“Ô sin” cũng cần phải được đào tạo chuyên nghiệp

Hiện nay, người giúp việc gia đình mà theo lối gọi quen thuộc của nhiều người là “ô sin” hầu hết chưa được đào tạo mà chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, thói quen. Chính vì chưa qua đào tạo nên trong quá trình làm việc thường xảy ra bất đồng quan điểm và những hậu quả đáng tiếc.

 

Ảnh minh họa.

Bác Nguyễn Thị Ch. (phường Liêm Chính, TP. Phủ Lý) ngoài 60 tuổi đã làm người giúp việc gần chục năm nhưng thời gian làm nghề của bác không liên tục và cũng không cố định tại một gia đình. Là phụ nữ đơn thân, lúc trẻ bác làm đủ việc nặng nhọc, sau sức khỏe yếu bác chuyển sang làm giúp việc. Gần chục năm qua, bác giúp việc cho bốn, năm gia đình. Nhà lâu hơn 2 năm, nhà ít dăm, bảy tháng.

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao thay đổi nơi làm việc liên tục, bác cho biết phần vì sức khỏe, phần vì những cháu nhỏ sau một, hai năm chăm sóc tại nhà, gia đình cho các cháu đi lớp, nhưng phần lớn là do không phù hợp với công việc, lối sống, cách cư xử của gia chủ. Có chủ nhà trả lương cao nhưng quá khắt khe; có chủ nhà tốt bụng, dễ dãi nhưng lại có cha mẹ khó tính, khó chiều, hay nghi ngờ, không tin tưởng, nói xấu, thậm chí xúc phạm người giúp việc.

Cũng như bác Ch., chị Vũ Thị N. (Liêm Chung, TP. Phủ Lý) làm nghề giúp việc hơn 5 năm nhưng thay đổi nơi làm việc liên tục do không hợp với chủ nhà, với công việc. Có nhà, chị đến làm việc, điều kiện rất tốt nhưng bị ông chủ thường tán tỉnh nên chị xin nghỉ.

Hầu hết những gia đình đã thuê người giúp việc đều tỏ thái độ chưa thật sự hài lòng và đưa ra những nhận xét không tốt: Không tận tâm, làm hết phần việc của mình; không chăm sóc con cái, người thân của họ chu đáo; không trung thực, thật thà...

Anh Trần Đức A. (phường Thanh Châu, TP. Phủ Lý) chia sẻ: Tôi ân hận vì đã giao con cho người giúp việc không có chuyên môn. Do đặc thù công việc, vợ chồng tôi phải đi từ sáng tới tối muộn nên cả ngày con ở với người giúp việc. Để cháu không quấy khóc, người giúp việc thường xuyên cho cháu xem tivi, điện thoại, không cho cháu ra ngoài giao lưu, tiếp xúc với trẻ khác. Hậu quả là con tôi có triệu chứng tự kỷ, hơn 3 tuổi mà chỉ nói được vài từ đơn, không thích tiếp xúc, chơi đùa với những trẻ khác. Hiện tôi đang phải cho con đi điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội. Bác sỹ cho biết, một trong những nguyên nhân khiến cháu chậm nói, không tương tác với người khác là do sử dụng smartphone, xem quá nhiều các chương trình trên máy tính, tivi.

Chị Đỗ Phương Hà (trú tại Đồng Văn, Duy Tiên) cho biết: Nhà có con nhỏ phải nhờ đến “ôsin” nhưng vợ chồng tôi thay “ôsin” đến vài ba lần. Người trẻ khỏe thì không tập trung làm việc mà thường xuyên vào mạng, xem phim, không kiên trì, chăm sóc trẻ đúng cách. Người già thì sức khỏe yếu, chậm chạm, thường xuyên xin nghỉ. Có “ôsin” mặc dù đã hướng dẫn tỷ mỷ, cặn kẽ nhưng vẫn làm hỏng, cháy thiết bị trong nhà, lại còn sơ sẩy làm con tôi bị bỏng…

Hiện nay, hầu hết người giúp việc ở độ tuổi bốn, năm mươi trở lên, làm việc theo kinh nghiệm, hiểu biết của bản thân và sự hướng dẫn của chủ nhà, hiếm người chủ động học những kỹ năng cơ bản, mong muốn của gia chủ. Bác Vũ Thị N. (Đức Lý, Lý Nhân) là người có thâm niên trong nghề nhiều năm, chuyên chăm sóc người già và hầu như lúc nào bác cũng có nhiều “đơn đặt hàng”.

Ngoài cơm nuôi, thu nhập của bác ít nhất là 5 triệu đồng/tháng, có tháng lên tới hàng chục triệu đồng nếu bác chăm người bệnh tại viện. Những gia đình đã nhờ bác N. chăm sóc người thân đều đánh giá bác rất tận tụy, “chuyên nghiệp” như một nhân viên y tế. Nếu chăm sóc người bệnh tại nhà, mình bác có thể cho người bệnh ăn uống, vệ sinh, tắm giặt, theo dõi diễn biến sức khỏe người thân họ mà vẫn có thể giúp gia chủ làm nhiều việc khác.

Chăm bệnh nhân tại viện, bác N. hiểu rõ tác dụng và cách thao tác của những máy móc điều trị cho người bệnh tại phòng cấp cứu, theo dõi sức khỏe, tình trạng, tâm lý, động viên người bệnh như người trong nhà. Ở bệnh viện, ngoài chủ động tự mua cơm cháo, phục vụ người bệnh được gia đình thuê, bác N. còn nhận chăm sóc thêm bệnh nhân khác rất chuyên nghiệp. Do vậy, hầu hết các gia đình thuê bác đều thấy hài lòng và sẵn sàng trả công cao để bác nhận lời giúp.

Do đánh giá cao vai trò của người giúp việc nên ở một số nước có cơ sở đào tạo riêng về công việc này. Bởi theo quan điểm của họ, người giúp việc phải có kiến thức, văn hóa, sức khỏe, không mắc bệnh xã hội, thậm chí có hình thức ưa nhìn và hiểu biết về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Có như vậy, người giúp việc mới chăm sóc, hướng dẫn, nuôi dạy con em gia chủ, chăm sóc người thân, thu xếp công việc cho gia chủ một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, người giúp việc có trình độ kiến thức nhất định sẽ tiếp thu nhanh, cư xử văn hóa và sử dụng thành thạo các trang thiết bị hiện đại của gia đình.

Hiện ở một số thành phố lớn trong nước, nhiều gia đình có điều kiện đã chọn thuê người giúp việc là người nước ngoài có văn hóa, kiến thức, nói tiếng Anh để chăm sóc, nuôi dạy con cái tốt hơn. Người giúp việc có trình độ được trả lương thỏa đáng, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và được gia chủ rất coi trọng.

Theo xu hướng phát triển của xã hội, nhu cầu tìm người giúp việc ngày càng gia tăng. Yêu cầu đòi hỏi người giúp việc được học tập, đào tạo những kiến thức, kỹ năng cơ bản cũng vì thế ngày càng tăng cao, qua đó vừa tạo sự chuyên nghiệp, tăng thu nhập và khẳng định vị thế cho công việc mang tính đặc thù này.

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy