Nghề báo duyên và nợ

Các phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội Tịch điền. Ảnh: Lương Thế

Mỗi người đều có một cảm nhận riêng, một con đường riêng khi đến với nghề báo nhưng họ đều có chung một chữ duyên khi đã lựa chọn nghề báo. Rồi sau bao nhiêu năm làm báo và gắn bó với nghề báo họ lại nhận ra đó chính là cái nghiệp. Với họ, những người đã chọn nghiệp báo để dấn thân thì sau mỗi chuyến đi, mỗi lần gặp gỡ, mỗi bài viết họ lại thấy mình như mắc nợ. Không phải nợ tiền, nợ bạc mà là nợ nghĩa, nợ tình, nợ những nơi mình đến, những con người đã gặp... Làm báo để lan tỏa những điều tử tế, đó chính là tâm nguyện và trăn trở của những người làm báo Báo Hà Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.

Thực tiễn cuộc sống và món "nợ" nghĩa tình, trách nhiệm của người cầm bút

Các nhà báo thế hệ đàn anh nhiều năm trải nghề đã từng đưa ra sự đúc rút về nghề báo bằng một hình ảnh thật ấn tượng, thấm thía và thú vị: "Người làm nghề báo lúc nào cũng như người mắc nợ". Thật vậy, cứ lo xong "nợ" số báo ngày mai ra, nhà báo lại gần như ngay lập tức phải bắt đầu tiếp tục lo cho số báo tiếp sau. Và cứ thế, "nợ" này vừa trả xong lại tất tả ngược xuôi lo trả món "nợ" khác, nhất là trong thời buổi báo chí đang hằng ngày, hằng giờ nỗ lực chạy đua mong sao cập nhật tin tức, sự kiện sớm nhất, nhanh nhất đến bạn đọc như hiện nay.

Cuộc sống thực tiễn vốn sinh động và vô cùng phong phú lại luôn hối hả vận động như một dòng chảy không một phút nào ngừng nghỉ. Chính bởi thế mà nhà báo dẫu quanh năm suốt tháng luôn đóng vai là những "con ong" chăm chỉ, cần mẫn, ruổi rong mê mải tìm hoa, làm mật thì cũng không thể nào trả hết món "nợ" nghề nghiệp, món "nợ" nghĩa tình, trách nhiệm đã trót theo đuổi. Biết bao cuộc hẹn hò với "nguồn tin" cơ sở về những đề tài đầy tính thực tế, biết bao dự định về những bài viết "có vấn đề", bài viết dài hơi, tâm đắc đã đưa vào "kế hoạch ngầm", đã "gạch đầu dòng" vào sổ tay phóng viên… mà chưa thực hiện được. Công việc của những người làm báo không chỉ bận rộn, khẩn trương, liên tục tiếp nối mà còn phải thường xuyên thích ứng, xử lý với muôn vàn sự kiện, thông tin thời sự mới phát sinh hằng ngày, hằng giờ. Chính bởi vậy, nhiều lúc vẫn nhớ, vẫn thao thức, trăn trở nhưng cũng đành phải tạm gác lại những chuyến đi khám phá thực tế cơ sở đầy thú vị đã từng hẹn hò, tạm gác lại những đề tài, bài viết tâm đắc, dài hơi vẫn hằng ấp ủ bấy lâu. Để rồi, món "nợ" nghĩa tình, trách nhiệm của người cầm bút với thực tiễn cuộc sống sôi động, không ngừng nghỉ kia theo năm tháng cứ như một món "nợ" truyền kiếp, muôn đời không bao giờ trả hết…

Nhà báo Thế Vĩnh (Trưởng phòng Xây dựng Đảng - Nội chính)

Nhà báo Chu Uyên (PV Phòng VH-XH)

Khi nhà báo viết về văn hóa

Ngay từ khi bắt đầu công việc, tôi đã gắn bó với lĩnh vực văn hóa-xã hội, một lĩnh vực lớn của báo chí. Vốn là một vùng đất cổ, nơi chứa đựng khá nhiều trầm tích văn hóa lịch sử hàng nghìn năm, sự tồn tại và phát triển của văn hóa đã tác động sâu sắc tới tính cách và đời sống xã hội của con người Hà Nam. Nhưng làm thế nào để sáng tỏ điều này, làm thế nào để những giá trị văn hóa lịch sử thấm vào đời sống nhân dân, tỏa sáng trong hiện thực và khơi dậy ý thức tự hào dân tộc cho mỗi người là điều cần đến báo chí Hà Nam và nhờ vào báo chí Hà Nam. Trong quá trình thực hiện điều này, báo chí Hà Nam đã trở thành phương tiện văn hóa và được coi là bộ phận cấu thành của văn hóa Hà Nam. Từ những bài viết về văn hóa, những chương trình về văn hóa, công chúng có thể cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt Nam trong ca dao tục ngữ, trong hát ru và dân ca; cảm nhận được những tác động sâu sắc vô cùng tới tâm linh và đời sống lao động sản xuất của con người qua các lễ hội; cảm nhận được tâm hồn bay bổng,  đầy khát vọng, bàn tay khéo léo tài hoa của người dân quê chiêm trũng Hà Nam gửi gắm vào những công trình kiến trúc đồ sộ, tồn tại hàng trăm năm ở mỗi làng quê như đình, chùa, miếu…; cảm nhận được vẻ đẹp non nước hữu tình mà tạo hóa đã ban tặng cho Hà Nam với hàng trăm ngọn núi, hàng chục thắng cảnh đẹp thơ mộng giữa mênh mông mây trời, sông nước; cảm nhận được sự huyền bí, thâm sâu của những di tích cổ kính gắn liền với những câu chuyện cổ đầy màu sắc liêu trai...

Tuy nhiên, viết về văn hóa, ngoài bản lĩnh chính trị, tri thức và năng khiếu, người làm báo cần nâng cao hiểu biết, mở rộng kiến thức, trau dồi tố chất văn hóa của mình. Nghề báo là nghề có sức cuốn hút và cao quý, nhưng nó cũng chứa đựng nhiều thử thách và gian nan đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh để vượt qua, vì đó là công việc của người chiến sỹ.

Nghề báo cho tôi nhiều trải nghiệm 

Tôi đến với nghề báo như một cái duyên. Sau 14 năm gắn bó với nghề, càng đi nhiều, viết nhiều, hiểu nhiều và trải nghiệm nhiều, tôi càng thấm thía về nghề. Vinh quang nhiều và nguy hiểm cũng lắm. Nghề báo cho nhiều và nhận cũng nhiều.

Nghề báo luôn đòi hỏi sự dấn thân. Ở một góc độ nào đó, sự trưởng thành không tính bằng năm tháng, mà ở sự học hỏi, trải nghiệm nhiều hay ít. Bản thân tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều sau 14 năm làm báo. Dù thời gian chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ để tôi chiêm nghiệm nhiều điều về cuộc sống, về nghề cầm bút. Khi bắt đầu làm phóng viên, tôi được lãnh đạo phân công nhiệm vụ về làm việc tại Phòng Tuyên truyền Kinh tế. Những con số và vô vàn thuật ngữ chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế làm tôi nhiều phen đau đầu, mệt mỏi vì phải căng não để học, nạp kiến thức. Nhưng cũng nhờ những con số ấy, tôi rèn được kỹ năng tư duy lô-gic, sắc sảo và nhạy bén hơn với những đánh giá trong  bài viết của mình.

Thực lòng, sau mỗi trang viết đều là những lo toan, trăn trở. Trăn trở vì vốn liếng kiến thức của mình còn hạn hẹp, dù đã đi, nghe, thấy, học, đọc và viết khá nhiều, bởi cuộc sống là sự chuyển động không ngừng nghỉ. Hơn thế, trăn trở để tìm tòi sáng tạo, làm mới những tác phẩm của mình, để không bị rơi vào lối mòn trong tư duy và thể hiện tác phẩm. Chưa kể, xu hướng làm báo hiện đại đang hối thúc những người làm báo phải tự học hỏi, trau dồi kiến thức để không bị tụt hậu. Để có bài viết hay, chất lượng, người làm báo cần phải có bản lĩnh để phân biệt đúng sai, vượt qua cám dỗ, có nhãn quan nhạy bén, khả năng quan sát và nhạy cảm chính trị. Điều này không mấy ai bước chân vào nghề đã có đủ, mà phải qua rèn luyện mới có được.

Nhà báo Bích Huệ (PV Phòng  Kinh tế)

Khánh Chi (PV Phòng Báo điện tử)

Viết để lan tỏa những điều tử tế

Tôi vốn chỉ nghĩ đơn giản một điều, nghề báo là đi và viết. Nhưng phải thực sự sống với nghề, trăn trở về nghề mới biết, những chuyến đi không chỉ đơn giản là sự dịch chuyển, và những bài viết không chỉ đơn giản là nối dài con chữ. Nghề báo quả thật là những chuyến đi đầy "duyên" - "nợ".

Nhờ làm báo và thông qua những chuyến đi, tôi có "duyên" được gặp gỡ, tiếp xúc và tìm hiểu sâu hơn những nhân vật, những hoàn cảnh mà sau đó đã trở thành "nợ" nghề, "nợ" cuộc sống. Duyên được gặp những cụ già không con, hơn nửa đời người quanh quẩn trong khu điều trị bệnh phong. Để mà nợ một bài viết sẻ chia, một tiếng nói góp phần cải thiện bữa ăn vốn chỉ có cơm, rau là chính. Duyên được gặp những đứa trẻ sinh ra đã mang án tử, nhiễm HIV từ mẹ, cả một vùng quê xa lánh, nhưng vẫn sống đầy nghị lực. Để rồi nợ những con chữ phần nào kéo cộng đồng về gần với em. Duyên được gặp đứa những đứa trẻ vị thành niên, không bố, mẹ điên, ăn đòn nhiều hơn ăn cơm, nhưng vẫn cam chịu và khát khao đến trường. Để rồi nợ một lời thức tỉnh những cái dang tay của cộng đồng…

Dư luận có nhiều điều để quan tâm, chính trị, kinh tế, giải trí, những vụ án rúng động… Nhưng cuộc sống vốn dĩ không chỉ có thế, không nên chỉ có thế. Báo chí, hay đơn giản chỉ cần là người viết thôi, hãy truyền đi những thông điệp nhân văn, những câu chuyện tử tế. Viết, khắc họa cuộc sống chân thực, trở thành tiếng nói của những mảnh đời mà nước mắt của họ, theo năm tháng đã chảy ngược vào trong; tiếng nói của những mảnh đời, mà những năm tháng tiếp theo vốn chưa biết nên cười hay nên khóc. Một nhà văn với tâm thiện đã nói với tôi: "Viết một câu chuyện rất đời, có thể nó không giật gân, chẳng câu khách. Nó chỉ là một nốt trầm, một khoảng lặng trong cuộc sống. Nhưng đó là điều xứng đáng được nói lên, và xứng đáng được lắng nghe". Với tôi, nghề báo vẫn là những chuyến đi, chuyến đi gieo "duyên" và được mắc "nợ".

Minh Thu (ghi)

Minh Thu, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.