Phần I: Địa lý (Chương XXIV)

Hà Nam nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, do vậy việc ăn mặc trang phục của người dân ở đây chủ yếu là cách ăn mặc của người Việt (Kinh) ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Chương XXIV

TRANG PHỤC

Trước Cách mạng tháng Tám, quần áo của người dân lao động nông thôn Bắc Bộ nói chung và Hà Nam nói riêng thường may bằng các loại vải dệt thủ công từ các sợi bông, gai do người dân tự túc trồng và kéo thành sợi. Đồng thời, do ở đâu cũng có nghề trồng dâu nuôi tằm nên các loại như sồi, đũi, the, lụa được dệt ra từ tơ tằm cũng sớm được dùng để may mặc các trang phục như áo cánh, áo dài, khăn, yếm, thắt lưng, váy, quần... Sau Cách mạng tháng Tám, vải sợi ngoại quốc đã được nhập vào nước ta nên những loại như len, dạ, phíp, sa tanh, nhung, vải pha ni lông... cùng với vải, lụa trong nước là những chất liệu chính để người dân sử dụng trong việc trang phục.

Người Hà Nam trong ăn mặc cũng tuân theo những quy luật trên của người Việt Nam.

Trang phục có trang phục nữ và trang phục nam thường mặc hàng ngày và trong những dịp hội hè, lễ tết.

I.   TRANG PHỤC CỦA PHỤ NỮ

Trang phục của phụ nữ Hà Nam nói riêng, của phụ nữ ta nói chung, gồm có áo ngoài, áo cánh, yếm, khăn, thắt lưng, váy, quần... Ngoài ra là nón, mũ, giày, dép, guốc...

Áo của nữ có áo dài, áo ngắn, áo cánh, áo mặc trong (hoặc yếm), áo mặc ngoài (áo bông, áo kép), áo mặc khi đi làm, áo mặc trong những ngày lễ tết, ngày hội, những dịp trang trọng.

Áo tứ thân – ‘mốt’ một thời của người phụ nữ vùng Châu thổ Bắc bộ.

1.  Áo cánh

Áo cánh của phụ nữ Hà Nam xưa có đặc điểm là ngắn và có chiết ly bó sát eo người. Hai ống tay áo thường bó sát cánh tay, gọn gàng thích hợp với công việc lao động, phía dưới ống tay áo thường hay bị rách trước nên nơi khuỷu tay cũng thường may nối để còn phải “thay tay” mỗi khi rách.

Áo cánh nữ mặc khi đi làm có màu sắc chủ yếu là màu nâu (nâu già hoặc nâu non) hoặc màu gụ, màu cánh gián. Trước đây màu nâu của áo được nhuộm bằng nước củ nâu hoặc các thứ vỏ cây như vỏ xó, vỏ đa, vỏ đề... Sau này có thuốc nhuộm hoá chất, người ta cũng thường pha các màu trên để nhuộm áo.

Áo cánh nữ mặc trong những ngày lễ tết thường có các màu trắng, hồng, tím hoa cà, xanh hoa lý, vàng tươi... chủ yếu được các lớp trẻ hay dùng; còn đối với lớn người lớn tuổi cũng vẫn là những mầu nâu, gụ truyền thống, có khác chăng chỉ là ở chỗ nguyên vật liệu để may, áo mặc khi lao động là những chất vải thô rẻ tiền, còn may áo mặc trong những dịp trang trọng, lễ, tết bằng chất vải mịn, đắt tiền.

Ngoài ra, áo cánh của nữ trẻ tuổi và nhất là ở lứa tuổi trẻ em thường hay dùng vải có màu sắc sặc sỡ, màu đỏ, hồng tươi hoặc vải hoa...

Áo cánh nữ xưa kia thường có cấu tạo hai vạt áo trước, đằng sau lưng ghép hai mảnh bởi đường sống lưng may đè, xẻ nách, cài khuy phía trước với 4 hoặc 5 khuy bằng khuy vỏ trai hoặc sau này bằng khuy nhựa, khuy bấm. Cổ áo được khoét tròn, ôm sát lấy cổ, viền cổ được may viền, hoặc khâu tay. Xưa phổ biến là kiểu cổ tròn, cổ áo cánh sen, cổ thìa hoặc cổ đứng may viền 2 - 3 phân. Áo cánh có hai túi nhỏ nằm ở dưới hai vạt áo trước dùng để bỏ trầu cau, hoặc các vật dụng nhỏ của nữ giới. Gấu tay và gấu áo được may viền hoặc khâu bằng tay.

2.  Áo dài nữ

Áo dài nữ là áo để mặc ngoài áo cánh. Loại áo này may bằng vải hoặc bằng tơ lụa, màu trắng hoặc màu nâu và các màu khác. Cũng có thể may áo dài bằng the, xuyến, nhiễu hoặc bằng nhung hay gấm.

Áo dài thường có độ dài xuống quá bắp chân dưới đầu gối. Hai vạt dài ở đằng trước và một vạt con bên phải, một vạt dài đằng sau có đường may ở sống lưng gọi là sống áo. Áo thường được may cổ viền cao. Khi mặc, một thân áo đằng trước được thắt với một vạt áo bên phải, còn một vạt áo được buông thõng xuống ở giữa. Áo này không cài khuy, về sau, áo được thêm nhiều khuy cài từ cổ xuống dưới vai và dưới nách, xuống tận eo hông. Khuy được tết bằng vải, và khi khuy bấm xuất hiện thì dùng khuy bấm hoặc móc đồng, móc sắt. Con nhà khá giả thường mặc loại áo này, còn dân lao động chỉ mặc vào các dịp trang trọng như cưới xin, lễ tết, hội hè, đình đám...

Xưa kia, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng như ở Hà Nam, áo dài nữ ngoài chiếc áo dài phổ biến như vừa trình bày gọi là áo tứ thân, còn có áo dài năm thân (là áo có thêm một vạt phía trước nữa) mớ ba mớ bảy với nhiều màu xanh lam, vàng, hồng, tía... thường đi với khăn vấn nhiễu điều và thắt lưng sồi hoặc đũi...

Người phụ nữ Hà Nam nhìn chung đều có những loại áo dài trên, nhưng có thể nói, với điều kiện sống còn lam lũ của vùng đồng chiêm trũng, chiếc áo cánh ngắn vẫn là chiếc áo được mặc chủ yếu thường ngày, trong mọi sinh hoạt. Còn chiếc áo dài chỉ được dùng hãn hữu. Hiện nay ở Hà Nam, cũng như nhiểu nơi khác, chiếc áo cánh xưa của người phụ nữ đã được thay thế bằng chiếc áo sơ mi với nhiều kiểu dáng, nhiều chất liệu và màu sắc khác nhau. Những phụ nữ lớn tuổi (khoảng 70 - 80 tuổi trở lên) ở nông thôn vẫn mặc áo cánh ngắn, áo dài nâu. Ở những lớp phụ nữ trẻ tuổi hơn, ngoài áo sơ mi thay thế áo cánh ngắn mặc thường ngày, áo dài các mầu trở nên thông dụng cùng với việc cải tiến kiểu áo đơn giản hơn gồm hai thân trước và sau, áo xẻ nách cao và cài khuy bấm...

3.  Khăn

Khăn của người phụ nữ ở nông thôn Bắc Bộ trong đó có Hà Nam xưa thông thường gồm có khăn vấn đầu, khăn vuông.

-    Khăn vấn đầu. Phụ nữ xưa kia để tóc dài và tóc có thể được vấn trần quanh đầu hoặc búi tó phía sau gáy. Song đa phần tóc của phụ nữ được vấn vào chiếc khăn vấn đầu.

Khăn vấn đầu là mảnh vải dài may bằng vải, bằng nhiễu hay bằng nhung, láng... rộng khoảng 20 phân và dài khoảng 60 - 79 phân. Mái tóc dài của người phụ nữ được rẽ ngôi lệch làm đôi rồi được quấn gọn lại trong khăn vấn, sau đó vấn quanh đầu từ phải sang trái, đuôi tóc dài thò ra ngoài khăn vấn được nhét vào vòng khăn để giữ chặt tóc ở trên đầu. Khăn vấn chủ yếu là màu đen, màu nâu hay màu gụ. Chỉ khi nào có tang, người phụ nữ mới dùng khăn vấn màu trắng.

Ngày nay phụ nữ Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung ít người dùng khăn vấn tóc, mà có thể cặp tóc bằng cặp sắt, hoặc buộc tóc, búi tóc lại sau gáy, hoặc cắt tóc ngắn, hoặc làm lóc uốn lại cho xoăn, hoặc để các kiểu đầu tóc theo mốt hiện đại...

- Khăn vuông. Ngoài chiếc khăn vấn đầu, phụ nữ còn sử dụng chiếc khăn vuông. Khăn vuông của nữ là chiếc khăn bằng vải hoặc nhung, lụa, nhiễu... mỗi chiều rộng khoảng 80 cm; khăn vuông thường được gấp chéo lại thành hình tam giác, hơi lệch giữa một chút để một nửa rộng hơn và một nửa hẹp. Người phụ nữ đội khăn vuông lên đầu, trùm ra ngoài khăn vấn, phía trên trán, thẳng với giữa ngôi, khăn được vuốt cho nhọn giống hình mỏ quạ. Để che gió, hai mút đầu chéo khăn về mùa lạnh được buộc chặt xuống dưới cằm. Như vậy gọi là chít khăn mỏ quạ. Còn mùa nóng nực thì hai mút đầu chéo khăn đó thường lại được hất lên buộc lại phía đằng sau đầu cho thoáng mát.

Khăn vuông cũng chỉ dùng màu đen là chủ yếu. Sau này ngoài khăn vuông bằng vải, nhung, lụa, nhiễu còn có các loại khăn vuông bằng len, voan, khăn ni lông...

Chiếc khăn vuông có tác dụng giúp người phụ nữ che gió giữ ấm vào mùa đông và che nóng, chống nắng làm cháy da rát mặt vào mùa hè. Đồng thời nó cũng là một vật dụng giúp cho người phụ nữ tạo vẻ duyên dáng, kín đáo.

Ngày nay đa phần phụ nữ không còn thói quen để tóc dài, nên cũng không còn thói quen vấn khăn, vì vậy chiếc khăn vấn cũng chỉ còn được sử dụng ở lớp phụ nữ khoảng 70 - 80 tuổi trở lên ở nông thôn. Lớp phụ nữ trẻ nếu có dùng khăn thường dùng khăn len (hoặc khăn dạ, khăn voan, khăn ni lông) dài để quấn ở cổ giữ ấm vào mùa đông hoặc để choàng qua vai, hoặc dùng những chiếc khăn vuông khổ nhỏ thắt nhẹ quanh cổ như một vật trang trí cho tôn vẻ nữ tính.

4. Yếm

Chiếc yếm đối với phụ nữ ngày xưa chính là vật có tác dụng che và giữ kín phần trước ngực, đồng thời cũng là một thứ trang sức. Yếm đơn giản chỉ là một vuông vải trắng hoặc nhuộm điều nhuộm nâu, gụ, cũng có khi là các màu xanh, vàng, tím, đỏ... Yếm thường dùng để mặc lót, sát người, ở bên trong áo cánh. Đa phần phụ nữ nông thôn Bắc Bộ xưa đều dùng yếm.

Yếm được may cắt từ một vuông vải hình vuông, dài và rộng khoảng 30-40cm. Một góc trên của yếm được khoét theo hình cổ tròn hoặc hình cánh nhạn được đính thêm hai dải vải cùng màu dùng để buộc yếm vào cổ. Ở hai bên góc dưới của yếm cũng đính hai dải vải nhỏ để thắt yếm ra phía sau lưng rồi buộc lại, góc dưới cuối yếm được khâu viền rồi thả cho buông xuống dưới chạm sát vào cạp váy hoặc được buộc gọn lại bằng dải thắt lưng ở phía trước bụng.

Hiện nay, người còn mặc yếm rất ít, chỉ ở lớp phụ nữ ở độ tuổi 80 - 90 trở lên và chủ yếu là ở nông thôn, ở những người phụ nữ ít tuổi hơn thì từ lâu chiếc yếm đã được thay thế bằng chiếc coócxê (nịt vú hoặc áo con) để mặc ở phía trong áo cánh, áo sơ mi.

5.   Thắt lưng

Chiếc thắt lưng giữ một vai trò quan trọng trong trang phục của phụ nữ nông thôn xưa của Việt Nam nói chung và của Hà Nam nói riêng. Dải thắt lưng hay bao thường được may bằng vải sồi hoặc lụa mỏng bằng tơ tằm, có thể là màu trắng (hoặc nhuộm điều hay nhuộm màu hoa lý, màu lục để dùng vào những ngày hội lễ cùng với yếm đào, yếm thắm, áo dài tứ thân, năm thân mớ ba mớ bảy).

Dải thắt lưng thường được dùng bằng nửa khổ vải hoặc cả khổ vải dệt tay ngày xưa (1 khổ là 40 cm, hoặc nửa khổ là 20 cm), có độ dài có thể quấn quanh thắt lưng một hoặc hai vòng rồi thắt lại, buông chùng thả hai đầu thắt lưng xuống phía trước bụng hoặc phía sau lưng. Có loại thắt lưng được gọi là bao.

Bao cũng có chiều dài như thắt lưng. Nhưng cả khổ vải dùng làm dải bao được khâu tròn hình ống lệch bằng cách vắt chéo dải vải, do vậy ở hai đầu bao là hai miệng bao hình chéo để có thể đút tiền và các vật dụng nhỏ khác của phụ nữ vào trong bao. Đồng thời ở hai đầu bao, các sợi vải được tết thành tua loà xoà, khi người phụ nữ thắt bao lại ở trước bụng, những sợi tua này sẽ nhún nhảy cùng với nhịp đi tạo nên vẻ đẹp mềm mại cho họ.

Sau này, khi quần hai ống và quần âu nữ xuất hiện thay cho váy, chiếc thắt lưng và dải bao cũng được thay bằng dải rút (bằng dây gai, dây dù luồn trong cạp quần) hoặc dây chun cao su, dây thắt lưng da hoặc khuy cài hay là các móc sắt, khoá phéc mơ tuya...

6.   Áo kép, áo bông

Ngoài áo cánh ngắn là loại áo mặc thường ngày của chị em phụ nữ và áo dài là loại áo mặc trong những ngày lễ tết, phụ nữ còn có loại áo ngắn mặc ngoài vào mùa đông, được gọi là áo kép và áo bông.

Áo kép là loại áo may bằng hai lớp vải, có thể là gấm hoặc nhiễu, hoặc nhung, the hay sa tanh và cũng có thể bằng kaki, chéo xanh... Áo kép có dài tay hoặc ngắn tay, thường được cắt may theo kiểu áo cánh có cài khuy ở hai vạt đằng trước. Áo kép do may bằng hai lớp vải nên tạo độ dày và ấm, thường được phụ nữ dùng mặc trong tiết trời thu, hoặc đầu đông hoặc xuân, phù hợp với nhiệt độ hơi lạnh. Áo kép mặc thường ngày, khi đi làm và cũng có thể mặc lúc trang trọng nếu được may cắt bằng những loại vải tốt, lịch sự.

Áo bông là áo may bằng vải nhung, lụa, gấm ở mặt ngoài, mặt trong lót vải, ở giữa lót bông và được trần (khâu hoặc may những đường chỉ hình ô vuông hoặc chéo nhau hình quả trám) để phụ nữ mặc vào mùa đông lạnh, có tác dụng chống rét. Áo thường có màu đen, nâu, gụ, boócđô hoặc hoa gấm sẫm màu, áo được may theo kiểu áo cánh, cổ viền 3 phân, cài khuy ở giữa hai vạt trước và xẻ tà.

Hai loại áo kép và áo bông nay chỉ thông dụng ở những người phụ nữ cao tuổi, già cả. Còn đối với lớp phụ nữ trung niên trở xuống đến lớp nữ thanh niên trẻ tuổi, áo mặc mùa lạnh, mùa đông hiện nay là các kiểu áo vet đi với quần âu được may bằng len dạ, tuytsơ, nhung, gấm... các loại áo dệt và đan bằng len, mút với kiểu chui đầu hoặc cài khuy... Hoặc các kiểu áo măng tô, áo khoác may dài quá khuỷu chân bằng nhiều chất liệu vải khác nhau như da, dạ, thun, len. Màu sắc, kiểu dáng các loại áo này cũng hết sức phong phú và hiện đại.

7.   Váy và quần

Váy thường được phụ nữ dùng để mặc ở phía dưới áo cánh, che kín phần từ eo lưng trở xuống hai chân. Váy có cạp rộng để được thắt chặt bằng dây thắt lưng vải hoặc bao lưng. Chiếc váy thông dụng của phụ nữ ngày xưa là chiếc váy may bằng vải diềm bâu nhuộm thâm (hoặc đen) bằng bùn non hoặc bằng thuốc nhuộm.

Váy có loại váy ngắn hoặc loại váy dài phủ sát đất. Váy ngắn dùng để mặc khi lao động và là váy của những người bình dân, chỉ dài từ eo lưng tới quá đầu gối hoặc nửa bắp chân. Khi đi làm, hoặc lội dưới nước váy được xắn cao ở phần cạp váy theo lối quai cồng. Kiểu váy ngắn cho đến thời cận hiện đại (những năm 50 - 60 của thế kỷ XX) vẫn phổ biến ở nhiều phụ nữ nông thôn Việt Nam cũng như ở phụ nữ Hà Nam.

Loại váy dài là váy của con nhà khá giả thời xưa, thường được may bằng những loại vải tốt như tơ, lụa, láng, đũi, sồi... Hoặc nếu nhà thường dân có may sắm được thì cũng chỉ để mặc trong những ngày trang trọng như cưới xin, lễ tết, hội hè. Thường váy dài, váy chùng khi mặc đều dùng thắt lưng bằng bao lưng mới phù hợp. Màu chủ đạo của loại váy dài này cũng là màu đen.

Cùng với chiếc váy, phụ nữ còn có loại quần may chân què đũng rộng, hai ống rất tiện lợi cho việc lao động ngoài đồng ruộng bởi hai ống quần có thể cuộn xắn lên cao rất gọn khi cày, cấy hoặc gặt hái phải lội bùn, lội nước. Quần nữ thường được may bằng loại vải sợi thô, nhuộm đen như vải thâm đất, vải diềm bâu, vải chéo go... (những loại vải thô được dệt bằng sợi thủ công). Các bà, các cụ ở làng quê cho đến nay vẫn thường may và mặc loại quần nữ kiểu chân què; còn những bà, những cô ít tuổi đã quen với kiểu quần ghép đũng may bằng các loại vải mỏng, mềm như phíp, lụa, sa tanh với hai ống thẳng, dễ mặc và tạo dáng đẹp. Hiện nay loại quần âu cho nữ được may và sử dụng nhiều với các chất liệu vải như tuytsi, len, dạ, kaki, kaki pha ni lông... Ngoài ra là các kiểu quần bò, quần thun, nhung... mặc bó sát người cùng các loại váy dài, ngắn, váy liền theo các kiểu mốt hiện đại, có nhiều mầu khác nhau ngoài mầu đen của chiếc quần nữ truyền thống, đã trở nên thông dụng thường ngày đối với nữ thanh niên ngày nay.

8.   Nón, mũ

Phụ nữ thường đội nón. Chiếc nón xưa lợp bằng lá gồi chuốt cho mỏng, phơi nắng và ép thẳng, sau đó khâu lại với nhau thành hình chóp với khung nan tre và lớp mo tre lót bên trong. Nón có quai nón được buộc vắt ngang lòng nón, khi đội phần chóp nón là đỉnh đầu và quai nón kéo xuống phía dưới cằm để giữ chặt nón, cân đối ở trên đầu. Trước kia có loại nón chóp dùng cho nam giới. Còn loại nón thúng, nón rộng vành, mỏng và nhẹ là để dùng cho phụ nữ. Nón có tác dụng che nắng, che mưa, che gió. Ngày nay, nón chỉ chủ yếu dành cho phụ nữ mỗi khi đi ra đường, hoặc đi làm ngoài đồng ruộng.

Ngoài nón, phụ nữ ngày nay còn sử dụng nhiều loại mũ đội đầu. Mũ để che nắng mưa thường có mũ nan, mũ cói, mũ vải, mũ đội giữ ấm đầu có mũ len, mũ dạ, mũ nỉ... được đan hoặc cắt may theo nhiều kiểu dáng phù hợp cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi.

9.   Guốc, dép

Xưa kia, phụ nữ ở nông thôn chủ yếu là đi đất, kể cả con nhà nghèo và con nhà giầu. Về sau đã xuất hiện đôi dép được làm bằng da trâu bò, sau này nữa là dép bằng cao su có quai xỏ ngang nơi ngón chỏ và giữa bàn chân, hoặc quai chéo... Phụ nữ nhà khá giả có các loại hài mũi cong được khâu bằng vải hoặc đóng bằng các loại gỗ.

Phổ biến được dùng đi trong nhà là đôi guốc gỗ được đẽo gọt lấy hoặc do thợ chuyên môn đóng, có quai da, quai cao su đóng ngang để xỏ chân. Đôi guốc nữ đã được tạo nhiều kiểu dáng từ trước tới nay như: guốc mộc bằng gót, guốc sơn, guốc cao gót, nhọn gót, guốc sơn mài, guốc nhựa...

Ngày nay, phụ nữ ở thành thị cũng như ở nông thôn đa phần đi giày dép cả khi ở trong nhà và khi đi làm. Ở nông thôn việc đi guốc dép cũng đã trở nên thông dụng, chỉ trừ khi người phụ nữ tham gia việc lao động như gồng gánh hay lội ruộng cày bừa, cấy hái... Ngoài ra người phụ nữ cũng dùng nhiều loại giày da, giày vải, dép nhựa, dép cao gót, xăng đan, ủng, bốt da... đã được sản xuất và tiêu dùng hàng thập kỷ nay trong mọi hoàn cảnh của đời sống.

Trên đây là một số trang phục tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam cũng như phụ nữ Hà Nam xưa và nay.

II.    TRANG PHỤC CỦA NAM GIỚI

1.    Áo cánh

Áo cánh trong trang phục nam trước kia phổ biến là chiếc áo cánh ngắn, áo thường được may rộng rãi, hai ống tay và cửa tay rộng phù hợp với những cử động mạnh mẽ của người nam giới.

Áo cánh nam giới thường may cổ tròn viền, hoặc cổ viền 2 phân, hoặc cổ vuông. Áo cài khuy ở hai vạt trước, chất liệu làm khuy áo là vỏ trai hoặc nhựa. Mỗi áo có khoảng 5 đến 6 khuy. Ở phía dưới hai vạt trước, mỗi bên đều may túi để đựng các thứ vật dụng như thuốc lào, thuốc lá, diêm, bật lửa hoặc trầu cau đối với ai ăn được trầu (ngày xưa có nhiều nam giới ăn trầu).

Áo cánh của nam giới có loại là áo cánh thường được may bằng vải gụ, vải nhuộm nâu, nhuộm bùn, vải thô, vải diềm bâu để mặc lúc lao động, làm việc. Áo cánh có loại dài tay hoặc ngắn tay...

Ngoài áo cánh thường, áo cánh nam giới còn có loại áo khách, hai vạt trước thẳng, túi to, khuy cài to hoặc bằng đồng, hoặc là khuy trai, khuy nhựa, cũng có khi trên ngực trái có thêm một túi nhỏ có nắp cài khuy. Áo khách thường hay được mặc vào những dịp lễ, tết long trọng, mặc khi đón tiếp khách...

Ngày nay, các kiểu áo sơ mi đã được nam giới cả ở nông thôn và thành thị sử dụng thay cho áo cánh.

2.   Áo dài của nam giới

Áo dài của nam giới ngày xưa có áo lương hoặc the thâm để mặc đơn vào mùa hè và mặc kép vào mùa đông.

Áo dài nam thường được may bằng vải the hoặc bằng lụa màu trắng, màu gụ, màu nâu, hoặc màu đen. Áo dài xuống quá đầu gối, quãng ngang bắp chân, áo thường được may cổ tròn, có đệm thêm lớp vải hoặc the hình lá sen phía sát cổ để giữ cho cổ áo được tròn trặn, ngay ngắn, cổ áo thường được viền hơi cao, khoảng 2 - 3 phân, có hai vạt trước và một vạt con bên phải. Khi cài khuy áo sẽ vắt vạt con của áo sang một bên và cài từ trên cổ xuống dưới nách với khoảng 5 hoặc 7 chiếc khuy được tết bằng vải hoặc khuy bằng đồng.

3.   Áo bông của nam giới

Xưa đàn ông cũng mặc áo bông, được may bằng các chất liệu như vải lót phía trong, bông ở giữa và mặt ngoài là láng, chéo go hoặc the, gấm, áo được may trần hình quả trám hoặc hình vuông. Áo bông gồm có áo bông ngắn để mặc ngoài áo cánh, hoặc áo bông dài may xuống quá dưới đầu gối, thường để mặc giữ ấm vào mùa đông. Áo bông ngắn dùng cho người trẻ tuổi mặc khi lao động, áo bông dài dùng cho người từ trung tuổi trở lên và các cụ lão già mặc lúc bình thường, không lao động.

Ngày nay áo bông để mặc mùa đông của nam giới đã được thay bằng nhiều loại áo rét khác như áo vét mặc ngoài áo sơ mi, đi cùng với quần âu làm thành bộ vét (bộ comlê). Hoặc áo đại cán, áo khoác dài (măng tô), áo khoác da, áo len dệt, len đan, áo mút... Những kiểu áo này được du nhập từ nước ngoài vào và chất liệu may thường bằng các loại vải dày, hoặc có may lót, bằng len, dạ hoặc nhiều thứ khác...

4.   Áo lót, áo mặc trong của nam giới

Nam giới xưa có thói quen cởi trần, ít mặc đồ lót bên trong áo cánh. Song có thời cũng có những loại áo mặc trong của nam giới như áo cộc tay cổ vuông hoặc cổ tròn may bằng vải được cắt sát người, mặc chui cổ. Về sau có áo may ô, áo lót dệt bằng vải côttông. Những loại áo này nam giới đều dùng để mặc ở bên trong áo sơ mi để chống thấm mồ hôi. Ngày nay còn có nhiều kiểu áo phông của nam giới dùng khi mặc sát người, hoặc dùng để mặc thay áo sơ mi với nhiều màu sắc phong phú khác nhau.

5. Quần của nam giới

Từ xa xưa, đối với đàn ông nước Việt nói chung thì việc mặc khố, đóng khố là phổ biến. Khố thường là mảnh vải hẹp dài được quấn quanh thắt lưng vòng xuống giữa hai khe chân để che kín bộ hạ, hai đầu dải khố được thắt ở phía trước bụng hoặc sau lưng.

Về sau, chiếc quần đã xuất hiện thay thế cho chiếc khố. Quần của nam giới có quần dài và quần đùi. Có thể lúc đầu chỉ có những người thuộc vào hàng trung lưu, những người khá giả trở lên mới có điều kiện may và mặc quần dài. Còn dân lao động, nhất là nông dân thường vẫn mặc khố hoặc mặc quần đùi, quần cộc để đi làm ngoài đồng ruộng hoặc trên sông nước, nhất là trong điều kiện, hoàn cảnh của vùng đất đa phần là đồng trũng, sông ngòi nhiều như Hà Nam. Dần dần, chiếc quần đã được nam giới mặc phổ biến, kể cả người giàu và người nghèo, nông thôn và thành thị.

-   Quần dài của nam giới trước đây thường may bằng vải thô, vải diềm bâu nhuộm màu nâu hay màu gụ. Quần cắt may theo kiểu chân què, hai ống rộng, được mặc thường ngày, khi lao động thì được xắn gọn lên ở hai ống. Có cả quần màu trắng của nam giới được may bằng lĩnh, sồi, đũi để mặc cùng với áo cánh thường hoặc áo khách mặc vào những buổi lễ tết, những ngày trang trọng, khi đi chơi, thăm viếng... Các cụ ông khi tiệc thọ, tiệc yến có thể mặc quần lụa điều (màu đỏ) cùng với áo dài đỏ, hoặc gấm hoa các màu.

Cạp quần nam giới xưa thường may khá rộng, khoảng 20 phân (1/2 khổ vải), khi mặc không thắt bằng thắt lưng mà vận cạp lại buộc ra phía trước bụng. Cụ già cũng thường mặc quần theo kiểu “buông lá tọa”, tức là vặn cạp quần một vòng quanh bụng rồi thả xoè ra mỗi khi cần kéo quần lên cao thay cho việc phải xắn ở phía dưới hai ống quần. Quần của nam giới xưa thường không có túi.

Ngày nay, quần dài của nam giới được may chủ yếu là chiếc quần âu (quần phăng), vải dày, ống đứng và bó sát, có cạp riêng đính các con đỉa (móc bằng sợi vải) để luồn thắt lưng (dây lưng vải, hoặc thắt lưng bằng da, giả da) khi mặc cho chặt. Quần có hai túi ở hai bên cạnh hông và một túi nhỏ, có nắp, có khuy cài ở phía sau mông. Quần được may bằng nhiều loại vải như kaki, vải chéo go, len, dạ, tuýts...

-     Quần đùi. Ngoài quần dài, nam giới còn có quần đùi thường dùng để mặc bên trong quần dài. Quần đùi thường được may bằng các loại vải nhẹ và mềm như phin, lụa, đũi, sồi... Quần có độ dài đến ngang đùi, trên đầu gối. Ngày nay, quần đùi có thể may ngắn hơn nữa, quần có cạp để luồn dải rút hoặc chun. Thông thường nam giới mặc quần đùi khi nghỉ ngơi hoặc ở trong nhà riêng, song phổ biến họ cũng mặc cả khi lao động, lúc vui chơi thể thao... Cùng với quần đùi, chiếc quần soóc từ lâu cũng được nam giới ưa dùng.

6.  Khăn chít đầu của nam giới

Khăn chít đầu nam thường bằng vải thâm hoặc đen, là mảnh vải hẹp ngang, dài, được may xếp nếp cẩn thận, khi dùng khăn được quấn quanh bốn năm vòng trên đầu, hai đầu khăn chít lại kiểu chữ nhất hoặc chữ nhân. Trong đó có một vòng khăn được quấn thõng xuống phía sau để bọc lấy búi tóc (khi xưa nam giới hay để búi tóc củ hành) ở những người già cả ở nông thôn hay người đi buôn, làm thợ khi xưa khăn cũng thường được quấn rối. Đó là kiểu chít khăn lưỡi rìu mà ngày nay ít còn gặp ngay ở những người lớn tuổi ở nông thôn.

Về sau, khăn của nam giới có loại khăn xếp, cũng là loại khăn bằng các loại vải như nhiễu, lượt, láng với màu đen là chủ yếu. Khăn xếp được may xếp nếp thành một vòng tròn cứng, với nhiều nếp, khi đội đặt vòng khăn lên phía trên chỏm đầu, rồi ấn xuống cho vừa khít với đầu, để hở chỗ chỏm cao của đầu. Khăn xếp được dùng phổ biến ở loại người trung lưu, hoặc tầng lớp các quan lại, nho sĩ. Thời xưa, nam giới đội khăn xếp khi mặc áo dài the, quần lĩnh, đi giày và mang ô (ô đen, ô lục soạn) vào những dịp long trọng hoặc ở những nơi công đường.

Đến thời cận hiện đại, chiếc khăn xếp còn được dùng rất ít chỉ ở những người lớn tuổi. Thay thế chiếc khăn xếp, chiếc ô là chiếc mũ cát, mũ nồi, mũ lưỡi trai đội đầu và chiếc khăn quàng cổ của nam bằng len, dạ...

7.  Nón, mũ, ô của nam giới

Trước đây, nam giới đội nón, có nhiều loại như nón lá, nón sơn, nón chóp được làm từ những nguyên vật liệu giống như của nữ giới nhưng hẹp vành hơn.

Nón được dùng cho tất cả mọi người nhất là những người lao động ở nông thôn hay thành thị.

Ngày nay, nam giới chủ yếu dùng các loại mũ để đội và che đầu. Mũ có nhiều loại: mũ cói, mũ nan làm bằng sợi cói, sợi nan tre, nan nứa. Mũ lá làm bằng lá cọ. Mũ cát làm bằng thân cây rút, nhẹ và xốp được bọc ngoài bằng vải mỏng như kaki, chéo, láng với các màu trắng, xanh hoặc vàng... Mũ lưỡi trai may bằng các loại vải. Mũ bê rê, mũ nồi, mũ len may bằng nỉ, dạ, da, len...

Ô được du nhập từ Trung Quốc và sử dụng từ khá lâu ở nước ta. Ô của nam giới thường có màu đen, được làm bằng các loại vải mỏng, nhẹ và bền như lanh, lụa pha ni lông... Vải được ghép lại từ 5 - 6 mảnh cắt chéo tạo thành hình tròn có đường kính khoảng 80 phân căng trên khung bằng sắt hoặc đồng, ở giữa ô có trục sắt hình tròn, thẳng để làm cán cầm. Ô có thể mở ra hoặc gập gọn lại được. Do cuối cán ô thường được làm cong lên như chiếc móc để treo, cất ô mỗi khi không dùng đến.

8.   Guốc, giầy, dép của nam giới

Trước kia dân lao động đi chân đất là chủ yếu. Sau đôi guốc xuất hiện. Guốc của nam giới được đẽo gọt từ gộc tre, từ gỗ... có quai đóng đinh hai bên xỏ chân.

Tiếp sau là các loại dép như dép cói, dép da, dép cao su có 1 quai, 2 quai, 2 quai chéo, 4 quai gồm hai 2 quai trước và 2 quai sau xuất hiện và được dùng chủ yếu cho người bình dân.

Khi có ảnh hưởng của văn minh phương Tây thì đôi giày đã được dùng nhiều, trước tiên là ở tầng lóp trung lưu, khá giả. Hiện nay việc đi giày dép đã trở thành phổ biến và hết sức phong phú ở toàn dân ta. Nam giới có các loại giày như: giày da, giày thể thao, giày bát kết.

Trên đây là những trang phục tiêu biểu của nam giới Việt Nam cũng như nam giới Hà Nam xưa và nay.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy