Rau an toàn - Nêu cao trách nhiệm người sản xuất

Năm 2011, nông dân vùng trồng rau Hạ Vỹ, xã Nhân Chính (Lý Nhân) bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn. Qua hơn 10 năm thực hiện, nêu cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật, rau an toàn Hạ Vỹ đã tạo được sự tin tưởng của khách hàng, vào được hệ thống cửa hàng, siêu thị bán nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh.

68 tuổi, bà Ngô Thị Kha, Thôn 1, Hạ Vỹ đã có nhiều năm gắn bó với nghề trồng rau của quê hương. Bà Kha chia sẻ: Trước kia, nông dân chúng tôi sản xuất rau theo phương pháp truyền thống. Dùng phân tươi, phân hóa học để chăm bón cho rau. Thuốc trừ sâu phun không đúng kỹ thuật. Ra ruộng phát hiện thấy sâu là phun thuốc, nhiều khi phun thuốc không đúng bệnh, không đúng thời điểm, phun quá liều lượng… Từ khi HTXDVNN triển khai mô hình sản xuất rau an toàn, nông dân được tập huấn khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch…, phương thức sản xuất đã thay đổi hoàn toàn. Phân tươi giờ được ủ cùng men vi sinh đủ thời gian, bảo đảm hoai mục. Trong quá trình sản xuất, nông dân hạn chế dùng phân hóa học, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ vi sinh NPK và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, nông dân thực hiện nguyên tắc “4 đúng”, đó là: Sử dụng đúng thuốc; phun thuốc đúng thời điểm; dùng thuốc đúng liều lượng, nồng độ; phun thuốc đúng cách (đúng kỹ thuật). Thực hiện sản xuất rau an toàn không chỉ sức khỏe người sản xuất, môi trường đồng ruộng được bảo đảm, mà giá trị thu nhập trên diện tích canh tác cũng được nâng lên. Đặc biệt, rau an toàn nhận được sự tin tưởng cao của người tiêu dùng, vì vậy việc tiêu thụ cũng có nhiều thuận lợi. Đến ngày thu hoạch, có người tới thu mua ngay tại đầu bờ.

Rau an toàn  Nêu cao trách nhiệm người sản xuất
Nông dân Hạ Vỹ, xã Nhân Chính (Lý Nhân) chăm sóc rau an toàn. Ảnh: Thanh Châu

Được biết, hiện vợ chồng bà Kha đang trồng 2 sào rau an toàn (chủ yếu là rau ngót). Thu nhập từ hai sào rau đạt trên 30 triệu đồng/năm, tạm đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của hai ông bà. Với những lợi ích thiết thực rau an toàn đem lại, trong quá trình sản xuất, những năm qua, bà Kha luôn tuân thủ đúng mọi quy trình kỹ thuật, giữ chữ “tâm”, chữ “tín” của người sản xuất.

Vụ đông năm 2022, gia đình bà Nguyễn Thị Nhài, Thôn 2, Hạ Vỹ trồng hơn một mẫu rau bắp cải và súp lơ. Bà Nhài cho biết: Những năm qua, nông dân chúng tôi luôn thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn trong sản xuất rau an toàn. Khác với trước kia, khi phát hiện sâu bệnh, người bán thuốc bảo vệ thực vật bảo phun thuốc nào, chúng tôi phun thuốc ấy. Có lúc, thuốc phòng trừ sâu bệnh của lúa phun cả cho rau. Giờ thì khác, nhờ được tập huấn kỹ thuật, chúng tôi nhận biết được các loại sâu bệnh; rau bệnh nào sẽ sử dụng thuốc bệnh đó, vừa đỡ tốn kinh tế, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh lại cao. Cái được nữa trong sản xuất rau an toàn, đó là người trồng không phải mang đi chợ bán mà có người về thu mua ngay tại ruộng, giá bán cũng cao hơn so với giá rau thường cùng chủng loại trên thị trường. Nhờ đó, trồng rau an toàn đem lại thu nhập cao hơn, đời sống người trồng rau dần được cải thiện và nâng cao.

Nói về vùng sản xuất rau an toàn của địa phương, bà Nguyễn Kim Thanh, Phó Giám đốc HTXDVNN Hạ Vỹ cho biết: Trước kia, diện tích trồng rau màu của Hạ Vỹ là 72,6 ha. Hiện nay, nhiều diện tích đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, diện tích trồng rau màu ở Hạ Vỹ chỉ còn khoảng 25ha. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc sản xuất rau an toàn đối với sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, năm 2011, HTXDVNN Hạ Vỹ bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn trên diện tích 10ha, với gần 90 hộ tham gia. Từ đó đến nay, trong quá trình sản xuất, nông dân vùng trồng rau an toàn Hạ Vỹ luôn tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật. Rau an toàn sản xuất ra bảo đảm được các tiêu chí theo quy định, tạo được uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ngoài 10 ha sản xuất rau an toàn, hiện HTXDVNN Hạ Vỹ còn triển khai mô hình trồng rau VietGAP 3,5 ha. Sản xuất rau an toàn đem lại rất nhiều lợi ích: Sức khỏe người sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng, môi trường đồng ruộng được bảo đảm; thu nhập cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 15-20%. Từ năm 2016 đến nay, 100% diện tích rau an toàn được thương lái (do HTXDVNN Hạ Vỹ ký kết) về thu mua ngay tại đầu bờ, nông dân không còn phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm. Rau an toàn Hạ Vỹ đã vào được các bếp ăn tập thể, các cửa hàng, siêu thị bán nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh. Nông dân trồng rau an toàn ở Hạ Vỹ giờ luôn trách nhiệm, tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật trong sản xuất; duy trì giám sát cộng đồng, kiểm tra chéo… bảo đảm rau sản xuất ra đạt đúng, đủ các tiêu chuẩn theo quy định.

Không chỉ ở Hạ Vỹ, những năm qua, nhiều mô hình sản xuất rau an toàn được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Lợi ích của việc trồng rau an toàn đã rõ, tuy nhiên, để có được “thương hiệu”, tạo được “niềm tin” của người tiêu dùng, bản thân người trồng rau an toàn cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định về quy trình sản xuất, nhất là quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, không lạm dụng các loại hóa chất để thúc đẩy nhanh quá trình sinh trưởng của cây trồng. Hiện nay, người tiêu dùng đang hướng đến các sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn. Vì vậy, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn là hướng phát triển hiệu quả, bền vững, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng.

 Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy