Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ phù hợp với thực tế đời sống

Hiện nay, việc thực hiện Luật GTĐB 2008 phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế. Để thống nhất, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông, việc sửa đổi luật theo hướng sát hợp với thực tế đời sống hiện nay là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết.

Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 qua quá trình triển khai, áp dụng trong thực tế đời sống đã cơ bản đáp ứng sự phát triển nhanh chóng về kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ và trật tự an toàn giao thông (TTATGT); phục vụ tốt cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH), bảo đảm an ninh - quốc phòng; góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ trong bối cảnh số phương tiện tham gia giao thông gia tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện Luật GTĐB 2008 phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế. Để thống nhất, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông, việc sửa đổi luật theo hướng sát hợp với thực tế đời sống hiện nay là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết.

Thực hiện Luật GTĐB 2008, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ, liên tục nhiều chủ trương, giải pháp về TTATGT, tạo chuyển biến rõ nét trong ý thức chấp hành pháp luật của người dân, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí, không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, góp phần phát triển KT - XH của tỉnh. Tuy nhiên, những chuyển biến về tình hình TTATGT chưa thực sự bền vững, còn nhiều diễn biến phức tạp, TNGT còn ở mức cao và nghiêm trọng (nhất là về số người chết); tình trạng vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều hạn chế; lưu lượng phương tiện tham gia GTĐB tăng đột biến  trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây ùn ứ trên một số tuyến đường thuộc TP Phủ Lý như nút giao Liêm Tuyền, nút giao Trần Thị Phúc với đường sắt Bắc Nam và tại các trạm thu phí trên địa bàn tỉnh…

Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ phù hợp với thực tế đời sống
Đồng chí Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh phát biểu tham luận tại hội thảo khoa học Luận cứ khoa học, thực tiễn của việc xây dựng Dự án Luật TTATGT đường bộ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số quy định của Luật GTĐB 2008 không còn phù hợp với thực tế, dẫn đến khó khăn cho công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng chức năng. Cụ thể, một số quy tắc giao thông như quy định về sử dụng làn đường, dừng, đỗ xe trên đường phố, chuyển hướng, vượt xe, nhường đường tại nơi đường giao nhau, sử dụng đèn tín hiệu… chưa đầy đủ, chưa sát với thực tiễn, dẫn đến khó khăn trong nhận thức và thực thi pháp luật. Luật GTĐB 2008 chưa quy định đầy đủ, cụ thể một số chế định bảo đảm TTATGT, như: Giải quyết TNGT, tổ chức, chỉ huy điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về TTATGT… Việc quản lý người lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông. Trong nhiều vụ TNGT, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe… 

Thực tế từ năm 2008 đến nay, phương tiện giao thông liên tục tăng nhanh, chủ yếu là phương tiện cá nhân. Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh đã đăng ký trên 30 nghìn ô tô, 400 nghìn mô tô, hơn 30 nghìn xe điện, gấp 5 lần so với những năm 2008 trở về trước. Trong khi đó, Luật GTĐB 2008 chưa có các chính sách, biện pháp, quy định cụ thể về phát triển phương tiện để bảo đảm đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng (đường sá, điểm đỗ xe). Cùng với đó, hiện nay chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ, việc đầu tư ứng dụng công nghệ thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Luật GTĐB 2008 cũng không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, nhất là công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh trật tự, TTATGT, hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. 

Bên cạnh đó, về kết cấu hạ tầng GTĐB không đồng bộ, chưa đáp ứng được tốc độ phát triển KT - XH. Một số dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ, tính kết nối trong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu đồng bộ, nhiều tuyến đường (nhất là vùng nông thôn) quy mô kỹ thuật thấp, chưa được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT. Trong khi đó Luật GTĐB 2008 bao gồm 3 lĩnh vực lớn (ATGT, kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ), có đối tượng điều chỉnh khác nhau, do đó khi được điều chỉnh trong cùng một luật thì khó có thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng cho từng lĩnh vực; dẫn đến việc phải ban hành nhiều văn bản dưới luật, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện.

Từ thực trạng trên đòi hỏi việc sửa đổi Luật GTĐB 2008 thành các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể là yêu cầu nhiệm vụ tất yếu, khách quan và cấp bách. Hiện nay, Luật GTĐB 2008 đang được lấy ý kiến các nhà khoa học, bộ, ngành, địa phương và nhân dân sửa đổi theo hướng tách thành 2 luật mới: Luật Đường bộ (do Bộ GTVT soạn thảo); Luật TTATGT đường bộ (do Bộ Công an soạn thảo). Khi tách thành 2 luật riêng biệt có thể thấy rõ nhiều ưu điểm như: 2 lĩnh vực TTATGT và xây dựng kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ được tách bạch, phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa 2 luật quy định cụ thể, rành mạch về trách nhiệm, tổ chức bộ máy; bảo đảm cho 2 lĩnh vực quản lý nhà nước được thực hiện hiệu lực, hiệu quả. 

Trong đó, Dự án Luật TTATGT đường bộ quy định, điều chỉnh bổ sung một số quy định mới, phù hợp thực tiễn về: Hệ thống báo hiệu đường bộ và quy tắc GTĐB; điều kiện tham gia GTĐB và người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB; chỉ huy, điều khiển GTĐB bảo đảm TTATGT; công tác giải quyết TNGT đường bộ (trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan, người có mặt tại hiện trường; phát hiện, xử lý tin báo, cứu nạn cứu hộ TNGT…); cải cách phương thức, hoạt động tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại; nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử và các dịch vụ công trực tuyến sẽ được triển khai áp dụng trong thời gian tới…

Việc tách Luật GTĐB 2008 thành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, bảo đảm cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý. Tại Hà Nam, việc nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến về xây dựng dự thảo luật đang được triển khai đồng bộ tại các địa phương, đơn vị. Công an tỉnh Hà Nam đã tổ chức Hội thảo về luận cứ khoa học, thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ. Các huyện, thị xã, thành phố tích cực chỉ đạo cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về hai dự án luật. Qua đó ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp thiết thực, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các dự án luật.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.