Chuyện về những ngày sơ tán ở Hà Nam

Rất tình cờ, tôi được gặp và trò chuyện với bà Phạm Thị Vân Yến, vợ của phóng viên ảnh (nghệ sỹ nhiếp ảnh) chiến trường Đoàn Công Tính. Cảm xúc đồng hương làm cho chúng tôi có nhiều thiện cảm với nhau hơn, để rồi có những câu chuyện bao nhiêu lâu nay bà chưa có dịp kể thì giờ theo dòng cảm xúc ấy tuôn trào. Đó là những ngày không quên trong cuộc đời một bác sỹ quân y sơ tán ở Hà Nam.

Đầu xuân năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân lần thứ hai nhằm cắt đứt chi viện quốc tế với Việt Nam, giữa miền Bắc với miền Nam, làm lung lay quyết tâm kháng chiến của quân và dân ta... Thành phố Nam Định là một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt nhất lúc này. Bà Phạm Thị Vân Yến khi đó là bác sỹ, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Tỉnh đội Nam Hà, đang mang bầu con đầu lòng được 5 tháng. Bà nhớ, "Tình hình lúc ấy khá căng thẳng, Tỉnh đội điều tôi về Đội điều trị B46, Trung đoàn an dưỡng 586, vừa làm nhiệm vụ, vừa chờ sinh em bé. Biên chế của đội cũng đến năm, sáu mươi người, trong đó có 5 bác sỹ, còn lại là y sỹ, y tá và nhân viên, tất cả sơ tán về một ngôi chùa nằm ven sông Châu thuộc địa bàn Ngô Khê, huyện Bình Lục. Tôi là Trưởng Ban ngoại". 

Chuyện về những ngày sơ tán ở Hà Nam
Hai vợ chồng nhà báo Đoàn Công Tính xem lại những bức ảnh và những lá thư thời chiến.

Những ngày này trên bầu trời Hà Nam, máy bay giặc Mỹ quần thảo từ Cầu Giẽ về Phủ Lý, dọc theo những con sông lớn, quốc lộ 1A. Nhân dân thị xã Phủ Lý cũng sơ tán về các vùng nông thôn, chỉ còn chưa đến 10% ở lại bám trụ. Chỉ tính riêng trong tháng 7 năm 1972, Mỹ đã huy động nhiều lượt máy bay đánh phá các mục tiêu như đê điều, đường sá, thậm chí cả khu vực dân cư trên địa bàn Hà Nam nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân. 

Ngày 20 tháng 8, bà Yến trở dạ và sinh con ở một trường học, một phần bệnh viện thị xã sơ tán ra đó, thiếu tiện nghi. Bà kể: "Tôi nằm trên hai chiếc bàn học sinh ghép lại và ánh sáng được thắp lên từ chiếc đèn măng – xông, rồi đứa trẻ chào đời, chưa kịp cắt rốn. Đúng lúc ấy, tiếng máy bay gầm rú 

trên trời, mọi người phải tắt vội đèn, nín thở, chờ nó bay qua. Ngày hôm sau, mẹ chồng tôi và mấy người cùng cơ quan về thăm, tôi cũng không thể ở lại bệnh viện được, phải về  Ngô Khê, nơi đơn vị đang đóng quân. Nhưng về làm sao đây, mới sinh hôm qua, nếu cáng hàng chục cây số từ bệnh viện về đơn vị thì rất nguy hiểm. Vậy rồi mọi người bàn, quyết định đi bằng thuyền dọc theo sông Châu…”.

Trong ký ức của bà Yến, con sông Châu thật đẹp. Nước trong xanh, hiền hòa như tính tình con người nơi đây. Hai bên bờ, cây cối xòa bóng xuống dòng sông. Những chiếc cầu bắc ra sông của người dân dùng để sinh hoạt gợi lên một cuộc sống quá đỗi yên bình. Nếu không có chiến tranh, không có những đợt bom rơi, đạn bắn thì cuộc sống người dân ven sông này hạnh phúc vô cùng. Đến bến sông, gần chùa Ngô Khê, đồng đội đã đợi sẵn đưa bà về. Nhưng chỉ hai ngày sau khi sinh, bà bị băng huyết, rất may được cấp cứu kịp thời. Sức khỏe quá yếu, chồng đi xa, thỉnh thoảng có vài chuyện truyền tai nhau về tình hình chiến sự ngoài mặt trận, bà giật thót mình, lo lắng.

Bà nói: "Ông ấy là nhà báo được vào Thành cổ Quảng Trị. Chúng tôi ngoài này theo dõi tin tức từ chiến trường qua báo chí, đặc biệt là Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị, thấy vẫn có những bức ảnh của ông được đăng đều đặn. Dù vậy, thời buổi  chiến tranh, thông tin không liên tục như giờ. Với lại, chuyện sống chết ở mặt trận có ai biết trước được đâu. Có những người chụp ảnh xong, gửi về tòa soạn, khi ảnh còn đang trên đường đi thì tác giả đã hy sinh. Ông ấy nhà tôi cũng có thể trong trường hợp đó lắm chứ. Nói chung, mọi phán đoán đều rất mông lung! Vào thời điểm sắp đến ngày sinh con, từ mặt trận đi ra, một vài thương binh kể đã gặp một nhà báo ngoài chiến trường bị cụt chân. Trong đơn vị, thủ trưởng cũng nghe được tin ấy, sợ mình biết sẽ sốc nên cố giấu. Anh ấy dặn các đồng chí thương binh đừng loan tin đó ra, vì trong đội có một nữ bác sỹ có chồng là nhà báo đang ở chiến trường, mà chị ấy đang có thai, nói ra sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe chị ấy. Nhưng cuối cùng cũng đến tai mình!”.

Mười ngày sau khi sinh con, ông Tính xuất hiện ở chùa, trước mặt vợ và con. Không thể cất lên lời, ông sững sờ khi thấy vợ quá xanh xao, yếu ớt. Họ ôm lấy nhau khóc nức nở. Nhà báo Đoàn Công Tính nói với vợ rằng mình bị thương, bị ảnh hưởng của sức ép bom mìn lúc ở Quảng Trị, ở Thành Cổ và đã được chuyển hẳn về Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân ngoài Hà Nội rồi.

Ông Tính yêu vợ rất nhiều, bà là mối tình đầu của ông. Bà Yến quê xã Trác Văn, nhà ở ven sông Châu  (thị xã Duy Tiên hôm nay), kém ông 3 tuổi. Họ cùng học với nhau năm lớp 5 ở Nam Định. Sau này, khi học trường cấp 3 Lê Hồng Phong, họ không cùng lớp. Học đến lớp 9, ông Tính vào bộ đội, còn bà Yến học Đại học Y Hà Nội từ năm 1964. Bà nói: "Khi tôi đang học năm thứ 5 đại học, chiến tranh rất ác liệt. Quân đội cần bác sỹ cho chiến trường nên vào trường tuyển trực tiếp. Bà được tuyển vào quân đội đợt đó, tiếp tục học quân y năm thứ 6. Hơn một năm sau, những nam bác sỹ phần lớn vào chiến trường và nữ ai khỏe mạnh mới được đi cùng. Mình ở lại ngoài Bắc, về Nam Hà công tác được hai năm, được cử làm Bệnh xá trưởng Bệnh xá Tỉnh đội Nam Hà. Năm 1971, ông Tính về tìm tôi, hai người mới yêu nhau, rồi cưới".

Bà Yến làm việc đến năm 1979 xin chuyển ngành, về Hà Nội cùng với chồng, sinh thêm cô con gái thứ 2. Nhà báo Đoàn Công Tính trở thành nhà báo chiến trường nổi tiếng, tên tuổi của ông gắn với những bức ảnh chụp ở Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm và nhiều bức ảnh chụp ở các căn cứ quân sự khác, như: Đầu Mầu, Tân Lập… Bà Yến nói: "Ông ấy là nghệ sỹ, sống và chiến đấu với tinh thần của một nghệ sỹ, một nhà báo, một chiến sỹ. Ông thủy chung và dành trọn tình yêu cho tôi. Trong cuộc sống có quá nhiều khó khăn, vất vả, có cả chia ly và xa cách, nhưng tình yêu ấy đủ lớn để xóa lấp mọi thứ, làm nên những giá trị mà lúc nào tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Chỉ tiếc, bây giờ ông bị ảnh hưởng chiến tranh, sức khỏe kém đi rất nhiều, thành thử đi lại khó khăn, nói chuyện không được lâu". 

Vợ chồng bà Yến vào Sài Gòn sống vài chục năm nay với gia đình cô con gái thứ hai, một nghệ sỹ đàn Violin. Con gái lớn hiện đang sống và làm việc tại Mỹ, ít khi về thăm nhà nhưng vẫn thường xuyên gặp nhau qua điện thoại. 

Bà Yến nhớ mãi miền quê Trác Văn, nơi có con sông Châu hiền hòa chảy qua thơ mộng và trữ tình! Và hôm nay, được trò chuyện với bà, người bác sỹ quân y thời chiến phần nào hiểu thêm những giá trị cuộc sống của người phụ nữ thời chiến; biết thêm một phần về cuộc sống, chiến đấu của nhà báo phóng viên ảnh chiến trường nổi tiếng Đoàn Công Tính…

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy