Chương XVI NÔNG - LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ LỢI

Hà Nam cũng như các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng là nơi các hoạt động nông nghiệp xuất hiện và phát triển lừ rất sớm. Hơn 90% dân số và hộ gia đình ở Hà Nam sinh sống ở nông thôn, trong đó 81,62% số hộ là hộ nông nghiệp; 74,9% số hộ có nguồn thu nhập chính từ các nghề nông - lâm nghiệp và thuỷ sản(2).

Chương XVI 

NÔNG - LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ LỢI

Hà Nam cũng như các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng là nơi các hoạt động nông nghiệp xuất hiện và phát triển lừ rất sớm. Đây cũng là lĩnh vực kinh tế truyền thống luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của dân cư cũng như trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đa số dân cư hoạt động và sinh sống trong lĩnh vực này, bằng các nghề trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thả và đánh bắt thuỷ sản, khai thác lâm thổ sản và các sản vật tự nhiên.

Ngày nay, nông nghiệp nói chung (bao gồm cả lâm nghiệp và thuỷ sản) vẫn là lĩnh vực kinh tế có vị trí quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo số liệu thống kê năm 2002, các ngành nông - lâm nghiệp và thuỷ sản hiện vẫn chiếm 76% lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh và đóng góp 36,0% trong cơ cấu GDP trên địa bàn, cao hơn so với tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và xây dựng (32,4%) và dịch vụ (31,6%)(1). Hơn 90% dân số và hộ gia đình ở Hà Nam sinh sống ở nông thôn, trong đó 81,62% số hộ là hộ nông nghiệp; 74,9% số hộ có nguồn thu nhập chính từ các nghề nông - lâm nghiệp và thuỷ sản(2).

Trong hơn 10 năm, từ 1990 đến 2002, nông - lâm nghiệp và thuỷ sản của Hà Nam có sự phát triển mạnh và toàn diện trên các lĩnh vực. Giá trị sản xuất của toàn ngành (theo giá so sánh năm 1994) đã tăng gấp 1,85 lần, từ 744,5 tỷ đồng năm 1990 lên 1377,6 tỷ đồng năm 2002. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp (giá so sánh năm 1994) tăng 83,4% (từ 719,7 tỷ lên 13.20,3 tỷ đồng); giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 15,1 tỷ năm 1990 lên 17,3 tỷ năm 2000 và giá trị sản xuất của ngành thuỷ sản tăng gấp 4,5 lần, (từ 9,7 tỷ đồng năm 1990 lên 43,7 tỷ đồng năm 2002). Tuy nhiên, cơ cấu giữa các ngành biến đổi chậm do quy mô sản xuất và quy mô tăng trưởng của ngành lâm nghiệp và thuỷ sản còn quá nhỏ bé so với sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, cho tới nay nông nghiệp vẫn chiếm vị trí hàng đầu trong sản xuất của toàn ngành và năm 2002 vẫn còn chiếm tới 94,71% tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản nói chung của tỉnh (xem biểu 9).

Biểu 9. Cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thuỷ sản

(Giá hiện hành); Đơn vị %

Năm

1995

1996

1997

1998

1999

2000

2001

2002

Tổng số

100

100

100

100

100

100

100

100

1.Nông nghiệp

97,21

96,41

96,30

69,67

96,71

96,24

95,75

94,71

2. Lâm nghiệp

1,71

1,62

1,63

1,43

1,33

1,42

1,02

1,00

3. Thủy sản

1,62

1,97

2,67

1,90

1,96

2,34

3,23

4,29

- Niêm giám thống kê 1990-2000. Cục thống kê Hà Nam 8-2001.

- Niêm giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002; NXB Thống kê, Hà Nội-2003.

I. NÔNG NGHIỆP

Theo số liệu thống kê năm 2002, Hà Nam có diện tích đất nông nghiệp là 52.026 ha, chiếm 61,1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm là 43.978 ha, chiếm 84,5%; diện tích đất mặt nước sử dụng vào mục đích nông nghiệp là 4.626 ha, chiếm 8,9%; đất trồng cây lâu năm và đất trồng cỏ chỉ có 140 ha; còn lại hơn 3.282 ha là đất vườn và đất nông nghiệp khác. Tuy nhiên, do dân số đông nên diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người của Hà Nam chỉ là 650 m2, thấp hơn nhiều so với bình quân của vùng đồng bằng sông Hồng (960 m2/người) và cả nước (1.100 m2/người).

Trong cơ cấu sản xuất nội bộ ngành nông nghiệp, trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Năm 2002, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp đạt 1.511,8 tỷ đồng (theo giá hiện hành) thì ngành trồng trọt là 1.101,1 tỷ đồng, chiếm 72,8%, ngành chăn nuôi đạt 396,4 tỷ đồng, chiếm 26,2% và phần dịch vụ đạt 14,3 tỷ đồng, mới chiếm 1,0%. Trong giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất ngành trồng trọt cũng đạt được cao nhất, đạt 3,8%/năm, sau đó đến chăn nuôi 3,47%/năm và dịch vụ là 1,14%. Như vậy, trong nông nghiệp vẫn nặng về các hoạt động trồng trọt. Suốt hơn 10 năm, từ 1990 đến năm 2002, tỷ trọng của ngành chăn nuôi đạt cao nhất là vào năm 1992 (26,7%) và năm 2002 là 26,2%; trong khi đó trồng trọt hiện vẫn chiếm 72,8% đến 73,5% (xem biểu 10).

Biểu 10. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp (giá hiện hành)

Đơn vị tính: %

Năm

1995

1996

1997

1998

1999

2000

2001

2002

Tổng số

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

1. Trồng trọt

74,5

74,9

74,2

77,6

77,5

75,2

73,5

72,8

2. Chăn nuôi

24,5

24,1

24,8

21,5

21,6

23,8

25,5

26,2

3. Dịch vụ

1,0

1,0

1,0

0,9

0,9

1,0

1,0

1,0

- Niêm giám thống kê 1990-2000. Cục thống kê Hà Nam 8-2001.

- Niêm giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002; NXB Thống kê, Hà Nội-2003.

Ảnh: Mạnh Hùng

1.  Ngành trồng trọt

Hoạt động trồng trọt thu hút phần lớn số hộ nông dân và lao động nông nghiệp và hiện vẫn chiếm 72,8% giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung của tỉnh (Biểu 10). Trong ngành trồng trọt, do điều kiện đất đai, tập quán sản xuất và sinh sống của dân cư nên từ xưa đến nay sản xuất lúa và các loại cây lương thực vẫn là cốt yếu nhất. Đến năm 2002, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt vẫn chiếm tới 78,6% tổng diện tích cây trồng nông nghiệp của tỉnh và chiếm 71,9% giá trị sản xuất của ngành trồng trọt.

Tuy nhiên, trong khoảng một thập kỷ kể từ đầu những năm 1990 trở lại đây, mà nhất là trong giai đoạn từ 1997 đến 2003, hoạt động trồng trọt đã có những chuyển biến đáng kể và ngày càng có xu hướng đa dạng hoá, với sự phát triển mạnh của các loại cây rau mầu, cây công nghiệp có giá trị hàng hoá và đặc biệt là các loại cây ăn quả. Đến năm 2002, diện tích các loại cây công nghiệp hàng năm đã có trên 4387 ha, tăng 46,5% so với năm 1997; diện tích cây lâu năm có trên 5.588 ha, tăng gấp hơn 2 lần; trong đó diện tích cây ăn quả tăng gấp 2,45 lần so với năm 1997 (biểu 11). Cũng trong giai đoạn này, giá trị sản xuất cây công nghiệp nói chung (theo giá so sánh năm 1994) tăng từ 14,465 tỷ đồng năm 1997 lên 30,14 tỷ năm 2002 (gấp 2,1 lần); giá trị sản xuất các loại cây rau, đậu thực phẩm tăng 55,4% (từ 80,4 tỷ đồng lên 124,9 tỷ) và giá trị sản xuất các loại cây ăn quả tăng 7,8%.

Biểu 11. Diện tích các loại cây trồng nông nghiệp tỉnh Hà Nam 1995 – 2002

Đơn vị (ha)

 

Năm

 

Tổng số

Trong đó

Cây lương thực có hạt

Cây công nghiệp

hàng năm

Cây lâu năm

Trong đó: cây ăn quả

1995

101.124

81.302

3.180

2.612

1.911

1997

96.382

79.642

2.995

2.699

1.990

1999

103.359

83.071

4.105

4.034

3.659

2000

104.874

83.304

4.175

4.987

4.657

2001

102.930

81.703

4.077

5.253

4.807

2002

103.044

81.010

4.387

5.588

4.885

 

Nguồn: - Niêm giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002; NXB Thống kê, Hà Nội-2003.

Nguyên nhân của những chuyển biến này một phần là do đất đai và hệ sinh thái cây trồng của Hà Nam khá phong phú, đa dạng (như đã nói đến ở các phần trên), lại được đảm bảo ngày càng tốt hơn về mặt thuỷ lợi, thuỷ nông nên việc trồng cấy các loại cây trở nên thuận và chủ động hơn nhiều so với trước. Song mặt khác, do sản xuất lương thực đã phát triển, không chỉ đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng của các hộ nông dân và dân cư trên địa bàn mà còn có dư thừa để trở thành hàng hoá. Điều này cho phép có thể giảm một phần diện tích và đầu tư cho sản xuất cây lương thực để chuyển sang các loại cây trồng khác. Và sau nữa, do tác động ngày càng mạnh của thị trường đối với các hoạt động trồng trọt của nông dân. Các loại cây ăn quả, rau đậu và cây trồng có giá trị hàng hoá, dễ tiêu thụ trên thị trường ngày càng được nông dân chú trọng nhiều hơn.

1.1    Sản xuất lương thực

Lương thực bao gồm lúa, ngô và các loại cây lương thực có hạt khác. Trong đó, lúa nước là cây lương thực truyền thống đã có từ rất lâu và là cây trồng đặc trưng của nông nghiệp Hà Nam (cũng như ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói chung). Sản xuất lúa nước không chỉ quyết định đời sống vật chất mà còn chi phối cả đời sống văn hoá, tinh thần của dân cư. Trong những thập kỷ trước thời kỳ đổi mới, sản xuất lương thực nói chung và sản xuất lúa nước nói riêng đã được tập trung phát triển với nỗ lực cao của các địa phương cũng như của toàn thể nhân dân trong tỉnh. Nhờ vậy mà sản xuất cây lương thực ở Hà Nam đã không ngừng phát triển cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Tuy nhiên, cho đến đầu những năm 1990 trở lại đây thì Hà Nam mới căn bản giải quyết được tình trạng thiếu lương thực triền miên và bắt đầu có dư thừa lương thực hàng hoá, đặc biệt là đối với lúa gạo.

-  Sản xuất lúa:

Tất cả các làng, xã, các huyện, thị trong tỉnh và ngay cả ở thị xã Phủ Lý đều cấy trồng lúa nước. Những cánh đồng lúa bát ngát bao quanh các làng xã, nối tiếp nhau từ làng nọ đến làng kia. Chúng chỉ bị che lấp phần nào bởi các dãy núi ở phía tây, ở một số xã miền núi thuộc hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm. Diện tích gieo trồng lúa đã được mở rộng và tăng lên qua nhiều thập kỷ. Diện tích lúa cả năm của toàn tỉnh có trên 68,8 nghìn ha năm 1991, đã tăng lên 73,6 nghìn ha năm 1997 và trên 75,1 nghìn ha vào năm 2002. Cao nhất là vào năm 2001, đạt trên 75,57 nghìn ha (biểu 12). Theo số liệu thống kê của tỉnh năm 2002, huyện có diện tích lúa cả năm nhiều nhất là huyện Bình Lục, có tới 18.533 ha; sau đến huyện Thanh Liêm, có tới 14.578 ha, hai huyện Duy Tiên và Lý Nhân có diện tích gần xấp xỉ nhau, tương ứng là 13.819 ha và 13.663 ha. Huyện Kim Bảng có diện tích thấp hơn, có 11.985 ha và ít nhất là thị xã Phủ Lý, chỉ có 2.509 ha.

Năng suất lúa bình quân của tỉnh cũng liên tục tăng nhanh. Năm 1991, đạt 23,0tạ/ha/vụ, đến năm 1997 đạt 46,6 tạ/ha và năm 2002 đạt mức kỷ lục 53,9 tạ/ha, cao gấp hơn 2,3 lần so với năm 1991 (biểu 12). Năng suất lúa bình quân hàng năm của Hà Nam thường thấp hơn so với năng suất bình quân của các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Tuy vậy, năng suất của một số huyện trong tỉnh cũng đã đạt mức cao tương đương với nhiều huyện có năng suất cao nhất ở vùng đồng bằng. Huyện thường có năng suất lúa cao nhất của Hà Nam là huyện Duy Tiên, sau đó đến huyện Lý Nhân, là hai huyện nằm ven sông Hồng. Năm 2000, năng suất lúa một vụ của huyện Duy Tiên đạt 53,73 tạ/ha, huyện Kim Bảng đạt 51,44tạ/ha, huyện Lý Nhân đạt 50,51 tạ/ha, huyện Bình Lục đạt 50,40tạ/ha,          huyệnThanh Liêm đạt 50,14 tạ/ha và thị xã Phủ Lý đạt 49,88tạ/ha.

Về sản lượng, năm 1991 sản lượng lúa của cả tỉnh đạt 158,5 nghìn tấn, đến năm 1997 đã đạt trên 343,3 nghìn tấn và năm 2002 đạt tới 404,79 nghìn tấn, gấp 2,55 lần so với năm 1991 (biểu 12). Huyện Bình Lục thường có sản lượng lúa cao nhất, sau đó đến các huyện Duy Tiên và Thanh Liêm. Năm 2002, huyện Bình Lục đạt sản lượng trên 100.582 tấn, huyện Duy Tiên đạt 76.408 tấn, huyện Thanh Liêm đạt 78.156 tấn, huyện Lý Nhân đạt 72.433 tấn, huyện Kim Bảng là 64.122 tấn và thị xã Phủ Lý có 13.089 tấn.

Biểu 12. Diện tích, năng suất, sản lượng lúa của Hà Nam từ 1991-2002

 

Đơn vị

1991

1995

1997

2000

2001

2002

Diện tích

ha

68.982

72.415

73.633

75.407

75.573

75.107

Năng suất

tạ/ha

23,00

44,0

46,6

51,1

52,4

53,9

Sản lượng

tấn

158.505

318.814

343.336

385.574

396.038

404.790

- Niêm giám thống kê 1990-2000.

- Niêm giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002.

Sản xuất lúa được tiến hành hai vụ trong một năm: vụ lúa đông xuân và vụ lúa mùa. Diện tích cấy lúa mùa thường lớn hơn diện tích cấy lúa vụ đông xuân. Nhưng năng suất và sản lượng lúa mùa thường thấp hơn so với vụ đông xuân do vụ mùa thường có gió bão và nhiều vùng đất trũng thường bị úng ngập. Đến những năm gần đây, sự chênh lệch về diện tích lúa giữa 2 vụ là không nhiều, nhưng năng suất lúa vụ mùa vẫn thấp hơn đáng kể so với năng suất vụ đông xuân. Trong giai đoạn 1997 - 2002, diện tích lúa mùa bình quân hàng năm là 37.727 ha, nhiều hơn 607 ha so với diện tích bình quân lúa đông xuân (37.120 ha), trong khi năng suất lúa mùa bình quân hàng năm trong giai đoạn này là 47,7tạ/ha thấp hơn gần 7 tạ/ha so với năng suất bình quân của lúa đông xuân (53,96 tạ/ha).

Sự biến đổi có được trong sản xuất lúa nước ở Hà Nam, trước tiên phải kế đến vai trò của thủy lợi, thuỷ nông. Sự phát triển thuỷ lợi, thuỷ nông đã biến hàng nghìn ha đất một vụ lúa trở thành đất gieo cấy đựợc hai vụ làm cho diện tích trồng lúa tăng lên mạnh mẽ, đồng thời cũng tạo ra tiền đề cho việc đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất lúa của cả 2 vụ ở các địa phương trong tỉnh. Song mặt khác, sự biến đổi lớn lao trong sản xuất lúa ở Hà Nam còn là do tác động của cách mạng khoa học - kỹ thuật đã được triển khai trong suốt nhiều thập kỷ, mà nhất là từ những năm 1960 trở lại đây. Các giống lúa mới ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt đã được đưa vào sản xuất, thay thế cho các giống lúa cổ truyền năng suất thấp của địa phương.

Trước đây, các giống lúa cũ được trồng nhiều ở Hà Nam như lúa tép, lúa ỏn, lúa bầu đỏ, lúa hom, lúa tám... là những giống lúa tẻ, còn lúa nếp có nếp cái hoa vàng, nếp rằm, nếp con,... Lúa bầu đỏ là giống lúa cứng cây, chắc hạt, gạo màu đỏ như gạo lúa cẩm của người Mường ở Hoà Bình, được trồng ở hầu hết các nơi trong tỉnh. Giống lúa tép, lúa ỏn cây cao, hạt gạo màu trắng cũng được trồng ở nhiều nơi và thường được trồng trên các chân ruộng kém màu mỡ. Các loại lúa nếp, đặc biệt là lúa nếp cái hoa vàng rất thơm và dẻo, là giống lúa quý, rất có giá trị. Lúa hom cũng là giống lúa quý, có hạt gạo màu hung nâu, cơm dẻo, ngon thường được trồng ở các chân ruộng màu mỡ, có điều kiện canh tác tốt hơn. Đặc biệt hơn là ở xã An Lão (huyện Bình Lục) có giống lúa câu cánh, gạo rất trắng, thơm và dẻo, được coi là đặc sản dùng để tiến vua. Tuy nhiên, phần lớn các giống lúa cũ đều chỉ cho năng suất trên dưới 10 tạ/ha, ngay cả trong những năm thời tiết thuận lợi và được mùa nhất.

Do vậy, từ cuối những năm 1950 việc áp dụng các loại giống lúa mới và kỹ thuật canh tác mới đã bắt đầu được triển khai ở nhiều nơi trong tỉnh. Các giống lúa mới lúc bấy giờ như Nam Ninh, Bách Cốc,... đã cho năng suất khá hơn so với các giống lúa cũ. Đến những năm 1960 và 1970 lại có thêm các giống lúa mới như lúa mộc tuyền, mộc khâm, bao thai lùn, nông nghiệp 5, nông nghiệp 8,... Từ cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, các giống lúa mới đã chiếm trên 50% đến 70% diện tích lúa ở một số địa phương và năng suất lúa cả năm ở nhiều xã trong tỉnh đã đạt trên 50 tạ/ha.

Cho đến nay, việc áp dụng các loại giống lúa mới và kỹ thuật sản xuất mới vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Hà Nam không chỉ duy trì các giống lúa thuần có năng suất cao mà còn đưa các giống lúa lai cao sán và nhập khẩu nhiều giống lúa mới của Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan để thay thế các giống lúa đã thoái hoá. Nhiều giống lúa cao sản đã đưa vào sản xuất đại trà. Năm 2000, đã có 82% diện tích gieo cấy các giống lúa mới như: khang dân, C70, CR203, tạp giao, ĐV108, Q5, giống lúa thuần Trung Quốc, giống 9308,... Đặc biệt, trại giống lúa Đồng Văn (huyện Duy Tiên) là nơi đầu tiên ở nước ta, được sự hỗ trợ của chuyên gia Trung Quốc, ngay từ vụ chiêm xuân năm 1995 đã lai tạo thành công giống lúa lai F1 với năng suất khá. Hà Nam là tỉnh đứng thứ hai sau tỉnh Nam Định có diện tích nhân hạt lúa lai F1 lớn nhất miền Bắc. Hiện nay, để phục vụ chương trình sản xuất lúa chất lượng cao cho xuất khẩu, tỉnh đã và đang triển khai trồng thực nghiệm giống lúa DT122, giống lúa Nhật Bản, Đài Loan, giống lúa Bắc Thơm số 7... đạt năng suất và hiệu quả cao hơn nhiều so với một số giống lúa khác.

Cùng với việc áp dụng các giống lúa mới và kỹ thuật sản xuất mới, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ cũng là một yếu tố quan trọng tạo ra những biến đổi trong sản xuất lúa gạo ở Hà Nam, đặc biệt là từ sau khi tái lập tỉnh (1997). Vụ lúa đông xuân đã bỏ gieo cấy trà lúa sớm, giảm tối đa trà lúa xuân chính vụ để chuyển sang gieo cấy trà lúa xuân muộn với việc sử dụng các giống lúa mới ngắn ngày, năng suất cao, hạn chế được sâu bệnh và khắc phục được tình trạng lúa, mạ chết rét trong các đợt rét đậm, rét hại vẫn thường xảy ra. Vụ mùa cũng giảm diện tích gieo trồng trà lúa muộn, tăng trà lúa chính vụ và mở rộng gieo cấy trà lúa mùa sớm để chủ động sản xuất cây vụ đông. Đến nay diện tích gieo cấy trà lúa mùa sớm đã chiếm 30 - 35% diện tích lúa mùa hàng năm của tỉnh.

Một nhân tố quan trọng khác tạo ra bước “đột phá” trong sản xuất lúa gạo nói riêng cũng như trong nông nghiệp ở Hà Nam (và cả nước) nói chung chính là việc đổi mới căn bản và toàn diện mô hình tổ chức sản xuất và cơ chế quản lý đối với các lĩnh vực này kể từ cuối những năm 1980, đặc biệt là từ sau Nghị quyết 10-TW của Trung ương Đảng (tháng 4-1988). Việc giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định, lâu dài cho các hộ nông dân, xác lập hộ làm đơn vị sản xuất kinh doanh tự chủ và việc tự do hoá thị trường lương thực, cung ứng vật tư, phân bón,... đã kích thích mạnh mẽ đối với nông dân trong phát triển sản xuất, tạo ra sự biến đổi lớn trong sản xuất lúa gạo.

-  Sản xuất ngô

Cây ngô là cây lương thực có hạt đứng vị trí thứ hai sau cây lúa. Trước kia, ngô thường được trồng nhiều ở những vùng đất bãi ven sông Hồng, sông Đáy, sông Châu và cả ở những sườn đồi hay thung lũng vùng núi các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm. Nhân dân thường trồng các giống ngô nếp và ngô tẻ địa phương và có thể trồng xen với các cây hoa màu khác như đậu, lạc, đậu đũa, khoai,... Về sau, do phát triển thuỷ lợi, nhất là từ giữa những năm 1960, nên cây ngô còn được trồng nhiều cả trên đất ruộng. Đến đầu những năm 1970 thì cây ngô đông đã được trồng rộng rãi trên đất 2 vụ lúa và trở thành một trong, những cây trồng chính trong sản xuất vụ đông ở Hà Nam. Đây là một biến đổi quan trọng trong sản xuất ngô của nhân dân trong tỉnh.

Đến những năm 1990, sản xuất ngô tiếp tục được mở rộng. Vào những năm 1995,1996 diện tích trồng ngô lên tới gần 8.900 ha, gấp 1,58 lần so với năm 1991 và đạt mức diện tích cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt là trong giai đoạn này các giống ngô lai cho năng suất cao đã được đưa vào trồng khá phổ biến thay thế cho các giống ngô truyền thống. Năng suất ngô ở Hà Nam năm 2001 đã đạt 31,8 tạ/ha và năm 2002 đã đạt trên 33 tạ/ha, cao gấp đôi so với năm 1991. Sản lượng ngô năm cao nhất là vào năm 1999, đạt trên 25,7 nghìn tấn, gấp 2,8 lần so với năm 1991. Tuy nhiên, những năm gần đây do nhu cầu lương thực lúa gạo được đảm bảo, ngô dùng làm lương thực giảm mạnh, nên diện tích ngô đang có xu hướng giảm để nhường cho các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2002, diện tích ngô của cả tỉnh giảm còn 5.903 ha; giảm 33,6% so với năm 1995 (biểu 13).

Biểu 13. Diện tích, năng suất, sản lượng ngô giai đoạn 1991-2002

 

Đơn vị

1991

1995

1997

2000

2001

2002

Diện tích

Ha

5.631

8.887

6.009

7.897

6.130

5.903

Năng suất

Tạ/ha

16,4

25,8

26,3

29,5

31,8

33,5

Sản lượng

Tấn

9.236

22.908

15.811

23.279

19.482

19.772

- Niêm giám thống kê 1990-2000.

- Niêm giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002.

Năm 2002 các huyện còn trồng nhiều ngô là Kim Bảng có 1.918 ha trồng ngô, Lý Nhân trồng 1.767 ha và Duy Tiên là 1.235 ha. Sản lượng ngô ở ba huyện này chiếm tới 85,6% sản lượng ngô của toàn tỉnh.

1.2.    Cây chất bột có củ

-   Khoai lang

Sản xuất khoai lang có phần giảm sút cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Diện tích trồng khoai lang năm 1991 là 3.901 ha, năm 2002 giảm xuống chỉ còn 2.646 ha. Sản lượng khoai lang năm 1991 là 29.011 tấn thì năm 2002 chỉ còn 22.613 tấn. Cây khoai lang ít được chú ý về giống cũng như về kỹ thuật sản xuất. Trước kia khoai lang được xếp vào loại cây lương thực và dùng để ăn do sự thiếu hụt về lương thực. Ngày nay nó không được coi là cây lương thực nữa. Sản phẩm của nó chủ yếu dùng cho chăn nuôi (biểu 14).

Biểu 14. Diện tích, năng suất, sản lượng khoai lang và sắn 1991-2002

 

Đơn vị

1991

1995

1997

2000

2001

2002

Khoai lang

Diện tích

Ha

3.901

4.401

3.757

3.373

2.789

2.646

Sản lượng

Tấn

29.011

29.259

25.710

23.061

22.831

22.613

Sắn

Diện tích

Ha

446

920

918

1.099

926

952

Sản lượng

Tấn

3.474

7.952

9.560

15.510

13.043

13.458

- Niêm giám thống kê 1990-2000.

- Niêm giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002.

-   Sắn

Diện tích, năng suất và sản lượng sắn đã được tăng lên. Năm 1991 có 446 ha, năm 2000 diện tích trồng sắn đã lên tới 1.099 ha, gấp 2,46 lần. Năng suất sắn cũng tăng lên, từ 77,89 tạ/ha vào năm 1991 tăng lên 141,13 tạ/ha vào năm 2000, gấp 1,8 lần. Sản lượng sắn tăng từ 3.474 tấn năm 1991 lên 15.510 tấn vào năm 2000, gấp 4,46 lần (biểu 14). Về kỹ thuật sản xuất sắn nói chung không biến đổi nhưng đã có sự thay đổi về giống. Nhờ vậy, năng suất và sản lượng sắn đã tăng lên đáng kể. Cũng như khoai lang, sắn hiện nay không được coi là cây lương thực nữa. Nhân dân cũng không dùng; sắn để ăn thay gạo vì lượng gạo lương thực đã dư thừa. Do vậy, ngày nay sắn được dùng chủ yếu làm thức ăn cho chăn nuôi. Cây sắn được trồng nhiều ở hai huyện vùng đồi núi là Kim Bảng và Thanh Liêm, ở huyện Kim Bảng, diện tích sắn chiếm tới 68% diện tích sắn của hai huyện trên và sản lượng chiếm tới 80% là do năng suất sắn ở đây cao hơn.

1.3.    Các loại cây rau đậu thực phẩm

Xưa kia Hà Nam là vùng đất trũng, thường bị úng ngập trong đại bộ phận thời gian trong năm nên việc trồng rau màu là rất khó khăn. Ngoài những vùng đất cao, đất bãi bồi ven sông Hồng, sông Đáy, sông Châu có thể trồng rau quả nhiều hơn, thì còn lại, rau quả thực phẩm chủ yếu được các hộ trồng cấy nhỏ lẻ ở vườn, ao quanh nhà, trồng theo mùa, mỗi thứ một ít. Các loại rau quả thường thấy như: rau muống, khoai sọ, rau đay, mồng tơi, bầu, bí xanh, mướp, đu đủ, cà tím, cà pháo, đậu đũa và các loại rau quả gia vị khác (hành, ớt,...), ở thôn Gốm (xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng) trước đây có giống cà gốm giòn và trắng, ăn ngon, được coi như thứ đặc sản khá nổi tiếng trong vùng. Việc trồng rau quả thực phẩm chủ yếu để dùng trong hộ gia đình, còn thừa mới mang ra chợ bán. Song, cùng với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp và sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng của dân cư thì sản xuất rau quả thực phẩm ở Hà Nam cũng ngày càng phát triển. Việc mở rộng diện tích canh tác vụ đông từ đầu những năm 1970 đã tạo thuận lợi rất lớn cho phát triển đa dạng các loại cây trồng này. Nhiều loại rau quả thực phẩm vụ đông đã được phát triển mạnh như cà chua, dưa chuột, cải bắp, súp lơ, khoai tây,...

Ngày nay, việc trồng các loại cây rau đậu thực phẩm đã trở nên phổ biến và trở thành một lĩnh vực sản xuất có đóng góp đáng kể cho ngành trồng trọt ở Hà Nam. Những năm gần đây, giá trị sản xuất rau đậu thực phẩm liên tục tăng nhanh và đã vượt trội so với giá trị sản xuất các loại cây công nghiệp trên địa bàn. Năm 2002, giá trị sản xuất các loại cây này đạt tới 145,6 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm tới 13,2% giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh, đứng thứ hai sau giá trị sản xuất lúa và cao gấp 3,1 lần giá trị sản xuất các loại cây công nghiệp.

Biểu 15. Diện tích, sản lượng rau, đậu. (Diện tích: ha; sản lượng: tấn)

 

1991

1995

1997

1999

2000

2001

2002

Diện tích

7.709

7.265

5.384

6.314

7.003

7.285

7.560

Sản lượng

71.666

85.000

70.752

71.576

76.219

85.918

103.064

- Niêm giám thống kê 1990-2000.

- Niêm giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002.

Một trong những thay đổi lớn trong sản xuất các loại cây rau quả thực phẩm ở Hà Nam hiện nay là sản xuất đã mang tính hàng hoá rõ rệt và ngày càng hướng mạnh vào thị trường, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều loại rau quả thực phẩm của Hà Nam được sản xuất với khối lượng lớn hơn, cung cấp cả cho thị trường trong tỉnh lẫn thị trường Hà Nội và các nơi khác. Việc chuyển sang sản xuất kinh doanh hàng hoá cũng thúc đẩy nông dân và các nhà sản xuất rau quả thực phẩm ở đây áp dụng rộng rãi và có hiệu quả hơn các loại giống mới và công nghệ - kỹ thuật mới vào sản xuất. Ở các huyện Kim Bảng, Lý Nhân, Duy Tiên nông dân đã đưa vào trồng cây dưa chuột lai để xuất khẩu, với giống dưa chuột lai Đài Loan, Nhật Bản, dưa chuột bao tử giống của Pháp, Hà Lan,... Năm 2001, diện tích gieo trồng dưa chuột xuất khẩu của tỉnh đã có 519 ha với năng suất khá cao, từ 32 tấn/ha đến trên 55 tấn/ha. Một số loại rau quả có giá trị kinh tế cao cũng đang được phát triển ở một số nơi trong tỉnh như mộc nhĩ, nấm mỡ, nấm sò, ngô bao tử, hành tây, tỏi, ớt xuất khẩu.

Vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với các cây rau đậu thực phẩm của Hà Nam. Thời kỳ 1996 - 2000, diện tích rau đậu vụ đông bình quân hàng năm là 3.851,8 ha, chiếm 59,52% diện tích rau đậu cả năm. Năm 2000, diện tích cây rau đậu vụ đông là 4.430 ha, chiếm 33,58% tổng diện tích cây vụ đông và chiếm tới 63,25% diện tích cây rau đậu cả năm. Trong đó, khoai tây và các loại đậu thực phẩm tiếp tục tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Đến năm 2000, toàn tỉnh có 1.700 ha đậu các loại, năng suất đạt 12 tạ/ha và sản lượng đạt 2.040 tấn; diện tích khoai tây có 1.657 ha, chiếm tới 37,40% diện tích cây rau đậu vụ đông, với năng suất 119,52 tạ/ha và đạt sản lượng 19.804 tấn. Các huyện Lý Nhân, Bình Lục và Kim Bảng là những huyện sản xuất rau đậu thực phẩm nhiều nhất của tỉnh. Năm 2002, diện tích trồng các loại cây này ở huyện Lý Nhân là 2.541 ha, tiếp đến là huyện Bình Lục 1.613 ha, huyện Kim Bảng 1.195 ha. Rau đậu thực phẩm của 3 huyện này chiếm tới 70,7% diện tích và 74,8 sản lượng rau đậu thực phẩm của cả tỉnh. Ngoài ra, huyện Duy Tiên cũng là nơi sản xuất rau đậu thực phẩm với diện tích và sản lượng khá lớn. Năm 2002, diện tích các loại cây này ở huyện Duy Tiên là 1.125 ha, sản lượng đạt trên 13,1 nghìn tấn.

Hiện nay tỉnh đang có kế hoạch phấn đấu đến năm 2010 sẽ có khoảng 3.500ha khoai tây, với sản lượng 105.000 tấn khoai tây để cung cấp cho thị trường và chế biến, xuất khẩu. Diện tích dưa chuột sẽ có khoảng 1.000 ha; tiếp tục mở rộng sản xuất cà chua và phát triển công nghiệp chế biến; đẩy mạnh sản xuất các loại rau cải, bắp cải, cải cuốn; các loại cây gia vị như hành tây, tỏi, ớt xuất khẩu.

1.4a. Cây công nghiệp hàng năm

Các cây công nghiệp hàng năm ở Hà Nam trước đây có đay, gai, thầu dầu, mía, lạc, đỗ tương, dâu tằm, vừng... Những cây này đã được trồng từ lâu cả ở vùng đồi núi phía Tây lẫn ở các huyện đồng bằng phía Đông của tỉnh. Cây gai và cây thầu dầu là những cây trồng bản địa được trồng phổ biến ở các nơi. Cây đay, mía được trồng nhiều ở vùng bãi bồi ven sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, nhất là ở huyện Lý Nhân. Năm 1957, diện tích thầu dầu có tới 840 ha, cao hơn cả diện tích trồng mía lúc bấy giờ. Hiện nay cây gai và thầu dầu hầu như không được trồng nữa.

Cây đay cũng đã giảm đi đáng kể từ đầu những năm 1990 và cây mía đang giảm mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sản xuất các loại cây công nghiệp hàng năm của Hà Nam nói chung vẫn có xu hướng tăng lên cả về diện tích lẫn giá trị sản xuất. Đến năm 2002, diện tích các loại cây công nghiệp hàng năm của toàn tỉnh đã có trên 4.387 ha, tăng 28,8% so với năm 1991 (3.406 ha); giá trị sản xuất cây công nghiệp nói chung (theo giá so sánh năm 1994) đạt trên 30,1tỷ đồng, gấp gần 1,7 lần so với năm 1995.

Cây công nghiệp hàng năm được trồng nhiều nhất ở huyện Lý Nhân, sau đến huyện Duy Tiên và huyện Kim Bảng. Năm 2000, diện tích cây công nghiệp hàng năm ở 3 huyện này chiếm tới 79,39% tổng diện tích cây công nghiệp hàng năm của tỉnh. Trong đó, huyện Lý Nhân có 1.871 ha, huyện Duy Tiên có 873 ha và huyện Kim Bảng có 654 ha, còn lại là thị xã Phủ Lý, huyện Bình Lục và huyện Thanh Liêm với diện tích tương ứng là 333 ha, 326 ha và 223 ha.

          Biểu 16. Diện tích, sản lượng một số cây công nghiệp hàng năm 1991-2002

 

1991

1995

1997

1999

2000

2001

2002

Diện tích (ha)

Đay

1.075

606

807

795

740

701

735

Mía

618

388

161

138

105

62

74

Lạc

647

600

754

1.042

1.048

989

902

Đỗ tương

1.026

1.514

1.212

2.098

2.270

2.308

2.669

Sản lượng (tấn)

Đay

2.160

1.345

2.339

2.423

2.367

2.347

2.422

Mía

26.594

23.901

6.952

5.488

4.792

3.357

4.114

Lạc

757

758

1.327

2.062

2.229

2.161

2.072

Đố tương

632

1.274

1.287

2.908

3.463

3.804

4.401

 

Nguồn: Sách đd:- Niêm giám thống kê 1990-2000 và 2002.

-   Cây đay

So với cả nước cũng như so với các tỉnh khác ở đồng bằng sông Hồng, Hà Nam là tỉnh sản xuất nhiều đay. Năm 2002, diện tích và sản lượng đay của Hà Nam lớn thứ ba trong cả nước, chỉ sau 2 tỉnh Long An và Hưng Yên, và cao hơn so với các tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Cây đay ở Hà Nam được trồng chủ yếu ở vùng bãi ven sông Hồng của các huyện Lý Nhân, Duy Tiên và một số nơi ở huyện Bình Lục. Những năm 1990 -1991 diện tích trồng đay của tỉnh có trên dưới 1.100 ha thì riêng ở huyện Lý Nhân đã có trên 900 ha. Những năm gần đây, diện tích đay của tỉnh đã giảm dần và năm 2002 chỉ còn 735 ha; trong đó, ở Lý Nhân có 725 ha (chiếm 98,6%), huyện Duy Tiên chỉ còn 8 ha và Bình Lục còn lại 2 ha. Mặc dù năng suất đay đã được tăng lên (từ 20,86 tạ/ha năm 1990 lên tới 32 tạ/ha năm 2000) và đạt năng suất 32,9 tạ/ha vào năm 2002 (gấp 1,58 lần so với năm 1990), song do diện tích giảm nhiều nên sản lượng đay của tỉnh cũng giảm đi đáng kể. Giai đoạn từ 1990 đến năm 1993, sản lượng đay bình quân đạt trên 2,5 nghìn tấn/năm, nhưng từ năm 1994 -1996 chỉ đạt 1,56 nghìn tấn và từ năm 1997 - 2000 sản lượng đay được tăng lên, đạt 2,37 nghìn tấn. Năm 2002 sản lượng đay đạt 2.422 tấn, nhưng vẫn còn thấp hơn gần 200 tấn so với sản lượng đay của năm 1990 (2.618 tấn).

Sản xuất đay hiện nay đang gặp phải khó khăn do hiệu quả không cao so với một số cây trồng khác và cả những khó khăn về thị trường tiêu thụ. Nó cũng ít được nông dân quan tâm về mặt giống, kỹ thuật và xúc tiến thương mại. Sản lượng đay tơ của Hà Nam không nhiều và chủ yếu được cung ứng cho các nhà máy đay ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình. Một phần sản phẩm đay được dùng làm thảm đay để xuất khẩu, nhưng khối lượng ít và cũng không ổn định. Năm 2000, lượng đay tơ xuất khẩu chỉ có 10,5 tấn và thảm đay xuất khẩu được 28 nghìn m2. Đến năm 2002, thảm đay xuất khẩu của tỉnh cũng giảm xuống, chì còn 18 nghìn m2.

-   Sản xuất mía

Trước đây, Hà Nam là tỉnh trồng nhiều mía ở đồng bằng sông Hồng. Cho đến cuối những năm 1950, diện tích mía của Hà Nam đã có trên 800 ha, và hàng năm Hà Nam sản xuất được khoảng 4.000 tấn đường mật. Năm 1959, cùng với việc xây dựng và hoàn thành nhà máy đường Vĩnh Trụ với công suất 25 tấn mía/ngày, thì vùng nguyên liệu mía cũng được mở rộng, nhất là ở các huyện Lý Nhân, Duy Tiên và Bình Lục. Giống mía được trồng nhiều lúc bấy giờ là giống mía Java của Malaysia, thay thế dần cho các giống mía cũ của địa phương. Năm 1968, ngành mía đường của Hà Nam sản xuất được tới trên 1.630 tấn đường mật. Diện tích mía được ổn định trong nhiều năm. Riêng ở huyện Lý Nhân, thời kỳ này có diện tích mía ổn định là 850 ha. Mía của Hà Nam không chỉ cung cấp cho nhà máy đường Vĩnh Trụ mà còn cung cấp cho cả nhà máy đường Văn Điển và cho tiêu dùng của nhân dân.

Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường, nhất là từ đầu những năm 1990, sản xuất mía đường ở Hà Nam không những không phát triển lên được mà còn bị giảm sút nghiêm trọng. Diện tích trồng mía của tỉnh năm 1990 là 603 ha, đến năm 2002 chỉ còn lại 74 ha; năng suất mía năm 1990 là 610 tạ/ha, đến năm 2002 chỉ còn 555,9 tạ/ha; sản lượng mía năm 1990 là trên 36,7 nghìn tấn đến năm 2002 chỉ còn hơn 4,1 nghìn tấn. Ở huyện Lý Nhân năm 1990 có 350 ha trồng mía, đến năm 2002 chỉ còn 6 ha; huyện Duy Tiên năm 1990 có 140 ha, năm 2002 chỉ còn 3 ha; huyện Bình Lục từ 101 ha giảm còn 52 ha vào các năm tương ứng. Huyện Kim Bảng một số năm gần đây vẫn có diện tích trồng mía tới 80 ha (năm 1999), nhưng đến năm 2001 chỉ còn 16 ha và năm 2002 cũng chỉ còn 9 ha trồng mía.

Nguyên nhân của sự giảm sút này là do khi chuyển sang cơ chế thị trường, những hạn chế về mặt quản lý cùng với sự lạc hậu về thiết bị, công nghệ đã làm cho sản xuất của các nhà máy, cơ sở chế biến bị đình đốn và giảm sút nên kéo theo sự giảm sút của cả vùng nguyên liệu trồng mía. Thêm vào đó là sự cạnh tranh của ngành mía đường trong nước và sự cạnh tranh về diện tích của cây lương thực và các cây trồng khác khi đất đai đã được chuyển giao cho các hộ gia đình sử dụng. Nhà máy đường Vĩnh Trụ sau đó đã chuyển đổi thành xí nghiệp chế biến nông sản thực phẩm Vĩnh Hà và chuyển sang sản xuất bia hơi và thức ăn gia súc.

-  Sản xuất lạc

Cây lạc chiếm vị trí quan trọng trong cây công nghiệp hàng năm của tỉnh Hà Nam. Trước kia, việc gieo trồng lạc đã được nông dân quan tâm song cũng chỉ ở những vùng đất bãi ven sông thuộc các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng. Lạc là nguồn thực phẩm cho bữa ăn ở những vùng này và nó cũng được đem bán ở chợ quê. Lạc được gieo trồng một năm hai vụ, vào vụ xuân và vụ thu. Vụ xuân là vụ chính, còn lạc vụ thu chủ yếu để làm giống cho vụ xuân năm sau.

Năm 1957, diện tích trồng lạc ở Hà Nam là 301 ha. Đến năm 1990, diện tích trồng lạc đạt là 713 ha. Giai đoạn 1991-1996, diện tích trồng lạc bình quân năm là 635,8 ha, giảm đi so với năm 1990. Song từ năm 1997, việc sản xuất lạc ở Hà Nam lại được phát triển mạnh, bình quân năm trong giai đoạn 1999 - 2002 diện tích trồng lạc là 995,2 ha, cao nhất là vào năm 2000 đạt mức trên 1.048 ha. Mặc dù có những biến động nhất định về mặt diện tích nhưng năng suất lạc ở Hà Nam vẫn liên tục tăng lên, đặc biệt là từ năm 1997 trở lại đây. Giai đoạn 1991-1995 năng suất lạc bình quân của tỉnh là 11,65 tạ/ha, đến giai đoạn 1996-2000 đã đạt 18,78 tạ/ha. Năm 2001 năng suất lạc đạt 21,85 tạ/ha và năm 2002 là 22,27 tạ/ha, gần gấp đôi so với năng suất bình quân giai đoạn 1991 - 1995. Do vậy, sản lượng lạc của tỉnh cũng đã tăng lên đáng kể. Năm 2002 sản lượng lạc toàn tỉnh đạt trên 2072 tấn, gấp 2,7 lần so vói năm 1991.

Sản xuất lạc tăng mạnh trong những năm gần đây là do nhu cầu thị trường tăng, khả năng tiêu thụ mặt hàng này tỏ ra có lợi. Mặt khác, do thay thế giống lạc cũ bằng các giống lạc mới cùng với kỹ thuật canh tác mới đã làm cho năng suất tăng nhanh. Sau nữa, do việc mở rộng diện tích trồng lạc ở vùng đồi núi và ở những vùng đất màu, đất bãi mà trong nhiều năm trước được sử dụng để trồng lúa. Cây lạc cũng là cây ngắn ngày làm màu mỡ thêm đất đai, có thể thực hiện luân canh, tăng vụ, lại là cây hàng hoá có khả năng làm tăng thu nhập bằng tiền cho các hộ nông dân, và sản phẩm có thể xuất khẩu được.

Cây lạc được trồng ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh. Nhưng nhiều nhất là ở các huyện Kim Bảng, Duy Tiên và thị xã Phủ Lý. Các huyện Thanh Liêm và Lý Nhân, lạc được trồng ít hơn, còn ở huyện Bình Lục có diện tích trồng không đáng kể. Những huyện trồng nhiều cũng là nơi đạt năng suất và sản lượng cao hơn. Diện tích trồng lạc bình quân hàng năm giai đoạn 1999 - 2002 cao nhất là ở các huyện Duy Tiên 271,5 ha; Kim Bảng là 266,7 ha và ở thị xã Phủ Lý là 188,5 ha. Sản lượng lạc bình quân hàng năm trong giai đoạn này cao nhất là huyện Duy Tiên đạt 653,7 tấn/năm, sau đến Kim Bảng đạt 560 tấn/năm thị xã Phủ Lý đạt 420 tấn/năm, Thanh Liêm đạt 271,7 tấn/năm, Lý Nhân 217,7 tấn/năm. Năm 2002, các huyện Kim Bảng, Duy Tiên và thị xã Phủ Lý chiếm 72,8% diện tích và 74,9% sản lượng lạc của cả tỉnh.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Nam đã đưa nhiều giống lạc mới có năng suất cao vào sản xuất như giống lạc QĐ12, Trạm Xuyên, giống L02, BG78... Năm 2000, giống lạc MĐ7 được đưa vào Hà Nam và được gieo trồng trên diện tích 120 ha ở các huyện Bình Lục, Kim Bảng, Duy Tiên. Nhiều giống lạc mới nhập ngoại có khả năng thích ứng rộng với nhiều chân đất khác nhau, có khả năng chịu hạn khá, thích ứng với vùng đồi, núi và vùng bãi, vùng đất màu ven sông của Hà Nam. Tỉnh cũng đã chuyển giao kỹ thuật trồng lạc theo công nghệ mới bằng phương pháp che phủ ni lông ở các huyện Kim Bảng, Duy Tiên và thị xã Phủ Lý, năng suất cao hơn 30 - 40% so với kỹ thuật gieo trồng thông thường.

Cho đến nay, cây lạc đã khẳng định được vị trí quan trọng của nó trong cơ cấu cây trồng của tỉnh. Năm 2002, cây lạc chiếm 20,5% diện tích cây công nghiệp hàng năm ở tỉnh Hà Nam. Hàng năm, khối lượng lạc hàng hoá của tỉnh khoảng 800 – 1.000 tấn lạc vỏ, tương đương với khoảng 500 - 600 tấn lạc nhân. Tỉnh Hà Nam hiện đang có kế hoạch đến năm 2010 sẽ mở rộng diện tích trồng lạc lên 1.200 ha trong vụ xuân, 600 ha trong vụ thu đông và đưa năng suất lạc bình quân lên 30 - 35 tạ/ha.

- Sản xuất đỗ tương

Cây đỗ tương là cây có quy mô sản xuất lớn và phát triển ổn định hơn cả trong số các cây công nghiệp hàng năm ở Hà Nam. Diện tích đỗ tương của tỉnh năm 1991 là 1.026 ha, năm 1995 tăng lên 1.514 ha và năm 2002 đã có trên 2.669 ha. Năng suất đỗ tương cũng tăng lên nhanh chóng, từ 6,2 tạ/ha năm 1991 lên 8,4 tạ/ha năm 1995 và đạt tới 16,5 tạ/ha vào năm 2002, cao hơn 30% so với năng suất đỗ tương bình quân của cả nước (là 12,7 tạ/ha trong năm 2002). Sản lượng đỗ tương của Hà Nam năm 2002 đạt trên 4.401 tấn, gấp 3,4 lần sản lượng năm 1995 và gấp gần 7 lần so với năm 1991 (632 tấn).

Cũng giống như cây lạc, cây đỗ tương được trồng ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh. Nhiều nhất là ở các huyện Lý Nhân và Duy Tiên; tiếp đến là hai huyện Kim Bảng, Bình Lục, rồi đến thị xã Phủ Lý, còn huyện Thanh Liêm sản xuất được rất ít. Bình quân hàng năm ở thời kỳ 1991-1995, huyện Lý Nhân có diện tích cao nhất là 462,6 ha; tiếp đến là huyện Duy Tiên 396,0 ha; hai huyện Kim Bảng và Bình Lục có diện tích trồng đỗ tương xấp xỉ nhau, tương ứng là 195,2 ha và 244 ha; thị xã Phủ Lý là 27,6 ha và huyện Thanh Liêm chỉ có 50,6 ha. Sản lượng bình quân hàng năm ở thời kỳ này của huyện Lý Nhân là 273 tấn, huyện Duy Tiên là 399,6 tấn, huyện Bình Lục là 123,6 tấn, huyện Kim Bảng 197,8tấn, thị xã Phủ Lý 24,4 tấn và ở huyện Thanh Liêm là 25,8 tấn. Năng suất đỗ tương thường đạt cao ở các huyện Duy Tiên, Bình Lục và thị xã Phủ Lý. Năm 2000, năng suất đỗ tương của huyện Duy Tiên là 16,4 tạ/ha, của huyện Bình Lục là 15,4 tạ/ha, ở huyện Lý Nhân là 15,3 tạ/ha, thị xã Phủ Lý là 14,1 tạ/ha, huyện Kim Bảng là 13,6 tạ/ha và ở huyện Thanh Liêm chỉ đạt 11,3 tạ/ha. Năm 2000, hai huyện Lý Nhân và Duy Tiên chiếm 62,28% về diện tích và chiếm 70,4% sản lượng đỗ tương của tỉnh.

Sản xuất đỗ tương cũng có những thay đổi đáng kể. Các giống đỗ tương mới có năng suất cao đã thay thế cho các loại giống cũ. Trước kia người ta chỉ trồng đỗ tương xuân, nhưng từ khi vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thì cây đỗ tương cũng được gieo trồng cả ở vụ đông, và như vậy mà diện tích trồng đỗ tương đã tăng lên đáng kể. Năm 1995, diện tích trồng đỗ tương vụ đông của tỉnh là 369 ha, chiếm tỷ lệ 24,35% về diện tích và sản lượng đạt 295 tấn, chiếm 23,15% sản lượng đỗ tương cả năm của tỉnh. Năm 2000, một cách tương ứng có 717 ha và sản lượng đạt 871 tấn, chiếm tỷ lệ tương ứng 31,58% về diện tích và 25,15% về sản lượng đỗ tương cả năm của tỉnh. Năm 2001, diện tích đỗ tương đông là 1.170 ha, tăng 453 ha so với năm 2000.

Trước kia đỗ tương chỉ được trồng ở vùng đất màu, đất bãi thì từ khi vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, cây đỗ tương đã được trồng cả ở chân ruộng hai vụ lúa. Nhờ gieo cấy lúa mùa sớm và lúa xuân muộn nên giãn thêm khoảng cách thời gian giữa hai vụ này, rút cạn nước, làm khô ruộng để làm vụ đông trong đó có đỗ tương. Xã An Lão (huyện Bình Lục) đã trồng 18 ha đỗ tương đông trên đất hai vụ lúa theo cách này. Các nơi khác cũng vậy. Đó cũng là cách làm để có đất trồng thêm vụ thứ ba vào mùa đông đối với những cây trồng khác (như ngô, khoai tây, rau...) giữa hai vụ lúa. Ở những vùng đất bãi, nhân dân đã kết hợp luân canh, tăng vụ, xen canh đỗ tương và các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả cao.

-   Cây dâu tằm

Trồng dâu nuôi tằm là tập quán sản xuất lâu đời của nông dân một số vùng ven sông, nơi có vùng đất bãi, đất màu, thường được bù đắp bởi phù sa màu mỡ, thuộc các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng, Bình Lục. Ở huyện Kim Bảng, ngoài việc trồng dâu ở vùng đất đồi màu mỡ, nhân dân còn trồng cả ở những dải đất ven thung lũng, quanh vườn đồi, vườn nhà và đất bãi ven sông. Tuy vậy, so với các loại cây trồng khác thì diện tích trồng dâu của tỉnh Hà Nam có quy mô không lớn. Năm có diện tích trồng dâu cao nhất là năm 1991, có 332 ha, chiếm 9,74% diện tích cây công nghiệp hàng năm của tỉnh. Đến năm 2000, diện tích dâu chỉ có 176,3 ha và chỉ còn chiếm 4,11%, ít hơn nhiều so với các cây công nghiệp khác như đỗ tương, lạc, đay,...

Nghề trồng dâu nuôi tằm là một nghề trôi nổi. Có khi rất phát đạt, và khi đó, người ta có thể tận dụng mọi loại đất để trồng dâu. Nhưng khi bị suy sụp thì người ta phải chặt dâu đi và thậm chí bỏ nghề. Ở thời kỳ bao cấp (những năm 1980), nông dân làm theo định mức, khoán kén, lại trồng giống dâu cũ thoái hoá, thị trường tơ kén chao đảo, nhiều người đã phải chuyển đổi nghề hoặc bỏ nghề. Việc trồng dâu, nuôi tằm vì thế kém phát triển. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, nhu cầu tư kén nhiều, nghề trồng dâu nuôi tằm lại có xu hướng phục hồi và phát triển.

Thời kỳ 1990 - 1995 là thời kỳ cây dâu được trồng nhiều, diện tích trồng dâu bình quân hàng năm của tỉnh là 292,3 ha. Nhưng ở thời kỳ tiếp đó 1996 - 2000, diện tích trồng dâu bình quân hàng năm chi có 185,9 ha. Đến năm 2002, diện tích trồng dâu của tỉnh lại tăng lên 345,8 ha. Tình hình sản lượng cũng tương tự như vậy. Sản lượng dâu bình quân năm ở thời kỳ 1990 - 1995 là 4.536,5 tấn, thời kỳ 1996 - 2000 là 2.838,4 tấn và đến năm 2002 lại đạt tới trên 4.125 tấn. Về năng suất, bình quân năng suất dâu ở thời kỳ 1990 -1995 là 156 tạ/ha, thời kỳ 1996 - 2000 là 154,6 tạ/ha, tức đã giảm đi 1,4 tạ/ha so với thời kỳ trước đó.

Những năm từ 1990 đến 1995, tất cả các huyện trong tỉnh đều có trồng dâu (trừ thị xã Phủ Lý). Nhưng từ năm 1996 đến năm 2000 thì hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng không trồng dâu nữa. Đây là nguyên nhân chính làm cho diện tích và sản lượng dâu của Hà Nam suy giảm trong giai đoạn này. Những năm 2001, 2002 việc trồng dâu, nuôi tằm ở huyện Kim Bảng lại được phục hồi và phát triển trở lại. Năm 2002, huyện có diện tích và sản lượng trồng dâu cao nhất là Duy Tiên, có 111,8 ha, sản lượng đạt 1261 tấn; tiếp đến là huyện Lý Nhân có 105 ha; huyện Kim Bảng có 85 ha, sản lượng 1.090 tấn và Bình Lục có 43 ha, sản lượng đạt 530 tấn. Ngày nay nghề trồng dâu nuôi tằm đang phát triển mạnh ở huyện Lý Nhân, nhất là ở xã Văn Lý; còn ở huyện Duy Tiên thì có các xã Mộc Nam, Mộc Bắc, Chuyên Ngoại, Trác Văn, Tiên Phong, Châu Sơn, trong đó xã Tiên Phong có nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng hơn cả. Huyện Bình Lục cũng có những xã trồng dâu nuôi tằm lâu đời nay đang phục hồi trở lại như xã Bình Nghĩa, Hưng Công, Ngọc Lũ....

Về giống dâu, trước kia ở Hà Nam thường trồng giống dâu cơm, dâu bàu trắng, sau đến giống dâu Đa của tỉnh Thái Bình. Đến những năm 1967 - 1968 bắt đầu có một số giống mới được đưa vào trồng ở các nơi trong tỉnh. Hiện nay, nhiều hộ đã sản xuất thâm canh, dùng một số giống dâu mới có năng suất cao, chất lượng tốt, như các giống Tam bội thể, Đa Ngái, Bổ đa trắng, Bổ đa đỏ của Trung Quốc và giống VH13 của Việt Nam. Tỉnh Hà Nam hiện đang có kế hoạch khôi phục và mở rộng diện tích trồng dâu để mở rộng nuôi tằm, ươm tơ ở vùng bãi ven sông của các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục và cả ở Kim Bảng. Tỉnh đã xây dựng mô hình trồng dâu năng suất cao ở hai huyện Duy Tiên và Bình Lục với diện tích 20 ha, và đã tập huấn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho nông dân. Tuy nhiên, sự phát triển của nghề trồng dâu, nuôi tằm còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường, cả ở trong nước lẫn thị trường xuất khẩu.

-   Cây vừng

Cây vừng được trồng trên một diện tích không đáng kể và sản lượng rất ít. Cây này thường chỉ được trồng ở những mảnh đất rất nhỏ lẻ ở các gò, bãi hoặc trồng xen với các loại cây khác. Năm 1991, cả tỉnh Hà Nam có 28 ha và năm 1997 - 2000 chỉ có 2 ha; năm 2002, diện tích vừng có 4 ha với năng suất 5 tạ/ha, sản lượng chỉ còn khoảng 2 tấn.

1.4b. Cây công nghiệp lâu năm

Trước đây, ở Hà Nam có các loại cây công nghiệp lâu năm đã được trồng với diện tích khá lớn như chè, cà phê; ở vùng rừng núi hai huyện Kim Bảng, Thanh Liêm còn có cây trẩu, sở, cây sơn ta,...là những cây công nghiệp có giá trị về kinh tế. Cây cà phê được người Pháp đưa vào trồng trong các đồn điền ở huyện Kim Bảng từ cuối thế kỷ XIX. Đến những năm 1890 các đồn điền này đã chiếm một diện tích có trên 750 ha cà phê, với trên 323 nghìn cây. Song từ sau năm 1945, và nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các chủ đồn điền bỏ chạy, đồn điền bị tịch thu, cây cà phê và một số cây công nghiệp khác bị giảm sút mạnh. Năm 1954, sau hoà bình lập lại, kinh tế đồn điền và cây cà phê ở Hà Nam hầu như không còn được nhắc đến trong các tài liệu thống kê cũng như trong các hoạt động kinh tế của tỉnh.

-   Cây chè

Xưa kia ở vùng đồi núi hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng đã có cây chè. Đó là các xã Đồng Diên (tổng Mỹ Xá), Trà Châu, Bồng Lạng (tổng Mai Cầu) thuộc Thanh Liêm và ở huyện Kim Bảng có thôn Do Lễ (tổng Khả Phong) có giống chè ngon nổi tiếng. Chợ Đá (ven sông Đáy) ở huyện Kim Bảng chuyên bán chè xanh, sau đó bán cả mơ. Đến cuối những năm 1950, đầu những năm 1960, nhà nước thành lập nông trường chè ở Ba Sao (thuộc huyện Kim Bảng) có quy mô trồng chè khá lớn, sau còn trồng cả dứa, cam, dâu tằm và các cây ăn quả khác.

Nhưng diện tích và sản lượng chè ở Hà Nam không nhiều so với các tỉnh miền núi và trong nhiều thập kỷ nó hầu như không được quan tâm phát triển. Ngay cả ở nông trường Ba Sao, diện tích chè cũng giảm dần, và đến những năm 1990 khi nông trường giao đất cho các hộ gia đình thì cây chè ở đây cũng còn lại rất ít. Năm 1992, toàn tỉnh có 97 ha đất trồng chè và đạt sản lượng 679 tấn.

Đến những năm 1995 - 1996 chỉ còn 3 ha với sản lượng 21 tấn/năm (do nhân dân nhiều nơi chặt chè để trồng mơ và cây trồng khác). Những năm gần đây cây chè lại đang được khôi phục và phát triển ở một số địa phương của huyện Kim Bảng. Từ 1997 đến 2002, diện tích trồng chè hàng năm có khoảng 86 ha và sản lượng bình quân đạt khoảng 540 tấn/năm. Xưa kia người ta trồng chè để lấy lá uống chè xanh. Ngày nay người ta trồng chè để lấy búp làm chè khô. Nhưng do sản xuất phân tán, chế biến thủ công, sản lượng ít và chất lượng không cao nên sản phẩm hàng hoá còn ít được biết đến, ngay cả ở thị trường các địa phương trong tỉnh.

1.5. Cây ăn quả

Cây ăn quả ở Hà Nam có nhiều loại phong phú và đa dạng; bao gồm các loại như cam, chanh, quýt, bưởi, hồng đỏ, hồng xiêm, nhãn, vải, chuối, mơ, mận, ổi, táo, dứa, xoài, na,...Trong đó, có những loại cây ăn quả quý, từ lâu đã được coi là đặc sản, thơm ngon nổi tiếng như hồng Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, bưởi Hồng Lý, quýt Văn Lý (huyện Lý Nhân), cam, chanh, quýt giấy Tiên Phong (huyện Duy Tiên), mơ (huyện Kim Bảng),... Hồng Nhân Hậu được đánh giá là giống ưu việt nhất trong nước, ăn ngọt mát, không có hạt và rất sai quả; quýt Văn Lý là giống quýt quý, xưa kia dùng để tiến vua, quả có vỏ nhẵn, khi chín màu vàng tươi, ăn thơm và ngọt; chuối ngự Đại Hoàng xưa cũng dùng để tiến vua, có vị thơm ngon đặc biệt. Mơ Kim Bảng thuộc giống mơ Chùa Hương, quả nhỏ nhưng thơm ngon nhất trong các loại mơ, xưa kia có nhiều trên các vùng núi đá và cũng được nhân dân trồng cả ở vườn nhà, ở các thung lũng ven chân núi.

Những năm gần đây, do đời sống của nhân dân trong tỉnh được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng hoa quả tăng nhanh, và mặt khác, là do điều kiện giao thông thuận lợi, thị trường được mở rộng, nên các loại cây ăn quả của Hà Nam phát triển mạnh cả về diện tích, chủng loại lẫn sản lượng sản phẩm. Năm 2002, diện tích cây ăn quả của cả tỉnh đã có trên 4.885 ha, gấp 2,8 lần so với năm 1992 và gấp 2,45 lần so với năm 1997 - là năm mới tái lập tỉnh. Giá trị sản xuất các loại cây ăn quả năm 2002 (theo giá hiện hành) đạt trên 78,2 tỷ đồng, chiếm 7,1% giá trị sản xuất ngành trồng trọt, chỉ đứng sau sản xuất lúa và rau đậu thực phẩm.

Biểu 17. Diện tích, sản lượng một số cây ăn quả

Sản lượng (tấn)

1992

1995

1997

2000

2001

2002

Tổng diện tích (ha)

1.704

1.911

1.990

4.657

4.807

4.885

Cam, quýt, bưởi

306

458

493

859

912

961

Nhãn, vải

465

536

573

2.107

5.153

2.161

Sản lượng (tấn)

Cam, quýt, bưởi

2.502

3.382

3.429

4.453

5.199

5.222

Nhãn, vải

3.073

2.775

3.325

9.070

1.454

8.460

- Niêm giám thống kê 1990-2000.

- Niêm giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002.

Cây ăn quả được trồng ở khắp các huyện, thị trong tỉnh, song phân bố khác nhau về diện tích cũng như về loại cây giữa các địa phương. Các huyện Kim Bảng và Lý Nhân luôn là những huyện có diện tích cây ăn quả nhiều nhất. Nhưng từ năm 2000 - 2002, thì diện tích cây ăn quả ở huyện Thanh Liêm cũng đã vượt lên tương đương với 2 huyện Kim Bảng và Lý Nhân. Năm 2002, huyện Kim Bảng có 1.067 ha diện tích cây ăn quả, huyện Lý Nhân có 1.104 ha, huyện Thanh Liêm 1.164 ha; tiếp đến là huyện Bình Lục 722 ha, huyện Duy Tiên 503 ha và thị xã Phủ Lý có 325 ha. Hai huyện có diện tích cây ăn quả tăng đột biến trong những năm gần đây là Thanh Liêm và Bình Lục. Diện tích cây ăn quả ở 2 huyện này năm 2002 đều đã tăng hơn 10 lần so với những năm từ 1999 trở về trước. Còn diện tích cây ăn quả ở huyện Lý Nhân tăng khoáng 2,7 lần trong cùng thời gian nói trên.

Trong tập đoàn cây ăn quả ở Hà Nam hiện nay, các loại cây nhãn, vải và cây ăn quả có múi (cam, chanh, quýt, bưởi...) là những cây có diện tích lớn nhất, được trồng phổ biến, có khối lượng sản phẩm và sản phẩm hàng hoá khá lớn. Các loại cây khác tuy cũng trồng khá phổ biến nhưng thường phân tán, rải rác, diện tích và sản lượng ít hơn, khối lượng sản phẩm hàng hoá không nhiều.

-   Các loại cây có múi gồm cam, chanh, quýt, bưởi... Các loại cây này đã có ở Hà Nam từ xa xưa và được trồng khá phổ biến trong các hộ dân cư ở các địa phương. Trong hơn 10 năm, từ năm 1992 đến năm 2002, diện tích các cây có múi đã tăng lên gấp 3 lần. Năm 1992 có 306 ha, đến năm 2002 có 961 ha, chiếm 19,7% diện tích cây ăn quả nói chung. Bình quân hàng năm thời kỳ 1992-1999 diện tích cây có múi là 432 ha, nhưng từ năm 2000 đến nay, các cây này tăng đột biến và có diện tích bình quân hàng năm trên 910 ha. Sản lượng cây có múi cũng tăng nhanh, từ 2.562 tấn năm 1992 lên 3.429 tấn năm 1997 và đến năm 2002 đã đạt trên 5.222 tấn (gấp hơn 2 lần so với năm 1992).

Ở các huyện cũng có những thay đổi lớn đối với những cây trồng này. Năm 2002, huyện Lý Nhân có diện tích trồng cây có múi lớn nhất tỉnh (242 ha) và đạt sản lượng 1076 tấn, chiếm 25,2% diện tích và 20,6% sản lượng cây có múi của tỉnh. Huyện Bình Lục đứng thứ hai về diện tích, có 207 ha, chiếm 21,5% diện tích cây có múi của tỉnh, song lại có sản lượng cao nhất: đạt 1.211 tấn, chiếm 23,2% sản lượng của tỉnh. Huyện Thanh Liêm đứng ở vị trí thứ ba về diện tích, có 168 ha và sản lượng đạt 1.028 tấn. Tiếp đến là huyện Duy Tiên, có 130 ha, sản lượng đạt 748 tấn; huyện Kim Bảng có 126 ha, sản lượng 700 tấn; và cuối cùng là thị xã Phủ Lý có 88 ha, sản lượng đạt 459 tấn. Các huyện Bình Lục và Thanh Liêm cũng là những huyện có diện tích và sản lượng cây có múi tăng cao nhất trong những năm gần đây.

Cây nhãn, vải cũng là những cây ăn quả đã có từ lâu và được trồng ở nhiều nơi trong tỉnh, nhưng tập trung hơn ở những vùng ven sông Đáy thuộc huyện Kim Bảng và ven sông Hồng ở hai huyện Duy Tiên và Lý Nhân. Xưa kia, ở các xã Ngọc Sơn, Liên Sơn, Khả Phong và các xã khác ven sông Đáy thuộc huyện Kim Bảng có trồng nhiều giống vải tu hú. Giống vải này chín vào mùa chim tu hú (tháng 4 âm lịch) nên dân gọi tên giống vải theo tên loại chim này. Vải tu hú ở các nơi thường chua nhưng riêng ở vùng này lại có vị ngọt, và thường chín sớm hơn các giống vải khác nên bán rất được giá. Vải tu hú được trồng nhiều trong vườn nhà và thung lũng ven đồi. Nhiều nơi có những vườn vải khá rộng. Hiện nay vải tu hú ở những vùng này chỉ còn rất ít, khoảng trên 1.000 cây, có cây đến 100 năm tuổi. Cây nhãn xưa kia cũng được trồng nhiều ở các làng xã đồng bằng, nhất là ở huyện Lý Nhân và các xã ven sông Hồng ở huyện Duy Tiên.

Ngày nay, cây nhãn, vải được trồng ở khắp các huyện, thị, với diện tích và sản lượng ngày càng tăng. Năm 1992, diện tích trồng nhãn vải là 465 ha, chiếm 27,28% diện tích cây ăn quả nói chung của tỉnh. Đến những năm 1995 - 1997, diện tích nhãn, vải bình quân hàng năm là 547 ha, chiếm 28,25% diện tích cây ăn quả. Từ năm 2000 trở lại đây, diện tích nhãn, vải của toàn tỉnh đã có trên 2.100 ha. Năm 2002 có trên 2.161 ha (gấp 4,6 lần so với năm 1992) và chiếm tới 44,2% diện tích cây ăn quả nói chung của tỉnh. Sản lượng nhãn vải cũng tăng nhanh. Bình quân các năm từ 1999 - 2002 sản lượng nhãn vải của Hà Nam đạt xấp xỉ 7.300 tấn quả/năm, gấp 2,8 lần sản lượng bình quân những năm 1995 - 1997.

Bức tranh phân bố cây nhãn, vải cũng có những thay đổi lớn. Cho đến những năm 1995 - 1997, diện tích vải, nhãn ở các huyện Bình Lục và Thanh Liêm, mỗi huyện chỉ có khoảng 10-15 ha, chiếm chưa đến 3% diện tích nhãn, vải của cả tỉnh. Song những năm gần đây (từ năm 2000 đến 2002), diện tích nhãn vải bình quân hàng năm ở Thanh Liêm đã có khoảng 538 ha, chiếm 25% diện tích nhãn vải của tỉnh; sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 1.537 tấn chiếm 24,3%. Diện tích nhãn, vải ở huyện Bình Lục cũng đã có khoảng 275 - 280 ha; sản lượng năm 2002 đạt 1.080 tấn, chiếm 12,7% sản lượng nhãn, vải của tỉnh. Như vậy, cho đến năm 2002, Kim Bảng vẫn là huyện trồng nhãn vải nhiều nhất tỉnh, với diện tích 565 ha, sản lượng đạt 2.350 tấn; tiếp đến là huyện Thanh Liêm 560 ha, sản lượng đạt 2.083 tấn; huyện Lý Nhân có 441 ha, sản lượng 1.660 tấn; huyện Bình Lục có 280 ha, đạt sản lượng 1.080 tấn. Huyện Duy Tiên có diện tích 200 ha, sản lượng 855 tấn; thị xã Phủ Lý có 115 ha, sản lượng 432 tấn.

Các giống nhãn, vải và kỹ thuật nhân giống, chăm sóc cũng có những thay đổi nhiều so với trước. Giống nhãn, vải phong phú hơn, với rất nhiều loại như nhãn lồng, nhãn cùi, nhãn thóc, nhãn nước, nhãn đường phèn, nhãn tiêu, nhãn da bò, nhãn hương chi, vải tu hú (giống vải cũ), vải nhờ, vải thiều,... Trong đó có nhiều loại nhãn, vải mới từ nơi khác đưa về có chất lượng và giá trị cao. Chẳng hạn như giống nhãn Hương Chi hay giống vải thiều ở Hưng Yên nay đang được trồng rộng rãi ở các huyện Lý Nhân, Duy Tiên. Đến những vùng ven sông Hồng ở hai huyện này người ta có cảm giác như đang ở vùng nhãn, vải trên đất Hưng Yên vậy. Việc nhân giống nhãn, vải hiện nay không phải theo kiểu chọn quả ươm hạt truyền thống, mà chủ yếu theo phương pháp ghép mắt hoặc chiết cành. Ưu điểm của phương pháp này là nhân giống nhanh, giữ được phẩm chất giống và nhanh thu hoạch. Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng ươm trồng các loại cây giống nhãn, vải để bán.

Để bảo vệ cây quả trước khi thu hoạch, nhiều hộ đã dùng những tấm lưới rộng phủ lên toàn bộ cây và quét vôi dưới gốc để tránh dơi, chuột, bọ phá hoại.

Việc bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhãn, vải cũng là vấn đề được các hộ nông dân hết sức quan tâm. Nhiều hộ bán quả cho tư thương ngay tại cây, hoặc hái bán quả tươi ra các chợ trong vùng. Song ở những nơi trồng nhiều, cũng đã xuất hiện các cơ sở tư nhân thu mua, phơi sấy, chế biến để bán đi các nơi hoặc bán cho các cơ sở xuất khẩu. Năm 1997, lượng long nhãn xuất khẩu của Hà Nam lên tới 377 tấn. Những năm gần đây thường cũng xuất được khoảng 210 - 260 tấn long nhãn mỗi năm. Hiện nay nhãn, vải đã trở thành cây trồng chủ lực trong các loại cây ăn quả của tỉnh. Việc trồng nhãn vải và các loại cây ăn quả khác đang có xu hướng tập trung hơn để tạo ra những vùng cây ăn quả hàng hoá. Những vườn nhãn xum xuê soi bóng xuống ao, đầm, kênh mương vẫn luôn là hình ảnh đẹp của nhiều làng quê ở Hà Nam.

-  Cây chuối

Tỉnh Hà Nam có diện tích và sản lượng chuối không nhiều. Song nó được trồng khá phổ biến trong các hộ dân cư để tận dụng đất đai và có thêm nguồn hoa quả tiêu dùng. Trong những năm qua việc trồng chuối cũng được phát triển cả về diện tích lẫn sản lượng. Theo tài liệu của Tổng cục Thống kê(1), thì năm 1997 tỉnh Hà Nam có 630 ha chuối và sản lượng đạt 13.772 tấn quả; năm 1998 có 920 ha và đạt sản lượng 15.768 tấn. Theo tài liệu thống kê tập hợp từ các huyện thị(2), thì năm 2000 sản lượng chuối của tỉnh Hà Nam có trên 30.918 tấn. Huyện có sản lượng chuối lớn nhất tỉnh là huyện Thanh Liêm, có 12.550 tấn, chiếm tới 40,6% sản lượng chuối của tỉnh; tiếp đến là huyện Kim Bảng có 7.520 tấn, chiếm 24,3% và huyện Lý Nhân có 7.500 tấn, chiếm 24,2%. Các huyện khác có sản lượng chuối thấp hơn. Hai huyện Thanh Liêm, Kim Bảng chiếm tới 64,9% sản lượng chuối của tỉnh.

Trong các giống chuối ở Hà Nam, giống chuối ngự là quý nhất. Nó là một trong những cây ăn quả đặc sản quý của Hà Nam. Giống chuối này được trồng rải rác ở một số nơi trong tỉnh, nhưng chuối ngự trồng ở làng Đại Hoàng (xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân) vẫn là giống chuối thơm ngon nhất, bổ dưỡng và có giá trị kinh tế cao. Giống chuối này hiện nay vẫn được trồng ở nhiều hộ dân cư. Nhưng ngay cả ở xã Hoà Hậu hay các xã lân cận, các hộ thường cũng chỉ trồng dăm ba khóm, chưa có những vườn chuối trồng tập trung, chuyên canh theo kiểu sản xuất hàng hoá.

Một trong những lý do là giống chuối ngự thường có cây cao, dễ dập gẫy khi có mưa, bão và dễ bị sâu bệnh phá hoại. Do khối lượng chuối quả không nhiều, nên chuối ngự Đại Hoàng chưa cung cấp rộng rãi trên thị trường mà chủ yếu được tiêu thụ ở thành phố Nam Định, Hà Nội và cả ở sân bay Nội Bài. Còn các loại chuối khác được bán rộng rãi hơn, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Một phần chuối tiêu xanh ở Hà Nam được tư thương thu gom bán sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, tỉnh đã có đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống chuối ngự Đại Hoàng và đang có chủ trương khuyến khích phát triển mạnh trồng chuối này trên địa bàn.

Ngoài các cây ăn quả chính nói trên, các loại cây ăn quả khác được trồng rất phân tán, sản phẩm thu hoạch, tiêu thụ trong các hộ cũng như bán ra thị trường khá phong phú nhưng với khối lượng ít, mùa vụ rải rác. Hiện nay tỉnh đang có chương trình cải tạo hơn 3.000 ha vườn tạp, chủ yếu để phát triển các loại cây ăn quả và rau đậu thực phẩm hàng hoá. Trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang phát triển các hình thức kinh tế trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp, trong đó có phát triển các loại cây ăn quả.

2.  Chăn nuôi

Trong hoạt động nông nghiệp, bên cạnh các nghề trồng trọt kể trên, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng là những hoạt động kinh tế truyền thống có từ lâu đời của dân cư Hà Nam. Các con vật thường được nuôi trong hộ gia đình nông dân như trâu, bò, lợn, dê, gia cầm, ong mật và nhiều loại vật nuôi khác. Các hoạt động này luôn gắn bó mật thiết với trồng trọt và các nghề thủ công, vừa bổ sung vừa tạo điều kiện cho trồng trọt và các nghề thủ công phát triển. Chăn nuôi trâu, bò lấy sức kéo từ lâu đã được coi là “đầu cơ nghiệp” của nghề nông.

Tuy vậy, dưới thời phong kiến cũng như thời Pháp thuộc, chăn nuôi của các hộ dân cư ở Hà Nam là chăn nuôi nhỏ, kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi lạc hậu, chủ yếu theo kiểu nuôi thả tự nhiên. Và không phải hộ gia đình nào cũng có chăn nuôi, nhất là nuôi lợn và trâu bò. Thường thì chỉ những hộ giầu mới có thể chăn nuôi trâu, bò và gia súc. Cho đến những thập kỷ đầu thế kỷ XX, chăn nuôi trâu, bò ở Hà Nam vẫn chỉ với mật độ rất thấp, có 10 con trâu trên 1 km2, còn bò thì ít hơn nữa(1). Việc nuôi trâu, bò thời bấy giờ là rất khó khăn, phần vì đồng trũng, ngập lụt nhiều nên không phải bao giờ cũng sẵn cỏ và thức ăn, ruộng chỉ cấy được một vụ, không đủ rơm và phụ phẩm cho chăn nuôi về mùa mưa lũ và mùa đông giá rét. Song phần khác còn vì phần lớn nông dân quá nghèo, không có tiền để mua trâu, bò và giống gia súc. Trâu, bò là tài sản quá lớn đối với họ. Sức kéo thiếu nghiêm trọng, nông dân ở nhiều nơi phải kéo cày, bừa thay trâu. Cả tỉnh Hà Nam xưa chỉ có hai chợ bán trâu, bò là chợ Đồng Văn (huyện Duy Tiên) và chợ Yên Đổ (huyện Bình Lục) nhưng đến đầu thế kỷ XX thì các chợ này cũng không còn bán trâu, bò nữa. Chăn nuôi lợn và gia cầm cũng gặp phải khó khăn do thiếu lương thực, thiếu thức ăn chăn nuôi và do bệnh dịch thường xuyên xảy ra.

Chăn nuôi ở Hà Nam chỉ phát triển mạnh kể từ sau ngày hoà bình lập lại (1954), nhất là từ những năm 1960 trở đi. Thời kỳ này phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển rộng khắp trong các hộ dân cư cũng như trong các HTX nông nghiệp. Trâu, bò được hoá giá trở thành tư liệu sản xuất của các HTX, do HTX điều phối sức kéo, nhưng giao cho các hộ xã viên chăn nuôi, chăm sóc. Ngoài việc phát triển nuôi lợn ở các hộ xã viên và hộ dân cư nói chung thì phần lớn các HTX nông nghiệp đều có chăn nuôi lợn tập thể. Nhiều HTX tổ chức chăn nuôi cả gà, vịt hoặc dê. Công tác thú y và phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm nói chung được HTX và chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn, thường xuyên hơn. Chuồng trại chăn nuôi ở các hộ gia đình cũng có những cải tiến nhất định.

Tuy vậy, trong suốt một thời gian dài cho đến trước thời kỳ đổi mới, chăn nuôi ở Hà Nam vẫn gặp nhiều trở ngại. Tình trạng thiếu hụt lương thực khá phổ biến trong dân cư cũng như trong các HTX đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chăn nuôi nói chung. Hơn nữa, việc tổ chức thu mua lợn, gia cầm theo cơ chế kế hoạch, giá cả do Nhà nước quy định thời bấy giờ cũng chưa khuyến khích được chăn nuôi của các hộ dân cư.

Từ khi đổi mới nền kinh tế, nhất là từ đầu những năm 90 trở lại đây, tình hình chăn nuôi ở Hà Nam đã có những chuyển biến căn bản và có bước phát triển mạnh mẽ hơn. Trong hơn 10 năm, từ 1991 - 2002, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh (theo giá so sánh năm 1994) đã tăng gần 2,6 lần, từ 133,7 tỷ đồng (năm 1991) lên 344,9 tỷ (năm 2002), với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,8%/năm, cao hơn so với tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt (4,66%/năm). Ngoại trừ đàn trâu đã giảm mạnh kể từ năm 1995, còn lại hầu hết các loại gia súc, gia cầm đều tăng nhanh trong thời gian nói trên.

Biểu 18. Số lượng và sản lượng gia súc gia cầm (1991-2002)

Đơn vị: 1000 con

Năm

Trâu

Lợn

Gia cầm

1991

12,8

18,9

...

177,8

1688,5

1995

10,9

22,9

...

225,9

1934,5

1997

8,8

23,9

10,1

245,9

1966,7

1999

6,5

24,9

10,4

268,2

2311,6

2000

5,2

27,5

10,4

278,4

2537,0

2001

4,1

26,5

5,8

308,2

3186,9

2002

3,6

27,2

8,4

327,2

3276,0

- Niêm giám thống kê 1990-2000. Cục thống kê Hà Nam 8-2001

- Niêm giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002. Nxb Thống kê, Hà Nội-2003.

 

2.1. Chăn nuôi trâu

Trâu vốn là sức kéo chủ lực trong việc làm đất và phần nào cung cấp phân bón cho trồng trọt của các hộ nông dân. Ở vùng đất trũng, con trâu có ưu thế hơn con bò về mặt cày kéo, làm đất. Số lượng trâu có xu hướng giảm đi nhiều trong giai đoạn 1995 - 2002. Năm 1991 số lượng trâu của cả tỉnh là 12,8 nghìn con đến năm 1997 giảm còn 8,8 nghìn và năm 2002 chỉ còn hơn 3,6 nghìn con. Sự giảm sút của đàn trâu chủ yếu do sự tiến bộ của việc cơ giới hoá trong khâu làm đất và vận chuyển. Càng ngày người ta càng trang bị thêm nhiều máy kéo trong khâu làm đất và vận chuyển. Năm 2001 toàn tỉnh đã có 45 máy kéo lớn làm đất của các doanh nghiệp và 3.570 máy kéo nhỏ của các hộ ở nông thôn (gấp hơn 3 lần so với năm 1994); hơn 85,1% diện tích canh tác nông nghiệp đã được làm đất bằng máy. Vì vậy số lượng trâu đã giảm đi nhiều. Hơn nữa, quy mô canh tác của mỗi hộ quá nhỏ bé so với sức cày kéo của một con trâu, và nếu nuôi để lấy thịt bán thì nuôi trâu kém hiệu quả hơn nhiều so với nuôi bò và các loại vật nuôi khác. Hiện tại, trâu cung cấp một lượng thịt không nhiều, chỉ khoảng 300 tấn/ năm và người ta cũng chỉ thịt những con trâu bị thải không đủ sức cày kéo. Vai trò “đầu cơ nghiệp” của con trâu đã không còn như trước, và việc nuôi trâu có khả năng còn giảm đi nữa.

Đàn trâu hiện có chủ yếu ở các huyện Lý Nhân, Bình Lục và Thanh Liêm là những huyện còn nhiều ruộng trũng hơn cả. Số trâu ở 3 huyện này hiện chiếm 64,2% trong tổng đàn trâu của cả tỉnh; song đều có sự giảm mạnh so với năm 1995. Năm 2002, số trâu ở huyện Lý Nhân còn 805 con, giảm 64% so với năm 1995; huyện Bình Lục còn 779 con, giảm 63%; huyện Thanh Liêm còn 737 con, giảm 68%; huyện Duy Tiên còn 595 con, giảm 69,5%; huyện Kim Bảng còn 580 con, giảm tới 71,4% so với năm 1995. Thị xã Phủ Lý chỉ còn 116 con, giảm 63,7% trong thời gian nói trên.

2.2  . Chăn nuôi bò

Khác với tình hình nuôi trâu, chăn nuôi bò đã phát triển rất nhanh kể từ đầu những năm 1990 trở lại đây. Tổng đàn bò của tỉnh năm 2002 đã có trên 27,2 nghìn con, gấp gần 1,4 lần so với năm 1991. Việc phát triển chăn nuôi bò một phần là để bổ sung sức kéo làm đất, tăng sức kéo vận chuyển ở các vùng nông thôn, song về cơ bản là để cung cấp thịt cho nhu cầu tăng nhanh của thị trường. Chăn nuôi bò đã chuyển từ chăn nuôi lấy sức kéo cho nông nghiệp là chủ yếu sang chăn nuôi bò sinh sản và chăn nuôi lấy thịt, chăn nuôi kiểu hàng hoá. Điều này làm thay đổi cả cách thức lẫn tính chất của chăn nuôi bò trong các hộ dân cư. Nhiều hộ đã có quy mô chăn nuôi hàng chục con bò. Người ta cũng chú ý nhiều hơn đến việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi nhằm tăng trọng và tăng khả năng sinh sản của đàn bò. Chuồng trại chăn nuôi và việc chăm sóc, nuôi dưỡng cũng được đảm bảo tốt hơn, đặc biệt là về chăm sóc thú y, phòng ngừa dịch bệnh.

Chăn nuôi bò được phát triển ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh, nhưng phát triển mạnh hơn ở những vùng đất mầu, đất bãi ven sông và vùng đồi núi bán sơn địa. Các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Kim Bảng, Duy Tiên là những huyện có số lượng bò nuôi nhiều và tăng nhanh trong những năm gần đây. Đến năm 2002, đàn bò ở huyện Lý Nhân đã có 6.713 con, chiếm 24,7% trong tổng đàn bò của tỉnh và tăng hơn 2.000 con so với năm 1991; đàn bò ở huyện Bình Lục là 5.150 con, chiếm 18,9% đàn bò của tỉnh, tăng hơn 1.000 con so với năm 1991; huyện Duy Tiên có 4.915 con bò, tăng hơn 2.900 con (gấp 2,4 lần) trong thời gian nói trên. Huyện Thanh Liêm cũng có số lượng bò 5.160 con, tương đương với ở huyện Bình Lục. Huyện Kim Bảng năm 2001 cũng có trên 5.000 con. Đàn bò nuôi ở thị xã Phủ Lý năm 2002 hiện nay có trên 1.600 con.

Chăn nuôi bò đang mang lại lợi ích và hiệu quả cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh. Không ít hộ đã thoát nghèo hoặc vươn lên đạt mức kinh tế khá giả nhờ phát triển chăn nuôi loài gia súc này. Nhiều chương trình phát triển kinh tế của tỉnh cũng có sự phối hợp, lồng ghép để hỗ trợ phát triển nuôi bò của các hộ dân cư. Hiện tại, tỉnh đang thực hiện chương trình cải tạo đàn bò để khắc phục những nhược điểm của giống bò nội. Chương trình “sin hoá đàn bò” đã đạt tỷ lệ bò sin lai chiếm khoảng 14% tổng đàn, và dự kiến đến năm 2010 sẽ đưa tỉ lệ này lên 50%. Chương trình nuôi bò sữa được bắt đầu triển khai kể từ năm 2001, và dự kiến kế hoạch đến năm 2010, đàn bò sữa của tỉnh sẽ có trên 4.000 con. Triển vọng phát triển chăn nuôi bò của Hà Nam đang được mở rộng.

2.3. Chăn nuôi dê

Chăn nuôi dê chủ yếu phát triển ở hai huyện phía Tây của tỉnh là Kim Bảng và Thanh Liêm. Ở đây có địa hình đồi, núi đá và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi dê. Nhân dân ở những vùng này đã nuôi dê từ lâu, nhưng người ta ít quan tâm đến giá trị của nó, thậm chí còn lo ngại phát triển dê sẽ ảnh hưởng bất lợi đến việc trồng cấy các loại cây hoa màu, lương thực. Trong những năm gần đây, nuôi dê được phát triển mạnh nhờ tác động của thị trường. Năm 2000, tổng đàn dê của tỉnh có trên 10,4 ngàn con và lượng thịt cung cấp là trên 249 tấn. Trong hai huyện kể trên, huyện Kim Bảng nuôi nhiều hơn, tới trên 8,4 ngàn con và lượng thịt cung cấp trên 204 tấn còn huyện Thanh Liêm chỉ nuôi có 2.000 con với khối lượng thịt là 45 tấn. Hiện nay thịt dê ở Hà Nam được coi là đặc sản, có giá trị cao và thường được bán trong các nhà hàng ở thị xã, thị trấn và bán đi các nơi. Việc tiêu dùng thịt dê của dân cư chưa phổ biến như thịt lợn và gia cầm.

Cách thức nuôi dê của các hộ dân cư hiện nay phần nhiều vẫn theo kiểu truyền thống, với các giống dê nội (dê cỏ) ít được cải tạo. Tuy các giống dê này rất thích ứng với điều kiện tự nhiên, có khả năng sinh sản nhiều và phát triển nhanh, nhưng tầm vóc và trọng lượng nhỏ, chủ yếu là dê lấy thịt. Nuôi dê lấy sữa chưa phát triển. Nguồn thức ăn nuôi dê chủ yếu dựa vào lá cây, cỏ tự nhiên ở núi đá, đồi, rừng. Để khắc phục tình trạng này tỉnh đã thực hiện dự án cải tạo đàn dê cỏ bằng dê đực Bách Thảo - giống dê có nguồn gốc từ Ấn Độ. Dự án này được triển khai tại 3 xã của huyện Kim Bảng là Khả Phong, Liên Sơn, Ba Sao và đã cho kết quả khá tốt. Dự kiến năm 2010 đàn dê của tỉnh sẽ lên tới 15.000 con.      

2.4. Chăn nuôi lợn

Lợn là con vật nuôi truyền thống của các hộ gia đình nông dân, gắn bó chặt chẽ với hoạt động kinh tế của người nông dân ở Hà Nam cũng như ở châu thổ sông Hồng. Xét về mặt số lượng, lợn là con vật được nuôi nhiều, chỉ đứng sau gia cầm. Ngày nay, hầu như hộ nông dân nào cũng nuôi lợn. Chăn nuôi lợn cũng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi của tỉnh, năm 1995 chiếm 65,86% và năm 2000 chiếm 65,04%. Chăn nuôi lợn là nguồn cung cấp thịt chủ yếu, đứng đầu trong số các con vật nuôi hiện nay ở Hà Nam. Sản lượng thịt lợn chiếm tới 85,9% tổng số thịt do ngành chăn nuôi cung cấp trên địa bàn. Chăn nuôi lợn cũng là nguồn cung cấp phân bón quan trọng cho trồng trọt.

Xưa kia, chăn nuôi lợn của dân cư là theo kiểu truyền thống, với các giống lợn ỷ có tầm vóc, trọng lượng nhỏ bé và thường rất chậm lớn. Thức ăn để nuôi lợn chủ yếu là những phụ phẩm của ngành trồng trọt. Do thường xuyên thiếu hụt lương thực nên chăn nuôi lợn cũng thường gặp phải khó khăn. Việc cải tạo giống và phòng ngừa dịch bệnh hầu như chưa được nông dân chú ý. Dịch bệnh thường làm đàn lợn chết hàng năm diễn ra phổ biến. Phần nhiều những hộ nghèo, ít ruộng hoặc không có ruộng đều ít có điều kiện để nuôi lợn. Cho đến đầu những năm 1960, số hộ ở nông thôn trong tỉnh chăn nuôi lợn mới chiếm khoảng trên dưới 60%.

Từ giữa những năm 1960, chăn nuôi lợn trong tỉnh phát triển mạnh. Năm 1964, đàn lợn của tỉnh đã có 156.287 con, số hộ nuôi lợn cũng tăng lên, chiếm 77% tổng số hộ ở nông thôn. Phong trào nuôi lợn tập thể của các HTX nông nghiệp cũng khá phát triển. Đến những năm 1970 - 1971, đã có một số HTX nuôi với quy mô tới 500 đến 1.000 đầu con. Điều đáng chú ý trong giai đoạn này là đã bắt đầu có sự cải tạo giống lợn, đưa các giống lợn ngoại nhập vào lai tạo và nhân rộng trong chăn nuôi, trước hết là ở chăn nuôi tập thể. Cũng từ đó, đàn lợn giống nội có tầm vóc nhỏ bé và chậm lớn đã được cải tạo dần và từng bước được thay thế bằng giống lợn lai ngoại. Tuy nhiên, tình trạng chăn nuôi lợn cũng chỉ được cải thiện chủ yếu ở khu vực kinh tế tập thể và cũng chỉ trong một giai đoạn nhất định. Cả một giai đoạn dài, khi kinh tế tập thể ngự trị thì kinh tế hộ gia đình, một khu vực rộng lớn lại chỉ được coi là khu vực kinh tế phụ và gần như bị lãng quên. Chăn nuôi lợn (và chăn nuôi nói chung) ở các hộ gia đình cũng trong tình trạng như vậy. Kinh tế gia đình và chăn nuôi gia đình chỉ giới hạn ở diện tích đất 5% nhỏ bé, sử dụng lao động phụ và lao động nhàn rỗi ngoài sự quản lý của các HTX.

Đến thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ đầu những năm 1990 thì chăn nuôi lợn ở Hà Nam mới thực sự có bước phát triển vượt bậc. Tổng số đàn lợn trên địa bàn tỉnh năm 1991 là 177,8 nghìn con, năm 1995 đã có 225,9 nghìn con và năm 2002 đã lên tới 327,2 nghìn con (gấp 1,84 lần so với đàn lợn năm 1991).

Chăn nuôi lợn được phát triển ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh. Nhưng hai huyện Bình Lục và Lý Nhân có số lượng lợn nhiều hơn cả. Năm 2002, đàn lợn ở huyện Bình Lục có 73,2 nghìn con, chiếm 22,4% trong tổng đàn lợn của tỉnh; huyện Lý Nhân có 71,1 nghìn con, chiếm 21,7%. Các huyện tiếp theo có số lượng và tỷ lệ tương ứng là Duy Tiên có 61,6 nghìn con, chiếm 18,8%; Kim Bảng có 53,7 nghìn con, chiếm 16,4%; Thanh Liêm có 48,2 nghìn con, chiếm 14,7% và thị xã Phủ Lý có 19,4 nghìn con, chỉ chiếm 6,1% tổng đàn lợn của tỉnh. So với năm 1991 thì đàn lợn năm 2002 ở huyện Bình Lục và ở thị xã Phủ Lý đã tăng lên gấp 1,9 lần; ở huyện Duy Tiên gấp gần 2,3 lần; ở huyện Kim Bảng gấp 1,8 lần; ở huyện Thanh Liêm gấp 1,7 lần và đàn lợn ở huyện Lý Nhân gấp 1,6 lần.

Số lượng đầu lợn nuôi và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cũng tăng nhanh. Năm 1991 sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên địa bàn tỉnh đạt trên 10,7 nghìn tấn, năm 1995 đạt hơn 15,4 nghìn tấn và năm 2002 đã lên tới gần 25,4 nghìn tấn. Năm 2002 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cao gấp 2,36 lần so với năm 1991, số lượng đầu lợn nuôi cao gấp 1,84 lần. Các huyện Lý Nhân, Duy Tiên và Bình Lục là những huyện có sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng nhiều nhất của tỉnh. Năm 2002, huyện Lý Nhân đã xuất chuồng 5.590 tấn thịt lợn hơi, huyện Duy Tiên xuất 5.525 tấn, huyện Bình Lục xuất 4.750 tấn. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ở 3 huyện này chiếm tới 62,5% so với cả tỉnh.

Chăn nuôi lợn ở Hà Nam hiện nay đang chuyển mạnh theo hướng “chăn nuôi kiểu hàng hoá”, hướng vào thị trường trong nước và bước đầu cho thấy khả năng hướng tới xuất khẩu. Tuy vậy, sự phát triển chăn nuôi lợn hiện vẫn mang tính tự phát dưới tác động của thị trường, cùng với những bất lợi, rủi ro của nó. Chất lượng đàn lợn cho dù đã được cải tạo từng bước song vẫn ở mức thấp. Đàn lợn thịt chủ yếu vẫn là lợn lai kinh tế F1, đàn lợn hướng nạc có số lượng chưa nhiều, mới khoảng 35.000 con, chiếm tỷ lệ 12,12% so với tổng đàn. Ngoài trung tâm giống truyền tinh nhân tạo của tỉnh xới công suất 80.000 liều/năm, trung tâm giống gia súc Tiên Hiệp mới được khởi công xây dựng nên chưa đáp ứng được lợn hậu bị cho các cơ sở chăn nuôi. Việc tiêu thụ sản phẩm vẫn khó khăn vì thiếu các cơ sở chế biến công nghiệp, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa cao.

2.5  . Chăn nuôi gia cầm

Chăn nuôi gia cầm ở Hà Nam bao gồm gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, chim câu... Việc chăn nuôi gia cầm đã xuất hiện từ lâu và cũng là hoạt động truyền thống trong các gia đình nông dân Hà Nam. Hầu như gia đình nào cũng nuôi gia cầm với số lượng khác nhau để dùng trong gia đình và một phần để bán. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm thường gặp phải khó khăn do chúng hay bị các loại bệnh dịch. Kỹ thuật chăn nuôi lạc hậu, thường được nuôi thả tự nhiên và hầu như không được cải tạo về giống, ở Hà Nam xưa, vì là vùng đất trũng có nhiều tôm, cá và các thuỷ sản khác, ruộng nước nhiều lại chỉ cấy được vụ chiêm nên việc chăn nuôi vịt đã trở thành phổ biến. Một số nơi thuộc các huyện Kim Bảng, Duy Tiên chăn nuôi nhiều vịt đẻ trứng và có nghề ấp trứng vịt khá nổi tiếng. Trong các loại gia cầm ở địa phương còn có loại gà móng được coi là quý, có tầm vóc to, lớn nhanh, thịt đậm và thom ngon. Giống gà này ở xã Tiên Phong (huyện Duy Tiên). Hiện nay, ở khu vực xã Tiên Phong có khoảng 10.000 con gà mái sinh sản, riêng xã Tiên Phong có 6.500 con. Đây là một nguồn gien quý hiếm cần được bảo tồn.

Biến đổi quan trọng nhất trong chăn nuôi gia cầm những năm gần đây là tỉnh đã nhập nội nhiều giống gia cầm mới để cải tạo đàn giống nội, thay đổi cơ cấu giống các loại; xuất hiện những mô hình chăn nuôi mới, trong đó đang hình thành các trang trại nhỏ đa canh ở các vùng, cải tạo tập quán chăn nuôi cũ, hướng vào sản xuất hàng hoá.

Đã nhập, nuôi khảo nghiệm và đưa vào các hộ nông dân các giống gà mới như sacsơ, kabir và các giống gà Tam Hoàng, Lương Phượng, ngan Pháp dòng R13, R51, giống vịt siêu trứng... Hàng chục con giống mới do công ty giống chăn nuôi, thuỷ sản Hà Nam sản xuất đã chuyển giao cho các hộ nông dân chăn nuôi. Trong những năm gần đây chăn nuôi gia cầm đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Nhiều mô hình sản xuất mới, cách thức chăn nuôi mới đã xuất hiện ở khắp các vùng trong tỉnh như mô hình nuôi theo kiểu công nghiệp, nuôi thả vườn, mô hình nuôi đa canh theo kiểu trang trại kết hợp nông, ngư nghiệp với chăn nuôi lợn, gia cầm... Một số trang trại đa canh có quy mô chăn nuôi gia cầm khá tập trung, mang tính hàng hoá rõ nét. Chương trình chuyển 2.000ha ruộng trũng 1 vụ lúa bấp bênh sang sản xuất đa canh sẽ tạo điều kiện cho cả nuôi trồng thuỷ sản lẫn chăn nuôi gia cầm phát triển.

Trong cơ cấu sản xuất của ngành chăn nuôi, năm 2002, chăn nuôi gia cầm đã đạt giá trị sản xuất (giá hiện hành) trên 111,8 tỷ đồng, chiếm 28,2% giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi. Tỷ trọng này đã tăng lên gần 2% so với năm 1995 (là 26,3%). Về số lượng, năm 1991 số lượng gia cầm của Hà Nam có 1.688,5 nghìn con, năm 1995 đã tăng lên 1.934,5 nghìn con và đến năm 2002 đã có trên 3.276 nghìn con (gần gấp đôi so với năm 1991). Tốc độ tăng số lượng gia cầm bình quân năm ở giai đoạn 1995 - 2002 là 9,2%/năm, cao nhất so với tốc độ tăng của các loại vật nuôi nói chung. Trong tổng số gia cầm chăn nuôi hàng năm ở Hà Nam thì gà là loại gia cầm có số lượng lớn nhất, thường chiếm tới 80 - 90%. Năm 1999, tổng đàn gia cầm của Hà Nam có trên 2,3 triệu con, thì trong đó có đến 1,8-2 triệu con gà. Số lượng còn lại là vịt, ngan, ngỗng... Vịt thường được nuôi nhiều hơn ngan và các loại gia cầm còn lại.

Về sản phẩm: Sản lượng thịt gia cầm năm 2000 đạt 2.527 tấn, chiếm 10,24% tổng sản lượng thịt của các loại vật nuôi nói chung. Năm 1996 sản lượng thịt gia cầm đạt 1.976 tấn, đến năm 2000, đã tăng gấp 1,27 lần so với năm 1996. Về sản lượng trứng, năm 2000 đạt 56 triệu quả, tăng 11,51% so với năm 1996. Hiện tại, Hà Nam đang có kế hoạch phát triển đàn gia cầm đến năm 2010 đạt 5 triệu con, sản lượng thịt đạt khoảng 5.000 tấn, trứng gia cầm xuất khẩu trên 11 triệu quả; đồng thời phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại, chăn nuôi kiểu công nghiệp, bán công nghiệp với các giống gia cầm có chất lượng cao.

2.6  . Nuôi ong

Nuôi ong để lấy mật cũng đã có từ lâu trong một số hộ gia đình. Việc nuôi ong tập trung ở hai huyện miền núi Kim Bảng và Thanh Liêm là nơi có đồi rừng, có hoa rừng và cây ăn quả, ngoài ra nó còn có ở vùng bãi ven sông Hồng thuộc huyện Lý Nhân, nơi có nhiều vườn cây ăn quả. Ong được nuôi chủ yếu ở các hộ gia đình. Năm 1969, chăn nuôi ong được phát triển với tổng số 1.150 đàn, trong đó có 300 đàn ong của hợp tác xã. Đã co năm nuôi ong ở Hà Nam đạt sản lượng 2,6 tấn mật. Hiện nay, ong được nuôi nhiều ở các huyện Lý Nhân, Duy Tiên và Kim Bảng, mỗi huyện có chừng 1.000- 1.500 đàn. Sản lượng mật ong năm 2000 của tỉnh đạt 15 tấn. Ở huyện Kim Bảng có hội những người nuôi ong. Công ty ong của tỉnh cũng đóng trên địa bàn của huyện Kim Bảng. Triển vọng của nghề nuôi ong lấy mật sẽ được phát triển nhờ vào việc khôi phục và phát triển vốn rừng cùng với việc mở rộng các vườn cây ăn quả ở các địa phương.

II.   LÂM NGHIỆP

Là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng nhưng Hà Nam lại có một phần lãnh thổ ở phía Tây thuộc hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm là vùng đồi núi. Từ vùng đồi núi này đổ về phía Tây là vùng đồi, núi, rừng rất rộng lớn chủ yếu thuộc tỉnh Hoà Bình. Dọc theo mạn phía Tây của hai huyện trên là những dãy núi đá vôi xen lẫn với đồi chạy dài từ phía Bắc (giáp với tỉnh Hà Tây) về phía Nam, tới Ninh Bình và đến tận tỉnh Thanh Hoá. Hà Nam lại là tỉnh nằm trong vùng phân lũ lớn của hệ thống sông Đáy. Bởi vậy rừng và đất rừng có vị trí quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn. Bảo vệ và phát triển vốn rừng là một trong những vấn đề chiến lược góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo số liệu thống kê năm 2002, đất lâm nghiệp và đất có khả năng lâm nghiệp của tỉnh Hà Nam hiện có khoảng 10.736 ha, chiếm hơn 12,6% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, diện tích đất có rừng là 9.466 ha và đất đồi, núi chưa sử dụng có khả năng lâm nghiệp là 1.270 ha. Năm 1997, giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp (theo giá hiện hành) đạt trên 20,1 tỷ đồng, chiếm 1,63% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông - lâm - thuỷ sản; nhưng đến năm 2002 giá trị sản xuất lâm nghiệp giảm chỉ còn 15,9 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 1,0%.

Tuyệt đại đa số diện tích rừng hiện có là ở hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm. Theo số liệu thống kê năm 2000, trong tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh có 9.436 ha thì ở Kim Bảng có 5.923 ha, chiếm 62,8%; còn lại là ở huyện Thanh Liêm, có 3.513 ha, chiếm 37,2%. Trong tổng số diện tích đất có rừng kể trên thì rừng tự nhiên có 7.752,7 ha và rừng trồng có 1.684,3 ha. Rừng tự nhiên có ở huyện Kim Bảng là 4.760,37 ha, còn lại 2.992,32 ha là ở huyện Thanh Liêm. Rừng trồng có 1.163,35 ha ở huyện Kim Bảng và có 520,90 ha ở huyện Thanh Liêm. Trong số diện tích tự nhiên thì rừng mọc trên núi đá khoảng 4.600 ha, với những thảm thực vật thưa thớt, chủ yếu là cây bụi. Những nơi tốc độ phong hoá đá mạnh có một số cây gỗ nhỏ phát triển nhưng mức độ không dày, chưa đủ độ tạo tán và trữ lượng gỗ để tạo thành rừng. Vì vậy rừng tự nhiên ở Hà Nam tuy lớn hơn rừng trồng nhưng chủ yếu là rừng nghèo, rừng non mới tái sinh và rừng trung bình, còn rừng giàu gần như không còn. Nó đã trải qua một thời kỳ dài bị tàn phá nghiêm trọng.

Rừng trồng ở Hà Nam phần lớn là rừng phòng hộ đầu nguồn, được trồng tập trung. Trong đó đáng chú ý là 52 ha thông nhựa được trồng ở huyện Thanh Liêm từ năm 1984 theo nguồn vốn ngân sách. Hiện rừng đã khép tán và đạt 2.500cây/ha. Số còn lại được trồng chủ yếu từ năm 1993 trở lại đây.

Rừng và đất rừng tập trung chủ yếu ở các xã của huyện Kim Bảng như Ba Sao, Liên Sơn, Thanh Sơn, Thi Sơn, Tân Sơn, Khả Phong, Tượng Lĩnh và các xã ở huyện Thanh Liêm như Thanh Nghị, Thanh Thuỷ, Thanh Tân, Thanh Hải, thị trấn Kiện Khê và xã Liêm Sơn. Số liệu ở biểu 19 cho thấy chi tiết hơn tình hình phân bố rừng và đất rừng ở một số xã này.

Biểu 19. Phân bố diện tích đất lâm nghiệp năm 2000 ở một số xã

(Đơn vị: ha)

Huyện Kim Bảng

Huyện Thanh Liêm

Tổng số

5.923,7

Tổng số

3.513,2

Ba Sao

2.198,2

Thanh Nghị

1.044

Liên Sơn

1.563,6

Thanh Thủy

855,3

Thanh Sơn

1.444,3

Thanh Tân

822,7

Tân Sơn

332,9

Thanh Hải

249,9

Khả Phong

202,5

Thị trấn Kiện Khê

234,9

Tượng Lĩnh

158,8

Liêm Sơn

124,7

Thi Sơn

23,2

Thanh Tâm

84,7

- Niêm giám thống kê 1990-2000. Cục thống kê Hà Nam 8-2001

- Niêm giám thống kê năm 2000. Phòng thống kê huyện Kim Bảng,

tháng 9-2000

- Niêm giám thống kê năm 2000. Phòng thống kê huyện Thanh Liêm, tháng 9-2000

 

Về tài nguyên lâm nghiệp, rừng Hà Nam hiện có khoảng 200 họ, 400 loài thực vật khác nhau. Thảm thực vật tự nhiên chủ yếu là các loại đồng cỏ, cây lùm bụi, xen kẽ một số cây lấy gỗ nhỏ rải rác trong các khe nước, thung lũng, các khe đá trên núi đá và đồi đất. Thảm thực vật tự nhiên nói chung có giá trị kinh tế thấp, chỉ có ý nghĩa về phòng hộ, bảo vệ đất, nguồn nước và làm bãi chăn thả gia súc. Thảm thực vật trồng gồm cây màu, cây công nghiệp, cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Cây lâm nghiệp chủ yếu là bạch đàn, keo, bương, lát, trám, sấu... Một số loài gỗ quý như săng, đinh hương, lát hoa, thông. Hoa phong lan có nhiều ở trên núi Ngũ Động Sơn và trên núi thuộc xã Ba Sao (huyện Kim Bảng).

Nguồn dược thảo tự nhiên có 170 loài thuốc nam, có thể khai thác ở các vùng núi đất, núi đá vôi, dưới tán rừng. Đặc biệt, rừng Hà Nam có một số nguồn gien thực vật quý, hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, như loài thông khuyết lá (là loài thực vật rất cổ, một trong số hoá thạch hiếm hoi từ kỷ đệ tam còn sót lại của hệ thực vật Việt Nam); loài bách bộ đứng, thuộc họ bách bộ, lớp một lá mầm, ngành hạt kín. Cả hai loài này mới phát hiện được ở vùng rừng tự nhiên thuộc xã Thanh Sơn (huyện Kim Bảng)(1). Trong sáu loài bách bộ (3 loài leo cuốn, 3 loài thân đứng) có ở Việt Nam thì cả 6 loài bách bộ này đều có mặt ở vùng núi đá vôi các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm. Ngoài ra, ở Hà Nam còn có loài bách bộ thân đứng mới tìm thấy ở vùng núi đá vôi thuộc xã Thanh Tâm (huyện Thanh Liêm). Đây là loài bách bộ mới lần đầu tiên phát hiện được ở Việt Nam. Trong đó, bách bộ đứng là nguồn gien quý hiếm được xếp vào loại bị đe dọa tiệt chủng.

Các loài động vật trên địa bàn rừng núi tỉnh Hà Nam hiện chỉ còn khoảng 30 loài thú (cầy vằn, cáo, chồn, mèo rừng, mèo núi, gà lôi, hoẵng, sơn dương, voọc...); trên 100 loài chim (chào mào, gõ kiến, cú mèo khiếu, cắt, vạc, cò...); trên 40 loài lưỡng cư và nhiều loại bò sát (trăn, rắn, tắc kè...). Trong số các động vật kể trên, người ta mới phát hiện được ở xã Thanh Sơn (huyện Kim Bảng) có 2 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, đó là loài voọc quần đùi trắng và loài sơn dương(2). Những loài thực vật và động vật quý hiếm có ở rừng Hà Nam cho thấy khả năng tiềm tàng của rừng núi nơi đây.

Để khôi phục và phát triển vốn rừng, bảo vệ các nguồn tài nguyên to lớn về lâm nghiệp và về sinh thái, trong những thập kỷ gần đây, mà nhất là từ đầu những năm 1990, tỉnh Hà Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng, hạn chế các hoạt động khai thác và tập trung nhiều nỗ lực cho việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Điều này thể hiện rõ ở sự khác biệt về tăng trưởng giá trị sản xuất giữa lĩnh vực khai thác với lĩnh vực trồng và bảo vệ rừng. Giai đoạn những năm 1991 - 1995, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp giảm bình quân 3,4%/năm. Trong đó, khai thác gỗ và lâm sản giảm 3,48%/năm; hoạt động lâm nghiệp khác giảm 2,5%/năm, trong khi giá trị sản xuất trồng và chăm sóc rừng tăng tới 7,1%/năm. Thời kỳ từ 1997 - 2002, trồng và chăm sóc rừng tiếp tục tăng 6,3%/năm, trong khi giá trị khai thác gỗ và lâm sản tiếp tục giảm 7,4%/năm.

Tuy nhiên, trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp nói chung của tỉnh thì giá trị sản xuất của lĩnh vực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và các hoạt động lâm nghiệp khác đến những năm gần đây (1999 - 2002) mới chiếm tỷ trọng bình quân hàng năm 13,6%, trong khi giá trị sản xuất của hoạt động khai thác gỗ và lâm sản vẫn chiếm tỷ trọng bình quân tới 85,5% và giá trị hoạt động lâm nghiệp khác chiếm bình quân 0,9%. Năm 2001 tỷ trọng giá trị trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng chiếm tỷ trọng cao nhất cũng mới đạt 18,0% trong cơ cấu giá trị sản xuất toàn ngành lâm nghiệp của tỉnh.

 

 

 

 

 

Biểu 20: Giá trị sản xuất và cơ cấu giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp

(Giá hiện hành) Đơn vị: triệu đồng, %

 

Tổng số

Chia ra

 

%

Trồng và nuôi rừng

%

Khai thác gỗ và lâm sản

%

Lâm nghiệp khác

%

1990

6.483

100

661

10,2

5.731

88,4

91

1,4

1995

14.219

100

1.777

12,5

12.260

86,2

182

1,3

1997

20.121

100

1.653

8,2

18.317

91,0

151

0,8

1999

19.535

100

2.112

10,8

17.270

88,4

153

0,8

2000

20.492

100

2.502

12,2

17.836

87,0

154

0,8

2001

15.001

100

2.699

18,0

12.147

81,0

155

1,0

2002

15.941

100

2.175

13,6

13.613

85,4

153

1,0

 

- Niêm giám thống kê năm 2000. Phòng thống kê Hà Nam, tháng 8-2001

- Niêm giám thống kê tỉnh Hà Nam năm 2002.

Việc trồng rừng tập trung được đẩy mạnh kể từ năm 1993 và liên tục tăng lên qua các năm, cao nhất là vào năm 1997 đạt tới 350 ha. Những năm gần đây (từ 2000 - 2002), diện tích rừng trồng tập trung bình quân đạt khoảng 230ha/năm. Tinh hình này gắn liền với sự thay đổi trong chính sách đất đai, với việc thực hiện giao đất, giao rừng ổn định, lâu dài cho hộ nông dân, cho cá nhân và tập thể quản lý, sử dụng; và mặt khác là do có sự hỗ trợ của các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, (như chương trình 327 đê phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chương trình 772 về định canh định cư, kết hợp với chương trình 135 về xoá đói giảm nghèo...). Đặc biệt là từ năm 1999, Hà Nam bắt đầu tham gia thực hiện dự án trồng 5 triệu ha rừng.

Trồng cây phân tán trong nhân dân vẫn được duy trì hàng năm, phát triển mạnh trong những năm từ 1990 đến 1996, năm thấp nhất (1996) cũng được trên 1,3 triệu cây còn năm cao nhất (1994) được trên 2,8 triệu cây. Những năm gần đây việc trồng cây phân tán được ngành thống kê quy đổi theo đơn vị diện tích (hec-ta). Theo đó, diện tích trồng cây phân tán của toàn tỉnh bình quân hàng năm trong những năm 2000 - 2002 đạt trên 170 ha, riêng năm 2002 đạt 219 ha. Trong khi đó, khai thác gỗ tròn kể từ năm 1990 đến năm 1997 mỗi năm thường trên 17.000m3 nhưng kể từ năm 1998 bắt đầu có sự giảm mạnh và đến năm 2002 chỉ còn khai thác 9.617 m3. Lượng củi khai thác cũng giảm đi nhiều so với trước, năm 1995 là 24,4 nghìn ster đến năm 2002 chỉ còn hơn 17,5 nghìn ster.

Biểu 21. Sản phẩm lâm nghiệp chủ yếu và tình hình rừng bị thiệt hại

 

Trồng rừng tập trung (ha)

Trồng cây phân tán (ha)

Gỗ tròn khai thác (m3)

Củi khai tác (1.000 ster)

Tre, luồng, nứa

(1.000 cây)

1995

161

1.614

17.313

24,4

852

1997

350

850

17.900

26,0

920

1999

80

405

11.040

21,5

1.322

2000

225

140

11.365

21,4

1.327

2001

268

155

9.324

16,9

736

2002

200

219

9.617

17,5

707

 

- Niêm giám thống kê tỉnh Hà Nam năm 2002.

 

Cùng với việc trồng rừng, tỉnh chú trọng đầu tư cho khoanh nuôi, tái sinh, chăm sóc, bảo vệ, trồng bổ sung rừng. Khả năng tái sinh của rừng tự nhiên ở Hà Nam rất tốt và số lượng cây còn lại hiện nay đủ tự phát tán, tái sinh để phục hồi lại rừng.

Nhìn chung ở Hà Nam, đất rừng và đất lâm nghiệp còn phong phú. Ngoài diện tích đất có rừng trên 9,46 nghìn ha, còn có gần 1,3 nghìn ha đất có khả năng lâm nghiệp chưa sử dụng và hàng trăm ha đất khác có khả năng kết hợp phát triển nông nghiệp với lâm nghiệp. Hiện nay, ngoài các dự án, chương trình hỗ trợ trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, Hà Nam cũng đang đẩy mạnh quá trình xã hội hoá lâm nghiệp, khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển nghề rừng. Nhiều hộ gia đình đã được giao khoán trồng rừng hoặc nhận rừng để khoanh nuôi bảo vệ. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành 2 trang trại lâm nghiệp, 13 trang trại kinh doanh tổng hợp, với những mô hình nông lâm kết hợp, vừa phát triển rừng vừa phát triển cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đồng thời, các ngành chức năng cũng tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc khai thác, buôn bán lâm sản trên địa bàn. Những động thái này đã và đang tác động tích cực đến phát triển lâm nghiệp nói chung của tỉnh.

Tuy nhiên, việc phát triển lâm nghiệp nói chung, phát triển và bảo vệ tài nguyên rừng nói riêng ở Hà Nam hiện nay cũng đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm. Công tác giao đất giao rừng đến từng hộ dân mới được thực hiện ở khía cạnh giao để người dân khoanh nuôi bảo vệ. Sẽ có hiệu quả hơn, nếu việc giao đất khoán rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư và tổ chức xã hội vào mục đích phát triển lâm nghiệp, với thời gian lâu dài, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Kinh phí đầu tư cho phát triển rừng và phát triển lâm nghiệp nói chung còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc huy động các nguồn lực từ các hộ gia đình thông qua giao đất giao rừng có thể giảm bớt được một nguồn tài chính đáng kể cho Nhà nước; và thông qua người dân, kinh phí đầu tư của Nhà nước hỗ trợ cho việc phát triển rừng sẽ được sử dụng có hiệu quả hơn. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng rừng và để rừng phát triển nhanh, cần lựa chọn được tập đoàn cây lâm nghiệp, cây ăn quả phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, hệ sinh thái địa phương.

III.     THUỶSẢN

Cùng với trồng trọt và chăn nuôi, từ xa xưa việc khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản đã là những hoạt động kinh tế vốn có của dân cư Hà Nam. Xưa kia, Hà Nam là vùng đất chiêm trũng, thuỷ lợi còn rất thô sơ, đồng ruộng nhiều nơi chỉ cấy được một vụ và thường ngập nước quanh năm. Hệ thống sông ngòi, đầm, vực và dòng chảy tự nhiên cũng tạo ra một diện tích mặt nước rộng lớn và là nơi chứa đựng nhiều nguồn lợi thuỷ sản phong phú. Hàng năm mưa lũ từ thượng nguồn đổ về và những trận lụt lớn thường xuyên xảy ra ở đồng bằng châu thổ cũng mang lại nhiều nguồn lợi thuỷ sản cho cư dân nơi đây. Hơn nữa, ở vùng đất trũng, dân cư thường phải đào ao để vượt đất làm nhà ở, làm vườn và trồng rau. Vì thế, trong các làng ở Hà Nam thường có nhiều ao, đầm và diện tích mặt nước. Từ vùng trũng của các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên, thậm chí đến cả các vùng đồi rừng của các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, gần như nhà nào cũng có ao thả cá. Những điều kiện ấy đã tạo ra các nguồn lợi thuỷ sản rất đa dạng: cá, tôm, cua, ốc, ếch, ba ba, lươn, trạch, cà cuống... Chúng sinh sôi nảy nở trong môi trường sinh thái tự nhiên và được nền nông nghiệp quảng canh nuôi dưỡng. Chính vì thế mà nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản được phát triển và luôn gắn bó với đời sống của người dân nơi đây từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Việc khai thác các nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên của dân cư ở Hà Nam xưa gồm có nhiều nghề, phổ biến nhất là các nghề chài, lưới, đánh bắt cá, tôm, cua, tép trên sông, ngòi, hồ, đầm, đồng ruộng. Nhiều làng dân cư sinh sống chủ yếu bằng các nghề này. Theo học giả người Pháp P. Gourou, cho đến đầu thế kỷ XX, toàn vùng đồng bằng Bắc Bộ có khoảng 54 làng có nhiều người làm nghề đánh bắt cá, thì riêng ở Hà Nam đã có khoảng 12 làng. Trong đó có các làng đánh cá ở huyện Duy Tiên như làng Lỗ Hà, Yên Mỹ, Yên Lệnh (tổng Chuyên Nghiệp), Đô Quan, Khả Duy, Lãnh Trì, Hàm Dương (tổng Mộc Hoàn),... Ngoài ra, ở Hà Nam còn có hàng chục xóm chài, vạn chài sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, tôm và khai thác thủy sản trên sông, như làng Mang Sơn, An Mộng (huyện Duy Tiên), Châu Xá, Tân Lang (huyện Kim Bảng); Quy Châu, Thọ Ích, Nghệ Văn (huyện Lý Nhân),... Đó là những làng hoặc xóm nổi chuyên sống trên sông nước, trên những thuyền hoặc bè và sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và chuyên chở trên sông.

Ở Hà Nam xưa cũng có những người đánh cá chuyên nghiệp. Những người đánh cá ở sông Nhuệ (tổng Nhật Tựu, huyện Kim Bảng), Văn Xá (tổng Ngu Nhuế, huyện Lý Nhân) chủ yếu đánh bắt tôm. Nhiều người ở Tế Xuyên còn đi bắt tôm theo mùa vụ ở Tiên Du (Bắc Ninh) và Hiệp Hoà (Bắc Giang). Số đông đánh cá ở các khu vực bị ngập nước quanh năm hoặc từng mùa rất rộng lớn trong tỉnh. Đó là dân cư của các làng Quy Ngoại (tổng Tiên Xá, huyện Duy Tiên), Tân Lang (tổng Phù Lưu, huyện Kim Bảng), Tê Cát (tổng Ngu Nhuế, phủ Lý Nhân). Những người đánh cá chuyên nghiệp bán cá tươi hoặc cá khô, cá ướp muối, thậm chí còn làm nước mắm từ cá mà họ kiếm được như làng Lộc Tùng (tổng Phù Đạm, huyện Kim Bảng), Văn Châu (Kim Bảng)... Một số người ở các làng như Quy Ngoại (tổng Tiên Xá, huyện Duy Tiên), Tân Lang (tổng Phù Lưu, huyện Kim Bảng), Tê Cát (tổng Ngu Nhuế, phủ Lý Nhân) còn chuyên đi bắt cà cuống để bán ở chợ làng và bán đi các nơi(1).

Việc nuôi trồng thuỷ sản, nhất là nuôi thả cá, cũng phát triển từ rất sớm và là một nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình. Người dân Hà Nam cũng như ở nhiều nơi đồng bằng Bắc Bộ từ xưa đã coi nghề canh trì (nuôi thả cá) là nghề dễ làm giầu chẳng kém gì các nghề thủ công hay buôn bán. Nuôi trổng thuỷ sản cũng tạo ra cho họ nguồn thực phẩm thường xuyên trong sinh hoạt. Nhiều loại thuỷ sản được coi là đặc sản có tiếng ở Hà Nam được nhiều người biết đến như cá quả, cá chép, cá rô đầm ở các huyện Bình Lục, Lý Nhân; ốc nhồi, lươn, ếch ở các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, Bình Lục; trai, hến trên sông Nhuệ, sông Châu...

Những giống cá để nuôi thả ao của các hộ dân cư phần nhiều là do những người chuyên nghiệp vớt cá bột và uơm cá giống ở các làng ven sông Hồng cung cấp. Ở huyện Duy Tiên xưa có những làng nhiều người làm nghề vớt cá bột và ươm bán cá giống như các làng Lỗ Hà, Yên Mỹ, Yên Lệnh, (tổng Chuyên Nghiệp), các làng Hoàn Dương, Khả Duy, Yên Từ, Đô Quan, Lanh Từ, Yên Hoà, Yên Lạc (tổng Mộc Hoàn), Nha Xá (tổng Bạch Sam),... Làng Phượng Vỹ (tổng Mỹ Xá) ở huyện Thanh Liêm cũng có nhiều người làm nghề ươm thả cá giống. Hàng năm vào mùa mưa nước sông Hồng dâng cao, đem theo trứng cá và cá con từ thượng nguồn chảy về, chảy vào cả các lạch. Họ vớt cá bột trên sông, lạch đem ươm ở các ao nhỏ trong làng, chăm cho lớn để đem bán cho các làng trong vùng. Đôi khi họ đem bán rất xa, thậm chí tới cả tận tỉnh Thanh Hoá(2).

Ngày nay, các nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên đã giảm đi rất nhiều, một phần do việc khai thác, đánh bắt quá mức diễn ra liên tục trong nhiều thập kỷ, phần khác là do môi trường sinh thái và điều kiện tự nhiên cho việc sinh sản và phát triển của thuỷ sản đã có những thay đổi nhất định. Việc sử dụng rộng rãi các loại phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, cỏ,... trên đồng ruộng và sự ô nhiễm nước trên các dòng sông đã tác động đến sự suy giảm các nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên trên địa bàn. Các hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản tự nhiên vì vậy đã giảm đi rất mạnh. Các xã có nghề đánh bắt thuỷ sản nhiều trước đây như Trác Văn, Châu Sơn (huyện Duy Tiên) nay mỗi xã chỉ còn khoảng 50 hộ hoạt động và sinh sống bằng nghề vạn chài, ở Tiên Phong, Tiên Hải và các xã ven sông Hồng của huyện Duy Tiên cũng chỉ còn rải rác một số hộ. Song việc nuôi thả, nuôi trồng thuỷ sản lại được phát triển mạnh ở hầu hết các nơi trong tỉnh và ngày càng được nhân dân coi trọng, với việc sử dụng rộng rãi các loại giống nuôi và kỹ thuật nuôi trồng mới cho năng suất và hiệu quả hơn.

Theo số liệu thống kê năm 2002, diện tích mặt nước sử dụng vào nông nghiệp nói chung của tỉnh có 4.626 ha, tăng thêm hơn 305 ha so với năm 1997. Trong đó, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản là 4.337 ha, tăng thêm hơn 160 ha. Giá trị sản xuất của ngành thuỷ sản nói chung năm 2002 đạt trên 68,5 tỷ đồng (theo giá hiện hành), gấp gần 2,7 lần so với năm 1997. Trong cơ cấu giá trị sản xuất thuỷ sản, tỷ trọng giá trị nuôi trồng chiếm tới 88,1%, còn tỷ trọng giá trị khai thác thuỷ sản chỉ chiếm 7,0%. Tuy vậy giá trị sản xuất thuỷ sản còn rất thấp so với trồng trọt, chăn nuôi và mới chiếm 4,34% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản nói chung của tỉnh.

Về sản lượng, đến năm 2002 tổng sản lượng thuỷ sản của tỉnh đã đạt trên 8.284 tấn, gấp 2,6 lần so với năm 1997 (3.169 tấn). Trong đó sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 7.639 tấn, gấp 2,55 lần so với năm 1997 và chiếm tới 92,2% trong tổng sản lượng thuỷ sản nói chung; sản lượng thuỷ sản khai thác (năm 2002) đạt 645 tấn, gấp 2,6 lần so với năm 1997, song chỉ chiếm 7,8% trong tổng sản lượng thuỷ sản nói chung. Điều này cho thấy hoạt động thủy sản ở Hà Nam đã căn bản chuyển từ hoạt động khai thác, đánh bắt truyền thống trước đây sang nuôi trồng là chủ yếu, và sự phát triển của ngành thuỷ sản hiện nay căn bản phụ thuộc vào phát triển nuôi trồng.

Biểu 22. Tình hình phát triển thủy sản 1997-2002

 

Đơn vị

1997

1999

2000

2001

2002

1. Diện tích mặt nước nuôi trồng

Ha

4.198

3.756

3.930

3.653

4.337

2. Tổng giá trị sản xuất

Tỉ đồng

25,6

28,9

33,7

48,1

68,5

3. Tổng sản lượng thủy sản

Tấn

3.169

4.118

4.910

6.212

8.284

a. Sản lượng khai thác

Tấn

247

475

579

422

645

b. Sản lượng nuôi trồng

Tấn

2.922

3.643

4.331

5.790

7.639

- Sản lượng cá nuôi

Tấn

2.860

3.590

4.056

5.553

7.422

- Sản lượng tôm nuôi

tấn

30

-

35

48

50,3

 

- Niêm giám thống kê tỉnh Hà Nam năm 2002.

Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng trong những năm 1997 - 2002 cũng tăng một cách ổn định hơn so với sản lượng khai thác. Năng suất nuôi trồng thủy sản bình quân của cả tỉnh đã tăng lên khá nhanh, năm 1997 đạt 0,7 tấn/ha, năm 2000 tăng lên 1,1 tấn/ha và đến năm 2002 đã đạt trên 1,76 tấn/ha. Song năng suất nuôi trồng thuỷ sản bình quân hiện tại vẫn còn thấp hơn nhiều so với năng suất của những hộ nuôi trồng thuỷ sản thâm canh, có tính sản xuất hàng hoá. Điều này cho thấy việc nuôi trồng thuỷ sản phần nhiều vẫn đang trong tình trạng quảng canh.

Về phân bố sản xuất, mặc dù hoạt động thuỷ sản phát triển rộng khắp ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh, nhưng điều kiện ở hai huyện ven sông Hồng là Lý Nhân và Duy Tiên có nhiều thuận lợi hơn, việc nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản ở đây cũng phát triển hơn so với các địa phương khác. Huyện Lý Nhân có diện tích mặt nước và diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất tỉnh, đồng thời cũng là một trong những huyện có sản lượng thuỷ sản cao nhất tỉnh. Năm 2002, diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản ở Lý Nhân có 1.342 ha, chiếm 8% diện tích tự nhiên của huyện và chiếm tới 30,9% diện tích nuôi trồng thuỷ sản của cả tỉnh; sản lượng thuỷ sản đạt trên 2.076,9 tấn, chiếm 25% sản lượng của tỉnh; trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt hơn 2.031 tấn, chiếm 26,6% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng của cả tỉnh. Huyện Duy Tiên có diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 876 ha, đứng thứ hai sau huyện Lý Nhân. Song sản lượng thuỷ sản của huyện


Duy Tiên năm 2002 đã đạt trên 2.571 tấn, cao nhất tỉnh, chiếm tới 31% sản lượng thuỷ sản của cả tỉnh; trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 2.329 tấn, chiếm 30,1% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng của tỉnh. Huyện Kim Bảng có diện tích 705 ha, huyện Bình Lục có 765 ha. Sản lượng thuỷ sản của huyện Kim Bảng là 1.408 tấn, của huyện Binh Lục là 945 tấn; trong đó, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tương ứng của 2 huyện này là 1.222 tấn và 913 tấn. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản của huyện Thanh Liêm có 499 ha, sản lượng thuỷ sản đạt 830 tấn, trong đó có 784 tấn sản phẩm nuôi trồng. Thị xã Phủ Lý có 150 ha và sản lượng đạt 452 tấn, trong đó có 360 tấn sản phẩm nuôi trồng.

Nông dân vẫn nuôi cá và các loại thuỷ sản ở những ao nhỏ cạnh nhà. Những hồ, đầm lớn do chính quyền quản lý và đấu thầu cho một số người thuê đê nuôi trồng thuỷ sản, với thời gian cho thuê thường chỉ vài năm. Năm 2001 đã có 14 trang trại nuôi trồng thuỷ sản, chiếm tỷ lệ 35,9% tổng số trang trại của tỉnh. Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản của trang trại là 154 ha, chỉ chiếm 3,9% diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh. Số lao động đang làm việc trong lĩnh vực thuỷ sản nói chung của tỉnh năm 2002 đã lên tới con số hơn 2.000người, tăng hơn 660 người (47%) so với năm 1997. Một số người ở huyện Lý Nhân đã đến tận Hà Nội và cả những nơi khác để nhận thầu nuôi cá ở những đầm hồ lớn. Những xóm chài chuyên về khai thác thuỷ sản trên sông nay không còn nữa.

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi cá ao, cá ruộng, nuôi ba ba, cá lồng, cá bè đang phát triển mạnh ở các địa phương trong tỉnh. Nhiều mô hình sản xuất đa canh xuất hiện ở các vùng, ở những vùng trũng, nông dân đã tiến hành sản xuất đa canh: lúa - cá - vịt - cây ăn quả hoặc cá - lúa - cây ăn quả - chăn nuôi gia súc, gia cầm,... Còn ở vùng bán sơn địa, nơi có những thung lũng liền kề với ruộng chỉ cấy được lúa vụ chiêm cho năng suất thấp, vụ mùa thường bị lũ, nông dân đã áp dụng công thức đa canh: lúa xuân - cá - cây ăn quả, cây lâm nghiệp - chăn nuôi dê ... hoặc trồng lúa xuân - nuôi vịt - thả cá - trồng cây lâm nghiệp.

Từ năm 2001 đến 2002 toàn tỉnh đã chuyển đổi 961 ha vùng đất trũng sang sản xuất đa canh và thử nghiệm xây dựng mô hình sản xuất mới để triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm biến đổi bộ mặt kinh tế của vùng đất trũng. Mô hình lúa - cá - tôm càng xanh đã được thử nghiệm trên diện tích 13 ha tại hai xã Khả Phong (huyện Kim Bảng) và Bồng Lạng (huyện Thanh Liêm). Hai nơi này vốn chỉ cấy được một vụ chiêm, vụ mùa bấp bênh, thường hay bị ngập nước. Kết quả, hiệu quả cao gấp nhiều lần so với việc cấy lúa hai vụ. Năm 2000 ở hai trại cá Tiên Hiệp (huyện Duy Tiên) và Hồng Phú (thị xã Phủ Lý) cũng đã nuôi thử nghiệm giống cá chim trắng bố mẹ và cá thịt, nuôi ghép với những loài cá khác, kết quả cho thấy cá chim trắng có thể nuôi và phát triển cho hiệu quả.

Hiện nay, tỉnh đang có chương trình phát triển thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá, quy hoạch các khu vực nuôi trồng thuỷ sản có quy mô tập trung hơn, chuyển khoảng 2.000 ha diện tích đất trồng lúa 2 vụ ở những vùng trũng mà sản xuất vụ mùa hiệu quả chưa cao sang mô hình đa canh kết hợp một vụ lúa xuân với nuôi thả cá, nuôi vịt và cây trồng khác. Mở rộng nuôi trồng thuỷ sản có giá trị cao, như cá quả, cá rô phi đơn tính, cá chép ba màu, đặc biệt là nuôi cá chim trắng và nuôi tôm càng xanh.

IV.    PHÁT TRIỂN THỦY LỢI, THỦY NÔNG

Do đặc điểm và điều kiện địa lý tự nhiên của tỉnh, nên từ xa xưa, công cuộc trị thuỷ và phát triển thuỷ lợi, thủy nông ở Hà Nam luôn là công việc quan trọng, được các cộng đồng dân cư nơi đây tiến hành thường xuyên, bền bỉ trong suốt chiều dài lịch sử.

Cho đến thời phong kiến, công cuộc trị thuỷ ở Hà Nam cũng như ở đồng bằng sông Hồng nói chung đã có những tiến bộ nhất định và đã được đặt ra trên phương diện nhà nước. Từ thời Lý - Trần đến thời Lê - Nguyễn đều đặt ra các chức quan chuyên lo việc đê điều, thuỷ lợi. Tuy vậy việc tổ chức trị thuỷ và mở mang thuỷ lợi, thuỷ nông vẫn chủ yếu dựa vào cộng đồng các làng xã. Do đó, phần lớn các công trình thuỷ lợi, thuỷ nông mang tính cục bộ, khả năng chống lụt lội, thoát úng và phòng chống thiên tai thấp. Nạn vỡ đê, ngập lụt thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Từ năm Tự Đức thứ 7 đến thứ 11 (1854 - 1858) các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục đều bị nước lụt ngập sâu hơn 10 thước, có chỗ 14 thước, 333 người chết đuối, 6.671 nóc nhà trôi và đổ nát. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), đê xã Bạch Sam, Hoà Khê (huyện Duy Tiên) bị vỡ. Mùa thu năm ấy quãng đê thuộc huyện Duy Tiên từ Dưỡng Hoà đến Lương Cổ dài hơn 10.000 trượng lại vỡ 4 đoạn, còn lại đều sụt lở. Năm Minh Mạng thứ 21(1840) đê sông Con huyện Thanh Liêm vỡ ở địa phận những xã Kiện Khê, Ninh Phú, An Xá dài hơn 17 trượng. Đồng đất Hà Nam hầu hết chỉ cấy được vụ chiêm, còn vụ mùa vẫn thường bị ngập lụt, mênh mông nước.

Đến thời Pháp thuộc, tuy bộ máy quản lý đê điều thuỷ lợi được xác lập và chính quyền thuộc địa đã cho xây dựng một số công trình thuỷ lợi quy mô khá lớn thời bấy giờ như cống Phủ Lý, cống Nhật Tựu, cống Ba Đa (trên sông Nhuệ), đập Phúc trên sông Châu (ở huyện Duy Tiên),... song hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông ở Hà Nam vẫn còn rất yếu kém. Hạn hán, lụt lội vẫn là nỗi lo đè nặng lên cuộc sống của người dân. Phần lớn diện tích lúa vẫn chỉ cấy được một vụ trong năm. Chẳng hạn như ở huyện Bình Lục, việc canh nông “chỉ trông về vụ chiêm”, “vụ tháng mười thì nhiều ruộng bị úng thuỷ, năm nào mưa ít, úng nhỏ thì cấy chia ba được ngót một phần lúa mùa”; năm nào mưa nhiều, nước lớn thì “nước ngập đầy đồng, không tiêu thoát được nên nhiều ruộng để đồng trắng, nước trong”. Năm 1934, cả huyện Bình Lục chỉ cấy được 9.000 mẫu lúa mùa (bằng 27,6% diện tích lúa vụ chiêm), nhưng do mưa nhiều, úng lụt lớn nên bị mất tới 7.000 mẫu(1).

Đến năm 1945, nạn vỡ đê và lụt lội ở Hà Nam vẫn hoành hành dữ dội. Đê Bắc sông Châu bị vỡ ở Lạc Tràng và Quang Âm (huyện Duy Tiên). Các bối Vũ Điện, Thanh Nga, Phương Trì đều bị vỡ. Nước lụt từ tràn về làm cho nhiều nơi trở thành những vùng nước mênh mông. Do vậy, ngay sau Cách mạng tháng Tám, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam đã bắt tay ngay vào việc cải tạo thuỷ lợi, tu bổ đê điều, đào đắp kênh mương phục vụ cho phát triển sản xuất. Những năm từ 1946 - 1954, mặc dù cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ác liệt, nhưng công tác này vẫn được tiến hành một cách ráo riết, thường xuyên. Nhân dân đấu tranh đòi địch phải cho lấp nhiều hố công sự ở mặt đê và chân đê, đắp lại đoạn đê Hữu Bị, sửa các cống ở Lạc Tràng, Thanh Khê và Thanh Nghị(2).

Sau khi Hà Nam được hoàn toàn giải phóng (tháng 7/1954), toàn tỉnh có 6 tuyến đê với tổng chiều dài 272 km theo chiều sông Hồng, sông Đáy, sông Đào, sông Châu và sông Sắt cùng 40 km đê bối. Các đoạn đê Hữu Bị (sông Hồng) Hoành Uyển (sông Châu), Cốc Thành (sông Đào), Bình Điền (sông Sắt) là những đoạn rất xung yếu. Cống 12 cửa ở thị xã Phủ Lý bị Pháp phá hoại ngay trước khi chúng rút chạy. Trước tình hình đó, từ tháng 7 đến tháng 9/1954, tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã tập trung huy động 252.514 ngày công lao động, đào đắp 46.488m3 đất, sử dụng 606 m3 đá hộc, 8.186 cây tre, luồng và nhiều loại vật liệu khác để củng cố đê điều; đắp mới 7 con bối với chiều dài 3km. Các cống lớn và nhiều đoạn đê bối xung yếu đã được tu bổ, như đoạn đê từ Lạc Tràng đến cống Điệp, từ cống Điệp đến Lý Nhân, Bình Lục về Phủ Lý,... Ban chỉ huy phòng chống lụt bão được thành lập từ tỉnh đến các xã. Lực lượng xung kích bảo vệ đê điều được tổ chức thành từng đội để thường trực ứng cứu kịp thời trong mùa mưa bão.

Năm 1955 tỉnh đã thành lập 4 công trường thuỷ lợi lớn trên các tuyến đê sông Hồng, sông Đáy, sông Đào và sông Châu, với lực lượng huy động 20.000 dân công, đào đắp 390.000 m3 đất. Riêng công trường đê quai Hữu Bị đã có 8.000 dân công, 1.000 bộ đội tham gia. Công trình này hoàn thành vào ngày 25/7/1955. Các hệ thống nông giang trong tỉnh cũng được sửa chữa nạo vét. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1955, toàn tỉnh sửa chữa, đào đắp 128 mương, ngòi; hoàn thành cống Liên Mạc trên sông Đáy bảo đảm dẫn nước tưới tiêu cho 5.222 mẫu ruộng. Năm 1955, Hà Nam là tỉnh dẫn đầu công tác thuỷ lợi ở miền Bắc, được Chính phủ khen thưởng và được vinh dự nhận cờ thi đua của Hồ Chủ tịch.

Trong những năm 1956 - 1957, công tác thuỷ lợi, thuỷ nông ở Hà Nam tiếp tục được đẩy mạnh. Thời gian này, tỉnh đã xây dựng đập Cát Tường (huyện Bình Lục), đập Mạc Thượng (huyện Lý Nhân), đào sông Bược và sông Giáp (huyện Duy Tiên), sông Hoàng Tây (huyện Kim Bảng), tu sửa 167 máng cũ, 544 con mương, với tổng chiều dài gần 323 km. Diện tích được tưới tiêu trong tỉnh tăng thêm 5.825 mẫu. Ngày 14-1-1958, Hà Nam được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người khen ngợi cán bộ và nhân dân Hà Nam có nhiều thành tích trong sản xuất và phòng chống hạn, trao cờ thi đua chống hạn khá nhất cho huyện Bình Lục và tặng 9 huy hiệu của Người cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trên mặt trận thuỷ lợi. Người đã thăm cán bộ và nhân dân xã Yên Mỹ (Bình Lục) đang lao động đắp đập Cát Tường để lấy nước cho đồng ruộng.

Những năm tiếp sau, từ 1958 - 1960, toàn tỉnh đã đào mới và nạo vét 750 km mương máng, đắp 2.800 km đường vệ nông, nâng cấp 60 km đê bối và xây mới hàng trăm cầu cống với khối lượng 20 triệu m3 đất đá (gấp 3 lần thời kỳ 1955 - 1957). Huyện Lý Nhân là huyện điển hình về phát triển thuỷ lợi của tỉnh, xã Xuân Khê (của huyện Lý Nhân) trở thành lá cờ đầu toàn miền Bắc về phong trào làm thủy lợi, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Thời kỳ từ 1960 -1964 tỉnh đã thực hiện quy hoạch hệ thống thuỷ lợi, hoàn thành xây dựng cống lớn Phủ Lý và 26 công trình điều tiết thuỷ nông khác, xây dựng 2 trạm bơm ở hữu ngạn sông Đáy (huyện Kim Bảng). Năm 1962, toàn tỉnh đã huy động hom 430 nghìn ngày công, 90 máy bơm các loại, 2.628 guồng nước và 50.264 gầu để phục vụ chống hạn. Huyện Bình Lục huy động 6.000 ngày công nạo vét sông Ngân. Huyện Duy Tiên nạo vét máng Giáp Ba, đắp máng Duy Minh, Bạch Thượng. Huyện Lý Nhân huy động 5.000 ngày công nạo vét máng Mạc Thượng, Đồng Lư, đào đắp máng Hội Đồng, Phú Đa... Năm 1963, tỉnh tiếp tục huy động hơn 700 nghìn ngày công, đào đắp nạo vét 172.650 m3 thuỷ lợi. Ngày 2/1/1963 khởi công xây dựng cống Vĩnh Trị trên sông Sắt (lấy tên là cống Mỹ Tho). Đây là một công trình trong hệ thống thuỷ lợi bắc Nam Định, phục vụ tưới tiêu cho 3.700 ha ruộng của 3 huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên của Nam Định và 3 huyện phía nam của Hà Nam. Huyện Lý Nhân vẫn là huyện có phong trào phát triển thuỷ lợi, thuỷ nông mạnh nhất trong toàn tỉnh.

Tính chung trong 3 năm, từ 1961 đến 1964, vốn đầu tư cho thuỷ lợi của tỉnh là 4 triệu đồng, chiếm 70% vốn cho nông nghiệp và gấp 4 lần số vốn cho thuỷ lợi từ năm 1958 -1960. Toàn tỉnh đã củng cố, xây dựng trên 3.400 công trình thuỷ nông các loại, trong đó 600 kênh mương dài 1.010km, hơn 2.000 bờ vùng dài 1.980km, trên 1.000 cầu cống, huy động hơn 12 triệu ngày công, đào đắp trên 23 triệu m3 đất (gấp 2 lần thời kỳ 1958 - 1960 và gấp 5 lần thời kỳ 1955-1957). Kết quả của những nỗ lực này là đã có hơn 1.500 ha ruộng chỉ cấy được một vụ trước đây nay đã canh tác được 2 - 3 vụ.

Năm 1964, Nhà nước đầu tư và xây dựng một đường điện cao thế 35 KV từ Văn Điển đi Hà Nam - Nam Định và 7 trạm bơm điện với 175 máy nhằm tiêu úng cho 7.536 ha và chống hạn cho 11.880 ha đất canh tác (trạm bơm cầu Sắt 48 máy, cầu Ghéo 38 máy, Tiên Tân 5 máy, Kim Bình 12 máy, Bược 24 máy và Bích Trì 24 máy). Đến cuối năm 1964 đã có 132 xã và 99,5% HTX nông nghiệp xây dựng xong quy hoạch thuỷ lợi, có 97,5% số HTX đã tổ chức được đội thuỷ lợi chuyên môn. Tổng khối lượng đào đắp thuỷ lợi của cả tỉnh lên đến 11,6triệu m3 đất với gần 7 triệu ngày công (bình quân đầu người đào đắp 26,77m3 gấp 2 lần năm 1962); xây dựng 11 trạm bơm điện (với 89 máy bơm) và trang bị, lắp đặt 144 máy bơm dầu ở các trạm bơm nhỏ. Trên 37.457 ha đất canh tác được tưới tiêu chủ động.

Từ năm 1965, sau khi sáp nhập tỉnh với Nam Định, việc phát triển thuỷ lợi, thuỷ nông trên địa bàn Hà Nam vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Tháng 11-1965, khởi công xây dựng trạm bơm Hữu Bị với 4 máy, công suất 25.000m3/h/máy. Công trình gồm trạm biến thế, cống, đập, âu thuyền, hệ thống bối và trạm đặt máy bơm. Khối lượng đào đắp và xây dựng là 180.000m3 đất; 5.643 m3 bê tông. Công trình này đã góp phần quan trọng vào việc cải tạo đồng ruộng của các huyện phía Nam của Hà Nam, tạo thuận lợi cho việc thâm canh, tăng vụ và đưa giống mới vào sản xuất đại trà.

Cũng trong thời gian này, các địa phương trên địa bàn của tỉnh đã tập trung cải tạo đồng ruộng, hình thành các vùng tưới tiêu chủ động liên hoàn. Hoàn thành nạo vét, đào đắp mương máng cấp I, cấp II và một phần máng cấp II của hệ thống Liên Mạc và Mộc Nam, hoàn thành hệ thống tiêu úng và các trạm bơm điện nhỏ, hoàn thành lắp đặt máy móc, thiết bị cho trạm bơm Hữu Bị và Vĩnh Trị, khởi công xây dựng hai công trình đầu mối là Như Trác và Nham Tràng. Tiếp tục tu bổ, củng cố vững chắc đập Đồng Sơn, cống Hang Luồn, hoàn thành quy hoạch tưới tiêu các trạm bơm Thi Sơn, Châu Sơn, La Mát. Chuyển các trạm bơm dầu Thi Sơn, Khả Phong, Phù Vân thành trạm bơm điện, đồng thời xúc tiến nghiên cứu xây dựng đập chứa nước Đồng Thượng, hệ thống tiêu cho khu vực La Phúc... Năm 1970, tỉnh đã tổ chức được lực lượng phòng chống bão lụt lên đến gần 55.000 người, chia thành 2.171 đội, trong đó có 790 đội xung kích được trang bị đầy đủ phương tiện, canh trực thường xuyên để sẵn sàng đối phó với bão lụt. Nhờ những nỗ lực to lớn này mà Hà Nam đã tránh được trận lũ lớn ở đồng bằng sông Hồng năm 1970.

Tuy vậy, những trận bão lụt lớn liên tiếp trong những năm 1970 - 1971 đã làm cho hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông trên địa bàn của tỉnh bị đe dọa nghiêm trọng. Năm 1971, 3 trận bão lớn liên tiếp đổ bộ vào Hà Nam làm ngập lụt tới gần 3 vạn ha ruộng tại các huyện Kim Bảng, Duy Tiên, Lý Nhân, Thanh Liêm và Bình Lục. Ngày 22-8-1971 đê sông Hồng ở Lý Nhân, Duy Tiên bị tràn 21 đoạn với chiều dài 16,9km; 18 đoạn bị sụt với chiều dài 3,9km, có 6 đoạn bị mạch sủi, lỗ rò rỉ, có chỗ đường kính tới 15 cm. Đê sông Đáy đoạn ở huyện Kim Bảng bị sạt 3 đoạn dài 120m, nứt mặt ở Kim Thượng. Đê sông Nhuệ, sông Châu nước dâng cao gây tràn bờ. Đê sông Nhuệ ở Hoàng Đông, Hoàng Tây cũng bị vỡ. Đê Hoành Uyển phải cơi nới, có 5 đoạn sạt lở nên phải đắp thành 2 tuyến phòng ngự. Đê Bắc sông Châu phải khơi con trạch chống tràn, nhiều đoạn ở Lạc Tràng bị sạt. Cống Hữu Bị bị tràn cánh. Các cống Gốm (huyện Kim

Bảng), cầu Gừng, Tri Ngôn, Trung Thứ (huyện Thanh Liêm) đều bị rò rỉ. Các địa phương trong tỉnh lúc bấy giờ đã phải huy động đào đắp mỗi ngày từ 70 - 80 nghìn m3 đất, 73.000 cây tre/120.000 bao tải, hơn 1.000 m3 đá hộc và hàng nghìn phương tiện vận tải cho đợt phòng chống lụt bão này.

Để nâng cao hơn nữa khả năng phòng chống thiên tai, đảm bảo tốt hơn cho sản xuất và đời sống của nhân dân, từ năm 1972, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển đồng bộ hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông trên địa bàn; đồng thời thành lập các đội thuỷ lợi chuyên trách (gọi tắt là Đội 202) để thường trực đảm nhiệm công việc thuỷ lợi, thuỷ nông. Các đoạn đê chính phải đào đắp thời gian này là đoạn đê Hữu Bị dài 300 m, đoạn đê Như Trác dài 1.000 m, cống Phủ Lý dài 600 m, cầu Đoạn Vĩ dài 400 m. Cũng để hạn chế thiên tai, tỉnh tập trung củng cố khép kín các tuyến đê, khoanh vùng ở tuyến 1 từ đường 38 Hữu Bị theo đê Ất Hợi, Nam sông Châu đến An Bài theo tả ngạn sông Sắt về Vĩnh Trụ; tuyến từ cầu Giẽ đến Hoành Uyển đi theo bờ Bắc sông Châu về Phủ Lý; tuyến từ trạm bơm Như Trác về Đinh Xá... Các trạm bơm Vĩnh Trụ, Lạc Tràng, Như Trác và các cống như cống Quế, cống Mộc Nam, Vũ Xá, Phủ Lý... tiếp tục được gia cố, bảo vệ. Mỗi huyện tổ chức một lực lượng từ 250 - 300 người để ứng cứu đê khi có báo động cấp III hoặc khi đê bị máy bay địch đánh phá. Lực lượng hộ đê của tỉnh có hơn 1.000 người biên chế thành 5 đội xung kích và 1 đội cơ giới thường trực ở khu vực Như Trác.

Đến giữa những năm 1970, phần lớn diện tích canh tác ở Hà Nam đã được tưới tiêu nước chủ động. Huyện Bình Lục có diện tích được tưới nước thuỷ lợi là 9.984 ha chiếm 76% diện tích canh tác; diện tích được tiêu nước bằng thuỷ lợi là 10.444 ha đạt 79,6%. Huyện Kim Bảng có diện tích được tưới là 5.638 ha, đạt 69,5%; diện tích được tiêu là 5.968 ha, chiếm 73,6%. Diện tích được tưới bằng thuỷ lợi ở huyện Lý Nhân là 6.289 ha (67%) và tiêu là 6.263 (66%); ở huyện Duy Tiên là 6.570 ha (79,8%) và 6.699 ha (81,3%); ở huyện Thanh Liêm là 5.405 ha (62,9%) và 5.532 ha (đạt 64,4%). Thị xã Phủ Lý có diện tích được tưới bằng thuỷ lợi là 123 ha và tiêu bằng thuỷ lợi là 183 ha. Đến năm 1976, hầu hết các địa phương trên địa bàn Hà Nam đã căn bản hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông.

Từ sau khi tái lập tỉnh (1997), hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông của Hà Nam tiếp tục được hoàn thiện và nâng cấp theo hướng kiên cố hoá. Năm 2001, Hà Nam làm mới cống Vũ Điện, cống Phương Trà, sửa chữa cống chợ Xưa, Lý Nhân và Mộc Nanh, đưa vào sử dụng các trạm bơm Yên Lệnh, Võ Giang Hữu Bị II, An Đổ và nhiều trạm bơm nhỏ ở các xã. Sửa chữa 217 cống, sửa chữa và nâng cấp 73 trạm bơm quy mô từ 1.000m3/ha. Hệ thống thuỷ nông đã đảm bảo tưới tiêu cho 38.063 ha lúa đạt 103% kế hoạch, 11.191 ha cây vụ đông đạt 86,1% kế hoạch, góp phần đưa năng suất cả năm đạt 105 tạ/ha.

Đến năm 2002, Hà Nam đã có 303,3 km kênh các loại được kiên cố hoá với kinh phí 141,4 tỷ đồng. Cũng trong năm 2002, toàn tỉnh đã đào đắp 198.480m3 đất tu bổ cho hệ thống đê điều, trong đó đê sông lớn là 67.703m3 đê sông con là 34.777m3. Nạo vét, tu sửa kênh mương các loại với khối lượng đào đắp được trên 1,3 triệu m3 đất; sửa chữa 177 công trình cống đập, xi phông, cầu máng với kinh phí 2.644 tỷ đồng. Trung tiểu tu 745 máy bơm và 56 nhà trạm.

Đến nay, hệ thống đê điêu và thuỷ lợi, thuỷ nông của Nam Hà gồm có các hệ thống, công trình chủ yếu:

-    Đê, bối sông gồm có: Đê cấp I (sông Hồng) dài 38,973 km; đê cấp II (sông Đáy) dài 49.516 km. Đê cấp IV, cấp V gồm đê Sông Nhuệ dài 22,9 km; sông Châu dài 29 km (không kể sông Châu là trục tiêu của trạm bơm Hữu Bị I và Hữu Bị II) và đê sông Hoành Uyển (huyện Duy Tiên) 16,7 km. Bối sông Hồng dài 23,3 km; bối sông Đáy dài 22,4 km, bối sông Châu là 25,1 km.

-    Mỏ đá kè đê sông Hồng có 34 mỏ. Kè lát mái hệ bờ dài 3.571m trong đó sông Hồng là 1.381m và sông Đáy là 2.190m. Tường kè sông Đáy 4.295m, trong đó tường kè bê tông là 3.450 và tường đá là 845m.

-    Hệ thống cống dưới đê gồm: 10 cống đê sông Hồng, 22 cống đê tả sông Đáy và 158 cống trên đê các sông con.

-    Hệ thống các công trình thuỷ nông chính gồm: Kênh tưới dài 3.065 km, trong đó kênh tưới cấp I là 143 km; kênh tưới cấp II là 334 km. Kênh tiêu là 1.458 km, trong đó kênh tiêu cấp I là 235 km, cấp II có 580 km và kênh tiêu cấp III là 389,5km. Toàn tỉnh hiện có 331 trạm bơm với 995 máy các loại công suất từ 540 m3 đến 32.000 m3/h/máy.

Hệ thống tổ chức quản lý, khai thác và phát triển thuỷ lợi, thuỷ nông ở Hà Nam hiện nay gồm có: Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Nam Hà Nam, Công ty Khai thác công trình thuý lợi Kim Bảng và Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Duy Tiên; với tổng số cán bộ, công nhân viên là 329 người, trong đó có 38 người có trình độ đại học. Trong đó, Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Nam Hà Nam trực thuộc điều hành của Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Nam Hà, với hệ thống công trình đầu mối gồm 9 trạm bơm, 8 trục sông tiêu chính với tổng chiều dài 115 km, 1 kênh tưới chính Hữu Bị dài 8,7 km, 8 đập điều tiết phân lưu, có nhiệm vụ tưới tiêu cho 17.617 ha của 3 huyện Lý Nhân, Thanh Liêm và Bình Lục. Ngoài ra, Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Nam Hà còn đảm nhận tưới tiêu nước cho 3 huyện của tỉnh Nam Định là Ý Yên, Vụ Bản và Mỹ Lộc với diện tích tưới tiêu là 22.597,2 ha.

Việc phát triển thuỷ lợi, thuỷ nông đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn, xoá đi hình ảnh của những vùng đất Hà Nam xưa “quanh năm chiêm khê, mùa úng”. Đó là biểu hiện của lòng kiên trì, sức sáng tạo và tinh thần lao động bền bỉ của các thế hệ người Hà Nam trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương.

•     Các công trình thuỷ lợi, thuỷ nông quan trọng ở Hà Nam

•     Đê sông Hồng và sông Đáy: Đê sông Hồng trên địa bàn Hà Nam dài 38,973 km, từ xã Mộc Bắc (huyện Duy Tiên) đến Hoà Hậu (huyện Lý Nhân). Đoạn đê này còn có 23,3 km đê bối, 10 cống dưới đê và các trạm bơm tưới, tiêu quan trọng như Yên Lệnh, Như Trác... Đê sông Đáy, dài 49.516 km, từ xã Tân Sơn (huyện Kim Bảng) đến xã Thanh Hải (huyện Thanh Liêm). Đoạn đê này có 22 cống dưới đê và nhiều công trình, trạm bơm thuỷ lợi khác.

•     Trạm bơm Như Trác và hệ thống kênh máng Điện Biên: Trạm bơm nằm trên địa bàn xã Nhân Thịnh (huyện Lý Nhân) được xây dựng từ năm 1964 - 1967. Trạm có 6 máy, công suất 11.000 m3/h/máy, có nhiệm vụ tưới và tiêu cho 6.800 ha với lưu lượng 13,03m3/s. Hệ thống kênh máng dài hơn 30 km, tưới nước cho các xã ở huyện Bình Lục.

•     Trạm bơm Hữu Bị: Xây dựng đầu tháng 11/1965 nằm trên địa bàn xã Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) trạm có 4 máy, công suất mỗi máy 32.000 m3/h, lưu lượng thiết kế: tiêu 35,56 m3/s, tưới 17,78 m3/s. Trạm phục vụ tưới cho 2.900ha và tiêu cho 8.400 ha của Hà Nam.

•                   Trạm Bấy Cửa thuộc địa bàn xã Trác Văn (huyện Duy Tiên), công suất 37.000 m3/h.

•      Trạm bơm Bược I, Bược II: Tổng công suất 45.000 m3/h và trạm bơm Lạc Tràng công suất 29.000 m3/h thuộc địa bàn xã Lam Hạ (thị xã Phủ Lý).

•      Trạm bơm Nham Tràng thuộc xã Thanh Tân (Thanh Liêm), được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ XX. Trạm có 6 máy, công suất 11.000 m3/máy. Trạm có nhiệm vụ tưới tiêu cho 6.037 ha với lưu lượng thiết kế tưới 6,53m3/s và tiêu 23, 7 m3/s.

•      Các công trình mới được xây dựng, cải tạo, nâng cấp từ 1990 đến nay

•      Trạm bơm Quế (huyện Kim Bảng) với 9 máy, mỗi máy 8.000 m3/h và trạm bơm Lạc Tràng (huyện Duy Tiên) với 10 máy, mỗi máy 8.000m3/h, xây dựng từ 1990-1993.

•      Trạm bơm Đinh Xá (huyện Bình Lục) với 12 máy, mỗi máy 4.000m3/h, bổ sung trạm bơm Triệu Xá (huyện Thanh Liêm) với 5 máy mỗi máy công suất 4000 m3/h; xây dựng từ 1995 - 1997.

•      Trạm bơm Võ Giang (huyện Thanh Liêm) có 5 máy, công suất mỗi máy 8.000 m3/h, xây dựng từ 1998 - 2000.

Trạm bơm Yên Lệnh: Nằm trên địa bàn xã Chuyên Ngoại huyện Duy Tiên được khởi công tháng 3/1997 với công suất thiết kế 81.000 m3/h, tổng kinh phí đầu tư 36,5 tỷ đồng. Tháng 1/2001 công trình được đưa vào sử dụng, công trình gồm: bể hút, bể xả, kênh dẫn, cống xá qua đê... Trạm bơm đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho hơn 8.000 ha đất canh tác của 2 huyện Duy Tiên (Hà Nam) và Phú Xuyên (Hà Tây) đồng thời giúp các địa phương có thể chủ động lấy nước phù sa sông Hồng để cải tạo đất.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy