Vai trò nêu gương của người đứng đầu trong hoạt động tiếp công dân

Công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã từng bước đi vào nền nếp, cơ bản bảo đảm phát huy quyền dân chủ của nhân dân, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Qua đó, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại cơ sở, tạo sự đồng thuận thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Vai trò nêu gương của người đứng đầu trong hoạt động tiếp công dân
Lãnh đạo huyện Kim Bảng tiếp công dân định kỳ hằng tháng, giải quyết đơn thư KNTC của người dân.

Quan điểm lấy dân làm gốc luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu và coi đó là phương thức gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Tại hội nghị cán bộ Thanh tra miền Bắc năm 1958, Người nói: “Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta giải quyết nhanh, tốt chừng nào thì đồng bào mới thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ cũng được củng cố tốt hơn”. Từ lời dạy của Bác, liên hệ thực tiễn hiện nay cho thấy, ngay từ công tác tiếp dân, người cán bộ tiếp dân, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải có trách nhiệm lắng nghe ý kiến của người dân đến khiếu nại, tố cáo (KNTC); hướng dẫn, giải thích về pháp luật cho công dân và giải quyết nhanh, tốt vụ việc một cách thấu tình đạt lý. Nếu làm tốt công tác tiếp dân sẽ khắc phục được phần nào tình trạng đơn thư KNTC vượt cấp, khiếu kiện đông người, đồng thời xây dựng hình ảnh người cán bộ “trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với nhân dân”.

Những năm gần đây, nhiều dự án lớn của tỉnh đã và đang được triển khai trên địa bàn huyện Kim Bảng, nhờ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Tuy nhiên, do liên quan đến giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, số đơn thư kiến nghị, KNTC về công tác thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ và tái định cư có chiều hướng gia tăng. Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Kim Bảng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thường xuyên rà soát tổng hợp đơn thư kiến nghị, phản ánh của công dân để xem xét, chỉ đạo giải quyết. Cùng với đó, huyện đã ban hành Quy chế tiếp công dân, đưa ra bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên trong hoạt động tiếp công dân. Kết quả đánh giá công tác tiếp công dân cũng là một tiêu chí chiếm thành phần điểm lớn để đánh giá công tác cải cách hành chính tại các địa phương.

Ngoài ra, theo đồng chí Phạm Hồng Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kim Bảng, thông qua các buổi tiếp dân định kỳ và đột xuất, cán bộ lãnh đạo huyện sẽ kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là các nội dung người dân quan tâm, như: việc điều chỉnh quy hoạch đất đai; đền bù và giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn huyện; các vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai; vệ sinh môi trường... để kịp thời chỉ đạo các địa phương trên địa bàn huyện tập trung giải quyết, tránh để người dân bức xúc, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Không chỉ vậy, ở Kim Bảng, sau khi kết thúc buổi đối thoại với người dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, ban hành thông báo kết luận, các văn bản có liên quan về kết quả hội nghị đối thoại gửi tới công dân và các đơn vị có liên quan; thông báo trên cổng thông tin điện tử của huyện để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Qua đó, làm cơ sở chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND cấp xã tổ chức giải quyết, trả lời thỏa đáng những nội dung kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật, cốt lõi hướng đến sự hài lòng của người dân.

Ông Nguyễn Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (Kim Bảng) cho biết: Không chỉ thông qua các buổi tiếp dân thường kỳ, lãnh đạo xã còn nhanh chóng nắm bắt tình hình ở các thôn, xóm thông qua các tổ chức chính trị - xã hội để có thể kịp thời trả lời những lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết. Những vấn đề không thuộc thẩm quyền, chúng tôi sẽ làm văn bản báo cáo cấp trên. Với các vụ việc tranh chấp dân sự, chúng tôi luôn cố gắng tiến hành hòa giải, tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu và thực hiện. Nhờ đó, qua nhiều năm, xã không để tồn đọng đơn thư KNTC, nhân dân ủng hộ, đồng tình với các hoạt động, phong trào của địa phương.

Đến nay, không chỉ ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bảng, mà 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã có phòng tiếp dân được trang bị đầy đủ trang, thiết bị (máy tính kết nối internet, camera giám sát, bảng niêm yết số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý…), bảo đảm phục vụ tốt nhất cho công tác tiếp công dân. Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đi vào nền nếp, nhiều vụ việc phức tạp được giải quyết ngay từ cơ sở, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhân dân. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019, Hà Nam có 2 chỉ số thành phần nằm trong nhóm có số điểm trung bình thấp và thấp, trong đó “Trách nhiệm giải trình với người dân” chỉ đạt 4,9/10 điểm. Trong thành phần “Trách nhiệm giải trình với người dân”, yếu tố tiếp cận dịch vụ tư pháp chỉ đạt 1,86 điểm, yếu tố tương tác với các cấp chính quyền nằm ở mức trung bình thấp 1,87 điểm. Không chỉ trên số liệu, thực tế cũng cho thấy, nhiều vụ việc liên quan đến đất đai, môi trường, tranh chấp tài sản ở một số địa phương còn chưa được xử lý kịp thời, thỏa đáng; hiện tượng chồng chéo, sai sót trong công tác xử lý đơn thư vẫn còn xảy ra; rất cần sự sâu sát hơn nữa của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn liên quan. 

Công tác tiếp dân là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Do đó, trước hết cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, KNTC của công dân. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành trong giải quyết KNTC của công dân; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật để người dân hiểu và chấp hành đúng quy định pháp luật; đặc biệt thường xuyên chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức khi tiếp xúc, trao đổi với người dân… Thực tế cho thấy, nơi nào làm tốt công tác tiếp công dân sẽ phát huy được nguồn lực của địa phương, tạo nên khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm ổn định an ninh chính trị thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.