Làng hoa Phù Vân chuẩn bị vào Tết

Chỉ còn đúng một tháng nữa là Tết, những người trồng hoa, cây cảnh ở xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý đang từng ngày hy vọng một mùa bội thu. “Thời tiết như lưỡi hái trên đầu, ông trời thương thì cho hoa nở đúng kỳ, còn không phải cắt bán trước Tết hoặc sau Tết thì chúng tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong…”. Chị Bạch Thị Thúy, thôn 6, người trồng nhiều hoa dơn nhất Phù Vân chia sẻ.

Ông Đỗ Đăng Suốt cả ngày gắn bó với vườn đào 
Trông trời chờ vận

Năm nào cũng thế, những hộ trồng hoa, cây cảnh ở Phù Vân đầu tư vốn liếng vào những vườn từ tháng 9 âm lịch để chờ mong thu Tết. Nhà trồng nhiều thì đầu tư hàng trăm triệu, nhà ít cũng hàng chục triệu đồng. Ông Đỗ Đăng Suốt, thôn 6 là một trong ít hộ trồng đào Tết nhiều nhất ở Phù Vân. Có kinh nghiệm hàng mấy chục năm nay trong nghề, thế nhưng ông Suốt cũng không thể nào chủ động được chuyện lỗ, lãi. 

Ông nói: “Năm ngoái thì mất cả vườn vài trăm gốc do tháng 3, tháng 4 mưa nhiều. Năm nay thì cũng mất tương đối do không có mưa suốt mùa nóng nên hầu hết những gốc đào to đã chết. Gia đình chỉ có 4 sào vườn trồng đào, nhưng đào to năm nay rất ít…”.

Cả ngày ông Suốt ngoài vườn trông nom, chăm sóc cây. Ông đùa: “Mình ốm chắc không vấn đề gì, nhưng nó bị làm sao thì cả nhà mình khổ!”. Để có vụ đào Tết, từ đầu năm, ông đã phải lăn lộn đi tìm gốc, tìm giống, bỏ tiền, bỏ công chăm sóc. Công người một lẽ, nhưng thời tiết không thuận thì công cốc! Năm nay, với chừng này diện tích đào, nếu thời tiết rét từ 19 đến 24oC thì vườn đào của ông cho thu gần 200 triệu.

Trên 6 sào hoa dơn (còn gọi là lay ơn) của gia đình anh Đỗ Đăng Phúc chuẩn bị trỗ bông

Cháu họ của ông Suốt là anh Đỗ Đăng Phúc nổi tiếng ở Phù Vân vì trồng nhiều hoa dơn nhất. Gần chục năm nay, anh Phúc trồng trên một mẫu hoa, trong đó quá nửa là hoa dơn. Lãi, lỗ tùy từng năm, cũng do trời cả! Chẳng kể mấy năm đầu chưa có kinh nghiệm, anh phải chịu lỗ nhiều do năm thì trồng sớm, năm thì trồng muộn, Tết không thu được hoa. Vài năm nay, anh có kinh nghiệm hơn nhưng vẫn khó mà ăn thua với trời. Năm ngoái, 24, 25 tháng 9 âm lịch anh xuống giống, nhưng do trời ấm nên đến giữa tháng Chạp đã nở hết, buộc lòng thu hoạch vội, bán giá rẻ, không có lãi. Năm nay rút kinh nghiệm, anh xuống giống muộn  hơn gần 2 tuần, hy vọng thời tiết thuận, anh sẽ thu hoa vào đúng dịp Tết.

Vợ anh, chị Bạch Thị Thúy cho biết: “Trồng hoa dơn giống má, đầu tư nhiều hơn cúc nên không cẩn thận là thua thiệt đủ đường. Với loại củ bình thường, giá 85.000 đồng/kg (trên 50 củ/kg), mỗi tuần phun thuốc một lần, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch bón phân 4 lần, tính ra chi phí cho mỗi cây dơn từ 2.800 đồng – 3.000 đồng. Nếu không nở đúng Tết, chỉ bán được 3.000 đến 3.500 đồng/cây tại vườn. Vậy là không còn công nữa. Còn nếu thời tiết thuận như hiện nay, hoa nở đúng dịp Tết sẽ bán được 6.000 đồng/bông tại vườn.” 

Chị Bạch Thị Thúy, thôn 6, xã Phù Vân hy vọng thời tiết ổn định để hoa nở đúng Tết

Hoa nở đúng dịp cần thì người cười, nhưng hoa nở không đúng dịp thì người khóc. Sự khó khăn trong nghề chỉ những người trồng hoa mới thấu hết, nhưng khó hay khổ, những vườn hoa Phù Vân đã mang lại cho người dân niềm tin vào nghề nghiệp và có đời sống khá giả hơn.

Hoa nở trên vùng đất chuyển đổi

Phù Vân được mệnh danh là làng hoa lớn nhất của Hà Nam hiện nay với tổng diện tích trên 70ha. Hầu hết diện tích trồng hoa, cây cảnh ở Phù Vân đều thuộc vùng chuyển đổi theo chủ trương phát triển nông nghiệp của xã, tập trung vào hoa, cây cảnh và rau hàng hóa. Đến thời điểm này, cả xã có gần 300 hộ dân trồng hoa, cây cảnh, chủ yếu ở các thôn 5, thôn 4. 

Ông Phạm Phú Thắng, Chủ tịch UBND xã Phù Vân cho biết: “Giá trị kinh tế từ cây hoa mấy năm nay đều rất khá, bình quân là trên 260 triệu đồng/năm/ha. Có những nhà giá trị bứt phá hơn, thu nhập từ 300-400 triệu/ha/năm. Thôn 5 là thôn trồng hoa nhiều nhất thì đến nay không có hộ nghèo. Chúng tôi đánh giá, cây hoa đã mang lại đời sống khá giả cho người dân thời gian qua, dẫu gặp khó khăn về thời tiết người dân vẫn bám nghề, thậm chí mở rộng nghề.”

Vườn hoa cúc của gia đình bà Phạm Thị Tuyết, thôn 6, xã Phù Vân đang chờ Tết 

Những năm qua, việc chuyển dịch lao động ở Phù Vân rất mạnh mẽ. Cả xã chỉ còn 400/hơn 3000 hộ dân có thu nhập chính từ nông nghiệp. Người dân trong xã đã chuyển đổi ngành nghề sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khá đông. Theo ông Phạm Phú Thắng, “chỉ những hộ nông nghiệp nào sản xuất theo hướng hàng hóa thì tồn tại được. Còn nếu cứ sản xuất theo phương pháp nông nghiệp truyền thống rất khó tồn tại”. Thực tế, những hộ trồng hoa, cây cảnh ở địa phương chủ yếu thuê lại đất của hàng xóm khi người ta không có nhu cầu làm ruộng để tích tụ ruộng sản xuất với quy mô lớn dần. Nếu trồng manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất sẽ gặp khó khăn.

Đời sống kinh tế của người dân trồng hoa Phù Vân ngày một khá giả hơn

Bây giờ đã là giáp Tết, làng hoa Phù Vân nhộn nhịp dần lên. Người khắp nơi đổ về đây đặt hàng. Ở những vườn đào, vườn quất cảnh, khách đã đến thăm quan và chọn cây. Ông Đỗ Đăng Suốt nói, nhà nào bây giờ cũng lo tìm người làm thuê, cắt hoa, đào cây, vận chuyển. Công mỗi người một ngày dịp này cũng lên 300 đến 400 nghìn đồng. Rồi ông cười nói: “Vui nhất là không ai ngồi chơi, ai cũng có việc làm…”

Khách đã đến vườn đào chọn cây chơi Tết

 

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.