của Trường Cao đẳng Y Bạch Mai lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch. Cũng người Hà Nam, Trần Thu Hà cho biết đi cùng đợt này với cô còn có một số sinh viên quê ở Lý Nhân học cùng trường. 

Tuổi 20 nơi tâm dịch
Sinh viên y khoa Trần Thu Hà trong một buổi lấy mẫu cộng đồng. Ảnh do nhân vật cung 

Vào đến TP Hồ Chí Minh, đoàn của trường chia lực lượng đến địa bàn 10 quận, huyện hỗ trợ phòng chống dịch. Trần Thu Hà cùng một đội hỗ trợ chống dịch tại Phường 10, Quận 6. Là sinh viên, sức trẻ nên Trần Thu Hà và các bạn được giao nhiệm vụ lấy mẫu, test nhanh tại cộng đồng và ở các gia đình có F0-một công việc cực kỳ vất vả. Ngoài ra hỗ trợ tiêm vắc - xin phòng Covid-19. 

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mỗi ngày các cô đứng khoảng 7 tiếng ngoài trời dưới nắng để lấy mẫu, test nhanh cho người dân. Các cô xét nghiệm theo từng tổ phố. Người dân mỗi tổ phố được chính quyền địa phương thông báo đến một địa điểm, xếp hàng giãn cách chờ đến lượt. Các cô lấy mẫu và làm xét nghiệm hết số người mới nghỉ. Trần Thu Hà cho biết dù khu vực các cô làm việc không phải là điểm dịch nóng bỏng nhất của thành phố, nhưng số người được phát hiện dương tính qua xét nghiệm cộng đồng không phải là ít. Xét nghiệm sàng lọc lần thứ nhất, cứ khoảng 100 người có 10 người dương tính. Xét nghiệm lần 2 tỷ lệ dương tính thấp hơn. Thử thách  nhất với các cô là khi vào các gia đình có F0 để lấy mẫu xét nghiệm cho các thành viên còn lại… Nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhưng các cô xác định rõ nhiệm vụ của các cô rất quan trọng, người dân trông chờ, giao phó sức khỏe cho các cô. Vì thế các cô chỉ có thể thật chú ý vấn đề bảo hộ để hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm, và căng sức làm việc. 

Số người cần lấy mẫu rất nhiều. Các cô làm việc liên tục, không biết đến hôm nay là thứ mấy, ngày bao nhiêu. Đôi bàn tay nhăn nheo, bởi đi găng tay lâu và hấp mồ hôi. Quần áo mặc bên trong cũng luôn sũng mồ hôi bởi mặc bộ đồ bảo hộ nhiều giờ liên tục. Rồi những vết khẩu trang hằn trên mặt,…Bà con đều rất yêu quý và cảm ơn các cô, nhiều người mang cho quà, có người nhận làm con nuôi,...Trần Thu Hà cho biết những lúc như thế các cô cảm thấy rất hạnh phúc và bao nhiêu mệt nhọc gần như tan biến.       

Là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, thời gian nghỉ hè Nguyễn Việt Anh (nhà ở Lam Hạ, TP Phủ Lý) đã có thể ở nhà nghỉ ngơi, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Nhưng thấy tình hình TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dịch đang bùng phát mạnh, nghe lời hiệu triệu của thầy hiệu trưởng, chàng sinh viên y khoa hơn 20 tuổi đã xung phong cùng hàng trăm sinh viên trong trường lên đường Nam tiến dập dịch. Nơi đoàn sinh viên tình nguyện của Việt Anh làm việc là thành phố Dĩ An, là tâm dịch của tỉnh Bình Dương. Thời gian đầu Việt Anh mới đi tình nguyện, gia đình sốt ruột gọi điện thoại nhiều, nhưng chỉ nhận được một tin nhắn vỏn vẹn: "Con vẫn ổn". Mãi sau mới biết rất muộn Việt Anh mới về đến nơi ở, tắm rửa rồi lăn ra ngủ, để đến sáng hôm sau lại dậy chuẩn bị sớm, rồi 7 giờ cùng các bạn đi lấy mẫu cộng đồng. 

Các điểm lấy mẫu, test nhanh đều ở ngoài trời để hạn chế lây nhiễm. Trời nắng và không có quạt, Việt Anh và các bạn đều phải bó mình trong bộ đồ bảo hộ cấp 3, khẩu trang chuyên dụng, mũ chắn giọt bắn, và đứng nhiều giờ liên tục. Không ai dám uống nước, hạn chế tối đa việc đi vệ sinh để không phải cởi trang phục bảo hộ ra, bởi các ca dương tính trong cộng đồng nhiều không cẩn thận rất dễ bị lây nhiễm. Có những ngày các sinh viên lấy mẫu liên tục từ đầu giờ chiều đến 21, 22 giờ, đến khi hết đối tượng cần lấy mới nghỉ.     

Khi các ca bệnh ở Bình Dương nhiều lên, Việt Anh và đội được điều về hỗ trợ tại  bệnh viện dã chiến điều trị F0. Ở nơi điều trị cho các bệnh nhân không may nhiễm phải thứ vi - rút quái ác này, chàng sinh viên y khoa phụ giúp các bác sỹ điều trị cho bệnh nhân, đồng thời làm nhiều công việc khác chăm sóc người bệnh. Bệnh nhân đông, các y, bác sỹ cũng như đội sinh viên y khoa tình nguyện rất vất vả và áp lực, nguy cơ lây nhiễm thường trực, nhưng Việt Anh và các bạn luôn làm việc cẩn trọng và nỗ lực hết sức mình để bệnh nhân được điều trị tốt nhất. 

Việt Anh chia sẻ, cậu cảm thấy mình đã hoàn toàn đúng đắn khi xung phong tình nguyện vào giúp đỡ người dân các tỉnh phía Nam-nơi dịch đang bùng phát mạnh. Ở đây, cậu ý thức rõ hơn bao giờ hết nhiệm vụ của người thầy thuốc, về trách nhiệm của các bác sỹ chuyên ngành y tế công cộng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cũng ở đây cậu học hỏi được từ các bác sỹ-những đàn anh đi trước mình về chuyên môn, về ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc đối với sức khỏe, tính mạng nhân dân. Đó là việc có một cái đầu lạnh để đưa ra những quyết định xử lý chính xác đối với mỗi ca bệnh, là một trái tim nóng để tận tâm không quản ngày đêm cứu chữa giành giật mạng sống cho bệnh nhân. Và cũng như Trần Thu Hà, Việt Anh nhận ra ý nghĩa sâu sắc của bài học “cho đi và nhận lại”. Các y, bác sỹ, sinh viên y khoa đã mừng vui đến rơi nước mắt khi nhờ công sức, sự cố gắng của mình mà mỗi ngày có nhiều bệnh nhân được chữa khỏi và ra viện. Nhiều bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện đã rưng rưng cảm ơn các y, bác sỹ, những sinh viên y khoa vì đã dốc hết y đức, trách nhiệm, công sức cứu mình thoát khỏi cửa tử. Việt Anh cho biết, những ngày ở tâm dịch Dĩ An là một “học kỳ III” đáng nhớ nhất trong cuộc đời sinh viên trường y của mình.

Trong cuộc chiến với “giặc” Covid-19, ngành y luôn là lực lượng trên tuyến đầu. Cùng với Trần Thu Hà và Nguyễn Việt Anh, chắc chắn còn nhiều sinh viên y khoa người Hà Nam nữa trong các đoàn sinh viên tình nguyện của các trường y trên toàn quốc lên đường hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch. Dù đang còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng những sinh viên y khoa sẵn sàng xung phong lên đường vào “tuyến lửa”, cùng các đàn anh là những y, bác sỹ đến từ các tỉnh, thành trên toàn quốc hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch. Ở nơi tuyến đầu ấy, các sinh viên y khoa đã thể hiện sức trẻ, lý tưởng của mình, đã đem kiến thức chuyên môn và sự nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp để cùng các lực lượng chức năng dập dịch, cứu người.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy