Quan niệm “sống vì con vì cháu” sao cho phù hợp

Hiện nay, đời sống kinh tế - xã hội đang ngày càng phát triển, các gia đình có điều kiện hơn trong việc đỡ đần, chăm lo cho con cho cháu. Với quan niệm “vì con vì cháu” thái quá, làm thay con mọi việc khiến con cháu trong nhiều gia đình thiếu đi tính tự lập, thường xuyên trông chờ, dựa dẫm vào cha mẹ, không có ý chí học tập hay làm việc để tự lo cho cuộc sống riêng mình, thậm chí còn bì tỵ, mâu thuẫn, tranh chấp của cải...

“Nước mắt chảy xuôi” cha mẹ vì con, con lại vì cháu… Theo quan niệm đó, hầu hết các bậc cha mẹ đều dốc lòng, dốc sức cố gắng làm việc để con cái, cháu chắt thế hệ tiếp nối được no đủ, nhàn nhã, hạnh phúc hơn mà không mong cầu chúng phải báo đáp lại mình. Bên cạnh những điều tích cực mà quan niệm này mang lại, không ít cha mẹ từ chỗ “sống tất cả vì con cháu” mà bao bọc quá mức, sẵn sàng làm thay, làm hết mọi việc, dẫn tới con cái đánh mất hoặc thiếu đi tính tự lập, sinh ra trông chờ, dựa dẫm cha mẹ. Thậm chí, nhiều con cái vô cảm, thờ ơ, coi việc chăm lo, làm lụng vất vả của cha mẹ cho mình là việc đương nhiên; tài sản của cha mẹ là tài sản của mình mà không tu chí phấn đấu học tập, làm việc, tự lo cho bản thân và đỡ đần những người đã sinh thành, dưỡng dục mình.

Với quan niệm “sống vì con vì cháu” mà vợ chồng anh Nguyễn Thanh T. (phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên) luôn cật lực lao động để dành của cải cho con với mong muốn chúng có cuộc sống no đủ hơn. Ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, anh chị tất bật buôn bán, nhận thêm việc về làm ở nhà. Mải ham công việc, nhiều lúc thấy trong người không khỏe nhưng anh chị cũng chần chừ không đi khám bệnh ngay. Anh T. cho biết: “Vợ chồng tôi có hai cậu con trai. Chúng tôi cố gắng làm để xây cho mỗi đứa một cái nhà riêng, chúng lấy vợ về có nhà sẵn ở, chỉ việc chú tâm làm ăn”. 

Quan niệm “sống vì con vì cháu” sao cho phù hợp
Ảnh minh họa

Tuy vợ chồng anh T. cố gắng làm việc, chắt chiu dành dụm, mong có chút của để dành cho con cái, song con anh lại không nghĩ đến sự hy sinh của cha mẹ. Chúng nghĩ, việc cha mẹ làm nhà, dành dụm tiền của cho con là đương nhiên, thậm chí còn bì tỵ nhau vì cho rằng cha mẹ chia nhà cho người này vị trí đẹp hơn người kia mà ỷ lại không cố gắng làm việc, lao động. 

Cũng với quan niệm “sống vì con vì cháu” mà vợ chồng bác Đào Văn H. (Phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) hết lòng lo toan cho con. Bác H. cho biết: “Mình giờ đâu có sinh đẻ nhiều như các cụ trước nên cố gắng làm lụng kiếm ít vốn cho con đỡ vất vả. Đứa bé đang học đại học trên Hà Nội, chúng tôi làm sẵn thức ăn, rau củ, vài ngày lại gửi lên cho nó một lần. Đồ dùng cá nhân chúng tôi mua sắm đầy đủ mọi thứ vì lo con ở trên đó không biết mua bán. Đứa lớn ra trường tôi lo sẵn công việc, lấy vợ cho nó. Cũng muốn cho con ra ở riêng nhưng sợ chúng không biết chăm cháu nên vẫn để ở cùng nhà”. Qua trò chuyện mới thấy do được bao bọc quá mức nên mặc dù đã làm bố, làm mẹ nhưng gần như các con bác H. không biết làm việc gì. Ông bà phải lo cho cháu mọi việc, từ tắm rửa, thay giặt đến cho ăn uống, tiêm phòng, thậm chí, hằng đêm ông bà cũng đưa cháu sang phòng mình để chăm bẵm. Do tuổi cao, sức yếu lại chăm trẻ nhỏ đêm hôm vất vả dẫn tới việc bác H. thường xuyên mất ngủ, đau ốm. Cha mẹ vất vả là vậy, song con bác H. lại coi việc chăm con của mình là việc làm đương nhiên và “giao khoán” hẳn cho ông bà. Không những vậy, trong các công việc khác chúng cũng thụ động, chờ cha mẹ hỗ trợ.

Cũng với quan điểm “vì con vì cháu” nhưng bà Lê Thị Th. (Phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý) lại có cách hỗ trợ, giúp đỡ con theo cách riêng. Gần 70 tuổi, mặc dù điều kiện kinh tế gia đình, con cái đều khá giả, song bà vẫn buôn bán, làm việc như thời còn trẻ. Bà Th. cho rằng, mình còn sức khỏe, còn làm việc được thì vẫn nên làm, vừa để đỡ đần con cái, vừa tăng thu nhập, không phụ thuộc vào chúng và giúp bản thân vận động, tránh một số bệnh của người cao tuổi. Bà Th. cho biết: “Mình sống vì con cháu không có nghĩa là làm hết mọi việc, chia hết tiền dành dụm của mình cho con mà cần phải làm sao cho bản thân vui vẻ, khỏe mạnh, tự chủ về kinh tế. Đồng thời hướng dẫn con mình làm ăn chân chính, tự lo việc học hành, công việc cho bản thân. Tôi thấy hiện nay, nhiều người do quá vì con vì cháu mà lo đủ việc từ học hành, xin việc, làm nhà... dẫn tới con cái ỷ lại, trông chờ không tự giác học tập, làm việc”. Từ quan niệm đó, bà Th. luôn tạo dựng cho con cái ý thức về sự vất vả và công lao của bố mẹ, qua đó, chủ động, tự giác theo gương mẹ, chịu khó lao động, làm việc, không sa ngã vào tệ nạn xã hội. 

Bác Nguyễn Thị Dung (phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý) có hai con đều đã lập gia đình riêng, một làm việc bên nước ngoài, một sống ở Hà Nội, các con cháu bác đều chăm chỉ làm việc, học tập tiến bộ. Bác cho biết: Gia đình tôi quan niệm “sống vì con vì cháu” không có nghĩa cha mẹ, ông bà phải làm thay tất cả cho con. Thay vào đó chỉ định hướng, hỗ trợ việc học tập, nuôi dạy con cái. Vậy nên, tôi chỉ định hướng cho con học tập sao cho tốt. Ra trường tự xin việc và chủ động về kinh tế để mua sắm nhà cửa và chăm lo cho con cái học hành. Khi cháu còn nhỏ, tôi đỡ đần một phần, khi cháu lớn đi học mẫu giáo thi thoảng vợ chồng tôi đến chơi với con cháu. Mặc dù vợ chồng hai tôi rất có điều kiện song chưa con nào phải phụ thuộc vào kinh tế cha mẹ mà đều tự chủ, lập thân, lập nghiệp. Quan điểm của chúng là: Cha mẹ mạnh khỏe, vui vẻ, sống cho mình chính là “tài sản vô giá cho con cho cháu”.    

Hiện nay, đời sống kinh tế - xã hội đang ngày càng phát triển, các gia đình có điều kiện hơn trong việc đỡ đần, chăm lo cho con cho cháu. Với quan niệm “vì con vì cháu” thái quá, làm thay con mọi việc khiến con cháu trong nhiều gia đình thiếu đi tính tự lập, thường xuyên trông chờ, dựa dẫm vào cha mẹ, không có ý chí học tập hay làm việc để tự lo cho cuộc sống riêng mình, thậm chí còn bì tỵ, mâu thuẫn, tranh chấp của cải... Do vậy, không phải “vì con vì cháu” là phải dành hết của cải, tâm sức, thời gian… cho con mà cần có quan niệm đúng bằng việc giáo dục cho con cháu trong gia đình biết chủ động tự chăm lo, có tránh nhiệm với bản thân, những tài sản cha mẹ nếu có cho chỉ là nền tảng để tiếp tục phấn đấu. Hơn nữa, quan niệm tự lo cho bản thân, sống vì mình của cha mẹ cũng chính là nỗ lực sống “vì con vì cháu”.  

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy