Chuyện học hành của trẻ em những ngày hè

Cho đến giờ, không chỉ trẻ em thành phố mà ngay cả trẻ em nông thôn cũng khó có ngày hè trọn vẹn. Việc học đè lên vai các em, làm cho trẻ em luôn cảm thấy mệt mỏi. Và, mỗi khi tiếng trống tựu trường vang lên, các em không còn có nhiều những cảm giác háo hức, hồi hộp, sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới với năng lượng mới.

Mùa hè đúng nghĩa là khi con được thỏa sức vui đùa. Ảnh minh họa

Khi có thông tin bắt đầu từ mồng 1/8, học sinh các trường tiểu học sẽ tập trung, đến trường và bắt đầu chương trình mới, bé Trần Dương Ngân, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân thở ngắn, thở dài như người lớn: “Tính ra cả ba tháng nghỉ hè, con chỉ được nghỉ tất cả thời gian cộng lại là nửa tháng thôi. Con không thích phải học nhiều như thế!”.

Bé Ngân kể, sau khi kết thúc năm học ở trường, mẹ lại đăng ký học thêm tiếng Anh cho bé cùng với gần chục bạn. Mỗi tuần 3 buổi học tiếng Anh, bé còn phải học thêm hai môn Toán và Tiếng Việt. Ngày nào bé cũng phải đi học, có hôm học hai ca liền nhau. Khi về nhà, bé không được thoải mái, vì phải làm bài tập cô giáo giao, rảnh lúc nào là bé xem điện thoại hay ti vi.

Mẹ của bé Ngân nói: “Khi cháu còn nhỏ, thấy người ta cho con đi học thêm cũng cảm giác khó chịu lắm. Tôi đã từng phản ứng cô bạn thân chuyện này, nói rằng hãy để cho các con có một kỳ nghỉ hè thỏa thích đi, như mình ngày xưa. Cô bạn tôi chẳng giải thích, chỉ nói với tôi, sau này con bạn lớn, đến tuổi học hành, bạn mới thấy mình nên làm gì. Giờ đúng là vậy. Các cháu nghỉ hè, còn cha mẹ vẫn đi làm, ai sẽ trông nom chúng. Chẳng lẽ suốt ngày để chúng dí mắt vào ti vi, điện thoại sao? Thôi đành tìm lớp cho con học thêm…”.

Trước đây, mỗi độ hè về, trẻ em được nghỉ hè làm cho các ngõ xóm râm ran hẳn lên. Mùa đến, nhà nào cũng thóc đầy sân, rơm đầy ngõ, trẻ em cùng với cha mẹ, phơi rơm, phơi thóc, trông nhà. Bé nào lơn lớn thì ra đồng phụ giúp cha mẹ cắt lúa, đẩy thuyền. Qua đi mùa gặt lại đến mùa nhãn, trẻ em nhiều làng quê rủ nhau đi bóc long nhãn thuê, mỗi ngày kiếm chục nghìn mang về cho bố mẹ. Tích cóp cả vụ cũng đủ tiền mua sách vở đầu năm, đỡ cho bố mẹ một khoản chi. Làm ra tiền, các bé thấy được giá trị của đồng tiền, không phung phí, tiêu hoang. Bây giờ, ruộng vườn ở quê bỏ bê nhiều, người lớn đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Trẻ em nghỉ học ở nhà lêu lổng cũng đáng lo. Thành thử, phải cho trẻ em học thêm để bố mẹ yên tâm. Tốn kém một tý không sao, miễn là con có người bảo đảm an toàn, lành mạnh. Thế là cả năm các bé khoác cặp, cầm bút, ôm vở.

Nỗi lo của cha mẹ nông thôn chẳng khác nhiều ở thành phố. Người thành phố có điều kiện hơn, có động lực tranh tài với nhau nhiều hơn, nên các ông bố, bà mẹ sẽ cùng chạy với con trong cuộc đua học hành, thi cử. Chẳng hạn, đến cơ quan mà người này khoe con mình đang học lớp này lớp khác, đặt mục tiêu này mục tiêu khác cho năm tới là người kia lại “như lửa đốt trong lòng”.

Chị Lã Thị Huệ, Khu đô thị Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý vừa làm, vừa sốt sắng tìm thầy cho con suốt cả dịp hè. Chị nói: “Năm nay cháu học lớp 5, gia đình muốn cháu phải vào bằng được trường chuyên để có môi trường phấn đấu, gần nhà. Muốn vào đó phải có thầy giỏi luyện ôn. Mời mãi hai thầy cô giáo ở Thanh Liêm mới nhận lời lên dạy tại nhà. Mỗi buổi học một trăm nghìn một cháu (2 giờ). Một lớp chỉ 5-6 cháu thôi. Em phải đầu tư mua bàn ghế, lắp điều hòa, tạo điều kiện tốt nhất cho thầy và trò. Đầu tư cho con cái là đầu tư bền vững chị ạ!”.

Cháu Thành con chị Huệ không phải năm nay mới học kiểu này, từ lớp 1 cháu đã được rèn trong những “lò” đào tạo như vậy. Không nói gì đến chuyện tốn kém, chỉ nói về chuyện học và chơi, Thành giống như bao nhiêu đứa trẻ thành phố, cặm cụi, miệt mài học, kiểm tra, làm bài, học… Vòng xoáy thi cử bắt các bé phải ganh đua nhau, bố mẹ cũng ganh đua nhau.

Một phụ huynh trong nhóm của chị Huệ thực lòng: “Tôi không muốn như thế. Nhưng trong hoàn cảnh này, các cháu không học không được. Trong nhóm chỉ có ngần ấy cháu học thôi, cứ kết thúc một ca học, thầy giáo lại nhận xét trên zalo nhóm, thấy con mình đuôi đuối hơn bạn bè là sốt ruột, lo lắng. Phải tăng tốc thôi!”

Cách mà phụ huynh tăng tốc có ngờ rằng lại buộc các bé giảm tốc trong tiếp nhận kiến thức. Bởi vì, các bé quá mệt khi phải chạy đua với bạn bè, với cha mẹ. Cô giáo Phạm Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa nói: Buồn thật ấy chứ! Bây giờ con mình chỉ gánh được 5kg, vậy mà cha mẹ cứ bắt nó gánh 10kg, nó gánh sao nổi. Tôi nghĩ, những ngày hè chỉ nên cho con học các môn kỹ năng sống, các môn nghệ thuật để rèn luyện thân thể, thẩm mỹ cho các bé thôi. Học nhẹ nhàng, để trẻ em có thời gian nghỉ ngơi cái đầu, có thời gian hòa nhập vào cuộc sống, có thời gian để khám phá tự nhiên… Đấy là điều cần thiết.

Rất nhiều lý do để trẻ em cả thành phố và nông thôn hôm nay phải gánh trên vai gánh nặng chuyện học hành, thi cử. Nhưng, xuất phát từ kỳ vọng của hầu hết cha mẹ mà các em phải gồng mình gánh trên vai chiếc cặp kiến thức căng phồng. Ở đây, tôi chưa muốn nói đến chuyện, trong chiếc cặp ấy đựng những gì, có cần cho các em không, các em học được bao nhiêu kiến thức từ chiếc cặp ấy… nhưng rõ ràng, những ngày hè của bé đã không còn là những ngày hè sôi động, những ngày hè làm nên ký ức tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên, để các em bước vào tương lai một cách nhẹ nhàng, hứng khởi, tràn đầy niềm vui.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.