Nguy cơ tai nạn từ việc không chấp hành hiệu lệnh giao thông

Hằng ngày, đi qua các nút giao thông trong tỉnh có tín hiệu đèn, có thể thấy không ít trường hợp người tham gia giao thông cố tình không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Với những tuyến đường, nút giao vắng bóng lực lượng chức năng, hành vi xấu này càng diễn ra phổ biến

Chấp hành nghiêm tín hiệu đèn giao thông để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Điều đáng lo ngại là hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông của một số người đã và đang gây ra hệ lụy theo kiểu “lan tỏa”, người khác vượt được thì mình cũng vượt, hoặc thấy người khác đi là đi theo.

Chị Trần Hồng Hạnh (phường Minh Khai, TP. Phủ Lý) cho biết: Tôi luôn chấp hành nghiêm tín hiệu đèn giao thông nhưng đôi khi vì sợ phương tiện phía sau đâm vào nên mỗi khi dừng đèn đỏ buộc tôi phải đỗ xe nép bên đường và quay nhìn lại với trạng thái nơm nớp lo sợ.

Không chỉ thế, tiếng còi inh ỏi của nhiều phương tiện lớn cũng làm cho số đông người tham gia giao thông đang dừng chờ đèn đỏ cảm thấy bất an, khó chịu. Nhiều trường hợp, chỉ còn vài giây nữa là đèn tín hiệu chuyển xanh nhưng tiếng còi giục giã, gắt gỏng của nhiều phương tiện ngay phía sau phát ra như muốn uy hiếp khiến không ít người có ý thức chấp hành nghiêm tín hiệu dừng đèn đỏ cũng sốt ruột...

Có rất nhiều lý do mà người không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông đưa ra để biện minh cho hành vi vi phạm của mình, như: đang có việc gấp, sợ muộn giờ làm…

Về phía người chấp hành nghiêm luật (đi đúng làn đường, dừng đèn đỏ, không lạng lách, đánh võng…) đôi khi lại bị chính những người vi phạm pháp luật lớn tiếng thúc giục, thậm chí dè bỉu, quát nạt. Hành vi này lặp đi, lặp lại thường xuyên vô tình hình thành thói quen xấu, ăn sâu vào ý thức nhiều người tham gia giao thông.

Và hậu quả là người điều khiển phương tiện cố tình vượt đèn đỏ không chỉ gây nguy hiểm cho những phương tiện đang lưu thông mà còn gây ra nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông cho hàng loạt phương tiện đang dừng chờ phía trước. Điển hình như vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tại tỉnh Long An (tháng 1/2019), chiếc xe đầu kéo lao vào hơn 20 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ.

Trước thực trạng trên, thời gian qua lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường thực hiện chủ trương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông trong các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện chủ trương này, Ban ATGT tỉnh phối hợp với ngành giáo dục tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, sinh hoạt ngoại khóa, hướng vào nội dung trọng tâm là giáo dục học sinh, sinh viên tự giác chấp hành quy tắc giao thông, từng bước hình thành những công dân có văn hóa khi tham gia giao thông ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng tăng cường biện pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe; giám sát chặt chẽ chương trình, thời gian và chất lượng dạy học tại các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe; áp dụng biện pháp xử lý mạnh đối với cơ sở vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe.

Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm xe tải, xe container, xe khách chạy quá tốc độ, không chấp hành tín hiệu đèn chỉ huy giao thông. Đồng thời, bố trí lực lượng ở các vạch dừng, điều tiết giao thông, hạn chế tốc độ những phương tiện có nguy cơ gây tai nạn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Thành phố Phủ Lý là địa bàn có lưu lượng, mật độ người, phương tiện tham gia giao thông cao nên được bố trí đèn chỉ huy giao thông nhiều nhất tỉnh (14 điểm). Để nâng cao ý thức chấp hành tín hiệu đèn giao thông của người dân, hằng ngày lực lượng CSGT phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT trên hệ thống truyền thanh kết hợp tuyên truyền lưu động tại các tuyến phố chính.

Theo Thiếu tá Phạm Việt Hưng, Đội trưởng Đội CSGT Công an thành phố Phủ Lý, cùng với tăng cường thông tin, tuyên truyền, vào giờ cao điểm, thành phố còn áp dụng biện pháp cấm các loại xe tải đi vào khu vực nội thành; cấm xe tải từ 2,5 tấn trở lên đậu đỗ trên những tuyến phố chính.

Lực lượng CSGT Công an thành phố cũng đã thực hiện đợt cao điểm ra quân (từ 16/12/2018 - 15/2/2019) chấn chỉnh, xử lý trường hợp không chấp hành tín hiệu giao thông (đã xử lý 195 trường hợp). Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân được nâng lên, tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành tín hiệu đèn giao thông giảm.

Khách quan nhìn nhận, muốn xây dựng một xã hội giao thông có văn hóa, tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành hữu quan, chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng, bổ sung, điều chỉnh hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông thì ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn là yếu tố quan trọng, quyết định.

Chỉ khi mỗi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông luôn biết đặt an toàn tính mạng của bản thân, tính mạng của người đi đường cao hơn mọi lợi ích khác, nghĩa vụ chấp hành pháp luật giao thông cao hơn mọi nguyên tắc, quy định khác thì chủ trương và quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông mới có thể đem lại hiệu quả rõ rệt, bền vững.                                   

Lê Mai

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy