Khói cuối mùa gặt đốt bỏng thành phố

Những ngày đầu tháng 6, nóng như rang như đốt, người nông dân tranh thủ gặt đêm để tránh nóng. Nhưng cứ vào mỗi buổi chiều, trong cái nóng oi óc, khói ở những cánh đồng bay về quây lấy thành phố Phủ Lý tạo nên một cảm giác ngột ngạt, khó chịu.

Khói cuối mùa gặt đốt bỏng thành phố
Cánh đồng ven quốc lộ 21A mới, cách Bệnh viện Bạch Mai cơ sở II hơn 1km về phía Nam chiều 6/6

Những hình ảnh này được chụp lại vào lúc 16h chiều 6/6 tại cánh đồng ven quốc lộ 21 A mới, cách Bệnh viện Bạch Mai cơ sở II hơn 1km về phía Nam. Một người phụ nữ tay cầm bó rơm khô làm mồi châm lửa để đốt những vạt rơm tươi mới cắt còn xanh gốc ngả trên đồng. Khói trắng trời, hòa vào nắng làm cho không gian mù mịt như sương mù buổi sớm.

Khói cuối mùa gặt đốt bỏng thành phố
Đường về thành phố Phủ Lý mịt mù khói rơm

Theo chiều gió, khói bay về phía thành phố Phủ Lý theo dòng người, xe cộ. Hơi nóng từ mặt đường nhựa bốc lên cộng với hơi khói rơm rạ làm cho những người đi đường phải sè sè con mắt. Tất cả các phương tiện tham gia giao thông phải giảm tốc, chầm chậm vượt qua quãng đường này trong sự ngột ngạt, khó chịu vô cùng.

Khói cuối mùa gặt đốt bỏng thành phố
Người nông dân đốt rơm trong chiều nóng nực...

Người nông dân đi vào giữa đám cháy thản nhiên nhặt từng bông thóc. Cũng chỉ được một lát, ngọn lửa bùng lên nóng rát mặt, người nông dân này phải chạy ra xa để tránh. Khoảng cách giữa đám cháy và con đường chỉ độ vài trăm mét, nhưng dường như người nông dân cảm thấy xung quanh chẳng có ai…

Khói cuối mùa gặt đốt bỏng thành phố
Những cột khói nghi ngút bay về phía thành phố và những làng quê, giờ đang là cuối vụ gặt

Cái nóng nung nấu không gian ngày một ỏi ả hơn. Khói cũng bị gió đẩy vào thành phố. Phủ Lý những buổi chiều qua mù mịt khói. Người già và trẻ em mở cửa là hắt hơi, khó chịu. Khói ở đâu nhiều đến thế? Nếu không ra khỏi thành phố, về những ngả đường quê như thế, làm sao biết khói lửa từ đâu?

Khói cuối mùa gặt đốt bỏng thành phố
Chiều hè như không có nắng. Khói mịt mùng giăng kín không gian...

Ông Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Lục cho rằng:  Nhiều năm qua, với suy nghĩ đốt bỏ rơm rạ sau khi thu hoạch sẽ được nguồn tro than bón cho lúa vụ sau, nhanh gọn và đỡ mất công, không ít nông dân đã thực hiện công đoạn này vào mỗi mùa thu hoạch lúa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phân tích, khi bị đốt thành tro, các chất hữu cơ trong rơm rạ do nhiệt độ cao đều biến thành các chất vô cơ, làm cho đất ruộng bị chai cứng. Không những thế, việc đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng vào thời tiết nóng nực, hanh khô thế này gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. Xử lý rơm rạ sau mỗi vụ gặt thành một sản phẩm hữu cơ có ích cho đời sống và sản xuất nông nghiệp đã và đang là bài toán cần có lời giải sớm hơn....

Khói cuối mùa gặt đốt bỏng thành phố

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.