Tri ân thầy cô giáo

Những ngày tháng 11 này, khắp nơi đều sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Các hoạt động hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam, tri ân thầy cô thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đồng thời cũng là nguồn động viên các thầy cô giáo tiếp tục có nhiều cống hiến hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.

Tri ân thầy cô giáo
Học trò tặng hoa chúc mừng cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Người thầy có vai trò rất quan trọng đối với sự trưởng thành của mỗi người. Vì thế mới có câu “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Việc tri ân người đã dạy dỗ mình được duy trì suốt cuộc đời mỗi người. Việc tri ân ngay từ ngày xưa đã được thể hiện qua việc kính trọng, quan tâm đến thầy, làm theo lời thầy dạy bảo để trở thành người nhân đức, có ích cho dân cho nước.       

Ông Vũ Đức Thắng, một nhà giáo đã nghỉ hưu, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Lý Nhân, vốn là con thầy đồ. Ông Thắng kể, ngày ấy, trước khi muốn cho con đi học bố mẹ phải đến xin thầy, thầy đồng ý nhận mới được đến học. Ngày đầu con đến học cha mẹ cũng thường chuẩn bị lễ mang đến thầy, dù là lễ mọn, nhưng thể hiện sự thành kính với thầy, gọi là lễ ra mắt. Thường thầy sẽ đặt lễ của học trò lên thắp hương, cầu mong cho học trò học hành tấn tới, đạt được thành công, đồng thời cũng yêu cầu học trò hứa phải chịu khó học hành. Ngoài ra, trong những ngày nhà thầy có việc, học trò, phụ huynh cũng thường đến giúp. Ngày xưa chưa có Ngày 20/11 như bây giờ, mỗi năm học sinh và phụ huynh thường đến thăm, cảm ơn, chúc sức khỏe thầy và gia đình thầy vào Tết Nguyên đán. Thầy đồ dành ra hẳn ngày mùng 3 Tết để tiếp học trò; thầy không tiếp ngày mùng 1, mùng 2 vì những ngày đó yêu cầu học trò phải ở nhà thực hiện đạo hiếu làm con với cha mẹ, tổ tiên. Thế mới có câu “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Sau khi đã trưởng thành, dù không còn học thầy nữa nhưng học sinh vẫn thường xuyên đến thăm thầy, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Học trò, dù làm quan to đến mấy, nhưng với thầy luôn cung kính, lễ phép. Tất cả những điều trên thể hiện sự kính trọng thầy như cha mẹ mình. 

Tuy nhiên, ngay từ xưa, điều quan trọng nhất tri ân thầy, cô là phải làm theo lời thầy dạy, sống nhân nghĩa, có ích cho dân cho nước. Các thầy đồ ngày xưa thường rất tự hào, hãnh diện, được mọi người trọng vọng khi học trò trưởng thành trở thành người tốt, nhất là khi có những học trò thành đạt, có công lớn giúp dân, giúp nước. Ngược lại, nếu có những học trò trở thành người xấu, nhất là những học trò bán nước hại dân thì người thầy rất đau khổ, xấu hổ với mọi người, không muốn nhận đó là học trò của mình. 

Bây giờ xã hội phát triển, đạo lý “Tôn sư trọng đạo” vẫn được duy trì và giữ gìn. Các hoạt động tri ân về cơ bản vẫn giữ được những nét tốt đẹp của truyền thống cha ông. Đó là vẫn có hoạt động thăm hỏi, quan tâm đến thầy cô, ca ngợi công lao của thầy cô; vẫn có phong trào rèn luyện, tu dưỡng, học tập tốt để có nhiều “hoa điểm 10” dâng tặng thầy cô. Mỗi năm đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 khắp nơi lại sôi nổi các hoạt động tri ân thầy cô. Ở trường, các em học sinh tưng bừng làm báo tường, tập văn nghệ, thi đua học tốt. Cô giáo Đoàn Thanh Miên (Trường THCS Bắc Lý, Lý Nhân) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 11 là trường lại tưng bừng các hoạt động hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngay từ giữa tháng 10 phong trào thi đua cao điểm dạy tốt, học tốt đã được phát động rộng rãi. Các thầy cô có hoạt động hội giảng, hội thảo. Học trò có phong trào thi đua học tập. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động bề nổi, như thi đấu thể thao, văn nghệ, làm báo tường,… Năm nay nhà trường không tổ chức làm báo tường nhưng các con rất hào hứng tham gia các hoạt động chào mừng Ngày 20/11, tích cực tập văn nghệ và chuẩn bị thi cắm hoa. Các hoạt động này có tác dụng giáo dục truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”, nhân lên những điều tốt đẹp trong các em, đồng thời giúp các em học tập tốt hơn, tăng cường kỹ năng sống khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Với các thầy cô giáo, dù bận rộn hơn nhưng ai nấy đều cảm thấy rất vui và tự hào khi nhận được tình cảm chân thành, sự tri ân từ học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. 
Với các bậc phụ huynh có con đang đi học, dù công việc cuối năm bận rộn nhưng vẫn cố gắng bố trí sắp xếp để đến thăm, chúc mừng thầy cô giáo của con. Đặc biệt, tháng 11 cũng là tháng hội ngộ của các thế hệ học sinh tổ chức về thăm trường cũ, thăm thầy cô giáo đã từng dạy dỗ mình. Thầy trò gặp lại nhau, sau giây phút mừng rỡ là bồi hồi xúc động ôn lại những kỷ niệm xưa với những dấu ấn đậm nét tuổi học trò, với thầy cô là những bài giảng hay, về những học sinh tiêu biểu, thậm chí là những học trò cá biệt, nhưng trong đó đều chất chứa sự yêu thương, kiên trì dạy dỗ để các em nên người. 

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Một người làm nghề dạy học, dù ở đâu cũng được toàn xã hội tôn kính gọi là thầy, cô. Biết bao nhiêu bài thơ, bài hát vô cùng xúc động, sâu sắc viết về thầy cô. Biết bao câu nói hay, đúc kết sâu sắc nói về công lao các nhà giáo, sự cao quý của nghề dạy học. Các hoạt động tri ân thầy cô trước kia cũng như bây giờ thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lan tỏa những giá trị, đồng thời cũng là sự động viên khích lệ đội ngũ nhà giáo tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người. 

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy