Phần I: Địa lý (ChươngXV -P2)

4.1 Khôi phục sản xuất và ổn định kinh tế sau chiến tranh, cải cách dân chủ nền kinh tế, xoá bỏ các quan hệ bóc lột (1955 -1957)

Sau hoà bình lập lại, tình hình kinh tế - xã hội ở Hà Nam có nhiều khó khăn, phức tạp và không ít những xáo trộn. Nền kinh tế của tỉnh vốn nghèo nàn, lạc hậu, lại bị chiến tranh và thiên tai tàn phá nặng nề. Đường sá, cầu, phà giao thông và nhiều công trình thuỷ lợi, thuỷ nông bị hư hại. Hàng nghìn ha đất đai, ruộng, vườn bị hoang hoá do ngập úng, hạn hán, thiếu giống vốn và nhân lực sản xuất. Nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và hàng nghìn hộ dân cư sơ tán trong thời kỳ chiến tranh trở về nơi cũ chưa ổn định được sản xuất và đời sống. Tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hoá, cho vay nặng lãi gây rối loạn thị trường chưa được kiểm soát trong khi nạn đói diễn ra ở nhiều địa phương.

Để phục hồi sản xuất, công việc cấp bách lúc bấy giờ là vận động nhân dân tu bổ lại đê điều, kênh mương thuỷ lợi, thuỷ nông, sửa chữa cầu, đường và các hệ thống, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Công việc này đã được xúc tiến một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Chỉ trong 3 tháng, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1954, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp hơn 252,5 nghìn ngày công lao động, đào đắp 46.488 m3 đất để tu bổ đê điều, kênh máng thuỷ lợi, thuỷ nông, đắp mới 7 bối đê với tổng chiều dài hơn 300 km. Nhiều tuyến đê xung yếu như Hữu Bị, Bắc sông Châu, tuyến từ Lạc Tràng - Cống Điệp đến Lý Nhân, Bình Lục về đến Phủ Lý đã được tu bổ, gia cố thêm. Một số cống lớn trên đê sông Đáy cũng đã được sửa chữa kịp thời để phục vụ cho tiêu úng, thoát lũ.

Những năm 1955 - 1956, tỉnh tiếp tục huy động hàng triệu ngày công lao động để đắp đê trên các tuyến sông Hồng, sông Đáy, sông Châu; xây dựng cống Liên Mạc trên đê sông Đáy và đê quai sông Hồng ở Hữu Bị; sửa chữa, nạo vét và đào đắp kênh mương nội đồng. Công tác thủy lợi, thuỷ nông được phát động rộng khắp ở hầu hết các địa phương, mạnh nhất là ở các huyện Duy Tiên, Bình Lục và Lý nhân. Diện tích được tưới tiêu nước của tỉnh tăng thêm hàng chục nghìn ha. Riêng ở các huyện Duy Tiên và Kim Bảng, hệ thống thuỷ lợi, thủy nông đã có thể tưới nước cho 20.000 mẫu ruộng (hơn 7.000 ha)(1).

Việc sửa chữa, khôi phục giao thông vận tải cũng diễn ra hết sức khẩn trương, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ 1A, các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện như đường 21, đường 22, đường 60 và hệ thống cầu, đường sắt, nhà ga xe lửa trên địa bàn. Đến tháng 9-1954, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp hơn 29.000 ngày công lao động, đào đắp 165.000 m3 đất đá và đóng góp nhiều nguyên vật liệu khác cho việc sữa chữa, tu bổ các công trình giao thông, sửa chữa hơn 263km đường bộ, 34km đường sắt, các ga Phủ Lý, Bình Lục, Đồng Văn và hàng chục cầu, phà, hàng trăm km đường giao thông nông thôn. Toàn bộ các tuyến đường, cầu, phà, bến bãi giao thông vận tải quan trọng đã có thể hoạt động bình thường trở lại. Cầu Phủ Lý trên quốc lộ 1A là cầu đường bộ lớn nhất ở Hà Nam lúc bấy giờ đã hoàn thành sữa chữa vào tháng 10-1955. Các tuyến giao thông đường thuỷ trên sông Hồng, sông Châu, sông Đáy cũng đã hoạt động bình thường, đảm bảo sự đi lại, vận chuyển, giao lưu hàng hoá và đi lại của nhân dân.

Các ngành sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại... cũng được phục hồi và có bước phát triển. Trong sản xuất nông nghiệp, chỉ 1 năm sau giải phóng, từ tháng 7-1954 đến tháng 7-1955, toàn tỉnh đã phục hoá được hơn 5.000 mẫu ruộng (chiếm trên 60% tổng diện tích hoang hoá sau chiến tranh). Diện tích và năng suất các loại cây trồng đều tăng lên đáng kể. Diện tích lúa cả năm của Hà Nam đã đạt gần 200.000 mẫu (khoảng 70.000 ha); năng suất lúa chiêm đạt 16 - 16,5 tạ/ha, lúa mùa đạt tới 19,5 - 20 tạ/ha. Diện tích các loại cây hoa màu như ngô, khoai lang, đậu, đỗ tăng lên tới gần 5.000 ha.

Đến năm 1957, đã có hơn 20.284 ha diện tích lúa 1 vụ được canh tác 2 vụ và 1 vụ màu. Sản lượng lúa cả năm của tỉnh tăng 37% so với năm 1954 và tăng 46% so với năm 1939 (là năm được mùa nhất thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám). Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thả cá cũng phục hồi và phát triển mạnh. Năm 1955, nhà nước cho nông dân trong tỉnh vay tiền để mua thêm 6.149 con trâu, 600 con bò cày kéo phục vụ sản xuất. Nhiều hộ nông dân chung nhau góp tiền mua trâu, bò và nhiều hộ nghèo được chia cấp trâu, bò, tư liệu sản xuất trong cải cách ruộng đất. Nhiều xã ở các huyện Bình Lục, Duy Tiên đã có hơn 50% số hộ nuôi lợn, phần đông các hộ trong tỉnh có nuôi gà, vịt và gia cầm khác.

Các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từng bước được phục hồi. Đến cuối năm 1954, nhiều ngành nghề thủ công đã phục hồi sản xuất, như làm gốm, khai thác đá, sản xuất gạch ngói, sản xuất nông cụ, gò hàn, dệt vải, sợi, đăng-ten, kéo đường mật, mây tre đan, làm khuy trai, đồ sừng và các nghề chế biến nông sản, thực phẩm... Nghề dệt vải lúc này đã có 16.000 khung dệt khổ hẹp và khoảng 80 khung dệt khổ rộng hoạt động, sản xuất được 196.616 mét vuông vải bán ra thị trường. Nghề gốm sản xuất hơn 82.980 sản phẩm các loại như bát đĩa, chum, vại, tách chén... Các cơ sở sản xuất nông cụ đã sản xuất được 40.000 lưỡi cày, diệp cày và nhiều công cụ thủ công khác phục vụ sản xuất. Đến năm 1957, cả tỉnh đã có trên 13,9 nghìn người làm các ngành nghề thủ công (chiếm gần 3% dân số của tỉnh lúc bấy giờ), trong đó có khoảng 9.000 người làm ngành nghề chuyên nghiệp, chủ yếu dưới hình thức cá thể, tiểu chủ, hộ gia đình.

Về thương mại, đến đầu năm 1955 hầu hết các chợ và cơ sở thương mại trong tỉnh đã hoạt động trở lại. Việc buôn bán, trao đổi hàng hoá ở các chợ lớn như Chợ Trấn (thị xã Phủ Lý), chợ Quế, chợ Đại (Kim Bảng), chợ Đầm (huyện Thanh Liêm), chợ Hoà Mạc (huyện Duy Tiên),... diễn ra khá sôi động. Đến năm 1957, toàn tỉnh có trên 7.000 tư thương hoạt động thường xuyên và hàng chục nghìn người buôn bán nhỏ, cá thể ở các vùng nông thôn. Chi sở Mậu dịch Hà Nam (được thành lập ngày 1-7-1951) cũng mở rộng mạng lưới hoạt động thương mại nhằm điều tiết hàng hoá, ổn định giá cả và thị trường trên địa bàn, đồng thời cung ứng nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh. Một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thịt lợn, vải, đường, dầu hoả, giấy, xà phòng, muối,... đã được thu mua, cung ứng khá tốt trên thị trường với giá cả tương đối ổn định.

Những chuyển biến nói trên đã góp phần ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân. Tuy vậy, trong những năm sau chiến tranh, đời sống của nhân dân trong tỉnh nói chung vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Cuối năm 1954, số hộ đói ở Hà Nam có trên 8.670 hộ. Đầu năm 1955, nạn đói tái diễn trên diện rộng, số người đói lên tới 170.000 người, chiếm 1/3 dân số của tỉnh; năm 1956 số người đói vẫn còn khoảng 19.000 người, nhiều nhất là ở các huyện Bình Lục, Kim Bảng, Thanh Liêm. Do đó, để ổn định đời sống nhân dân, cuối năm 1954 tỉnh đã trợ cấp 20 tấn thóc, hơn 50 vạn đồng cho những nơi đói trầm trọng. Trong các năm 1955-1956, nhà nước đã trợ cấp 1.690 tấn gạo, 95 tấn thóc, 99.574 mét vải và hơn 1 triệu đồng để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong tỉnh. Phong trào tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” được phát động sâu rộng trong nhân dân. Hàng chục nghìn hộ đã được hỗ trợ để vượt qua nạn đói, ổn định dần cuộc sống và tăng gia sản xuất.

Đồng thời với phục hồi và phát triển sản xuất, từ năm 1955 Hà Nam đã tiến hành cải cách dân chủ nền kinh tế, xoá bỏ chế độ bóc lột và các quan hệ kinh tế phong kiến, thực hiện chính sách giảm tô và tiến hành cải cách ruộng đất, chia cấp ruộng đất cho nông dân. Giảm tô và cải cách ruộng đất đã được tiến hành khẩn trương, rầm rộ và quyết liệt ở khắp các địa phương trong tỉnh. Chính quyền các cấp đã tịch thu, trưng thu, trưng mua hơn 10.000 ha ruộng (29.786 mẫu), 2.472 con trâu, bò, hơn 31.000 nông cụ, 6.326 gian nhà ở, 1.223 tấn thóc, gạo, 68 tấn ngô, khoai, 651 chỉ vàng và gần 14 triệu đồng của địa chủ, phú nông và các tầng lớp bóc lột phong kiến để chia cấp cho nông dân. Ruộng công điền, công thổ cũng được chia lại ở nhiều nơi. Việc chia, cấp ruộng đất được thực hiện một cách dân chủ, bình đẳng cho mọi công dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ hay tôn giáo, tín ngưỡng.

Đầu năm 1956, công cuộc giảm tô và cải cách ruộng đất ở Hà Nam đã căn bản hoàn thành. Giai cấp địa chủ, phong kiến cùng với chế độ bóc lột và các quan hệ kinh tế làm nền tảng của nó đã bị xoá bỏ hoàn toàn. Hàng chục vạn hộ nông dân đã được chia cấp ruộng đất, trâu, bò và tư liệu sản xuất. Đây thực sự là bước ngoặt lớn lao trong đời sống kinh tế - xã hội ở Hà Nam, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Cải cách ruộng đất không chỉ tạo thêm niềm tin và động lực to lớn cho nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, ổn định đời sống mà còn xác lập địa vị làm chủ thực sự của họ trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong thời gian này Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng tổ đổi công để cải tạo một bước về quan hệ sản xuất, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Đến năm 1956, toàn tỉnh đã có hơn 5.000 tổ đổi công trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có 926 tổ hoạt động có kết quả. Tỉnh cũng vận động thành lập hàng chục hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp, HTX vận tải, HTX vay mượn (sau đổi tên thành HTX tín dụng),... Riêng các HTX vay mượn đã có gần 7.000 xã viên, hơn 8.800 cổ phần, nhiều nhất là ở các huyện Kim Bảng, Duy Tiên và Bình Lục.

Tuy nhiên, giống như ở các tỉnh miền Bắc lúc bấy giờ, quá trình thực hiện giảm tô, cái cách ruộng đất và cải cách dân chủ nền kinh tế ở Hà Nam cũng mắc phải một số sai lầm làm hạn chế những kết quả đạt được của nó. Một bộ phận nông dân được chia cấp ruộng đất nhưng thiếu giống vốn và kinh nghiệm nên sản xuất yếu kém, thậm chí để ruộng hoang hoặc đem cầm cố vay mượn. Nhiều hộ trung nông, phú nông, tiểu thương, tiểu chủ bị tịch thu một phần đất đai, tài sản tỏ ra hoang mang, không tích cực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX, tổ đổi công vừa mới hình thành đã tan vỡ hoặc hoạt động không có kết quả.

Để khắc phục những sai lầm và hạn chế nói trên, từ cuối năm 1956 đến cuối năm 1957, Hà Nam đã tiến hành sửa sai đã phạm phải trong giảm tô và cải cách ruộng đất, đồng thời với việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền các cấp, tạo cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội cho công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.

4.2 Cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế- Xây dựng quan hệ sản xuất mới và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển (1958 -1960)

Kinh tế sau chiến tranh được phục hồi và những cải cách dân chủ nền kinh tế đã làm cho đời sống kinh tế xã hội của Hà Nam có những chuyển biến rõ rệt. Song cho đến cuối những năm 1950, nền kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn căn bản là một nền kinh tế tiểu nông, sản xuất nhỏ, cá thể, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất còn nhiều lạc hậu. Do đó, “trọng tâm trước mắt” của Hà Nam lúc này là cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN) đối với các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể, tư bản tư doanh, đồng thời xây dựng và phát triển kinh tế quốc doanh là “lực lượng lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế”.

Trong nông nghiệp, nhiệm vụ trọng tâm của cải tạo xã hội chủ nghĩa là vận động nông dân từ bỏ phương thức làm ăn riêng lẻ, cá thể, phát triển các hình thức hợp tác, đổi công và xây dựng; HTX nông nghiệp để đưa nông dân vào làm ăn tập thể. Đến cuối năm 1958, trong toàn tỉnh đã xây dựng và củng cố hơn 7.700 tổ đổi công, thu hút 76% số hộ nông dân tham gia. Ở huyện Duy Tiên, số hộ nông dân tham gia tổ đổi công chiếm tới 87% số hộ trong toàn huyện. Tỷ lệ hộ này ở huyện Kim Bảng là 83%. Trong tỉnh cũng đã xây dựng được 105 HTX nông nghiệp với gần 4.000 hộ xã viên.

Những năm 1959 - 1960, phong trào chuyển từ tổ đổi công lên xây dựng HTX diễn ra sôi động ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Đa số nông dân đều hăng hái, tự nguyện góp ruộng, trâu hò, cày bừa và công cụ sản xuất để gia nhập HTX. Đến cuối năm 1960, Hà Nam đã căn bản hoàn thành hợp tác hoá nông nghiệp với 1.145 HTX và hơn 89.700 hộ xã viên, chiếm 90% trong tổng số hộ nông dân của tỉnh. Trong đó, chủ yếu là HTX bậc thấp, quy mô thôn xóm (chiếm 75,8%), bình quân mỗi HTX mới gồm có 78 hộ xã viên. Song nhiều HTX ở các huyện Kim Bảng, Bình Lục, Duy Tiên đã tiến hành hợp nhất, mở rộng quy mô HTX, xây dựng HTX bậc cao. Xã Mộc Bắc (huyện Duy Tiên) là xã có HTX nông nghiệp quy mô toàn xã đầu tiên trong tỉnh với 1.187 hộ xã viên.

Việc xây dựng HTX, đưa nông dân vào làm ăn tập thể đã tạo ra khí thế và động lực mới cho phát triển sản xuất trong nông nghiệp. Phong trào thuỷ lợi, thuỷ nông, khai hoang, phục hoá, cải tạo đồng ruộng, cải tạo giao thông... được các HTX tổ chức, phát động với khí thế thi đua sôi nổi. Nhiều HTX nông nghiệp được Nhà nước hỗ trợ vốn hoặc huy động vốn đóng góp của xã viên để trang bị thêm công cụ sản xuất, mua trâu bò cày kéo và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như kỹ thuật cấy lúa mới, kỹ thuật bón phân và sử dụng phân bón hoá học... Do đó, trong những năm 1958 -1960, sản xuất nông nghiệp của Hà Nam đã có những bước tiến quan trọng. Diện tích các loại cây trồng của cả tỉnh đạt 247.052 ha, tăng 4,5% so với giai đoạn 1955 -1957; giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 38,8%. Giá trị sản lượng chăn nuôi tăng 16%/năm, trong đó đàn lợn tăng 6%, đàn bò tăng 7,7%/năm. Diện tích nuôi thả cá tăng 2,6 lần và sản lượng cá năm 1960 tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 1955 - 1957.

Công cuộc cải tạo XHCN trong các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và các ngành sản xuất, dịch vụ khác cũng được đẩy mạnh. Đến năm 1960, hơn 90% thợ thủ công chuyên nghiệp trong tỉnh đã tham gia các HTX tiểu thủ công nghiệp, có 3 cơ sở công nghiệp tư bản tư nhân (xí nghiệp in, ô tô, ca nô) chuyển sang công tư hợp doanh. Các cơ sở công nghiệp quốc doanh trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường về tổ chức và tiến hành cải tiến một bước cơ chế quản lý. Trong thời gian này, ngành công nghiệp của tỉnh đã thành lập mới 13 xí nghiệp và cơ sở công nghiệp quốc doanh, như Xưởng nông cụ; Nhà máy đường Vĩnh Trụ (năm 1959); Xí nghiệp đá, vôi Kiện Khê (1959- 1960), Nhà máy nhiệt điện Phủ Lý (1960); Xí nghiệp Bưu điện, Xưởng chế biến gỗ; Xí nghiệp in,... Đến năm 1960, toàn tỉnh đã có 20 cơ sở công nghiệp quốc doanh với 1.377 công nhân (tăng 4,7% so với năm 1957).

Ngành thương nghiệp của tỉnh cũng đã vận động cải tạo hơn 5.140 tiểu thương, tư thương (chiếm 78,3% tổng số tiểu thương, tư thương của tỉnh), thành lập 381 tổ hợp tác mua bán. Bên cạnh đó, mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và tập thể (HTX mua bán) tiếp tục được củng cố và mở rộng. Trên địa bàn tỉnh đã có 199 cơ sở thương nghiệp quốc doanh và cửa hàng HTX mua bán. Phần lớn các thị trấn, huyện lỵ, đầu mối giao lưu buôn bán ở các địa phương đều có các cơ sở thương nghiệp này. Thương nghiệp quốc doanh và HTX chủ yếu thu mua, cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như lương thực, thực phẩm, muối, hàng nông sản thiết yếu, công cụ sản xuất, vật tư, xăng dầu, vải, giấy...

Để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, tỉnh cũng đã vận động thành lập hàng trăm HTX tín dụng ở cơ sở. Tại 117 xã, phường đã có HTX tín dụng với trên 37.000 xã viên tham gia. Nhiều xã có HTX tín dụng phát triển và hoạt động có kết quả tốt như Bạch Thượng, Thắng Lợi, Tiên Hải (huyện Duy Tiên), Công Lý, Văn Lý, Nhân Hậu (huyện Lý Nhân), Thanh Sơn, Bút Sơn, Nhật Tựu (huyện Kim Bảng), Thanh Phong, Thanh Hương (huyện Thanh Liêm),... Hàng chục nghìn lượt hộ nông dân, thợ thủ công... đã được vay vốn từ các HTX tín dụng.

Trong ngành giao thông vận tải, tỉnh đã thành lập được một số xí nghiệp vận tải quốc doanh và công tư hợp doanh vận tải đường bộ và đường thuỷ; thành lập các HTX và tổ hợp tác vận tải xe bò kéo, vận tải đường sông ở các huyện, thị. Nhiều hệ thống và công trình giao thông trong tỉnh tiếp tục được tu bổ, nâng cấp như quốc lộ 21, tỉnh lộ 60 và 63, cầu Phủ Lý, cống Đồng Văn, một số cầu và nhà ga đường sắt trên địa bàn. Phong trào xây dựng, mở mang giao thông nông thôn phát triển mạnh ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Đến năm 1960, công cuộc cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế của tỉnh đã căn bản được hoàn thành, với sự xác lập phổ biến của thành phần kinh tế tập thể (HTX) và kinh tế Nhà nước (quốc doanh). Quan hệ sản xuất XHCN bước đầu hình thành và tạo ra động lực mới cho phát triển sức sản xuất trong các ngành và lĩnh vực kinh tế, đồng thời, tạo ra “luồng gió mới” với khí thế đầy sôi động trong đời sống kinh tế - xã hội của Hà Nam, tác động mạnh mẽ, tích cực đến đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân trong tỉnh.

4.3. Tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và đưa nền kinh tế - xã hội của tỉnh một bước đi lên chủ nghĩa xã hội (1961 - 1985)

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960), cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, với hai nhiệm vụ chiến lược: đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc nói chung, ở Hà Nam nói riêng cũng chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, với các mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản là: tiếp tục xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất XHCN; phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH; phát triển văn hoá, xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng thời tăng cường chi viện cho công cuộc kháng chiến cứu nước ở miền Nam để tiến tới thống nhất đất nước.

Do vậy, ngay từ đầu những năm 1960, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam đã tiếp tục đẩy mạnh củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ sản xuất cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong tất cả các ngành và lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong nông nghiệp, đến cuối năm 1961, toàn tỉnh đã xây dựng được 837 HTX với hơn 95.000 hộ xã viên (chiếm 94,5% tổng số hộ nông dân), trong đó có 145 HTX bậc cao. Phần lớn đất đai, tư liệu sản xuất chủ yếu ở nông thôn đã được tập thể hoá, đưa vào HTX. Quy mô HTX cũng ngày càng mở rộng. Toàn tỉnh đã có 527 HTX nông nghiệp quy mô toàn thôn (chiếm 62,9%); 53 HTX quy mô liên thôn và 3 HTX có quy mô toàn xã. Từ năm 1962, Hà Nam bắt đầu tiến hành vận động cải tiến quản lý trong các HTX nông nghiệp (lần 1), với nội dung, yêu cầu đặt ra là các HTX phải xác định được phương hướng và kế hoạch sản xuất; thực hiện được cơ chế “3 khoán” (khoán việc, khoán công lao động và khoán thù lao công điểm); xây dựng và thực hiện các nội quy, điều lệ đối với HTX và xã viên. Đến năm 1964, sau cải tiến quản lý, toàn tỉnh đã có 98,2% số HTX lập được kế hoạch sản xuất, 93,6% HTX thực hiện chế độ 3 khoán, 375 HTX chuyển lên HTX nông nghiệp bậc cao.

Trong các năm từ 1965 đến 1968 (sau khi sáp nhập 2 tỉnh Hà Nam và Nam Định thành tỉnh Nam Hà), các HTX nông nghiệp tiếp tục thực hiện cải tiến quản lý lần thứ II, với nội dung và yêu cầu là tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao trình độ quản lý của các HTX, gắn cải tiến quản lý với cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng, năng suất lao động và thu nhập của HTX và xã viên. Kết quả là, đến năm 1968, hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn Hà Nam đã chuyển lên bậc cao; 77,2% HTX có quy mô từ 100 ha trở lên, nhiều HTX có quy mô toàn xã.

Trong suốt những năm 1970 và đầu những năm 1980, việc củng cố và phát triển quan hệ sản xuất trong nông nghiệp trên cơ sở phát triển kinh tế tập thể của các HTX vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Cho đến cuối những năm 1970 thì hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn Hà Nam đã được sáp nhập lên quy mô toàn xã, tổ chức sản xuất và phân công lao động theo kiểu tập trung, chuyên môn hoá theo ngành nghề và đội sản xuất. Cơ chế quản lý trong HTX được cải tiến, chuyển từ cơ chế “3 khoán” sang cơ chế hạch toán lao động và giá thành sản phẩm (trên cơ sở xây dựng định mức công việc, chi phí sản xuất, định mức lao động và thù lao lao động cho xã viên). HTX quản lý toàn bộ đất đai, lao động, tư liệu sản xuất, sản phẩm tạo ra và phân phối kết quả sản xuất cho xã viên theo lao động mà họ đóng góp.

Vai trò của Nhà nước và quan hệ giữa Nhà nước với các HTX được tăng cường mạnh mẽ, và căn bản dựa trên cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp, có tính hành chính mệnh lệnh. Hàng năm, Nhà nước xét duyệt kế hoạch sản xuất, giao chỉ tiêu nộp sản phẩm và xét duyệt phương án ăn chia phân phối của các HTX; cung cấp vật tư, phân bón, máy móc, thiết bị cho các HTX theo kế hoạch và theo giá cả do Nhà nước quy định. HTX có nghĩa vụ giao nộp sản phẩm và bán đối lưu hàng hoá cho Nhà nước cũng theo cơ chế như vậy.

Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, đến năm 1961 đã có 91,5% thợ thủ công trong tỉnh tham gia các HTX tiêu thủ công nghiệp, trong đó có 22,4% tham gia HTX bậc cao. Quy mô HTX tiểu thủ công nghiệp được mở rộng, 53% số HTX có từ 30-100 xã viên, 7% số HTX có quy mô 100 đến trên 300 xã viên. Đến giữa những năm 1960 thì phần lớn các HTX tiểu thủ công nghiệp ở Hà Nam đã chuyển lên bậc cao, nhiều HTX có quy mô 300 đến trên 500 xã viên, sản xuất theo kế hoạch được giao và xã viên HTX được Nhà nước bán gạo, thực phẩm và một số hàng tiêu dùng theo tiêu chuẩn tem phiếu (giống như cán bộ, công nhân viên ở khu vực công nghiệp quốc doanh).

Mạng lưới HTX mua bán, HTX tín dụng thời kỳ này đã được xây dựng ở hầu hết các xã trong tỉnh, thu hút hàng trăm ngàn xã viên tham gia. Hoạt động của các HTX mua bán có mối liên kết chặt chẽ với thương nghiệp quốc doanh, và cùng với thương nghiệp quốc doanh hình thành hệ thống thị trường có tổ chức, hoạt động theo cơ chế kế hoạch. Giá cả của phần lớn các loại vật tư, hàng hoá do Nhà nước quy định. Các thành phần tiểu thương, tư thương và thị trường tự do ngày càng bị thu hẹp.

Đồng thời với phát triển kinh tế tập thể, Hà Nam cũng đặc biệt coi trọng phát triển khu vực kinh tế quốc doanh, coi đó là “hình mẫu” của quan hệ sản xuất XHCN và là “nòng cốt” của toàn bộ nền kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, bên cạnh việc củng cố, mở rộng các cơ sở quốc doanh hiện có, trong thời kỳ 1961 - 1985 hàng loạt cơ sở kinh tế quốc doanh đã được thành lập mới và đi vào hoạt động, cả của Trung ương lẫn của địa phương, cả trong công nghiệp, thương mại, vận tải, cung ứng vật tư cũng như trong nông nghiệp và phục vụ nông nghiệp.

Đến cuối năm 1962, trên địa bàn tỉnh đã có 39 cơ sở công nghiệp quốc doanh với hơn 2.000 công nhân (tăng thêm 19 cơ sở và hơn 700 công nhân so với năm 1960). Nhiều cơ sở mới được thành lập trong thời gian này như Xí nghiệp rượu, Xí nghiệp khai thác đá, Xí nghiệp bột miến, Xí nghiệp sản xuất phân bón vi sinh,... Mạng lưới công nghiệp quốc doanh địa phương phát triển mạnh cả ở các huyện, thị; nhất là các cơ sở khai thác đá, sản xuất gạch ngói, vật liệu xây dựng ở các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân... Một số cơ sở công nghiệp quốc doanh Trung ương có quy mô khá lớn cũng đã được xây dựng trên địa bàn (như Xí nghiệp xi măng X77 của Bộ Quốc phòng được xây dựng và đi vào hoạt động năm 1977; Xí nghiệp xi măng Nội thương xây dựng năm 1978, đi vào sản xuất năm 1980...).

Một trong những nhân tố mới của khu vực kinh tế quốc doanh trên địa bàn Hà Nam trong giai đoạn 1961 - 1985 là sự hình thành và phát triển mạnh các đơn vị, trạm trại phục vụ cho nông nghiệp như các trạm cơ khí, máy kéo, trại giống (lúa), trại ươm thả cá, các trạm thuỷ nông và bảo vệ thực vật... Các trại giống lúa cấp 1 của Trung ương và của tỉnh ở Đồng Văn (huyện Duy Tiên) và một số trạm cơ khí, máy kéo ở các huyện đã được thành lập từ cuối những năm 1960. Cho đến những năm 1970 thì ở hầu hết các huyện, thị đều có các trạm trại này. Mạng lưới thương nghiệp quốc doanh cũng mở rộng, ở phần lớn các thị trấn, huyện lỵ, đầu mối giao thông và trung tâm giao lưu trong tỉnh đều có các cơ sở thương nghiệp quốc doanh như cửa hàng bách hoá, cửa hàng ăn uống, cửa hàng lương thực, thực phẩm, hiệu thuốc (dược), hiệu sách báo, trạm vật tư, trạm ngoại thương, thu mua nông sản...

Giai đoạn 1961 - 1985 cũng là giai đoạn Hà Nam đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất đi đôi với củng cố, phát triển quan hệ sản xuất, và trên cơ sở của quan hệ sản xuất mới. Tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng, bước đầu tạo lập cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH trong nền kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát triển thuỷ lợi, thuỷ nông vẫn được xác định là “mặt trận hàng đầu”. Trong suốt thời kỳ này, phong trào thuỷ lợi hoá luôn diễn ra sôi nổi, quyết liệt với tinh thần “Toàn dân làm thuỷ lợi”, “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Trong 3 năm, từ 1961- 1964, toàn tỉnh đã huy động hơn 12 triệu ngày công, đào đắp 23 triệu m3 đất thủy lợi, tu bổ, xây dựng trên 3.400 công trình thuỷ nông các loại; trong đó có 600 kênh mương với tổng chiều dài hơn 1.000 km. Nhiều hệ thống, công trình quan trọng đã được cải tạo, tu bổ và xây dựng mới trong giai đoạn này, như cống lớn Phủ Lý, các trạm bơm ở bờ hữu ngạn sông Đáy huyện Kim Bảng; máng Sông Ngân (huyện Bình Lục), trạm bơm Lạc Tràng, máng Giáp Ba, Duy Minh, (huyện Duy Tiên), máng Đồng Lư, Mạc Thượng, Phú Đa (huyện Lý Nhân)...

Trong những năm tiếp sau, mặc dù chiến tranh phá hoại ác liệt, song hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông trên địa bàn Hà Nam vẫn tiếp tục được mở rộng. Nhiều hệ thống, công trình có quy mô lớn được xây dựng, như trạm bơm Như Trác (huyện Lý Nhân) và hệ thống kênh máng Điện Biên, trạm bơm Nham Tràng (huyện Thanh Liêm), trạm bơm điện Phủ Lý, trạm bơm điện Quế (huyện Kim Bảng) ... Các địa phương trong tỉnh cũng tập trung vào củng cố, nâng cấp và hoàn chỉnh các tuyến đê, bối để khoanh vùng chống lũ theo vùng, tiểu vùng. Đến năm 1976, trên địa bàn Hà Nam đã căn bản hoàn thành thuỷ lợi hoá, hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông.

Việc phát triển và hoàn thiện thuỷ lợi, thuỷ nông đã tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật hết sức quan trọng cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn của tỉnh, tạo thuận lợi cho việc áp dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Nhờ phát triển thuỷ lợi, thuỷ nông, nhiều HTX đã sử dụng rộng rãi các loại nông cụ cải tiến và mua sắm, trang bị công cụ cơ giới, bán cơ giới phục vụ sản xuất. Đến năm 1967, đã có 49,5% số HTX nông nghiệp trên địa bàn Hà Nam có trang bị cơ khí nhỏ, 6,4% diện tích canh tác được cày bừa bằng máy. Phần lớn các HTX nông nghiệp đã có cơ sở vật chất kỹ thuật như trụ sở HTX, nhà kho, sân phơi, trại chăn nuôi. Nhiều HTX có trại nuôi thả cá, trại ngâm ủ giống, xưởng cơ khí, chế biến thức ăn chăn nuôi, các xưởng sản xuất ngành nghề phụ (gạch, ngói, vôi, rèn, mộc,...). Đến những năm 1970, các địa phương trong tỉnh đã tập trung nhiều nỗ lực cho việc thúc đẩy cách mạng khoa học kỹ thuật, gắn với thuỷ lợi hoá, đồng thời gắn cách mạng kỹ thuật với tổ chức lại sản xuất và phân công lao động trong các HTX nông nghiệp.

Do vậy, sản xuất nông nghiệp ở Hà Nam trong giai đoạn này đã có những bước tiến vượt bậc cả về quy mô sản xuất lẫn năng suất và sản lượng của hầu hết các loại vật nuôi cây trồng. Đến những năm 1967 - 1968 đã có hàng chục HTX đạt năng suất lúa trên 5 tấn/1 ha cả năm, và từ giữa những năm 1970 đến đầu những năm 1980 thì hầu hết các huyện, thị trên địa bàn tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu năng suất này. Nhiều HTX nông nghiệp đã đạt năng suất 6 - 7 tấn/1 ha cả năm, cao gấp 3 - 4 lần so với những năm sau hoà bình lập lại (1954 - 1955) và gấp 5-6 lần so với năng suất lúa thời trước cách mạng tháng 8 năm 1945. Ở huyện Kim Bảng, sản lượng lương thực bình quân các năm từ 1983 - 1985 đạt trên 28,8 nghìn tấn, tăng 3,7 lần so với năm 1961.

Ảnh: Khương Doanh

Biểu 4. Năng suất lúa 2 vụ/ha của các huyện những năm 1970 -1974

Đơn vị: tạ/ha

Năm

1970

1971

1972

1974

Huyện Duy Tiên

38,84

40,03

45,72

51,50

Huyện Kim Bảng

38,93

39,03

43,84

56,16

Huyện Thanh Liêm

41,40

40,18

41,71

46,76

Huyện Bình Lục

40,31

41,01

42,26

51,91

Huyện Lý Nhân

39,91

38,08

41,59

50,50


Nguồn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam, Tập 1; Xuất bản năm 2000.


Các loại cây trồng khác như ngô, khoai tây, mía, đậu và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm, nuôi thả cá... cũng phát triển mạnh. Đến cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, phần lớn các hộ nông thôn trong tỉnh đều có nuôi lợn và các loại gia cầm. Nhiều HTX nông nghiệp có trại nuôi lợn tập thể quy mô 300 - 500 con.

Việc tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật và phát triển sản xuất trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng có những bước tiến quan trọng. Đến giữa những năm 1960, bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác đá, sản xuất gạch, vôi và vật liệu xây dựng, công nghiệp địa phương của tỉnh đã sản xuất được hàng chục ngàn công cụ cải tiến và nhiều loại máy móc, công cụ cơ giới nhỏ (như máy xay xát gạo, máy nghiền thức ăn gia súc, máy tuốt lúa chạy động cơ điện,...) phục vụ cho nông nghiệp và các ngành kinh tế của tỉnh; sản xuất và cung cấp nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như đường, nước mắm, vải sợi, màn, hàng may mặc, đồ gia dụng... phục vụ đời sống của nhân dân.

Mặc dù trong những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ (nhất là trong những năm từ 1965 - 1968 và 1971 - 1972), nhiều cơ sở, xí nghiệp công nghiệp đã phải sơ tán, phân tán sản xuất, hơn 30% cơ sở công nghiệp bị địch bắn phá việc cung ứng vật tư nguyên liệu khó khăn, song sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp trên địa bàn của tỉnh vẫn phát triển khá mạnh, năng lực sản xuất và trang thiết bị kỹ thuật của các cơ sở công nghiệp được tăng cường. Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tư liệu sản xuất cho các ngành kinh tế và hàng tiêu dùng cho nhân dân.

Trong giai đoạn 1961 - 1985, giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển. Đến đầu những năm 1960, phần lớn các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông liên huyện và giao thông nông thôn đã được tu bổ, nâng cấp và mở rộng, nhiều công trình cầu, đường bộ, đường thuỷ được xây dựng mới. Tuy nhiên, trong thời gian chiến tranh phá hoại của Mỹ, hầu hết các đầu mối và công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch trong tỉnh như thị xã Phủ Lý, thị trấn Đồng Văn, quốc lộ 1A, 21A, cầu Đoan Vĩ, bến phà Yên Lệnh, Câu Tử (huyện Duy Tiên), các ga xe lửa và nhiều cơ sở, công trình vận tải đường bộ, đường thuỷ khác đều bị đánh phá ác liệt và bị hư hại nặng nề. Mặc dù vậy, giao thông vận tải của tỉnh vẫn đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ đắc lực, kịp thời cho sản xuất và chiến đấu của quân, dân trong tỉnh.

Từ năm 1973 trở đi, công cuộc khôi phục, phát triển giao thông của Hà Nam lại được xúc tiến khẩn trương. Phần lớn cầu, đường và công trình giao thông bị phá hoại đã được sửa chữa, khôi phục. Song, cũng như trong cả nước, việc phát triển giao thông vận tải ở Hà Nam trong những năm 1970 và đầu những năm 1980 gặp phải rất nhiều khó khăn. Do thiếu đầu tư và vật tư, nguyên liệu nên nhiều công trình cầu, đường, bến bãi chỉ được duy tu chắp vá, xuống cấp nhanh. Phương tiện và thiết bị vận tải cũ kỹ, lạc hậu lại thiếu hụt rất lớn cả về số lượng, chủng loại lẫn phụ tùng thay thế. Cho đến giữa những năm 1980, tình hình giao thông vận tải hàng hoá và giao lưu đi lại của nhân dân Hà Nam vẫn còn nhiều trở ngại.

Trong lĩnh vực thương nghiệp, cung ứng vật tư - kỹ thuật và lưu thông phân phối nói chung, cho đến những năm 1970 hoạt động của hệ thống thương nghiệp quốc doanh và HTX mua bán đã đảm nhận phần lớn các khâu lưu thông phân phối sản phẩm hàng hoá và dịch vụ thiết yếu trên địa bàn, chiếm lĩnh và chi phối các hoạt động trên thị trường xã hội. Phần lớn các mặt hàng vật tư nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ sản xuất cũng như lương thực, thực phẩm, hàng hoá xuất nhập khẩu và hàng tiêu dùng thiết yếu đều được thu mua, trao đổi và lưu thông phân phối theo chỉ tiêu kế hoạch. Ngoài ra, hệ thống thương nghiệp quốc doanh và HTX còn tổ chức thu mua nông sản hàng hoá, hàng thủ công mỹ nghệ, vật tư, nguyên liệu ngoài kế hoạch để trao đổi đối lưu với nhà nước, với các địa phương khác và mua vật tư, hàng hoá từ bên ngoài về cung ứng, phân phối trên địa bàn, góp phần ổn định thị trường, giảm bớt những khó khăn trong sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh.

Những thành tựu trên đây là hết sức to lớn. Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của Hà Nam giai đoạn 1961 - 1985 đã thực sự tạo ra những biến đổi sâu sắc và những bước tiến lớn lao trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo nên diện mạo, vóc dáng mới của Hà Nam trên con đường xây dựng và phát triển quê hương, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Tuy nhiên, từ cuối những năm 1970, nền kinh tế của Hà Nam cũng như trên cả nước đã có những biểu hiện của sự giảm sút, trì trệ. Một phần là do hậu quả của chiến tranh kéo dài, nhiều yếu tố, nguồn lực của sản xuất chưa kịp phục hồi hoặc chưa được khai thác đầy đủ cho phát triển sản xuất; máy móc thiết bị cũng như vật tư, nguyên liệu của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất bị thiếu hụt, không được cung ứng kịp thời. Trong khi đó, dân số những năm sau chiến tranh lại tăng nhanh, nhu cầu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, nhu cầu nhà ở, phương tiện đi lại và phương tiện sinh hoạt nói chung của dân cư ngày càng trở nên cấp bách. Mặt khác, do mô hình phát triển và cơ chế quản lý của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp đến lúc này đã bộc lộ nhiều hạn chế, khiếm khuyết, nhiều mặt tỏ ra không còn phù hợp, gây cản trở và kìm hãm sản xuất phát triển, không kích thích được lợi ích và động lực của người lao động.

Thu nhập từ kinh tế tập thể của xã viên trong nhiều HTX nông nghiệp ở Hà Nam chỉ còn 10 - 12 kg thóc/người/tháng. Thu nhập thực tế của công nhân, thợ thủ công và người lao động ở khu vực kinh tế nhà nước cũng không kích thích được lợi ích và động lực sản xuất của họ. Hơn nữa, tình trạng khác biệt giữa thị trường có tổ chức và thị trường tự do (cùng với cơ chế 2 giá của 2 loại thị trường này) và tình trạng chia cắt thị trường theo kiểu “ngăn sông cấm chợ”, kiểm soát thị trường bằng các biện pháp hành chính... đã cản trở rất lớn đến lưu thông hàng hoá và làm phát sinh nhiều tiêu cực trong lĩnh vực lưu thông, phân phối, gây trở ngại cho phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân.

Mặc dù từ đầu những năm 1980, cơ chế quản lý trong các ngành kinh tế của cả nước cũng như ở Hà Nam đã có những cải tiến có tính “đột phá” trên một số mặt làm kích thích lợi ích của người lao động và tác động tích cực đến sản xuất (như việc thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW của Trung ương Đảng năm 1981 về cải tiến quản lý trong các HTX nông nghiệp, Nghị định 216/CP, 217/CP của Chính phủ về cải tiến quản lý trong công nghiệp. Song về cơ bản, những cải tiến này vẫn nằm trong khuôn khổ của cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp. Do vậy, đến giữa những năm 1980, đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nam vẫn còn nhiều mặt khó khăn.

II.     KINH Tế - XÃ HỘI TỈNH HÀ NAM THỜI KỲ Đổi MỚI (TỪ 1986 ĐẾN NAY)

Khắc phục tình trạng trì trệ của sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân, từ năm 1986, Hà Nam (cũng như trên cả nước) bắt đầu công cuộc đổi mới và phát triển toàn diện nền kinh tế-xã hội, chuyển từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước; đồng thời đẩy mạnh công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH), phát triển nền kinh tế theo hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, gắn phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, hướng tới mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Quá trình này diễn ra liên tục, mạnh mẽ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn của tỉnh.

Trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản, từ cuối những năm 1980, thực hiện Nghị quyết 10-BCT của Bộ Chính trị (tháng 4-1988), phần lớn các HTX, các đơn vị quốc doanh nông - lâm nghiệp trên địa bàn của tỉnh đã tiến hành chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất và cơ chế quản lý, từ mô hình kinh tế quốc doanh và tập thể trước đây sang các loại hình kinh tế nhiều thành phần, tổ chức sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Trong đó, lấy hộ gia đình làm đơn vị kinh tế cơ bản, đồng thời là đơn vị tổ chức sản xuất kinh doanh trực tiếp, tự chủ. Các HTX và đơn vị kinh tế quốc doanh tiến hành giao quyền sử dụng đất và hoá giá tư liệu sản xuất cho các hộ gia đình quản lý và tổ chức sản xuất để chuyển sang làm dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất của các hộ nông dân (như dịch vụ thuỷ nông, cung ứng giống, vật tư phân bón, bảo vệ thực vật...).

Đến đầu những năm 1990, quá trình chuyển đổi mô hình và cơ chế quản lý nông nghiệp nói chung (bao gồm cả lâm nghiệp và thuỷ sản) ở Hà Nam đã hoàn thành về cơ bản. Phần lớn đất đai nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được giao ổn định, lâu dài cho các hộ nông dân (với thời hạn 20 năm theo quy định của Luật đất đai năm 1993) và họ được quyền tự chủ sử dụng đất, được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất đã được giao. Đồng thời với việc giao đất và mở rộng quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân, Nhà nước và chính quyền các cấp ở Hà Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn đầu tư, mua sắm tư liệu sản xuất, hỗ trợ công tác khuyến nông và chuyển giao công nghệ kỹ thuật giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh.

Đến năm 2001, theo số liệu điều tra của Cục Thống kê Hà Nam, toàn tỉnh có 160.448 hộ nông - lâm nghiệp và thuỷ sản (chiếm 81,6% tổng số hộ nông thôn). Sản xuất kinh doanh của hộ gia đình phát triển mạnh theo hướng sản xuất kinh doanh hàng hoá và ngày càng có hiệu quả cao hơn. Nhiều hộ nông dân hiện nay đã có doanh thu trên 30 triệu đồng/ha canh tác, nhiều hộ đạt năng suất lúa trên 10 tấn/ha. Cơ cấu sản xuất kinh doanh của các hộ cũng ngày càng đa dạng, năng động hơn, 43,4% số hộ nông - lâm nghiệp và thuỷ sản đã có các hoạt động ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp khác.

Các HTX nông nghiệp sau chuyển đổi đã từng bước thích ứng với cơ chế mới, nhiều HTX bước đầu hoạt động dịch vụ có kết quả. Từ năm 1996, các HTX nông nghiệp ở Hà Nam tiếp tục chuyển đổi sang mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp kiểu mới, theo Luật Hợp tác xã (được Nhà nước ban hành vào tháng 4-1996). Điểm khác biệt của Hà Nam trong quá trình chuyển đổi HTX nông nghiệp so với nhiều địa phương khác là ở chỗ, hầu hết các HTX trước đây đều không bị tan vỡ hoặc phải giải thể, mà được chuyển đổi trên cơ sở của các HTX cũ, với việc tự nguyện đăng ký tham gia của toàn thể xã viên và chuyển giao vốn, tài sản từ các HTX trước đó.

Theo điều tra của Cục Thống kê Hà Nam, năm 2001 cả tỉnh có 158 HTX dịch vụ nông nghiệp thì 100% đã hoàn thành chuyển đổi sang HTX dịch vụ nông nghiệp kiểu mới, với tổng số 181.328 xã viên. Bình quân mỗi HTX có 1.148 xã viên, hơn 987,9 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh (trong đó 62% là tài sản cố định và đầu tư dài hạn). Tổng giá trị sản phẩm dịch vụ bình quân mỗi HTX năm 2001 đạt 424,7 triệu đồng. Hoạt động của các HTX hiện nay chủ yếu là dịch vụ cho sản xuất, trong đó có 95,8% HTX đảm nhận được dịch vụ thuỷ nông, 78,9% làm dịch vụ bảo vệ thực vật, 37,3% dịch vụ giống cây trồng, 37,2% dịch vụ làm đất, 24,3% làm dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón. Có đến 94,9% trong tổng số 158 HTX của tỉnh đã hoạt động dịch vụ kinh doanh có lãi. Nhiều HTX hoạt động có hiệu quả, như các HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Bắc, Chuyên Ngoại, Châu Giang (huyện Duy Tiên), các HTX Văn Xá, Thanh Sơn (huyện Kim Bảng), Trung Lương, An Đổ (huyện Bình Lục), Tân Lý, Nhân Nghĩa (huyện Lý Nhân), Thanh Hà, Liêm Tiết (huyện Thanh Liêm)...

Hầu hết các đơn vị kinh tế quốc doanh trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản ở Hà Nam cũng đã chuyển sang hoạt động dịch vụ sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục hoạt động có kết quả như Công ty giống cây trồng Trung ương, Công ty giống cây trồng của tỉnh (ở thị trấn Đồng Văn), Trại cá giống và Trung tâm giống gia súc Tiên Hiệp (Duy Tiên), các công ty thuỷ nông, trạm bảo vệ thực vật...

Một trong những loại hình kinh tế mới trong nông nghiệp Hà Nam trong thời kỳ đổi mới là sự hình thành và phát triển của loại hình kinh tế trang trại. Đến năm 2001, toàn tỉnh đã có 39 trang trại nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; trong đó có 36% là trang trại nuôi trồng thuỷ sản; 33,3% trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp; 23,1% trồng cây hàng năm; 7,6% trang trại lâm nghiệp và trồng cây lâu năm. Kinh tế trang trại đã khai thác, sử dụng có hiệu quả hàng trăm ha đất đai nông, lâm nghiệp, ao hồ, mặt nước và tạo ra một khối lượng hàng hoá đáng kể cung cấp cho thị trường. Tỷ xuất hàng hoá của kinh tế trang trại năm 2001 đạt tới 92,8% và tổng giá trị hàng hoá đạt trên 3,32 tỷ đồng.

Những đổi mới trên đây đã mở ra thời kỳ phát triển mới trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản của Hà Nam. Từ năm 1990 đến năm 2002, tổng sản phẩm (GDP) của toàn ngành tăng trưởng liên tục với tốc độ cao (4,5 - 6%/năm). Diện tích các loại cây trồng tăng từ 88,67 nghìn ha (năm 1990) lên 103,04 nghìn ha (năm 2002). Sản lượng lương thực có hạt tăng gấp hơn 1,8 lần, từ 229,7 nghìn tấn lên 424,56 nghìn tấn, đưa mức lương thực có hạt bình quân đầu người từ 320 kg lên 522 kg trong cùng thời gian nói trên. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản và các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn đều phát triển mạnh.

Kết quả của đổi mới và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung đã đảm bảo cho Hà Nam giải quyết vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn, làm tăng khối lượng và tỷ trọng hàng hoá ở khu vực này; góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được tăng cường; thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, từ cuối những năm 1980, khi thực hiện chuyển đổi sang kinh tế thị trường, không ít cơ sở công nghiệp và xây dựng trên địa bàn tỉnh đã gặp phải khó khăn, lúng túng do chưa thích ứng với cơ chế mới và do không còn được Nhà nước bao cấp về vốn, vật tư, nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm như trước đây. Một số xí nghiệp, cơ sở công nghiệp và xây dựng ở các huyện đã phải giải thể do làm ăn kém hiệu quả hoặc bị thua lỗ.

Song cùng với quá trình chuyển đổi cơ chế, nhiều cơ sở công nghiệp đã tổ chức lại sản xuất và lao động, mạnh dạn đổi mới công nghệ, kỹ thuật và năng động, chủ động hơn trong phát triển sản xuất kinh doanh. Cho đến đầu những năm 1990 phần lớn các cơ sở công nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh đã căn bản chuyển sang sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước ngày càng mở rộng và tăng lên nhanh chóng. Năm 2002, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp nhà nước nói chung trên địa bàn (theo giá so sánh năm 1994) đã đạt trên 1.186,3 tỷ đồng, gấp 13 lần so với năm 1997 (90,5 tỷ đồng).

Trước đây có 20 cơ sở doanh nghiệp công nghiệp nhà nước do địa phương quản lý, đến năm 2000 giảm xuống còn 16 và năm 2002 còn 13 doanh nghiệp, với tổng số 2.956 lao động. Song giá trị sản xuất của các doanh nghiệp này (theo giá so sánh năm 1994) đã liên tục tăng nhanh, từ 13,0 tỷ đồng năm 1990 lên 64,8 tỷ đồng năm 1997 và đạt xấp xỉ 116,9 tỷ đồng vào năm 2002. Nhiều cơ sở công nghiệp Trung ương và địa phương trên địa bàn đã và đang tăng cường đầu tư đổi mới và hiện đại hoá công nghệ, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Kinh tế tập thể của các HTX tiểu thủ công nghiệp giảm sút mạnh, nhiều cơ sở phải giải thể do sản xuất kém hiệu quả. Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2000, số HTX tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 46 HTX xuống còn 10 HTX. Số lao động ở khu vực này cũng giảm từ 17.661 người xuống còn 1.984 người.

Tuy nhiên, khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh nói chung vẫn phát triển mạnh và sôi động, với sự xuất hiện và phát triển đa dạng của các loại hình kinh tế tư nhân, cá thể, hộ gia đình và các loại hình kinh tế hỗn hợp khác. Từ năm 1990 đến năm 2002, số cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh nói chung trên địa bàn đã tăng từ 12.186 cơ sở lên 20.175 cơ sở. Số lao động thường xuyên ở khu vực này tăng 2,2 lần, từ 15.784 người (năm 1990) lên hơn 34.960 người (năm 2002); giá trị sản xuất (tính theo giá cố định năm 1994) tăng 4,1 lần, từ 102,4 tỷ đồng năm 1990 lên 190,1 tỷ đồng năm 1995 và đạt tới 421,3 tỷ đồng năm 2002. Đến thời điểm 31-12-2002 trên địa bàn tỉnh đã có 315 doanh nghiệp ngoài quốc doanh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp (ban hành năm 2000); trong đó có 242 công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), 26 công ty cổ phần và 47 doanh nghiệp tư nhân; với tổng số vốn đăng ký kinh doanh 379,22 tỷ đồng, tạo ra hàng nghìn chỗ làm việc cho người lao động trong tỉnh.

Nhiều ngành nghề, làng nghề cũng được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các ngành nghề, làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn. Đến năm 2001, cả tỉnh đã có 25 làng nghề ở nông thôn (đạt tiêu chí quy định), trong đó có 22 làng nghề truyền thống(1).

Một động thái mới trong phát triển công nghiệp của Hà Nam những năm gần đây là sự hình thành và phát triển của các cụm, khu công nghiệp tập trung. Hiện tại, tỉnh đã và đang quy hoạch, đầu tư xây dựng 3 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 500 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khoảng 650 tỷ đồng. Trong đó, Khu công nghiệp Đồng Văn có tổng diện tích quy hoạch 154 ha; trong giai đoạn 1 đã hoàn thành 110 ha và giao mặt bằng sử dụng cho 23 doanh nghiệp. Khu công nghiệp Châu Sơn (thị xã Phủ Lý) có tổng diện tích quy hoạch 200 ha (giai đoạn 1 là 91 ha) và Khu công nghiệp Hoàng Đông (huyện Duy Tiên) tổng diện tích quy hoạch 137 ha, hiện đang thi công xây dựng giai đoạn 1 là 50 ha.

Quá trình đổi mới trong lĩnh vực vận tải, thương mại, lưu thông phân phối và dịch vụ cũng tạo ra những chuyển biến căn bản cả trong tổ chức quản lý, cơ chế hoạt động, cơ cấu các thành phần kinh tế lẫn kết quả sản xuất kinh doanh của các ngành này.

Trong ngành giao thông vận tải, đến năm 1995, khu vực tư nhân, cá thể và các loại hình kinh tế ngoài quốc doanh nói chung đã chiếm 95,6% hoạt động kinh doanh vận tải hàng hoá và trên 54,5% vận tải hành khách (ngoại trừ vận tải đường sắt); đến những năm 2001 - 2002, vận tải ngoài quốc doanh nói chung đã chiếm lĩnh toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn của tỉnh. Số phương tiện vận tải và năng lực vận tải ở khu vực này cũng tăng nhanh. Theo số liệu thống kê của tỉnh năm 2002, vận tải ngoài quốc doanh ở Hà Nam đã có 2.769 phương tiện vận tải hàng hoá đường bộ với tổng năng lực tải trọng 4.983 tấn; 429 phương tiện vận tải hành khách đường bộ (trong đó 152 phương tiện là ô tô); 136 phương tiện vận tải đường thuỷ, tổng năng lực tải trọng 4.533 tấn. Khối lượng hàng hoá luân chuyển năm 2002 đạt tới 59,01 triệu tấn/km, gấp 2,2 lần so với năm 1995 và gấp 4,5 lần so với năm 1990; khối lượng hành khách luân chuyển đạt trên 64,3 triệu lượt người/km, gấp 1,7 lần so với năm 1995 và gấp 3 lần so với năm 1990.

Cũng trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật của ngành giao thông vận tải trên địa bàn đã được đầu tư phát triển hơn rất nhiều so với các thời kỳ trước. Hàng loạt công trình cầu, đường và công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn đã được cải tạo, dựng mới và nâng cấp kỹ thuật như: quốc lộ 1A qua thị xã Phủ Lý được mở rộng, nâng cấp với 4 làn xe; quốc lộ 21A và 21B, tỉnh lộ 971 và 972, cầu Hồng Phú, bến xe khách tỉnh ở thị xã Phủ Lý... Trong 3 năm, từ 1999 đến 2002, tổng số vốn đầu tư cho phát triển giao thông nông thôn trong tỉnh lên tới 146,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 80,6 tỷ và tỉnh hỗ trợ 32 tỷ; nâng cấp 1.468 km giao thông nông thôn, trong đó có 726 km đường bê tông và gần 700 km đường cấp phối ở các thôn xã. Sự phát triển của ngành giao thông vận tải nói chung trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hoá và giao lưu đi lại của nhân dân. Chất lượng vận tải và dịch vụ vận tải cũng ngày càng tốt hơn.

Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, hệ thống các cơ sở, doanh nghiệp nhà nước đã được tổ chức xắp xếp lại và căn bản chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhiều đơn vị thương nghiệp quốc doanh và HTX mua bán được thành lập trước đây đã phải giải thể hoặc được cổ phần hoá, chuyển đổi loại hình kinh doanh. Đến năm 2002, số doanh nghiệp kinh doanh thương mại du lịch, khách sạn, nhà hàng thuộc khu vực kinh tế nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ còn lại 9 doanh nghiệp, giảm 15 đơn vị so với năm 1995. Trong đó, số doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý chỉ còn 7 đơn vị, giảm 16 đơn vị so với năm 1995. Còn thương nghiệp tư nhân, cá thể và các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ ngoài quốc doanh nói chung đã “bung ra” mạnh mẽ và phát triển hết sức đa dạng. Năm 1997, thương mại, dịch vụ ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh đã có 6.555 cơ sở, với hơn 7.400 người tham gia kinh doanh; đến năm 2002 đã có 15.404 cơ sở (gấp 2,3 lần) và số người kinh doanh đã có 21.793 người, gấp 2,9 lần so với năm 1997. Mạng lưới chợ và các đầu mối, tụ điểm buôn bán trao đổi hàng hoá phát triển mạnh cả ở khu vực thị xã Phủ Lý lẫn ở các huyện, xã nông thôn, hoạt động thương mại nhộn nhịp, hàng hoá phong phú, đa dạng.

Giá trị sản xuất của toàn ngành thương mại và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh năm 2002 đạt trên 334,1 tỷ đồng (giá hiện hành), gấp 2 lần so với năm 1996 (khi chưa tái lập tỉnh). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2002 (theo giá hiện hành) đạt trên 1.742,7 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 1996; trong đó, riêng mức bán lẻ hàng hoá của ngành thương mại đạt 1.635,7 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 1996. Tổng giá trị hàng hoá xuất - nhập khẩu trên địa bàn Hà Nam năm 2002 đạt trên 35,13 triệu USD, gấp 2,96 lần so với năm 1997. Trong đó, riêng giá trị hàng hoá xuất khẩu (năm 2002) đạt trên 27,754 triệu USD, gấp 3,75 lần năm 1997 và gấp 50 lần so với 10 năm trước (năm 1992 mới đạt 557 nghìn USD).

Các ngành tài chính, tín dụng, ngân hàng ở Hà Nam cũng có sự đổi mới thích ứng với cơ chế thị trường và đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động của ngành tài chính và kho bạc nhà nước đã tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu là thiết lập và thực hiện kế hoạch huy động ngân sách, cân đối thu - chi ngân sách hàng năm của tỉnh, cấp vốn và kiểm tra tình hình sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn. Kết quả hoạt động của ngành đã góp phần huy động và sử dụng có hiệu quả vốn ngân sách, đảm bảo tính công bằng giữa các cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống tín dụng, ngân hàng ở Hà Nam đã mở rộng hoạt động đến tất cả các huyện, thị, xã, phường trong tỉnh. Cơ chế, thủ tục vay và cho vay ngày càng thông thoáng hơn. Số dư tiền gửi tiết kiệm trên địa bàn tỉnh năm 2002 đạt gần 638,3 tỷ đồng, gấp 5,9 lần so với năm 1997. Tổng thu tiền mặt qua hệ thống ngân hàng năm 2002 lên tới 2.268,1 tỷ đồng, gấp 3,8 lần năm 1997 và tổng chi tiền mặt trên 2.256,4 tỷ đồng, tăng 2,6 lần. Hàng chục dự án, chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, dịch vụ và hàng chục nghìn hộ nông dân, hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã được vay vốn qua hệ thống tín dụng, ngân hàng trên địa bàn.

Quá trình đổi mới và phát triển trong các ngành và lĩnh vực kinh tế trên đây đã tạo ra sự phát triển vượt bậc, toàn diện trong nền kinh tế - xã hội của tỉnh, vượt xa so với các thời kỳ trước đó. Nền kinh tế - xã hội của Hà Nam không những thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ của thời kỳ kế hoạch hoá tập trung, bao cấp, mà còn có sự tăng trưởng liên tục ở mức khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng CNH, HĐH; nền kinh tế của tỉnh bước đầu có tích luỹ từ nội bộ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường một bước quan trọng; thu nhập và đời sống của nhân dân trong tỉnh được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Trong hơn 10 năm, từ 1991 - 2002, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn Hà Nam tăng bình quân 8,4%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của cả nước và của một số tỉnh trong vùng. Trong đó, giá trị tăng thêm của ngành nông - lâm nghiệp và thuỷ sản tăng bình quân 5,6%/năm (so với của cả nước là 4,8%); công nghiệp và xây dựng tăng 16,4%/năm và các ngành dịch vụ tăng gần 7,0%/năm. Đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến năm 2002, tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn đạt 9,1%/năm, trong đó, tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp và xây dựng đạt tới 19,9%/năm.

Biểu 5. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn Hà Nam 1991 - 2002

(Theo giá so sánh 1994; Đơn vị tính: %/năm)

 

Bình quân giai đoạn 1991 - 1996

Bình quân

giai đoạn

1997 - 2002

Bình quân

chung cả thời kỳ 1991 - 2002

Tổng GDP của cả tỉnh

7,7

9,1

8,4

- Nông, lâm nghiệp và thủy sản

6,2

5,1

5,6

- Công nghiệp, xây dựng

12,9

19,9

16,4

- Các ngành dịch vụ

7,6

6,4

7,0

Nguồn: - Niên giám thống kê tỉnh Hà Nam 1990 - 2000; Cục Thống kê Hà Nam 8/2001.

- Niên giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002; Nxb Thống kê Hà Nội, 2003.

Đồng thời với tăng trưởng, cơ cấu kinh tế ngành của Hà Nam cũng có những chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp và xây dựng, giảm dần tỷ trọng của các ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Tỷ trọng của các ngành công nghiệp và xây dựng đã tăng từ 11,36% năm 1991 lên 19,1% năm 1997 và chiếm 32,4% vào năm 2002. Các ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản mặc dù có tốc độ tăng trưởng khá cao (5,6%/năm), song tỷ trọng của nó trong cơ cấu GDP trên địa bàn tỉnh đã giảm đi đáng kể, từ 55,0% năm 1991 xuống 48,3% năm 1997 và đến năm 2002 giảm xuống còn 36,0%.

Biểu 6. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam 1991- 2002

Năm

Tổng sản phẩm

(GDP)

Cơ cấu (%)

Nông,

lâm nghiệp

và thủy sản

Công nghiệp,

xây dựng

Các ngành

dịch vụ

1991

100,0

55,0

11,4

33,6

1993

100,0

53,9

13,7

32,4

1995

100,0

52,6

16,3

31,1

1996

100,0

49,6

18,8

31,6

1997

100,0

48,3

19,1

32,6

1998

100,0

48,0

20,1

31,9

1999

100,0

43,7

25,7

30,6

2000

100,0

39,3

28,9

31,8

2001

100,0

37,1

30,7

32,2

2002

100,0

36,0

32,4

31,6

Nguồn:

- Niên giám thống kê tỉnh Hà Nam 1990 - 2000; Cục Thống kê Hà Nam 8/2001.

- Niên giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002; Nxb Thống kê Hà Nội, 2003

Biểu 7. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam 1992 - 2000.

(Theo giá so sánh năm 1994; Đơn vị: %/năm)

Năm

Nhà nước

Tập thể

Tư nhân, cá thể

- Bình quân 1992 - 1996

11,20

13,82

12,23

1997

16,80

6,88

8,61

1998

20,98

4,51

9,25

1999

44,69

0,10

7,61

2000

21,23

3,48

2,82

- Bình quân 1997 - 2000

25,93

3,74

7,07

- Bình quân 1992 - 2000

17,72

9,34

9,93


Nguồn: Sđd - Niên giám thống kê tỉnh Hà Nam 1990 - 2000,...


Tăng trưởng và cơ cấu các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh cũng có những chuyển biến quan trọng. Khu vực kinh tế nhà nước mặc dù giảm về số lượng các cơ sở, doanh nghiệp và trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với kinh tế tập thể và tư nhân, cá thể; song từ năm 1997 đến nay đã liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao vượt trội so với các thành phần kinh tế khác.

Sự tăng trưởng liên tục ở mức cao của khu vực kinh tế nhà nước đã làm cho vị trí, vai trò của nó ngày càng tăng trong nền kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước giai đoạn 1991 - 1996 chỉ chiếm bình quân 17,5% trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, đến năm 2000 đã chiếm tới 30,5% và năm 2002 tăng lên 33,4%. (Biểu 8).

Biểu 8. Cơ cấu các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam 1991-2002

(Theo tổng sản phẩm, giá hiện hành; Đơn vị tính: %)

Năm

Tổng số

Nhà nước

Tập thể

Tư nhân, cá thể

1991 - 1996

100,0

17,5

51,6

30,9

1997

100,0

18,8

50,5

30,7

1998

100,0

20,9

48,2

30,9

1999

100,0

26,8

43,5

29,7

2000

100,0

30,5

39,8

29,7

2001

100,0

32,4

67,6

2002

100,0

33,4

66,6

Nguồn: Sđd: - Niên giám thống kê tỉnh Hà Nam 1990 - 2000,...

- Niên giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002,...

Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh (khu vực kinh tế dân doanh) cũng ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng, lâu dài của nó trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam. Những năm gần đây, khu vực kinh tế này đạt tốc độ tăng trưởng trên 7%/năm và đóng góp khoảng 67% trong GDP của tỉnh.

Cùng với quá trình đổi mới và phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống của nhân dân Hà Nam cũng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Sự tăng trưởng và phát triển nhanh của các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn đã tạo ra việc làm mới cho hàng chục nghìn lao động ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Từ năm 1997 đến 2002 các ngành kinh tế của tỉnh đã giải quyết việc làm và tạo ra việc làm mới cho trên 64.600 người, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 10.760 người, đồng thời tạo ra việc làm thêm cho khoảng 72.000 người, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm dân cư từ 15 tuổi trở lên ở khu vực thành thị của tỉnh giảm xuống dưới 7% và tỷ lệ thời gian sử dụng của nhóm dân cư này ở khu vực nông thôn tăng từ 68,46% năm 1998 lên 72,6% năm 2000 (tương đương với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 73,86%). Hàng năm, Quỹ hỗ trợ việc làm của tỉnh đầu tư hàng tỷ đồng hỗ trợ cho việc đào tạo nghề, tạo lập việc làm của các hộ dân cư.

Một trong những thành tựu nổi bật có ý nghĩa quan trọng của Hà Nam trong thời kỳ đổi mới là đã giải quyết một cách căn bản, vững chắc nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân sau nhiều thập kỷ luôn trong tình trạng thiếu hụt triền miên. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người của tỉnh đã tăng từ 231kg năm 1991 lên 402kg năm 1996, đạt 506kg năm 2000 và lên tới 522 kg/người năm 2002.

Đến nay, Hà Nam đã cơ bản không còn hộ thiếu đói lương thực. Số hộ giàu, khá và tỷ lệ hộ này ngày càng tăng. Năm 2002, số hộ có kinh tế khá giả ở huyện Duy Tiên chiếm khoảng 26,6%, ở huyện Bình Lục khoảng 36% và ở huyện Kim Bảng đã có trên 50%. Số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh ngày càng giảm. Năm 2001, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nam (theo chuẩn nghèo của cả nước năm 2001) là 16,7%, năm 2002 giảm còn 15,0%(1). Thu nhập bình quân đầu người một tháng ở khu vực nông thôn của tỉnh năm 2001 đã đạt 188 nghìn đồng/người, gấp 1,6 lần

 so với năm 1994; trên 99,2% số hộ ở nông thôn đã có điện sinh hoạt; 82,3% số hộ sử dụng nước sạch (tăng 27% so với năm 1994). Hơn 90% số hộ trong tỉnh có nhà ở kiên cố, bán kiên cố; nhiều hộ có nhà ở khang trang, có các loại đồ dùng gia đình có giá trị cao, lâu bền. Số hộ có nhà ở tạm ở một số huyện (như Kim Bảng, Bình Lục...) chỉ còn chiếm 1 - 3%.

Đời sống văn hoá, xã hội của nhân dân cũng được cải thiện, nâng cao. Đến năm 2001, sóng phát thanh, truyền hình đã phủ kín trên toàn địa bàn tỉnh, đến mọi xã, thôn trong tỉnh. Tuyệt đại đa số hộ dân cư trong tỉnh có các phương tiện nghe nhìn, hầu hết các hộ ở thành thị và hơn 59% hộ nông thôn có ti vi (tăng gấp 2,5 lần so với năm 1994). Hơn 98% số xã ở nông thôn có hệ thống loa truyền thanh đến thôn xóm; 91,3% số xã có điểm bưu điện văn hoá xã; 48% số xã có đường liên thôn được trải nhựa, bê tông từ 50% chiều dài trở lên.

Hệ thống giáo dục, đào tạo tiếp tục phát triển mạnh, góp phần nâng cao trình độ dân trí, văn hoá, khoa học kỹ thuật của nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn lực con người cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 1991, Hà Nam đã được công nhận là tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và đến năm 2000 đã có 114/116 xã phường hoàn thành phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở. Mạng lưới y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân cũng ngày càng mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ. Đến năm 2002, mạng lưới y tế của tỉnh đã có 146 cơ sở y tế công lập từ tuyến tỉnh đến các huyện, thị, phường, xã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh.

Trong thời kỳ đổi mới, đời sống văn hoá, xã hội, tinh thần của nhân dân Hà Nam còn được nâng lên và phong phú thêm bởi sự phục hồi và phát triển của các yếu tố văn hoá - xã hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá - xã hội - nhân văn của người Hà Nam. Nhiều di tích lịch sử, văn hoá được tôn tạo, mở mang thêm. Nhiều lễ hội và hoạt động văn hoá, nghệ thuật truyền thống được phục hồi và phát triển. Những năm gần đây, ngành Văn hoá - Thông tin của tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng cho việc phục hồi và phát triển các hoạt động văn hoá, xã hội này. Các yếu tố tích cực trong quan hệ xã hội, cộng đồng truyền thống đã và đang được khơi dậy, phát huy ở nhiều địa phương, đặc biệt là trong việc xây dựng và thực hiện các quy ước, quy chế dân chủ trong cộng đồng về xây dựng làng, xã và gia đình văn hoá mới, theo hướng tiến bộ, văn minh.

Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới chuyển sang kinh tế thị trường và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, nền kinh tế - xã hội Hà Nam cũng bộc lộ không ít những mặt hạn chế và trở ngại.

GDP và nhiều chỉ tiêu kinh tế tính theo bình quân đầu người của Hà Nam còn thấp hơn so với của cả nước và của một số tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cơ cấu kinh tế tuy có chuyển biến tích cực, song vẫn thể hiện tính chất của cơ cấu kinh tế truyền thống. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đến năm 2002 vẫn chiếm tỷ trọng 36,0% trong GDP, cao hơn nhiều so với của cả nước (23,0%) và một số tỉnh trong vùng(1). Lao động trong các lĩnh vực này hiện vẫn chiếm 76% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng của công nghiệp và xây dựng nói chung trên địa bàn mới chiếm 32,4% trong GDP (của cả nước là 38,5%); trong đó, công nghiệp và xây dựng địa phương quản lý mới chiếm 15,2% trong GDP của tỉnh.

Khả năng huy động ngân sách trong GDP của tỉnh còn thấp. Đến năm 2002, thu ngân sách từ hoạt động kinh tế trên địa bàn mới chiếm 10,7% GDP (tỷ lệ này của cả nước năm 2001 là 19%) và mới chiếm 57,6% tổng thu ngân sách trên địa bàn, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khả năng thu hút đầu tư từ bên ngoài chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Sản xuất hàng hoá phát triển mạnh, song còn phân tán, quy mô sản xuất, trình độ công nghệ - kỹ thuật cũng như chất lượng sản phẩm hàng hoá chưa cao (nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn). Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, nhưng hàng hoá xuất khẩu manh mún, chưa có những sản phẩm xuất khẩu có tính chủ lực, chiến lược và có khả năng cạnh tranh cao.

Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm còn khá cao so với cả nước và một số tỉnh trong vùng. Đến năm 2000, tỷ lệ thất nghiệp trong dân số từ 15 tuổi trở lên hoạt động kinh tế ở khu vực thành thị trên địa bàn tỉnh là 6,98% và tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm dân số trong tuổi lao động ở khu vực này là 7,11% (cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của cả nước là 6,37% và 6,44%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ sơ cấp, học nghề trở lên mới chiếm 15,5% trong tổng số lao động nói chung của tỉnh, thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước (17,5%) và của các tỉnh đồng bằng sông Hồng (21,7%)(1). Tốc độ đô thị hoá và tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh còn thấp. Tỷ lệ dân số thành thị của tỉnh năm 1990 là 7%, đến năm 2002 mới chiếm 9,2%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ của cả nước (là 25,1% năm 2002)(2) và của các tỉnh đồng bằng sông Hồng (20,2% năm 2000).

Đây là những hạn chế, gây trở ngại cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, với quyết tâm của đảng bộ, chính quyền các cấp và với trí tuệ sáng tạo, sự cần cù và năng động vốn có của người dân, thì “nguồn lực con người” và “nguồn vốn xã hội” của Hà Nam đã và đang được phát huy mạnh mẽ phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên mảnh đất quê hương.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy