Phần I: Địa lý (Chương XIX)

Chương XIX

THƯƠNG MẠI - DU LỊCH VÀ CÁC NGÀNH KINH TẾ KHÁC

I. THƯƠNG MẠI

Hà Nam là một tỉnh đồng bằng sông Hồng. Nhu cầu trao đổi hàng hoá ngày càng gia tăng theo yêu cầu của phát triển sản xuất và đời sống của dân cư trong tỉnh. Hà Nam có vị trí trung chuyển khá quan trọng giữa các tỉnh phía Nam với thành phố Hà Nội - trung tâm kinh tế của cả nước, nên có khả năng khai thác và tiêu thụ sản phẩm cho tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, hoạt động thương mại của Hà Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ, cả về hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý lẫn mạng lưới, thành phần tham gia và cơ chế hoạt động kinh doanh thương mại. Cơ chế quản lý hành chính, bao cấp trong hoạt động thương mại nói chung đã được chuyển đổi sang cơ chế tự do hoá thương mại, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân và thành phần kinh tế - xã hội hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường. Do vậy, trong thời gian qua, hoạt động thương mại ở Hà Nam ngày càng trở nên sôi động, cả ở khu vực thị xã, thị trấn lẫn các vùng nông thôn. Hoạt động nội thương có nhiều tiến bộ, thị trường hàng hoá phong phú đa dạng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ giai đoạn 1996 - 2002 tăng bình quân trên 20%/năm. Hoạt động xuất nhập khẩu có sự tăng trưởng đáng kể (trên 10%/năm), với sự phong phú về hàng hoá và đa dạng về hình thức, phương thức kinh doanh. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại nói chung ngày càng được củng cố và phát triển.

1. Thị trường nội địa

1.1 Tình hình lưu chuyển hàng hoá xã hội

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, trong giai đoạn 1996 - 2002, tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội trên địa bàn đạt tốc độ tăng bình quân 15,7%/năm, từ 725,4 tỷ đồng năm 1996 tăng lên 1.460,2 tỷ đồng năm 2000 và đạt 1.742,7 tỷ đồng năm 2002. Trong giai đoạn này, tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội trên phạm vi cả nước tăng bình quân gần 14%/năm. Như vậy, so với tình hình chung của cả nước, tốc độ tăng thương mại bán lẻ hàng hoá xã hội của Hà Nam giai đoạn này cao hơn, là 1,7%.

Cùng với tốc độ tăng cao tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội, tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội tính bình quân đầu người của Hà Nam đã được nâng lên và rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với mức bình quân chung của cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 1995 tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội bình quân đầu người của Hà Nam bằng 36,02% mức bình quân chung của cả nước và bằng 43,93% so với mức bình quân của vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 1998, khoảng cách này đã được rút ngắn và tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội bình quân đầu người của Hà Nam đã nâng lên, bằng 77,66% so với vùng đồng bằng sông Hồng và 63,28% so với cả nước; đến năm 2000, mức bán lẻ hàng hoá xã hội bình quân đầu người của Hà Nam so với của cả nước đã được nâng lên đến 65,43%.

Tình hình trên đây phản ánh thực trạng và trình độ phát triển của sản xuất, trao đổi hàng hoá cũng như quy mô và mức độ phát triển thị trường nội địa của Hà Nam còn có những hạn chế so với các tỉnh trong vùng và cả nước. Tuy nhiên, sự sôi động của thị trường và tốc độ tăng cao tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội và tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội bình quân đầu người của Hà Nam thời gian qua cũng cho thấy xu hướng tăng nhanh của thị trường nội địa và xu hướng phát triển mạnh các hoạt động thương mại trên thị trường nội địa của tỉnh. Sự phát triển mạnh các hoạt động thương mại nội địa đã và đang là “cầu nối” (và là nhân tố tác động quan trọng) đối với phát triển sản xuất hàng hoá và phát triển thị trường của tỉnh, kích cầu tiêu dùng và làm tăng sức mua của dân cư đối với hàng hoá, dịch vụ trên thị trường xã hội của Hà Nam.

Cơ cấu các khu vực, thành phần tham gia thương mại trên thị trường nội địa cũng có những thay đổi. Tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ nói chung trên địa bàn những năm gần đây có xu hướng giảm (năm 2000 chiếm 47,72%; năm 2001 chiếm 47,75%; năm 2002 giảm còn 19,72% và năm 2003 là 13,37%). Xét khu vực nông nghiệp từ chỗ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội, kinh tế nhà nước cũng giảm xuống nhanh chóng và chỉ còn chiếm khoảng trên dưới 20% trong những năm gần đây. Sự tham gia mạnh mẽ của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vào lĩnh vực bán lẻ hàng hoá và dịch vụ là một yếu tố tích cực đối với phát triển thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất, trao đổi và tiêu dùng hàng hoá của dân cư trong tỉnh.

 

Tuy nhiên, trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội theo ngành kinh doanh thương mại và kinh doanh dịch vụ của Hà Nam thì các ngành kinh doanh thương mại vẫn chiếm tỷ trọng cao và có xu hướng tăng, trong khi tỷ trọng của các ngành kinh doanh dịch vụ vẫn còn ở mức thấp. (Những năm gần đây, doanh thu dịch vụ khách sạn nhà hàng ở Hà Nam đã đạt trên dưới 50 tỷ đồng/năm, song mới chiếm gần 3% tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ nói chung trên địa bàn). Điều này cho thấy những hạn chế của các ngành dịch vụ Hà Nam trong hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ.

1.2. Hệ thống kinh doanh nội địa tỉnh Hà Nam

• Thương mại nhà nước

Thời kỳ từ 1997 - 2002, thực hiện chủ trương đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, số lượng các đơn vị kinh doanh thương mại dịch vụ thuộc thành phần kinh tế nhà nước trên địa bàn Hà Nam có sự biến đổi mạnh, số doanh nghiệp giảm gần 2/3. Năm 1997 có 24 doanh nghiệp đến năm 2002 chỉ còn 9 doanh nghiệp (1). Tổng số người kinh doanh thương mại, dịch vụ ở khu vực nhà nước giảm từ trên 2.200 người năm 1997 xuống còn khoảng 978 người năm 2002 và tổng số vốn của các doanh nghiệp nhà nước theo thống kê năm 2000 là 19.267,9 triệu đồng (trong đó vốn cố định có 13.278,9 triệu và vốn lưu động 5.989 triệu).

Sự giảm sút số lượng các doanh nghiệp thương mại nhà nước và lao động ở khu vực này là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ trọng của thương mại nhà nước trong tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội giảm đi trong những năm gần đây (năm 2000 chiếm 47,2%; năm 2002 giảm xuống còn 19,72% và năm 2002 giảm còn 13,37%). Mặc dù vậy, tổng giá trị sản xuất cũng như tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ở khu vực thương mại nhà nước vẫn tiếp tục tăng. Năm 2002, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước ngành thương mại, du lịch và khách sạn nhà hàng nói chung trên địa bàn tỉnh đạt trên 57.933 triệu đồng, gấp 2,1 lần so với năm 1997; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt trên 343.606 triệu đồng, gấp gần 2 lần năm 1997. Điều này cho thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh đang được cải thiện và nâng lên đáng kể.

• Thương mại ngoài quốc doanh

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của thành phần thương mại ngoài quốc doanh trên phạm vi cả nước, thời gian qua thành phần thương mại ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã hình thành và phát triển khá nhanh với nhiều loại hình và quy mô tổ chức khác nhau. Hệ thống thương mại ngoài quốc doanh của Hà Nam đã có bước phát triển đáng kể về phạm vi, không gian và quy mô hoạt động cũng như sự phong phú, đa dạng về loại hình tổ chức hoạt động của các thành phần kinh tế này.

Theo số liệu thống kê tỉnh Hà Nam đến tháng 7/2001, trên địa bàn tỉnh có 48 doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ (bao gồm 3 công ty cổ phần, 22 doanh nghiệp tư nhân và 23 công ty TNHH). Tổng số vốn điều lệ của 48 doanh nghiệp ngoài quốc doanh này (năm 2001) là 46.562 triệu đồng trong đó của 3 công ty cổ phần là 3.806 triệu đồng, bình quân 1.268 triệu đồng/công ty; của 22 doanh nghiệp tư nhân là 5.980 triệu đồng, bình quân 272 triệu đồng/doanh nghiệp; 23 công ty TNHH có 36.776 triệu đồng, bình quân mỗi công ty có 1.600 triệu đồng.

Tính đến ngày 31-12-2000 Hà Nam có 8.360 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh trong đó số hộ kinh doanh thương mại là 4.783 hộ, số hộ kinh doanh dịch vụ là 1.890 hộ, chiếm tỷ lệ cao nhất 57,21%; tiếp đến là các hộ làm dịch vụ chiếm 22,60% và tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Duy Tiên và thị xã Phủ Lý. Trong năm 2000, do thực hiện Luật Doanh nghiệp, số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã tăng lên khá nhanh với nhịp độ tăng 9,3% (so với năm 1999); trong đó số hộ kinh doanh dịch vụ tăng cao nhất, đạt 23,11% và số hộ kinh doanh thương mại tăng 6,3% so với năm 1999. Tổng số vốn kinh doanh của các hộ thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Nam là 22.707 triệu đồng, bình quân 1 hộ có 5,1 triệu đồng vốn kinh doanh.

Theo số liệu thống kê tỉnh Hà Nam, số người kinh doanh thương mại, du lịch và khách sạn, nhà hàng tư nhân trên 1.000 dân của Hà Nam năm 1995 là 14,34 người; năm 1997 là 9,47 người; 1998 là 8,58 người; 1999 là 9,50 người; năm 2000 là 9,64 người; năm 2002 là 15,7 người. Tình hình này cũng phản ánh những hạn chế trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

1.3. Cơ sở vật chất – kỹ thuật của ngành thương mại

• Cơ sở vật chất - kỹ thuật của thương mại nhà nước

Thực hiện quá trình đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp theo chủ trương giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong những năm qua, các công ty thương mại cấp tỉnh và cấp huyện ở Hà Nam dần được chuyển sang hình thức cổ phần hoá và giao khoán doanh nghiệp. Đến nay, mạng lưới cơ sở kinh doanh chung của các DNNN kinh doanh thương mại trước đây cùng với cơ sở vật chất - kỹ thuật (cửa hàng, nhà xưởng, phương tiện, thiết bị,...) của các doanh nghiệp này hầu như đã được giao cho người lao động quản lý, khai thác.

Hiện tại, chỉ còn Công ty lương thực Hà Nam Ninh (do Trung ương quản lý), Công ty Du lịch - Bia, nước giải khát (thuộc Sở Thương mại - Du lịch Hà Nam quản lý) và Công ty chợ (thuộc UBND thị xã Phủ Lý quản lý). Các công ty này vẫn duy trì, tu bổ và tổ chức quản lý, khai thác cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có của công ty. Trong thời gian tới, các công ty trên cũng dần dần được tiến hành cổ phần hoá bộ phận hoặc toàn bộ.

• Hệ thống chợ

 

Chợ là nơi kinh doanh chủ yếu của các hộ tư thương, cá thể kinh doanh thương nghiệp. Cùng với sự phát triển của thị trường Hà Nam, hoạt động thương mại tại các chợ trên địa bàn tỉnh cũng được phát triển hơn, góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hoá trên địa bàn. Hiện nay, Hà Nam có 84 chợ trên tổng số 116 xã, phường, thị trấn (tỷ lệ xã, phường, thị trấn có chợ là 72,4%); bình quân 1,38 xã, phường, thị trấn có 1 chợ. Các chợ thường có quy mô hoạt động nhỏ với số hộ kinh doanh cố định bình quân mỗi chợ khoảng 42 hộ. Trong tổng số 84 chợ trên địa bàn có tới 76 chợ có quy mô chợ loại III; 7 chợ loại II và chỉ có 1 chợ có quy mô chợ loại I.

Trong những năm gần đây, Hà Nam đã chú trọng đến việc đầu tư, nâng cấp và xây dựng chợ mới. Tuy nhiên, chủ yếu là tôn tạo, bê tông hoá nền chợ, do đó hầu hết ở các huyện hiện nay vẫn phổ biến là chợ tạm và chợ bán kiên cố và chỉ có 4 chợ (chiếm 5,0%) được xây dựng kiên cố, 46% số chợ ở tình trạng lều lán tạm bợ, còn lại xấp xỉ 49% số chợ còn họp ngoài trời. Việc quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Hà Nam theo hai hình thức tổ chức là Công ty chợ và Tổ quản lý chợ. Hiện nay Công ty chợ mới quản lý 2 chợ trên địa bàn thị xã Phủ Lý, các chợ còn lại trên toàn tỉnh được quản lý dưới hình thức Tổ quản lý chợ. Tình hình hoạt động các chợ tuy có sôi động, nhưng do điều kiện và trình độ sản xuất, Hà Nam chưa có chợ chuyên doanh, bán buôn và phân phối luồng hàng lớn đối với những sản phẩm hàng hoá sản xuất ra trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tỷ lệ hộ bán buôn, kiêm bán lẻ ở các chợ chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số hộ buôn bán ở các chợ. Mức vốn kinh doanh bình quân 1 hộ ở các chợ khoảng trên 2 triệu đồng, và nhiều chợ nhỏ ở các huyện Bình Lục, Thanh Liêm, Duy Tiên gần như không có các hộ bán buôn hàng hoá. Ngoài các chợ lớn ở thị xã, thị trấn có thời gian họp chợ trong ngày dài hơn và lưu lượng người đến chợ đều hơn giữa các buổi chợ, còn lại các chợ khác, nhất là các chợ xã vẫn mang đậm nét truyền thống, chủ yếu là họp chợ theo phiên.

Hầu hết các chợ phục vụ cho nhu cầu trao đổi hàng hoá của dân cư trong khu vực và lân cận; do đó về tính chất kinh doanh đều là các chợ kinh doanh tổng hợp với những hàng hoá tiêu dùng thông thường. Tại một số chợ trên địa bàn đã có sự chuyển biến theo yêu cầu mua sắm của người tiêu dùng, các sản phẩm được bán qua chợ đã có sự phân loại với nhiều phẩm cấp, chất lượng, quy cách khá tiện lợi cho người tiêu dùng. Những hàng hoá chủ yếu có khối lượng lớn được tập trung lưu thông tại chợ thị trấn và chợ thị xã là những ngành hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm công nghiệp (chiếm tỷ trọng 30%); các ngành hàng công nghệ phẩm, quần áo may sẵn, vải sợi các loại, dụng cụ gia đình chiếm khoảng 45%; các ngành hàng truyền thống như hàng thủ công mỹ nghệ, thêu ren, đan lát chiếm khoảng 12%; các ngành hàng văn hoá phẩm như điện ảnh, băng hình chiếm khoảng 10% - 12%.

Những hàng hoá chủ yếu với khối lượng lớn được tập trung lưu thông tại chợ nông thôn là các mặt hàng phục vụ cho sản xuất, hàng tiêu dùng như nhôm, gang, sắt thép, vật tư nông nghiệp (đạm, lân, kali, thuốc bảo vệ thực vật...); cụm kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống, gia súc, gia cầm, con giống, rau, hoa quả tươi. Hàng hoá kinh doanh buôn bán ở chợ nông thôn chủ yếu là những mặt hàng tiêu dùng sinh hoạt hàng ngày. Những mặt hàng có giá trị cao là rất ít. Do vậy tổng giá trị hàng hoá ở mức nhỏ bé.

2. Hoạt động xuất - nhập khẩu

Vào những năm đầu đổi mới, sau khi bị mất thị trường truyền thống là các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ), hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Nam gặp nhiều khó khăn. Một phần do chưa tìm kiếm được thị trường mới ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Những năm gần đây, hoạt động xuất, nhập khẩu đã đạt được những kết quả nhất định, bước đầu xâm nhập được vào thị trường các nước trong khu vực và thế giới, nhịp độ giao lưu hàng hoá xuất nhập khẩu của Hà Nam đã tăng lên nhanh chóng.


 

1.2. Tình hình xuất khẩu

Trong hơn 10 năm, từ 1991 đến 2002, giá trị hàng hoá xuất khẩu của Hà Nam tăng liên tục từ 426 nghìn USD năm 1991 tăng lên 1.456 nghìn USD năm 1995, đạt 7.397 nghìn USD vào năm 1997; đến năm 2000 tăng lên 21.559 nghìn USD và năm 2002 đạt tới 27.754 nghìn USD. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người của Hà Nam trong giai đoạn từ 1997 - 2002 đạt khoảng 24 USD/người.

Trong giai đoạn 1997 - 2002, cùng với sự tăng nhanh về giá trị xuất khẩu, các hình thức xuất khẩu ở Hà Nam cũng được mở rộng. Các hình thức xuất khẩu của Hà Nam hiện nay bao gồm: xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu uỷ thác và mua đứt bán đoạn cho doanh nghiệp xuất khẩu ngoài tỉnh. Xuất khẩu trực tiếp của Hà Nam đã tăng lên nhanh chóng kể từ năm 1997 đến nay. Năm 1997, tỷ trọng giá trị xuất khẩu trực tiếp của Hà Nam chiếm 50,90% trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh, năm 1999 đã tăng lên 73,42% và năm 2000 là 74,98%. Theo đó tỷ trọng giá trị xuất khẩu uỷ thác đã giảm từ 33,3% năm 1997 xuống còn 17,63% năm 1999 và 11,29% năm 2000; hình thức mua đứt, bán đoạn giảm từ 15,80% năm 1997 xuống còn 8,94% năm 1999 và năm 2000 là 13,73%.

Trong số các thành phần kinh tế tham gia hoạt động xuất khẩu thì thành phần kinh tế nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chiếm khoảng 90% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá của tỉnh, trong khi thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thường chỉ tham gia vào hoạt động mua đi bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhà nước trong và ngoài tỉnh.

Hà Nam là một tỉnh sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, cho nên nhóm hàng hoá xuất khẩu chính của Hà Nam là các mặt hàng nông sản. Thời gian qua, hàng xuất khẩu của Hà Nam chủ yếu là hàng nông, lâm sản và nông, lâm sản chế biến. Mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất thời kỳ 1995 - 2002 là gạo, hàng mây tre đan, tiếp đến là hàng thêu ren, hàng may mặc và lụa tơ tằm. Năm 2002, Hà Nam đã xuất khẩu được 12.982 tấn gạo, (năm thấp chỉ xuất được trên dưới 2.000 tấn gạo các loại). Trong thời kỳ này, thương mại của Hà Nam đã góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh.


 

Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp có xu hướng tăng lên nhanh chóng cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh: năm 1996 chiếm 14,63% tăng lên tới 62,62% năm 1999 và 63,94% năm 2002. Nhóm các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Hà Nam bao gồm: gạo, lạc nhân, đay, tơ, long nhãn... Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản thường không ổn định qua các năm và chiếm tỷ lệ nhỏ so với sản lượng sản xuất (trừ mặt hàng lạc nhân xuất khẩu). Xuất khẩu gạo chỉ chiếm khoảng 5% so với sản lượng sản xuất hàng năm của tỉnh. Trong nhóm các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như: hàng thêu ren, hàng mây tre, thảm đay, lụa tơ tằm... Trong giai đoạn 1997 - 2002, khối lượng xuất khẩu các sản phẩm này đều có xu hướng tăng nhanh, nhất là các sản phẩm mây tre và hàng may mặc.

2.2. Tình hình nhập khẩu

Từ năm 1997 đến nay, theo số liệu thống kê của Hà Nam, giá trị hàng hoá nhập khẩu của tỉnh tăng gần 1,7 lần, nhưng tốc độ tăng không ổn định; 100% giá trị nhập khẩu của Hà Nam là nhập khẩu trực tiếp của địa phương và do các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh thực hiện. Trong giá trị nhập khẩu theo nhóm hàng, chiếm tỷ lệ chủ yếu là các hàng hoá vật tư và thiết bị. Trong đó, chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ cho ngành may.

2.3. Cân đối xuất - nhập khẩu

Hoạt động xuất, nhập khẩu của Hà Nam từ khi tái lập tỉnh đã được tổ chức thực hiện tốt, phù hợp với đường lối phát triển nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu hiện nay. Tuy nhiên, với tổng giá trị xuất khẩu thấp và sự khan hiếm của nguồn hàng xuất khẩu cũng như những khó khăn trong việc tạo ra nguồn hàng xuất khẩu có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao trên địa bàn tỉnh hiện nay, thì việc duy trì giá trị nhập khẩu ở mức thấp cũng phản ánh tình trạng khó khăn trong đầu tư, đặc biệt là trong việc tìm kiếm các nguồn công nghệ, các hàng hoá trung gian nhập khẩu cho mục tiêu phát triển sản xuất của tỉnh theo hướng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Mặt khác, các mặt hàng xuất khẩu của Hà Nam dựa trên lợi thế về tài nguyên đất nông nghiệp và lợi thế về nguồn lao động rẻ, dồi dào đang mất dần sức cạnh tranh trong thương mại quốc tế so với các mặt hàng xuất khẩu dựa trên lợi thế về vốn đầu tư, về công nghệ cao.

 

3. Các kênh, luồng hàng hoá trong và ngoài tỉnh

3.1. Các luồng hàng hoá từ bên ngoài vào tỉnh

Nền sản xuất hiện nay của Hà Nam chủ yếu là nông - lâm nghiệp, công nghiệp khai thác đá và sản xuất vật liệu xây dựng nên nhu cầu vật tư, thiết bị, máy móc của thị trường không lớn, chủ yếu là vật tư thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp khai thác đá và vật liệu xây dựng. Phần lớn vật tư được đưa từ các tỉnh khác, một phần được nhập từ nước ngoài.

Với địa bàn nông thôn rộng lớn và là chủ yếu, mặc dù nhu cầu tiêu dùng của người dân còn thấp nhưng vẫn là một thị trường tiêu thụ khá lớn. Các mặt hàng nhập vào Hà Nam khá đa dạng, bao gồm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và thông thường như lương thực, thực phẩm, muối, dầu hoả, vải, giấy, vở học sinh, đồ dùng gia đình, các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng; hàng vật tư nông nghiệp,... Các hàng hoá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng hoá bán buôn, bán lẻ trong tỉnh. Các mặt hàng cao cấp với chất lượng cao như hàng điện tử, điện lạnh... chủ yếu tiêu thụ ở các thị trường thị xã, tỉnh lỵ và các thị trấn huyện lỵ.

Hàng công nghiệp tiêu dùng được cung ứng cho thị trường Hà Nam có nhiều nguồn gốc khác nhau, từ sản xuất trong nước và từ nhập khẩu. Trong đó đáng chú ý các nguồn hàng sản xuất trong nước được cung ứng từ các tỉnh và thành phố như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình và các tỉnh phía Nam. Các nguồn hàng nhập khẩu trực tiếp hay qua các trung gian đưa vào Hà Nam có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc thông qua các tuyến cửa khẩu Lạng Sơn và Quảng Ninh, qua tư nhân hay các cơ sở đại lý bán hàng của nhà sản xuất. Nhóm hàng vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, sắt thép xây dựng... chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước cung ứng, buôn bán và kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân, đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Hàng hoá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp của tỉnh, hiện nay phục vụ chủ yếu cho ngành dệt may và sản xuất vật liệu xây dựng. Luồng hàng này bao gồm nguyên phụ liệu may và than. Trong đó, than từ Quảng Ninh và nguyên phụ liệu may từ nguồn nhập khẩu trực tiếp và từ các cơ sở sản xuất trong nước.

Nói chung các luồng hàng hoá vào tỉnh dường như ít thay đổi và rất khó được khơi thoát ở quy mô lớn do các yếu tố cần thiết sản xuất trên địa bàn còn ít được đổi mới, quy mô sản xuất chậm được mở rộng, sức mua của dân cư thấp... Các luồng hàng hoá vào Hà Nam không mang tính trung chuyển, tái phát luồng ra khỏi địa bàn mà chủ yếu phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư trong tỉnh và thường được tổ chức cung ứng qua hệ thống chợ, các đại lý, các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh.

3.2. Các luồng hàng hoá bán ra ngoài tỉnh

Sản phẩm nông nghiệp do Hà Nam sản xuất và có khả năng phát luồng ra ngoài địa bàn tỉnh không có nhiều như lúa, gạo, lạc vỏ, thịt lợn, gia cầm, đay và một số loại rau quả thực phẩm. Trong số đó, lúa gạo hàng năm đưa ra ngoài tỉnh vào khoảng 40 - 60 nghìn tấn lúa và chủ yếu được cung ứng đến các thị trường như Hà Nội, các tỉnh phía bắc và xuất khẩu,... Khối lượng lạc hàng hoá của Hà Nam hàng năm khoảng trên 2 nghìn tấn lạc vỏ, tương đương với khoảng 1 nghìn tấn lạc nhân. Hướng phát luồng của lạc là các tỉnh phía bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc. Sản lượng thịt lợn hàng hoá của Hà Nam hàng năm vào khoảng 3000 - 5000 tấn, chiếm khoảng 20 - 30% số sản lượng lợn hơi, hướng phát luồng chủ yếu là Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình để giết mổ cho tiêu dùng tại chỗ hoặc chế biến xuất khẩu.

Sản lượng đay của Hà Nam trong các năm 1997 - 2000 (bình quân khoảng 2.400 tấn/năm) chủ yếu được cung ứng cho các nhà máy và cơ sở chế biến đay ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình và cho xuất khẩu. Các loại rau đậu, hoa quả của Hà Nam đến các thị trường ngoài tỉnh không nhiều và với khối lượng không lớn. Trong đó, đáng chú ý là dưa chuột với khối lượng khoảng 300 - 500 tấn/năm; chuối xanh thường được thu gom để xuất khẩu sang Trung Quốc. Do tính chất nhỏ lẻ và phân tán của sản xuất nên các luồng hàng nông sản của Hà Nam ra khỏi địa bàn tỉnh thường do tư nhân thu gom và trực tiếp đưa đến các thị trường tiêu thụ hoặc làm trung gian cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến trong nước.

Các sản phẩm công nghiệp của Hà Nam được lưu thông ra ngoài địa bàn, chủ yếu gồm các loại vật liệu xây dựng như xi măng, đá các loại, vôi, gạch, bột đá siêu mịn... Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội và các tỉnh Thái Bình, Nam Định. Trong đó, sản phẩm có dung lượng phát luồng lớn là xi măng, vôi và đá xẻ các loại; các sản phẩm may được các doanh nghiệp may trong tỉnh xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Nói chung các luồng hàng hoá của Hà Nam bán ra ngoài tỉnh chủ yếu là thị trường các tỉnh lân cận, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Các hàng hoá bán ra của Hà Nam chưa có lợi thế về quy mô, về tính tổ chức phát luồng, về tính khác biệt hay đặc thù của sản phẩm hàng hoá. Do vậy, các luồng hàng hoá này chưa thực sự có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường.

II. DU LỊCH HÀ NAM

Hà Nam là tỉnh có tài nguyên du lịch khá đa dạng, phong phú. Tài nguyên du lịch tự nhiên ở đây gồm các hang động, sông núi, với nhiều cảnh quan thiên nhiên và quần thể danh thắng nổi tiếng. Tiêu biểu như Núi Cấm - Ngũ Động Sơn, hang Luồn, hang Dơi, động vồng, núi Ngọc, khu Bát Cảnh Tiên, hồ Tam Chúc ở huyện Kim Bảng; Kẽm Trống, núi Tiên, hang Gióng Lở, hang Chùa Châu ở huyện Thanh Liêm; Núi Đọi, núi Điệp, sông Châu, núi An Lão và nhiều cảnh quan thiên nhiên, làng mạc trù phú ở các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục; cảnh quan đô thị ngã ba sông ở thị xã Phủ Lý và cảnh quan sinh thái ở xã Phù Vân (thị xã Phủ Lý)...

Cùng với tài nguyên du lịch tự nhiên, Hà Nam còn có tài nguyên du lịch nhân văn với nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc, các làng nghề truyền thống và nhiều loại hình văn hoá phi vật thể khá tiêu biểu, độc đáo. Chẳng hạn như đền Trúc, đền Bà Lê Chân, chùa Bà Đanh ở huyện Kim Bảng; đền Trần Thương, đình Văn Xá, đình Thọ Chương, nhà lưu niệm và mộ chí nhà văn - liệt sĩ Nam Cao ở huyện Lý Nhân; chùa Long Đọi Sơn, đình Lũng Xuyên, đền Lảnh Giang ở huyện Duy Tiên; chùa Châu, chùa Tiên, văn hoá Liễu Đôi ở huyện Thanh Liêm hay Từ đường Nguyễn Khuyến, đình cổ Viễn, đình Triều Hội (Bồ Đề, huyện Bình Lục)... Các làng nghề thủ công truyền thống có thể thu hút khách thăm quan du lịch như làng dệt lụa Nha Xá, ươm tơ Từ Đài (huyện Duy Tiên); làng nghề thêu An Hoà, Hoà Ngãi (huyện Thanh Liêm); làng dệt Hoà Hậu (huyện Lý Nhân); làng nghề sừng Đô Hai (huyện Bình Lục), làng nghề mây tre đan Ngọc Động (huyện Duy Tiên)...

Phần lớn các tài nguyên du lịch của Hà Nam có vị trí địa lý và điều kiện giao thông thuận lợi cho việc khai thác kết hợp giữa tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn để tạo ra nhiều loại hình, nhiều dạng sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn. Đồng thời có khả năng liên kết với phát triển du lịch của Hà Nội và các tỉnh lân cận khác như Hà Tây, Hoà Bình, Ninh Bình, Nam Định...

Tuy vậy, trong nhiều năm trước khi tái lập tỉnh, các tài nguyên và tiềm năng du lịch ở Hà Nam hầu như chưa được khai thác, phát triển. Hoạt động du lịch mới ở dạng sơ khai, chủ yếu thông qua các hoạt động lễ hội truyền thống về lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, hay các lễ hội về tập quán sản xuất và sinh sống của các làng xã hay cộng đồng dân cư các địa phương. Lễ hội Liễu Đôi, lễ hội đền Trần Thương, lễ hội chùa Long Đọi Sơn, lễ hội đền Trúc... là những lễ hội thu hút khá đông dân cư trên địa bàn và từ các địa phương khác. Song các hoạt động lễ hội ở đây chưa mang ý nghĩa của hoạt động du lịch và chưa được tổ chức trên phương diện phát triển du lịch.

Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cũng chưa được quan tâm phát triển. Nhiều di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh bị xuống cấp. Trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất một khách sạn Hoà Bình (doanh nghiệp nhà nước) với khoảng 60 buồng khách và hơn một chục nhà nghỉ của các đơn vị ngoài quốc doanh, chủ yếu là phục vụ lưu trú cho chuyên gia nước ngoài và khách đến công tác tại địa phương. Khách tham quan du lịch không nhiều và thường chỉ lưu trú trong ngày.

Năm 1997, khi tái lập tỉnh, Hà Nam chính thức thành lập Sở Thương mại - Du lịch (theo Quyết định số 200/QĐ-UB ngày 07 tháng 4 năm 1997 của UBND tỉnh) với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với toàn bộ các hoạt động thương mại - du lịch trên địa bàn.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Sở Thương mại - Du lịch Hà Nam đã tiến hành khảo sát, xây dựng; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh thời kỳ 1998 - 2010 và quy hoạch chi tiết các cụm, điểm du lịch trọng điểm (như khu du lịch Ngũ Động Sơn, hồ Tam Chúc, đền Trần Thương, khu du lịch Phù Vân,...). Việc quảng bá du lịch và tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch cũng được thúc đẩy với sự khuyến khích, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc nhiều thành phần kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, ngành du lịch của tỉnh đang triển khai một số dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng du lịch như: dự án xây dựng khu du lịch đền Trần Thương, khu du lịch Long Đọi Sơn, dự án phát triển du lịch hồ Tam Chúc, hang Luồn, Bến Thuỷ, Ngũ Động Sơn,...

Mạng lưới kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch của Hà Nam bắt đầu được mở rộng. Năm 2002, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 20 đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch với nhiều loại hình như dịch vụ lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ), dịch vụ ăn uống, giải khát, dịch vụ lữ hành nội địa, dịch vụ nghỉ ngơi, vật lý trị liệu,... Cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch cũng tăng nhanh. Đến năm 2002 trên địa bàn tỉnh đã có 16 cơ sở lưu trú, với tổng số 280 phòng ngủ, trong đó có 20 phòng đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế.

Nguồn nhân lực phục vụ cho quản lý và kinh doanh du lịch cũng tăng lên nhiều so với trước. Năm 1997, số lao động trong ngành du lịch của tỉnh có khoảng 150 người, đến năm 2002 đã có khoảng trên 450 người. Phần đông là lao động trẻ, trong đó có một bộ phận lao động có chuyên môn nghề nghiệp hoặc có kinh nghiệm trong quản lý, kinh doanh du lịch.

Hoạt động kinh doanh du lịch ở Hà Nam nói chung có những khởi sắc. Số lượng khách du lịch đến Hà Nam những năm gần đây tăng khá nhanh (khoảng 12,8%/năm). Năm 2002, lượng khách du lịch Hà Nam lên tới trên 17.385 lượt người, tăng 44,8% so với năm 1997. Trong đó, chủ yếu là khách trong nước (17.137 lượt người, chiếm 98,57%) đến du lịch tham quan, tham gia lễ hội (hoặc) kết hợp công tác, tìm kiếm cơ hội làm ăn. Khách quốc tế đến du lịch Hà Nam từ nhiều quốc gia khác nhau, song lượng khách không nhiều, chủ yếu là khách dừng chân trên các tour du lịch xuyên Việt bằng đường bộ hoặc các tour du lịch kết hợp với du lịch ở các tỉnh khác trong vùng.

 

Năm 2002 doanh thu của ngành du lịch tỉnh đạt trên 8,6 tỷ đồng, tăng 56,4% so với năm 1997; trong đó, doanh thu dịch vụ chiếm trên 40%, chủ yếu là dịch vụ lưu trú.

Sự phát triển du lịch của Hà Nam gặp phải không ít khó khăn, trở ngại. Một phần vì Hà Nam gần với Thủ đô Hà Nội nên lượng khách lưu trú và số ngày lưu trú của khách du lịch không nhiều. Số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch Hà Nam những năm gần đây mới đạt khoảng 1,3 ngày/lượt người. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng doanh thu của ngành du lịch. Phần khác là do Hà Nam còn thiếu  các điểm du lịch hấp dẫn và các dịch vụ du lịch chất lượng cao, năng lực cạnh tranh của các đơn vị kinh doanh du lịch còn hạn chế. Mạng lưới kinh doanh du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch Hà Nam tuy phát triển nhanh, nhưng chất lượng phục vụ chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

Số lượng và chất lượng lao động trong ngành du lịch của tỉnh còn nhiều mặt thiếu hụt so với yêu cầu phát triển của ngành. Đa phần là lao động phổ thông, ít được đào tạo chính quy về nghiệp vụ chuyên môn. Đây cũng là một trong những trở ngại cho việc nâng cao chất lượng phục vụ trong các đơn vị kinh doanh du lịch của tỉnh.

Một vấn đề khác đang đặt ra đối với phát triển du lịch của Hà Nam là xu hướng cạnh tranh phát triển du lịch của các tỉnh trong vùng và của nhiều địa phương trong cả nước. Sự phát triển du lịch của các tỉnh trong vùng và của các địa phương trong cả nước vừa tạo ra cơ hội cho việc mở rộng liên doanh, liên kết phát triển du lịch của tỉnh, song đồng thời cũng tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng cao đối với phát triển du lịch của Hà Nam.

III. TÀI CHÍNH

Hoạt động tài chính của Hà Nam luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao của ngành và phục vụ kịp thời có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tích cực nuôi dưỡng, khai thác, quản lý các nguồn thu, tăng cường quản lý, tiết kiệm chi, thực hiện tốt công tác quản lý điều hành ngân sách các cấp, quản lý vốn, tài sản của nhà nước trên địa bàn.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh bình quân các năm từ 2000 - 2002 đạt 597,57 tỷ đồng, tăng bình quân 16,35%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn trong cùng thời kỳ (8,46%/năm) và gấp hơn 4,1 lần so với thu ngân sách năm 1995 trên địa bàn. Trong đó, thu ngân sách từ kinh tế địa phương có xu hướng tăng mạnh, năm 2002 đạt gần 219,67 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2001 và 31,2% so với năm 2000.


 

Về chi ngân sách, ngành tài chính Hà Nam bố trí chi ngân sách trên cơ sở các nguồn thu từ kinh tế trên địa bàn, trợ cấp của ngân sách Trung ương, các nguồn trợ cấp từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn,... Đồng thời, căn cứ vào kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các ngành và lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như của các địa phương trong tỉnh để xây dựng kế hoạch chi ngân sách hàng năm và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc bố trí hợp lý các khoản chi ngân sách nhà nước trên địa bàn. Trong đó, tập trung ngân sách cho đầu tư phát triển, đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản để nâng cao năng lực của các ngành, lĩnh vực kinh tế; thúc đẩy phát triển mạnh các ngành công nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ưu tiên đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, các hệ thống và công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, đồng thời tăng cường đầu tư hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất kinh doanh hàng hoá và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá ở khu vực này.

Từ năm 1997 đến 2002, chi ngân sách cho đầu tư phát triển của Hà Nam liên tục tăng nhanh (năm 2002, đạt trên 187,18 tỷ đồng, tăng 28,3% so với năm 2000 và gấp 2,48 lần so với năm 1997) và chiếm trên 30% trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm trên địa bàn. Trong đó, phần lớn là chi cho đầu tư xây dựng cơ bản (năm 2001 chiếm 83,8%; năm 2002 chiếm 96,8%). Ngoài chi ngân sách cho đầu tư phát triển, hàng năm Hà Nam cũng dành một khoản chi ngân sách thường xuyên khá lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2002, chi ngân sách thường xuyên cho sự nghiệp kinh tế đạt trên 31,05 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2000 và gấp 1,97 lần so với năm 1997.

Trong bố trí cơ cấu chi ngân sách hàng năm, ngành tài chính cũng luôn coi trọng và tham mưu đắc lực cho lãnh đạo tỉnh trong việc đầu tư phát triển các lĩnh vực xã hội, quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường và đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Đặc biệt là đầu tư ngân sách cho phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, hỗ trợ đầu tư tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo và phát triển cộng đồng của các địa phương trong tỉnh.

Năm 2002, chi ngân sách cho sự nghiệp xã hội nói chung của Hà Nam lên tới trên 180,4 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn và gấp 2,4 lần so với năm 1997. Trong đó, chi cho giáo dục, đào tạo trên 120,7 tỷ đồng, chiếm 21,0% tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn, tăng 25,1% so với năm 2000 và gấp 2,16 lần so với năm 1997; chi cho phát triển y tế trên 30,7 tỷ đổng, gấp 1,97 lần năm 1997. Hàng năm, ngân sách tỉnh cũng chi hàng chục tỷ đồng cho phát triển văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, phát thanh truyền hình; trích lập và hỗ trợ quỹ xoá đói giảm nghèo, quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, quỹ giải quyết việc làm và chi cho các lĩnh vực bảo đảm xã hội khác.

Trong hoạt động tài chính và tổ chức quản lý, điều hành ngân sách trên địa bàn tỉnh, hoạt động của ngành Thuế và Kho bạc Nhà nước tỉnh giữ một vai trò và có những đóng góp rất quan trọng. Cục Thuế Hà Nam đã tham mưu cho tỉnh trong việc triển khai thực hiện các chính sách, luật pháp của Nhà nước và của ngành, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành ở địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các dự toán, kế hoạch thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh và các nguồn thu khác trên địa bàn. Đảm bảo huy động tốt các nguồn thu ngân sách tại địa phương, giảm thất thoát các nguồn thu, đồng thời góp phần khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển các nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Nam dưới sự chỉ đạo của Kho bạc Nhà nước Trung ương và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng của tỉnh trong việc quản lý, giám đốc và điều hành ngân sách nhà nước trên địa bàn; tạo thuận lợi cho việc thu - chi ngân sách kịp thời, đúng chế độ quy định; giám đốc và kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, các hoạt động đầu tư ngân sách; thanh tra, kiểm tra và giám sát thực hiện thanh quyết toán vốn đầu tư ngân sách. Quản lý việc cấp phát, cho vay của các dự án, chương trình mục tiêu trên địa bàn; đồng thời tham gia vào công tác huy động vốn, ứng vốn của Kho bạc cho ngân sách tỉnh vay để phục vụ kịp thời các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động của Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Nam cũng góp phần quan trọng vào việc tiết kiệm, chống lãng phí thất thoát ngân sách và làm tăng hiệu quả của đầu tư ngân sách trên địa bàn.

Tuy nhiên, hoạt động của ngành tài chính nói chung của Hà Nam hiện vẫn còn một số khó khăn. Nền kinh tế của tỉnh tuy có bước phát triển mạnh song quy mô phát triển của các ngành, các lĩnh vực và cơ sở sản xuất kinh doanh nói chung vẫn còn hạn chế, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhỏ, phân tán, hiệu quả chưa cao. Năm 2002 nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn (36%) trong GDP của tỉnh. Nhu cầu đầu tư ngân sách trên địa bàn tiếp tục tăng cao trong khi các nguồn thu ngân sách còn nhiều hạn chế.

Hà Nam hiện vẫn chưa đảm bảo được cân đối ngân sách trên địa bàn. Hàng năm, trên 40% đến gần 60% nguồn thu ngân sách của tỉnh là do trợ cấp từ ngân sách Trung ương và từ các nguồn đầu tư khác của Nhà nước. Trong khi đó, việc quản lý, kiểm soát chi ngân sách cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc giải quyết nợ đọng ngân sách, nợ đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư phân tán và đầu tư vượt dự toán ngân sách cũng như việc ngăn chặn, xử lý các hiện tượng sử dụng vốn ngân sách sai mục đích, gây lãng phí, làm thất thoát ngân sách.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới, ngành tài chính Hà Nam đang tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về tổ chức, cơ chế quản lý và tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành, tăng cường huy động, khai thác triệt để các nguồn thu, đồng thời tạo điều kiện phát triển và đa dạng hoá các nguồn thu trên cơ sở phát triển sản xuất, dịch vụ kinh doanh của mọi tổ chức, thành phần kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phân cấp ngân sách, dự toán và phân bổ hợp lý các nguồn chi, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát và quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, vốn và tài sản của Nhà nước tại địa phương.

IV. TÍN DỤNG - NGÂN HÀNG

Từ khi tái lập tỉnh năm 1997, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam đã tiến hành củng cố lại tổ chức, mở rộng mạng lưới và đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành và thúc đẩy các hoạt động tín dụng nói chung trong nền kinh tế của tỉnh.

Đến nay, hoạt động của mạng lưới tín dụng, ngân hàng ở Hà Nam đã mở rộng đến tất cả các huyện, thị, xã, phường trong toàn tỉnh. Hệ thống Ngân hàng Nhà nước như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội,... đều có các đại lý, chi nhánh hoạt động rộng khắp đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu huy động vốn và tín dụng vốn đầu tư trên địa bàn. Số điểm giao dịch của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh năm 2002 tăng 48% so với năm 2000.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn có Quỹ tín dụng nhân dân đã được thành lập và đi vào hoạt động. Đến năm 2002, các Quỹ này đã có trên 5.200 thành viên, với tổng số vốn hoạt động trên 15.120 triệu đồng, vốn điều lệ 877 triệu đồng. Phần lớn các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động có hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu tín dụng vốn của nhân dân ở các địa phương, cơ sở.

Thể chế và cơ chế hoạt động của hệ thống tín dụng - ngân hàng đã căn bản chuyển sang dịch vụ kinh doanh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý điều hành của Nhà nước và của ngành chủ quản (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ngân hàng Thương mại Nhà nước). Đối tượng cho vay được mở rộng đến tất cả các thành phần kinh tế xã hội thuộc mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Cơ chế hoạt động cũng ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn. Hiện tại, hệ thống ngân hàng đã chuyển sang cơ chế lãi suất cho vay theo thoả thuận. Các thủ tục vay, cho vay và dịch vụ ngân hàng nói chung đã đơn giản, minh bạch, nhanh chóng và thuận tiện cho mọi đối tượng khách hàng.

Nguồn vốn huy động của hệ thống tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tăng lên nhanh chóng. Đến cuối năm 2002, tổng nguồn vốn huy động đã đạt trên 854,7 tỷ đồng, trong đó vốn huy động trong dân cư đạt trên 610 tỷ (chiếm 71,4%), tăng 24,7% so với năm 2001. Vốn huy động tại chỗ của các Quỹ tín dụng nhân dân đạt trên 11,74 tỷ đồng, tăng 29,5%. Tổng số dư tiền gửi tiết kiệm nói chung trên địa bàn đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2002 đạt trên 638,29 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2000 (317,99 tỷ) và gấp 5,9 lần so với năm 1997 (108,48 tỷ đồng).

Thị xã Phủ Lý là địa phương có số dư tiền gửi tiết kiệm tăng nhanh và chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn tỉnh. Năm 2002, mức huy động tiền gửi tiết kiệm ở thị xã Phủ Lý đạt tới 399,17 tỷ đổng, chiếm 62,8% trong tổng số dư tiền gửi tiết kiệm trên địa bàn tỉnh, gấp 3,1 lần so với năm 2000 và gấp 18 lần so với năm 1997. Số dư tiền gửi tiết kiệm ở huyện Lý Nhân năm 2000 cũng đạt mức trên 80 tỷ đồng, chiếm 12,5% của cả tỉnh và gấp gần 3,2 lần mức của năm 1997. Số dư tiết kiệm ở các huyện còn lại ở mức thấp hơn, song đều có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Số dư tiền gửi tiết kiệm ở huyện Thanh Liêm năm 2002 gấp hơn 4 lần so với mức của năm 1997.

Việc cung ứng vốn tín dụng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng tăng nhanh. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh như công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông - lâm nghiệp, phát triển ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn,... Cơ cấu đầu tư tín dụng cũng có những thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng cho vay đối với khu vực kinh tế dân doanh; đặc biệt là đối với kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản; kinh tế tư nhân, cá thể và các loại hình kinh tế khác trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ,...

Đầu tư tín dụng của hệ thống tín dụng - ngân hàng ở Hà Nam tập trung chủ yếu vào tín dụng cho vay ngắn hạn. Điều này phù hợp với thực tế nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Giai đoạn từ 1997 đến 2002, tổng mức dư nợ tín dụng ngắn hạn trên địa bàn tăng gấp 4,4 lần (từ 133.455 triệu đồng tăng lên 588.498 triệu), nhanh hơn so với dư nợ tín dụng trung hạn và dài hạn. Dư nợ tín dụng ngắn hạn năm 2000 cao gấp 1,75 lần so với dư nợ tín dụng trung và dài hạn. Mức chênh lệch này năm 2002 là 2,15 lần.

 

Hoạt động quản lý điều hoà thu - chi tiền mặt, dịch vụ các giao dịch và thanh toán trong nền kinh tế của hệ thống ngân hàng ngày càng mở rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường. Khối lượng thu - chi tiền mặt qua hệ thống ngân hàng ngày càng lớn và tăng nhanh; việc cân đối, điều hoà lưu thông tiền mặt trên địa bàn được đảm bảo tốt hơn.

Chất lượng hoạt động và an toàn kho quỹ của hệ thống tín dụng - ngân hàng cũng được đảm bảo tốt. Công tác kiểm định, giám đốc vốn đầu tư tín dụng được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên. Năm 2002, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn chiếm 2,5% trong tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn. Vai trò và uy tín của hệ thống tín dụng, ngân hàng trong hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng được khẳng định.

 

V. PHÁT TRIỂN KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Từ xa xưa, trong quá trình phát triển sản xuất, mở mang cuộc sống, các thế hệ người dân ở Hà Nam đã biết dựa vào điều kiện thiên nhiên, lợi dụng các yếu tố thuận lợi của thiên nhiên, đồng thời đấu tranh với giới tự nhiên để không ngừng phát triển. Trong quá trình lao động cần cù, sáng tạo ấy, người dân nơi đây đã không ngừng mở mang tri thức, tích luỹ kinh nghiệm để phục vụ trở lại cho phát triển sản xuất và đời sống. Đó là những tri thức khoa học về tự nhiên, xã hội, con người, về kỹ năng và công nghệ sản xuất được nhận thức từ thực tế, đúc rút và sáng tạo trong thực tế sản xuất và đời sống, được tích luỹ và truyền từ đời này sang đời khác, ngày càng dầy thêm, phong phú thêm. Nhiều tri thức và kinh nghiệm sản xuất, sinh hoạt của dân cư Hà Nam đã đi vào tục ngữ, ca dao, ăn sâu vào tiềm thức và trở thành tập quán sản xuất, sinh sống của các cộng đồng dân cư, góp phần tạo ra những nét đẹp văn hoá, trí tuệ và tâm hồn của người Hà Nam.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với sự phát triển giáo dục mở mang dân trí và sự phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội, thì những tri thức về khoa học - kỹ thuật ở Hà Nam cũng ngày càng phát triển và được truyền bá, áp dụng rộng rãi hơn. Bên cạnh những kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất truyền thống, nhân dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã áp dụng các loại công cụ cải tiến và một số kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng thuỷ lợi, thuỷ nông, cải thiện điều kiện vệ sinh, môi trường sinh sống, phòng chống dịch bệnh cho người và chăn nuôi gia súc, gia cầm... Từ sau năm 1954 đặc biệt là từ những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX trở lại đây, phong trào ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã được phát động và triển khai mạnh mẽ ở hầu khắp các địa phương, các ngành và lĩnh vực kinh tế xã hội của tỉnh.

Trong nông nghiệp, hàng loạt tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng rộng rãi ở khu vực này, như các loại cày, bừa, cào cỏ cải tiến, công cụ cơ giới bán cơ giới thay thế cho công cụ truyền thống; làm bèo hoa dâu, phân xanh, phân bùn, bón vôi để cải tạo đồng ruộng; đưa các giống lúa mới vào sản xuất cùng với các kỹ thuật mới về chọn giống, ngâm ủ giống; cấy ngửa tay, thẳng hàng; bón phân hoá học, phun thuốc trừ sâu... Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đối với các loại cây trồng khác cũng tương tự như vậy. Nhiều ngành nghề thủ công đã áp dụng kỹ thuật và công cụ sản xuất mới, như xay xát gạo, nung gạch, vôi, làm nón, dệt khăn mặt, vải khổ rộng,... Các cơ sở, xí nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường cải tiến, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đồng thời với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong suốt thời kỳ từ những năm 1960 trở lại đây, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã phát động rộng rãi phong trào thi đua lao động sáng tạo và cải tiến kỹ thuật, coi khoa học kỹ thuật là một “mặt trận” của sản xuất, cách mạng kỹ thuật là “then chốt” để phát triển lực lượng sản xuất, đưa dần nền kinh tế của tỉnh lên sản xuất lớn. Phong trào này đã động viên và khơi dậy trí tuệ, lòng nhiệt tình và sức sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh “tiến quân vào khoa học kỹ thuật” trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Hàng loạt những sáng kiến cải tiến công cụ, kỹ thuật, công nghệ sản xuất, cải tiến tổ chức và quản lý lao động, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu... đã xuất hiện và được áp dụng trong thực tế qua các phong trào này.

Từ khi tái lập tỉnh (1997), các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ ở Hà Nam tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu của đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường; góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong nền kinh tế của tỉnh, đồng thời góp phần cải thiện điều kiện sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.

Ngay khi tái lập tỉnh, UBND tỉnh Hà Nam đã quyết định thành lập Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Hà Nam (theo Quyết định 193/QĐ-UB ngày 7/4/1997 của UBND tỉnh). Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN và MT) có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với toàn bộ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN, quản lý nhà nước về môi trường và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tư vấn và phối hợp với các cơ quan hoạch định chính sách của tỉnh, các ban, ngành và địa phương trong tỉnh trong việc hoạch định chính sách và tổ chức phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Đến cuối năm 2003, cơ cấu tổ chức và bộ máy quản lý khoa học công nghệ của tỉnh có sự điều chỉnh. Sở KHCN và MT đổi tên thành Sở Khoa học - Công nghệ (KHCN). Chức năng quản lý môi trường và bộ phận quản lý môi trường của Sở trước đây được chuyển giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường mới thành lập.

Cùng với việc tổ chức lại bộ máy và cơ cấu quản lý, tỉnh cũng tăng cường đầu tư cho các hoạt động KHCN và bảo vệ môi trường (BVMT). Tổng số vốn đầu tư cho sự nghiệp KHCN và BVMT của Hà Nam từ 1997 đến 2002 là 31,945 tỉ đồng. Năm 2002 vốn đầu tư cho KHCN và BVMT gấp 10 lần so với năm 1997. Trong đó, ngoài kinh phí tài trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh cũng huy động một phần đáng kể từ ngân sách địa phương và từ các nguồn tài trợ khác trên địa bàn. Phần lớn nguồn vốn này được đầu tư cho các đề tài nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất (chiếm 65 - 70%), trong đó đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm 55% kinh phí.

Tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp của Hà Nam những năm qua đứng đầu trong các tỉnh, thành của cả nước. Ngoài ra, thông qua việc triển khai các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia và các hoạt động khoa học, công nghệ khác, các cơ quan Trung ương và nhiều tổ chức chính phủ, phi chính phủ còn tài trợ hàng chục tỉ đồng cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong các ngành và lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều địa phương, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh cũng đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đội ngũ cán bộ và lực lượng lao động có trình độ khoa học, chuyên môn kỹ thuật của Hà Nam cũng tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2002, tổng số cán bộ và lao động có trình độ khoa học, chuyên môn kỹ thuật đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh đã có 10.499 người, gấp 2,2 lần so với năm 1997.


Hiện tại, nguồn lực xã hội của Hà Nam cho phát triển khoa học công nghệ là rất lớn. Cùng với sự phát triển của giáo dục và đào tạo ở Hà Nam đang hình thành một lực lượng lao động xã hội ngày càng đông đảo có trình độ học vấn và kiến thức để tiếp nhận sự chuyển giao và triển khai, ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tế sản xuất và đời sống của địa phương. Hàng năm, số người được đào tạo cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật tiếp tục tăng nhanh. Năm học 2002 - 2003, số người được đào tạo trong các trường chuyên nghiệp và dạy nghề công lập của tỉnh là gần 9.900 người, trong đó có 973 học sinh trung học chuyên nghiệp và 4.570 công nhân kỹ thuật đã tốt nghiệp. Ngoài ra, còn hàng nghìn người được đào tạo nghề ở hệ thống đào tạo ngoài công lập và đào tạo trực tiếp trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và trong các làng nghề. Đó là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ nói riêng, sự nghiệp CNH, HĐH nói chung của tỉnh.

Một chuyển biến mới trong hoạt động khoa học công nghệ của tỉnh trong những năm gần đây là việc mở rộng và tăng cường nghiên cứu các lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH và NV). Từ năm 1997 - 2002 đã triển khai 35 đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực này với tổng kinh phí 3,125 tỷ đồng. Các đề tài nghiên cứu KHXH và NV đã góp phần làm sáng tỏ các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần luận giải những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã - hội của tỉnh; nghiên cứu, sưu tập những tinh hoa văn học nghệ thuật, lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng quê hương đất nước; nghiên cứu truyền thống, bản sắc văn hoá Hà Nam, phát triển con người Hà Nam...

Trong lĩnh vực KHCN, giai đoạn 1997 - 2002 Sở KHCN và MT đã tổ chức nghiên cứu, triển khai hàng trăm đề tài khoa học gắn với thực tế phát triển của các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó có 146 đề tài, dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp với kinh phí từ các nguồn là 11,792 tỉ đồng. Các đề tài, dự án nghiên cứu về giống lúa, ngô có năng suất cao, kỹ thuật nuôi trồng và chế biến một số loại nông sản như mộc nhĩ, nấm rơm, chế biến dưa chuột, chuối sấy... Nhiều đề tài, dự án có tác động thiết thực đối với sản xuất như: Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống lúa bố mẹ phục vụ sản xuất hạt giống lúa lai F1”; Dự án “Tổ chức sản xuất, cung ứng hạt giống lúa tại các HTX phục vụ sản xuất đại trà của tỉnh Hà Nam”; Dự án nuôi lợn hướng nạc xuất khẩu,... Hàng chục nghìn hộ nông dân, nông thôn trong tỉnh đã được hưởng lợi từ các dự án, chương trình khoa học, công nghệ này, trong đó nhiều hộ đã thoát được nghèo đói, phát triển kinh tế bền vững hơn.

Nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ cũng đã được thực hiện trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, y tế và chăm sóc sức khoẻ. Chẳng hạn như các đề tài về điều tra tài nguyên khoáng sản, tổ chức nhân rộng các mô hình làng nghề, phát triển công nghiệp địa phương hay chuyển giao thiết bị công nghệ tiên tiến gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; các dự án hiện đại hoá thiết bị, công nghệ của ngành điện lực, bưu chính - viễn thông,... Trong ngành y tế, từ 1997 đến 2002 đã triển khai 3 đề tài cấp Bộ, 4 đề tài cấp tỉnh, 7 đề tài cấp ngành và 40 đề tài cấp cơ sở với kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Ngành Dược Hà Nam cũng đã nghiên cứu và sản xuất thành công 20 mặt hàng thuốc chữa bệnh được Bộ Y tế cho phép lưu hành trong cả nước.

Việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ thông tin được xúc tiến mạnh mẽ phục vụ công tác quản lý của các cấp, ngành, các cơ sở kinh tế, xã hội trong tỉnh.

Cùng với nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, công tác quản lý tiêu chuẩn, chất lượng và đo lường được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá của các cơ sở sản xuất, dịch vụ, đồng thời bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trên địa bàn. Từ 1997 đến 2002 Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng của tỉnh đã quản lý 600 tiêu chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực như cơ khí, điện, điện tử, vật liệu xây dựng, thực phẩm, hoá chất, dệt... Đăng ký chất lượng, mẫu mã hàng hoá cho 222 lượt sản phẩm như xi măng, bột đá, bột nhẹ, sản phẩm dệt, gạch, ngói, tấm lợp... Kiểm định 76.545 phương tiện đo lường; (như công tơ điện, cân các loại, thiết bị đo nhiên liệu, đồng hồ áp lực...), kiểm định 538 mẫu chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất trong tỉnh.

Trong lĩnh vực quản lý bảo vệ môi trường, từ năm 1997 - 2002, Sở KHCN và MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hoá Luật Bảo vệ môi trường và nhiều tài liệu phục vụ cho công tác quản lý môi trường trên địa bàn. Cấp giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường cho 548 lượt cơ sở và kiểm tra thực hiện tiêu chuẩn môi trường, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; của hàng trăm cơ sở, đơn vị kinh tế, xã hội trong tỉnh. Công tác vệ sinh môi trường khu dân cư, môi trường sản xuất và bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái được phát động rộng rãi trong nhân dân. Ngoài Công ty môi trường đô thị thu gom vận chuyển rác thải ở thị xã Phủ Lý, đến năm 2002 trong toàn tỉnh, đã thành lập được 288 tổ thu gom rác thải tại các xã, thị trấn và thôn xóm. Khối lượng rác thải thu gom trên địa bàn hàng năm tới trên 300.000m3.

Việc triển khai chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã góp phần làm tăng đáng kể tỷ lệ hộ dân cư được sử dụng nước sạch, từ 33% năm 1997 lên 50% năm 2002. Công tác quan trắc môi trường cũng được tổ chức khá tốt theo định kỳ. Hàng năm, các cơ quan chức năng đã thực hiện quan trắc môi trường khí tại 28 điểm với 4 chỉ tiêu và môi trường nước tại 15 vị trí với 19 chỉ tiêu. Đồng thời, đã tiến hành điều tra đánh giá đa dạng sinh học của rừng đặc dụng Thanh Sơn, điều tra nguồn Dioxin và Furan, nghiên cứu mức độ nhiễm ACSEN trong nước ngầm, thường xuyên thanh kiểm tra mạng lưới kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và các loại hoá chất độc hại trên địa bàn,...

Tuy nhiên công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Không ít đơn vị sản xuất kinh doanh và một bộ phận dân cư chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của ô nhiễm môi trường và nghĩa vụ phải bảo vệ môi trường. Tình trạng ô nhiễm mồi trường ở một số làng nghề và cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn chưa được giảm thiểu. Hiện tượng đốt gạch thủ công không có hệ thống xử lý khói vẫn còn phổ biến, gây ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và sinh hoạt của dân cư ở một số địa phương.

Những hoạt động và kết quả đạt được của ngành khoa học, công nghệ và môi trường Hà Nam đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nó trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là động lực và điều kiện để thúc đẩy quá trình CNH, HĐH và phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường ở Hà Nam cũng đang đặt ra và đòi hỏi những nỗ lực to lớn hơn của ngành khoa học, công nghệ - môi trường, với sự phối hợp và tham gia tích cực của mọi cấp, ngành, mọi tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội và cộng đồng dân cư trên địa bàn.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy