Buồn vui nghề trồng hoa

Được mệnh danh là “thủ phủ” hoa lớn nhất của tỉnh Hà Nam hiện nay với tổng diện tích trên 70ha, hầu hết diện tích trồng hoa, cây cảnh ở xã Phù Vân (TP Phủ Lý) đều thuộc vùng chuyển đổi theo chủ trương phát triển nông nghiệp của xã. Đến thời điểm này, cả xã có khoảng 300 hộ dân trồng hoa, cây cảnh, tập trung ở Thôn 5 và Thôn 4. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch, người trồng hoa Phù Vân lại bận rộn xuống giống, lên bầu chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Năm nay cũng vậy, nhưng không khí dường như trầm lắng hơn, nét mặt của người dân làng hoa cũng nhiều suy tư hơn.

Trong câu chuyện với anh Vũ Ngọc Đồng, người được coi là tiên phong trong phong trào trồng và nhân giống hồng cổ Sa Pa ở Thôn 5 Phù Vân, chúng tôi cũng cảm nhận được ít nhiều những bộn bề, lo toan của người trồng hoa ở Phù Vân hiện nay.

Như anh Đồng chia sẻ: Dễ đến hơn chục năm nay, chưa năm nào, người trồng hoa Phù Vân bị ảnh hưởng nhiều như năm nay. Thời tiết biến đổi khôn lường. Sau trận mưa lớn vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10, là những đợt nắng hanh kéo dài với nền nhiệt độ khá cao, từ 20 đến 29°C, thậm chí có hôm nhiệt độ lên đến 33°C rất bất lợi cho các loại cây trồng, đặc biệt là cây hoa. Cộng vào đó là chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao, thị trường trầm lắng, sản phẩm tiêu thụ chậm… nhiều nhà vườn gặp khó khăn.

Với diện tích 4.000m2 trồng hồng, như mọi năm thuận lợi thì đến thời điểm này gia đình anh thu được khoảng trên 700 triệu đồng, nhưng năm nay, khách mua thưa thớt nên chỉ thu được khoảng trên 300 triệu đồng, giảm tới 50%. Hy vọng từ nay tới cuối năm, nhu cầu chơi hoa trong dịp Tết tăng cao, thị trường sẽ sôi động hơn, người trồng hoa, cây cảnh bớt khó…

Buồn vui nghề trồng hoa
Do ảnh hưởng của thời tiết, nạn bọ trĩ nên ruộng cúc của gia đình anh Nguyễn Văn Hiển, Thôn 5 (Phù Vân, TP Phủ Lý) bị giảm nhiều về sản lượng, chất lượng và thu nhập so với năm 2021. Ảnh: Ngọc Minh

Rời vườn hồng nhà anh Vũ Ngọc Đồng, chúng tôi ghé xuống ruộng cúc nhà anh Nguyễn Văn Hiển, cũng người Thôn 5 Phù Vân. Vừa nhanh tay tuốt những lá úa khô ở thân cúc, để mai kịp giao cho khách bán mùng 1, anh vừa chép miệng: Nhà tôi có tất cả 6 sào vườn, 5 sào trồng cúc, còn lại một sào trồng hoa lay ơn. Nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu trông vào mấy sào vườn. Những năm “mưa thuận, gió hòa”, “được mùa, được giá” thì thu nhập cũng khấm khá hơn nhiều so với trồng lúa và rau màu. Nhưng năm nay, thời tiết không thuận, chi phí đội lên cao quá nên khả năng có trồng mà không có thu. Riêng đối với diện tích trồng cúc, vụ vừa qua tôi phải xuống giống lần 2 vì lần đầu cây mới lên được 20-30 phân thì gặp mưa lớn kéo dài, toàn bộ diện tích cúc mới trồng bị ngập sâu, hỏng hết. Giá giống thời điểm đó tăng 5%, giá vật tư phân bón cũng tăng cao, như đạm tăng gần gấp đôi, cộng với sâu bệnh nên sản lượng hoa năm nay kém hơn nhiều so với mọi năm; nhất là diện tích trồng cúc trắng, hầu hết hoa bị đốm đen do bọ trĩ, lá thì khô cháy. Vì bông xấu nên năm nay chỉ bán được trên dưới 2.000 đồng/cành (giảm từ 1.000-2.000 đồng/cành so với năm ngoái). Trừ các loại chi phí, dự tính năm nay chỉ thu được khoảng trên 30 triệu đồng từ hoa (giảm 70% so với năm 2021). Hiện gia đình tôi còn 2 vạn cúc ươm để bán Tết, nhưng với tình hình thời tiết nóng nắng kéo dài như thời gian qua, e rằng sẽ phải bán trước Tết vì hiện nay lứa cúc Tết đã có hiện tượng bật nụ...

Cùng tâm trạng như anh Hiển, chị Đặng Thị Thơm (Thôn 5 Phù Vân) cũng có 6 sào đất bãi trồng hoa (trong đó, có hơn 1 sào trồng lay ơn và hơn 4 sào trồng cúc). Đợt mưa lớn kéo dài, toàn bộ 3 sào cúc ngoài bãi của chị bị hỏng phải trồng lại, chỉ tính riêng thiệt hại về giống đã hơn 10 triệu đồng. Chưa bao giờ người trồng hoa lại gặp khó như năm nay.

Dạo một vòng quanh vùng trồng hoa ở Phù Vân, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh người dân ngậm ngùi phá bỏ những luống cúc đã đến lứa thu hoạch nhưng do bị sâu bệnh phá hại nên không được bông, được giá. Nói như chị Thơm, anh Đồng, giờ chỉ trông chờ vào lứa hoa Tết, hy vọng thời tiết ủng hộ và giá cả sẽ lên.

 Được biết, hiện nay ngoài Phù Vân, một số địa phương trong tỉnh cũng đã chuyển đổi những diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh. Nhiều mô hình trồng hoa công nghệ cao đã được ứng dụng và đem lại giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện có hơn 130 ha trồng hoa và cây cảnh. Nghề trồng hoa phát triển đã đem lại cuộc sống khấm khá cho người nông dân. Nói như ông Phạm Thành Trình, Trưởng thôn 5 Phù Vân, việc đa dạng hóa các loại hoa, cây cảnh không chỉ giúp cho người trồng hoa có thu nhập tốt hơn, mà còn giúp làng hoa Phù Vân ngày càng phát triển. Hiện hằng năm bình quân thu nhập của người dân trong thôn đạt khoảng 80 triệu đồng/người/năm…

Mặc dù, đem lại thu nhập cao, nhưng nghề trồng hoa lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết và nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Để có một vụ hoa “được mùa, được giá” thì công sức của người nông dân bỏ ra không phải là ít, nhiều khi phải “ăn cùng hoa, ngủ cùng hoa”. Như chia sẻ của anh Hoàng Văn Đức (chủ mô hình trồng hoa ở Thanh Hương, Thanh Liêm): Chăm hoa cũng giống như chăm con mọn, ngoài tình yêu thì người trồng hoa phải hiểu biết đặc tính của từng loại giống hoa để có phương pháp chăm tỉa phù hợp, có như vậy, cây mới khỏe, hoa mới sai, mới đẹp, mới đúng vụ được. Đối với nghề trồng hoa, khâu làm đất rất quan trọng, đất phải sạch thì mới hạn chế được sâu bệnh. Với người trồng hoa thì bọ trĩ hiện nay được coi là “vấn nạn”. Cây non khi bị bọ trĩ sẽ sinh trưởng phát triển chậm, bông bé, lá bị xoăn, cháy rất khó bán, có bán được thì giá thấp. Đặc biệt, năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, giá xăng tăng kéo theo chi phí cho một sào trồng hoa cũng tăng cao, trong khi giá bán ra thị trường lại không tăng nên người trồng hoa gặp khó…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết các mô hình trồng hoa của người dân trên địa bàn Hà Nam hiện nay chủ yếu là tự phát, chưa theo qui hoạch vùng, nên việc đầu tư nhà vườn, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào qui trình trồng và chăm sóc đối với người nông dân là hết sức khó khăn. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng, sản lượng, cũng như giá trị kinh tế của cây hoa. Như chia sẻ của anh Hoàng Văn Đức, với mô hình canh tác nhỏ, lẻ, hoa của Hà Nam rất khó cạnh tranh với hoa của các vùng khác, như: Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội và nhất là Đà Lạt… Vì vậy, để nghề trồng hoa cây cảnh phát triển, trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương, trước hết, cần có quy hoạch sớm hình thành vùng chuyên canh. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh. Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư trồng hoa, cây cảnh. Phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao kiến thức, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật cho người dân.     

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.