Chuyện thả cá chép ngày "Táo quân chầu trời"

Những năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã lên án những việc làm không đúng trong ngày ông Công ông Táo chầu trời như: Tình trạng đốt vàng mã rồi thả tro ra sông gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường; người đi thả cá chép lo ngay ngáy phương tiện đi lại quan trọng của ông Táo nhà mình giữa đường không may “bị bắt” sẽ không kịp buổi chầu…

Qua rằm tháng Chạp, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Canh Tý, khắp các chợ, người mua - người bán đông đúc, náo nhiệt. Đi chợ về, bác hàng xóm sang nhà tôi hỏi: Sắp đến ngày Táo quân chầu trời, ngoài chợ hôm nay bày bán quần áo, mũ hài ông Công ông Táo nhiều và đa dạng lắm, nhà cô đã mua sắm đủ đồ lễ chưa? Nhà cháu làm đơn giản, chỉ mua bộ quần áo, đúng ngày làm mâm cơm, mua thêm con cá chép đỏ để ông Táo "cưỡi" lên chầu trời thôi - tôi cười trả lời. Nhà tôi cũng vậy, bác hàng xóm tiếp lời, làm đơn giản, nhưng vẫn giữ đúng phong tục cha ông để lại. 

Nói xong, bác thở dài kể luôn: Tôi nhớ, trưa 23 tháng Chạp năm ngoái đi thả cá chép ở sông, thấy cảnh có người dừng xe đứng trên cầu thả mà như ném, như quăng đánh tùm một cái, cả túi, cả cá rơi mạnh xuống sông; cách bờ sông chỗ nhiều người đến thả cá không xa có người ngồi trên thuyền quây lưới, kích điện, vớt cá chép phóng sinh; cả một đoạn sông dài nước gần bờ đen ngòm bởi tro hàng mã, chân nhang gây mất vệ sinh môi trường… Về đến nhà tôi băn khoăn, buồn mãi.

Tục thả cá chép ngày “ông Công, ông Táo chầu trời” là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Ảnh minh họa

Từ lâu tục thả cá chép ngày ông Công ông Táo chầu trời (ngày 23 tháng Chạp) là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt. Ngoài ý nghĩa tâm linh (với quan niệm Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng những việc đã làm được, chưa làm được trong năm qua ở dưới hạ giới), thả cá chép phóng sinh còn hướng mọi người đến những giá trị nhân văn tốt đẹp trong cuộc sống, nhắc nhở mọi người cần làm nhiều việc thiện, tránh xa việc ác; đồng thời cầu mong, ước nguyện những điều tốt đẹp, an lành sẽ đến với gia đình, đến với mọi người trong năm mới.

Thường tầm trưa ngày 23 tháng Chạp, sau khi cúng xong, mọi người mang cá chép ra sông, hồ, hoặc ao thả phóng sinh. Hiện nay, nhiều ao hồ đã bị lấp, nhiều đoạn bờ sông cũng đã được kè, để bảo đảm an toàn, khi phóng sinh cá chép mọi người thường chọn nơi có xây bậc lên xuống để thả cá. Bác hàng xóm chia sẻ: Tôi hay lên chùa, các thầy dạy rằng, nếu cá chép được đựng trong xô, trong thau, khi thả, mọi người nên nghiêng miệng xô, nghiêng miệng thau từ từ để cá chép bơi ra ngoài. Nếu cá chép đựng trong túi ni lông thì mở rộng miệng, nhẹ nhàng thả cá ra ngoài. Không nên thả cá cùng túi ni lông từ trên cao xuống, như vậy là quăng, là ném chứ đâu phải thả. Đặc biệt, khi thả cá xong phải bỏ túi ni lông gọn vào thùng rác hoặc nơi thu gom rác thải, không nên vứt luôn túi xuống nước, hoặc ném tràn lan trên bờ gây mất vệ sinh môi trường, làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan nơi sông nước.  

Không chỉ chuyện thả cá chép, vào ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà thường tỉa chân nhang, lau dọn bàn thờ sạch sẽ, có nhà còn thay bát hương mới… Khi hóa vàng xong tất cả tro, chân nhang, bát hương cũ được gom lại mang ra sông thả với quan niệm để cho sạch sẽ, mát mẻ, như vậy nhiều phúc, nhiều lộc sẽ tới với gia đình. Nói đến chuyện đốt vàng mã, thả tro xuống sông, bác hàng xóm lắc đầu: Từ trước đến nay, tôi luôn dặn cháu con, phước lộc đều do mình tạo ra, các cụ xưa đã có câu “Ở hiền gặp lành”, “Có đức chẳng có sức mà ăn” vì vậy tro đốt vàng mã, đồ thờ khi thay đều được bỏ gọn vào nơi quy định. Bát hương là đồ sành sứ, thả xuống sông, không may những người đi bắt cá bắt tôm dẫm phải, lộc đâu chưa thấy, nhưng cái thấy trước mắt là gây thương tích cho người khác, như vậy là không tốt. Tro vàng mã nhiều, thả xuống sông, gây ô nhiễm nguồn nước cũng là việc không nên làm.

Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến rất gần. Những năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã lên án những việc làm không đúng trong ngày ông Công ông Táo chầu trời như: Tình trạng đốt vàng mã rồi thả tro ra sông gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường; người đi thả cá chép lo ngay ngáy phương tiện đi lại quan trọng của ông Táo nhà mình giữa đường không may “bị bắt” sẽ không kịp buổi chầu…

Mong rằng, năm nay, những việc làm trên sẽ được khắc phục, loại bỏ. Tục lệ đẹp thả cá đúng cách, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc vào ngày ông Táo chầu trời sẽ được mọi người cùng chung tay giữ gìn và phát huy.

Vĩnh Linh

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy