Sức sống văn hóa Đảng

Dân tộc Việt Nam chúng ta đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, có tài liệu nói 4000 năm lịch sử. Trong quá trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, qua nhiều thời đại khác nhau, dân tộc ta đã xây dựng nên một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng.

Đó là nền văn hóa tiền sử - văn hóa Văn Lang - Âu Lạc - văn hóa thời kỳ Bắc thuộc - văn hóa Đại Việt - văn hóa Đại Nam - văn hóa hiện đại. Gắn liền với các nền văn hóa của các thời đại là các nền văn hóa, văn minh khác nhau và các giá trị tuyền thống vô cùng quý báu được nhân dân gìn giữ, lưu truyền, phát triển qua các thời đại, ngày nay trở thành báu vật của dân tộc chúng ta, góp phần làm nên sức mạnh Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ở Thủ đô Hà Nội (năm 1960). Ảnh tư liệu

Văn hóa Việt Nam hiện đại gắn bó chặt chẽ với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu chỉ kể từ ngày thành lập đến nay (3/2/1930-3/2/2020), Đảng ta tròn 90 tuổi. Thế nhưng nếu tính từ ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bước chân xuống con tàu buôn tại Bến cảng Nhà Rồng để tìm đường cứu nước thì đã là 109 năm. Nếu tính từ mùa thu năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp) thì đến nay đã là 100 năm. 

Từ năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ nhiều công sức chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức mà trước hết là sự lựa chọn, huấn luyện và đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên - cải tổ Tâm Tâm Xã, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên năm 1925 – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định rằng một thế kỷ đã qua, từ những năm 20 của thế kỷ XX, một luồng gió mới với tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin được Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh tiếp thu và truyền bá vào Việt Nam, đã mở ra thời đại phát triển mới của cách mạng Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh với một nền văn hóa mới: văn hóa Đảng.

Khái niệm “văn hóa Đảng” được các nhà nghiên cứu Mác-xít chỉ ra và đề cập trong các cuộc hội thảo khoa học, các bài viết sau khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ. Người ta chỉ ra những nguyên nhân của sự đổ vỡ này, trong đó xét dưới góc độ văn hóa thì những người cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu đã không theo những nguyên tắc và tiêu chuẩn văn hóa Đảng. Thế nhưng, khi đối chiếu các nguyên tắc, tiêu chuẩn này với Đảng Cộng sản Việt Nam thì ngay từ đầu và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta vẫn duy trì nguyên tắc và thường xuyên điều chỉnh đường lối của mình theo văn hóa Đảng. Có nhiều yếu tố làm nên nội hàm của văn hóa Đảng.

Trong 100 năm qua, Đảng ta luôn luôn xây dựng và hoàn thiện để trở thành một đảng có đủ tiêu chuẩn để đáp ứng đòi hỏi của xã hội Việt Nam, với những mục đích nhân đạo, nhân văn, nhân bản làm định hướng lý tưởng, nghĩa là Đảng lấy văn hóa làm cái đích cuối cùng. Nói đến văn hóa của Đảng ta là nói đến cái cốt lõi và cũng là sắc thái bao trùm của công tác xây dựng Đảng.

Ý nghĩa nhân văn nằm trong lý do ra đời, sự tồn tại và trong toàn bộ mục tiêu, bản chất của Đảng ta. Được sinh ra và nuôi dưỡng trong lòng dân tộc với hàng nghìn năm văn hiến, Đảng ta không có mục đích nào khác ngoài việc ta lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người đem lại hạnh phúc cho nhân dân làm mục tiêu tối thượng. Mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Chính vì thế, Đảng ta là đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và lợi ích của cả dân tộc. Các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc, tôn giáo trên đất nước Việt Nam gắn tương lai của mình, giao phó sứ mạng của mình cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính điều này làm nên sức mạnh của Đảng. Trên thế giới, không có đất nước, dân tộc nào như dân tộc Việt Nam khi gọi đảng cầm quyền là “Đảng ta”: Đảng của chúng ta; Đảng của dân tộc ta; Đảng của nhân dân ta...

Vấn đề cốt lõi trong văn hóa Đảng là “đảng tiên phong” hay “vai trò tiên phong của Đảng ta”. Trong một thế kỷ qua, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng ta luôn luôn đóng vai trò tiên phong dẫn dắt nhân dân, dân tộc đi lên. Vai trò tiên phong của Đảng thể hiện trong bất kỳ giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử nào, Đảng ta luôn luôn là nơi tập hợp những người con của dân tộc có giác ngộ trước về tri thức, có trình độ hiểu biết trước, có ý chí, tinh thần nhiệt tình, có khả năng giác ngộ, tổ chức, tập hợp quần chúng, nhân dân để thực hiện lý tưởng vì nước, vì dân, vì dân tộc. Trong thời đại ngày nay, thời đại của kinh tế tri thức, Đảng càng cần tập hợp cho được những trí thức tiên phong, góp phần củng cố, tăng cường vai trò tiên phong của Đảng. Trong mối quan hệ này, không bao giờ luôn luôn tỏ mình là người sáng suốt nhất, mà Đảng biết tập hợp được những con người, những ý kiến sáng suốt nhất trong một khối quần chúng, nhân dân vĩ đại và biến những ý kiến đó thành những nhận định, kinh nghiệm và quyết định đúng đắn nhất, có sức thuyết phục nhất. 

Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ là thể hiện tinh thần của văn hóa Đảng cũng như sức sống của Đảng. Qua thực tiễn hoạt động của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế cũng như kinh nghiệm của Đảng ta, chế độ tập trung dân chủ được coi như là rường cột của mọi hoạt động trong Đảng. Trên bình diện văn hóa, nguyên tắc tập trung dân chủ là biểu hiện sáng rõ trí tuệ của mọi tổ chức, cấp ủy đảng, nơi kết tinh trí tuệ của đảng viên và quần chúng. Đó là đỉnh cao của văn hóa Đảng. Đối lập với nguyên tắc tập trung dân chủ là xu hướng sùng bái cá nhân, tập trung quyền lực vào trong tay một nhóm người hoặc một người đứng đầu, từ đó nếu không được ngăn chặn sẽ là tình trạng lạm dụng quyền lực một cách không giới hạn. Suy cho cùng, đó là sự vi phạm đạo đức trong văn hóa Đảng, mở ra cho sự vi phạm đạo đức xã hội, đạo đức của một công dân. Qua những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong các tổ chức đảng ở nước ta những năm qua, một trong những biểu hiện trước hết là xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ - biểu hiện của phản văn hóa Đảng.

Đảng phải là biểu hiện của văn hóa và phẩm chất và đạo đức của dân tộc. Về bản chất, Đảng không những tuân thủ những phẩm chất của giai cấp lãnh đạo cách mạng mà trong mỗi đảng viên đều mang trong mình và phấn đấu để trong bản thân mình thể hiện những giá trị đạo đức của dân tộc. Điều này thể hiện ở các khía cạnh như tính tiên phong, nhân văn, nhân đạo, tương thân tương ái, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, mình vì mọi người, vào Đảng là để hy sinh, phục vụ, vừa là người lãnh đạo, vừa làm công bộc và đầy tớ thật trung thành của nhân dân, vào Đảng hay hoạt động trong tổ chức đảng không phải để “làm quan phát tài”. Ngay ở một số đảng không cầm quyền, người ta cũng xác định rằng: những người hoạt động chính trị của đảng cộng sản không phải để “leo lên” hay để “có được những bàn tay đầy” mà là “tự nguyện nhận lấy trách nhiệm chính trị vì dân”. Đảng ta ngay từ trước khi thành lập đến nay luôn luôn lấy đạo đức cách mạng làm tiêu chuẩn hàng đầu, đức “là gốc” của người cán bộ. Mấy chục năm trước, Bác Hồ đã khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no...”. 

Những năm qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực... làm xấu đi hình ảnh người đảng viên trong con mắt quần chúng, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta trước nhân dân. Không nghi ngờ gì nữa, những biểu hiện của phẩm giá, đạo đức đời thường của đảng viên, của tổ chức, cấp ủy đảng là biểu hiện cụ thể và có ảnh hưởng bậc nhất của văn hóa Đảng. Rất cần được giữ gìn như chính sinh mạng chính trị của mình.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng đầy thú vị và vô cùng ý nghĩa là: hằng năm, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam lại thường trùng vào dịp Tết Nguyên đán - cái Tết to nhất của người Việt từ xưa đến nay, đồng thời cũng là sự hội tụ rất nhiều nét văn hóa độc đáo của 54 dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào mùa Xuân - một mùa với thời tiết ấm áp, tạo điều kiện cho muôn loài sinh sôi, nảy nở và phát triển. Mừng Đảng, mừng Xuân đã thành thông lệ hay một nét văn hóa trong cuộc sống hằng ngày của dân tộc ta. Vì thế, câu hát “Đảng cho ta mùa Xuân” đã đúng cả về nghĩa đen và nghĩa bóng trong bối cảnh lịch sử ở nước ta. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng mang đậm nét đặc trưng văn hóa Việt Nam.

Có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc Việt Nam chúng ta có một vị thế như ngày nay cả về địa - chính trị, kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội, đối ngoại, an ninh - quốc phòng. Có được vị thế như hôm nay, công đầu thuộc về Đảng ta - người đã lãnh đạo, tổ chức nhân dân trên mỗi chặng đường lịch sử và đang hướng tới một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Dù sau này những thứ đó có thể qua đi, nhưng thứ còn lại mãi mãi với dân tộc là văn hóa Đảng - một phần của văn hóa dân tộc. Sẽ là thiếu sót khi không nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Xin trích câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã viết trong tập Gió Lộng (1961): “Cảm ơn Người, Hồ Chí Minh vĩ đại/Bốn nghìn năm, ta lại là ta/Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Vũ Lân

Vũ Lân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.