Chợ Chùa cầu may - Nét đẹp đầu Xuân

 “Không biết bắt đầu có từ bao giờ, có lẽ đã hàng trăm năm nay, vì từ đời ông bà, cụ kỵ tôi đã gắn bó với phiên chợ mở duy nhất vào ngày mùng hai Tết này…”. Bà Trần Thị Mơ, người giúp việc tại chùa Vĩnh Khánh, thôn Đông A, xã Xuân Khê (Lý Nhân) hào hứng chia sẻ.

Trong cái lạnh của những ngày giáp Tết, theo con đường băng qua cánh đồng trồng rau sạch xanh mướt của xã Xuân Khê, chúng tôi tìm về chùa Vĩnh Khánh, trung tâm của phiên chợ cầu may đầu Xuân nổi tiếng vùng phía nam huyện Lý Nhân. Chợ cầu may còn có tên khác là chợ Chùa vì chợ họp ngay cổng chùa Vĩnh Khánh, kề bên trục quốc lộ 38B.

Bà Trần Thị Mơ, giúp việc tại chùa giới thiệu về phiên chợ cầu may và chùa Vĩnh Khánh (xã Xuân Khê, Lý Nhân).

Với số đông người dân nơi đây, lỡ phiên chợ Chùa coi như “lỡ cả năm” nên cứ vào mùng hai Tết, già, trẻ, gái, trai trong vùng lại nô nức tập trung tại chợ, cầu lộc, cầu tài cho một năm may mắn. Tiếng là chợ nhưng thực ra chỉ là dãy hàng quán bằng tre, nứa, phông bạt dựng tạm hai bên lề đường, chạy dài chừng vài cây số với bao sắc màu rực rỡ. Theo thông lệ, chợ cầu may bắt đầu họp từ 4- 5 giờ sáng, kết thúc vào khoảng 4- 5 giờ chiều. Là chợ cầu may đầu Xuân nên chợ chỉ chủ yếu bán muối, đúng như phong tục “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” từ xa xưa, mua muối để trừ tà, đuổi vận đen, cầu bình an, hanh thông, thuận lợi cho gia đình, người thân. Khoảng chục năm trở lại đây, hàng hóa bày bán tại chợ đa dạng hơn nhiều, từ các sản vật hoa quả, phẩm vật cúng lễ đến vật dụng trong gia đình, đồ chơi, cây cảnh… Vì đến chợ chủ yếu là để cầu may mắn, niềm vui cho cả năm nên từ người mua đến người bán đều hết sức thoải mái, hòa nhã, không đặt mục đích thiệt, hơn lên đầu. Việc mua bán diễn ra vui vẻ, chẳng ai lời qua tiếng lại vì chuyện trả giá, khác hẳn khung cảnh ồn ào, vội vã của những phiên chợ ngày thường.

Khi được hỏi về phong tục đi chợ cầu may nơi đây, bà Trần Thị Mơ (người giúp việc tại chùa Vĩnh Khánh) hào hứng chia sẻ: “Không biết bắt đầu có từ bao giờ, có lẽ đã hàng trăm năm nay, vì từ đời ông bà, cụ kỵ tôi đã gắn bó với phiên chợ mở duy nhất vào ngày mùng hai Tết này…”. Chợ họp từ tinh mơ sáng, nhưng phải từ 8-9 giờ, khi mọi người làm xong mâm cơm cúng tổ tiên, chợ mới bắt đầu đông vui, tấp nập. Ai đến chợ, việc đầu tiên cũng đều là mua một túi muối nhỏ được người bán cẩn thận đóng gói đẹp mắt, có người còn mua hẳn gói lớn, sau đó mới chuyển qua thăm thú các gian hàng khác. Mua hàng xong, người đi chợ vào chùa lễ Phật, cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình, người thân.

Nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp này được người dân nơi đây gìn giữ hàng trăm năm qua, được coi như lợi ích tinh thần, chỉ cần đến chợ đã được xem là có may mắn cho cả năm rồi. Bà Ngô Thị Lâm (thôn Long Xuyên, Xuân Khê) vui vẻ cho biết: Trước đây, vào ngày đầu năm, mọi người tới chùa lễ Phật đều mua vàng tiền, hương hoa cúng bái, vừa gây ra tình trạng khói hương nghi ngút, vừa đông đúc chật chội, tiền vàng, tiền thật rải khắp các ban. Mấy năm gần đây, từ khi chùa có sư thầy về coi sóc công việc, thói quen lễ bái của người dân thay đổi hẳn. Mọi người chỉ tới lễ bái, cầu bình an, không mang theo đồ lễ, không đốt thêm hương, không còn tình trạng khói đốt vàng mã bốc lên mù mịt, tiền thật được khuyên nên bỏ hòm công đức, hoặc ra bàn ghi công đức tâm cúng, giúp nhà chùa có thêm chi phí tu tạo cảnh chùa. Người ta đi chợ, vào chùa để cầu an yên, thanh thản, đâu phải để chen lấn, xô bồ, nên sự thay đổi này rất được người dân ủng hộ, làm theo.

Chợ cầu may họp ngay bên quốc lộ 38B, kéo dài chừng vài cây số nên việc bảo đảm an toàn giao thông luôn được xã Xuân Khê chú trọng. Từ trước Tết Nguyên đán, UBND xã đã giao nhiệm vụ cho lực lượng công an, dân quân tự vệ và đội thanh niên tình nguyện xã thực hiện phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân đi chợ cầu may ngày Tết. Ông Ngô Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Xuân Khê cho biết: Công tác bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự khi phiên chợ cầu may diễn ra luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước Tết nên nhiều năm nay không có trường hợp bất ngờ nào xảy ra. Chợ cầu may là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng được bảo tồn qua hàng trăm năm, chính quyền và nhân dân xã không chỉ có nhiệm vụ giữ gìn mà cần phải phát triển theo hướng tốt đẹp văn minh hơn. Năm nay xã có kế hoạch phối hợp với câu lạc bộ sinh vật cảnh tổ chức triển lãm, bày bán cây cảnh, tổ chức một số trò chơi dân gian và tuyên truyền, vận động người dân tránh xa mê tín, dị đoan, đi chợ lễ chùa an toàn, văn minh, không chỉ nhằm đa dạng hóa hoạt động vui chơi, giải trí trong ngày Tết mà hy vọng rằng có thể thu hút thêm sự chú ý của du khách thập phương.

Cùng với không khí đón Tết đang rộn rã từng ngày, phiên chợ cầu may đầu Xuân đặc biệt hằng năm cũng đang đến rất gần trong niềm mong đợi háo hức của bao gia đình. Với sự trân trọng gìn giữ từ bao đời của người dân cùng quyết tâm bảo tồn, đổi mới của chính quyền xã, hy vọng nét văn hóa tâm linh đặc sắc này sẽ tiếp tục trường tồn cùng sự phát triển đi lên của mảnh đất Xuân Khê, Lý Nhân giàu truyền thống văn hiến.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy