kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 30-NQ/TW) có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đạt mức phát triển khá vùng đồng bằng Bắc Bộ vào năm 2025 và đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Các nhiệm vụ Bộ Chính trị đề ra cho tỉnh Hà Nam tại Nghị quyết 30-NQ/TW là: phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW tại Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08/02/2023, trong đó xác định nhiệm vụ của tỉnh Hà Nam: tập trung ưu tiên đầu tư Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia (Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng).

Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế  xã hội
Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30 - NQ/TW của tỉnh đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết. Ảnh: Đức Anh

Bám sát quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết, Hà Nam xác định việc phát triển tỉnh phải tuân thủ và phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các văn bản của Trung ương nhằm khai thác, phát huy thế mạnh của Hà Nam gắn với thế mạnh của vùng để hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Do đó, tỉnh chú trọng ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và phát triển vùng phù hợp, thiết thực, hiệu quả; trong đó, xác định nghiên cứu đề xuất một số mô hình, cơ chế, chính sách mới để tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, tạo đột phá trong phát triển.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng, lợi thế riêng có và nguồn lực của tỉnh với phương châm “nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng”; kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực, tạo ra nguồn lực tổng hợp để phát triển; tập trung phát triển nhanh mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị; sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.

Phát huy tối đa nhân tố con người, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người Hà Nam, truyền thống cách mạng, sự năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người dân Hà Nam. Lấy đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh, đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số để tăng năng suất lao động, chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết số 30-NQ/TW đề ra.

Với quyết tâm chính trị cao, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, tỉnh Hà Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, kinh tế- xã hội có bước phát triển nhanh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng năm 2023 đạt 9,41% (đứng thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 cả nước); 6 tháng đầu năm 2024 đạt 10,35% (đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 4 cả nước). Công nghiệp - xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm có sức lan tỏa lớn: Dự án nối 2 đền Trần; Dự án Nút giao Phú Thứ; Dự án đường vành đai T4... Thương mại - dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Thu hút đầu tư, xây dựng, hình thành các khu thương mại, dịch vụ cao cấp, khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao quy mô lớn, hiện đại được đẩy mạnh. Hoạt động du lịch đạt kết quả cao, tổng lượt khách đến Hà Nam năm 2023 tăng 38,8%, doanh thu tăng 57,1% so với năm 2022; 6 tháng đầu năm 2024, số khách du lịch đến tỉnh đạt gần 4 triệu lượt người (bằng 89,5% kế hoạch năm); tổng thu từ khách du lịch đạt gần 3 nghìn tỷ đồng (bằng 89,3% kế hoạch năm). Nông nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao được khuyến khích đầu tư. Hiện nay, toàn tỉnh có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 497 ha. Xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu vượt kế hoạch đề ra; toàn tỉnh có trên 50% (48/83 xã) số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế  xã hội
Tuyến đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua địa phận Hà Nam. Ảnh: P.V

Văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; với nhiều hoạt động được tổ chức có quy mô lớn. Đặc biệt, năm 2023, Hà Nam vinh dự được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới năm 2023". Chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên; công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động được chú trọng; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; an sinh xã hội bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, tiếp dân, giải quyết đơn thư, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt nhiều kết quả. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm đúng quy định. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tổ chức thực hiện có hiệu quả, toàn diện công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, đạo đức; tổ chức bộ máy, công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; công tác dân vận; công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tỉnh đã tích cực xây dựng Đề án thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam; đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ bổ sung, phân bổ 208 ha chỉ tiêu đất khu công nghệ cao. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án. Về Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mông trắng Kim Bảng: đã tập trung rà soát phạm vi, ranh giới, diện tích dự kiến thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mông trắng; lập Dự án thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Voọc mông trắng và xin ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng; hiện nay, đang hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng trước khi quyết định thành lập Khu bảo tồn. Về cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường nước tại lưu vực sông Nhuệ - Đáy: Rà soát, đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường nước một số tuyến sông trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, thông báo các đợt ô nhiễm nước sông Nhuệ - Đáy.  Việc di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội: Tỉnh tăng cường liên hệ, giới thiệu và lựa chọn các trường, cơ sở đào tạo uy tín, có nhu cầu về đăng ký đầu tư xây dựng cơ sở trong Khu Đại học Nam Cao; thường xuyên đề xuất Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2.

Để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 30-NQ/TW, Kế hoạch số 111-KH/TU, ngày 17/02/2023 của BTV Tỉnh ủy và Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 28/7/2023 của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể của Nghị quyết số 30-NQ/TW; chú trọng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với Hà Nam. Cùng với đó, xây dựng các cơ chế, chính sách bảo đảm thúc đẩy và phát triển phù hợp với thực tế; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm liên quan đến liên kết vùng; tiếp tục thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; bảo đảm quốc phòng - an ninh; cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy