Nước sông Châu ô nhiễm nặng, cá quây chết trắng mặt sông

Mỗi năm, nước sông Châu "đổi màu" ít nhất ba, bốn lần đen kịt, hôi thối do nước sông Nhuệ ô nhiễm từ thượng lưu chảy về. Hàng trăm hộ dân nuôi cá quây trên sông thuộc các xã Tiên Phong, Tiên Hải, Tiên Sơn (Duy Tiên), Đinh Xá (Phủ Lý)… của Hà Nam thiệt hại mỗi lần hàng tỷ đồng. Sông chảy, nước mắt người dân cũng chảy dài theo sông…

Sông Châu kêu cứu
Anh Phạm Văn Phúc rầu rĩ ngồi trên bờ nhìn xuống sông chua xót

Anh Phạm Văn Phúc, 47 tuổi, làng Lê Xá, xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên) phờ phạc mấy ngày nay vì vừa phải chịu mất của, vừa phải bở hơi tai vớt mỗi ngày hàng dăm, bảy tấn cá chết lên bờ chôn. Hơn 10 năm nuôi cá bè trên sông Châu, chưa năm nào người dân ở đây bị thiệt hại nặng như lần này.

Anh Phúc chua chát kể: "Từ 6/9 đến nay, nước chảy từ thượng nguồn về vừa đen, vừa thối. Chúng tôi không kịp trở tay, chỉ một ngày sau, cá chết trắng mặt sông. Vợ tôi đau xót khóc tức tưởi. Mọi người nhìn cô ấy vừa vớt cá, vừa đập xuống mặt nước giận giữ khóc lóc mà đau lòng. Đứa con gái vừa thi đỗ đại học, thấy cha mẹ mất mát thế nó nói sẽ nghỉ học…"

Sông Châu kêu cứu
Cá chết trắng mặt sông vì nguồn nước ô nhiễm

Chỉ nói được đến thế, anh Phúc cũng nghẹn lòng dừng lại. Ông Lê Hồng Quảng, chú của anh Phúc xót thương đứa cháu chịu khó, ham làm nhưng chẳng gặp may. Năm nào cũng ba, bốn lần nước sông ô nhiễm, cá chết hàng tấn trắng xóa mặt sông mà vẫn cố nuôi để cố hy vọng gỡ gạt được chút vốn trả nợ ngân hàng.

Ông Quảng than vãn: "Lần này thì không còn gì nữa rồi, vợ chồng nó bỏ vào 7 đăng quây nuôi cá này hàng trăm triệu đồng giờ mất hết. Một tuần trời nước sông đen ngòm như thế, cứ 10 giờ sáng là cá chết nổi trắng mặt sông, chỉ đi vớt chôn thôi cũng quá mệt."

Sông Châu kêu cứu
Cả dải đăng của gia đình anh Phúc nước đen ngòm làm chết hơn chục tấn cá trong 5 ngày qua

Mỗi đăng cá nhà anh Phúc rộng khoảng 3000m2, tổng cộng diện tích mặt nước anh nuôi cá dọc quãng sông này là 21.000m2. Chỉ tính riêng tiền cá giống cho mỗi đăng cá một năm cũng mất tầm 60 đến 70 triệu đồng. Nếu thuận buồm xuôi gió, không ô nhiễm hay ngập lụt gì, thu hoạch cá bè của gia đình anh cũng kha khá. Anh Phúc nói: "Mỗi đăng tôi nuôi một loại cá, trong đó có khoảng gần chục tấn cá trắm. Lần này, cá trắm chết nhiều, tính ra cũng gần 4 tấn rồi, loại cá nuôi cho tết, giờ được tầm 2,5 đến 3kg/con. Tính ra tiền cũng mất gần 150 triệu."

Sông Châu kêu cứu
Ông Lê Hồng Quảng ra vớt cá giúp anh Phúc

Sát chân cầu Câu Tử là những đăng cá của gia đình ông Nguyễn Văn Cứ, Nguyễn Văn Luận. Mất mát chẳng kém gì nhau, nhìn vẻ mặt thất thần của ông Nguyễn Văn Cứ, không ai cầm lòng được. Hàng trăm triệu vay ngân hàng, vay người quen thân để làm ăn, giờ trôi theo dòng nước… Ông Cứ nói: "Mỗi ngày vớt gần chục tấn cá đem chôn, rồi cũng chẳng có chỗ để chôn, mùi hôi thối bốc lên làm cho bà con hai bên bờ sông không ngửi được. Mình cũng phiền lòng lắm…".

Sông Châu kêu cứu
Dọc đăng cá của các gia đình ông Luận, ông Cứ

Con sông Châu vốn nổi tiếng là dòng sông trong mát bốn mùa, là nơi tạo sinh kế của hàng nghìn hộ dân hai bên bờ. Nhờ đó, trên dọc dài con sông này có những làng chài ra đời và tồn tại bao nhiêu năm.

Theo ông Lê Hồng Quảng, khi chưa ô nhiễm, sông có nhiều tôm cá, trai, ốc…, người dân sống hai bên bờ dựa vào nó mà tồn tại, sống một cuộc sống yên bình. Nhưng nhiều năm trở lại đây, con sông liên tục đổi màu, mỗi lần như thế nó mang theo nước mắt của biết bao gia đình làm nghề nuôi cá bè trên sông.

Ông Quảng nói: "Cho dù người dân nuôi cá một cách tự phát, không ai cho phép chuyện đó, nhưng họ chẳng biết làm nghề gì ngoài nghề truyền thống của cư dân ven sông. Cháu tôi kia, có muốn bỏ cũng khó vì nó bằng ngần ấy tuổi rồi, xin vào làm công nhân nhà máy đâu có dễ…"

Sông Châu kêu cứu
Anh Phạm Văn Phúc giữa trưa nắng chèo thuyền vớt cá. Nỗi đau ngập lòng...

Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Hà Nam, nước sông Châu có độ kiềm yếu, bị nhiễm Amoniac nặng. Tại cầu Câu Tử, trung tâm đã lấy mẫu nước bề mặt kiểm tra, nồng độ NH4+ cao gấp hơn 18  lần cho phép. …

Cá chết nghĩa là sông cũng đang chết. Dòng sông vốn dĩ là nơi sinh sống vô cùng đa dạng của nhiều loại sinh vật, thế mà giờ đây cá tôm tự nhiên cũng cạn dần, những thảm rong, rêu ở sông cũng mất đi. Hãy cứu lấy sông để cứu lấy cuộc sống của hàng vạn người dân. Bảo vệ môi trường nước không phải trách nhiệm của một địa phương nào, một cấp, ngành nào, mà đó là trách nhiệm của cộng đồng, của toàn dân, vì cuộc sống và sức khỏe con người; vì một thực tế không thể chối bỏ: đời sông gắn với đời người.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.