Cán bộ, đảng viên nêu gương thực hiện việc khó, việc mới

Bài 2: Đổi mới, sáng tạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Tin liên quan

Thực tế luôn đặt ra những thử thách cho cán bộ, đảng viên (CBĐV). Đó là những vấn đề phát sinh, cần sự linh hoạt, ứng biến trong xử lý, giải quyết, cần sự quyết đoán, dũng cảm, bởi có những việc thậm chí chưa có quy định, chưa có tiền lệ cần sự bản lĩnh, cái tâm của CBĐV, vì một mục đích cao nhất: Việc gì có lợi cho dân, cho nước thì làm.

Mạnh dạn tìm giải pháp phù hợp

Cán bộ đảng viên nêu gương thực hiện việc khó việc mới
Các cán bộ y tế làm việc tại Cơ sở Thu dung, điều trị F0 của TP Phủ Lý nhận máy giặt, tủ lạnh do doanh nghiệp tài trợ thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn. Ảnh: Đỗ Hồng

Trang thiết bị y tế của các cơ sở điều trị công lập trên địa bàn tỉnh nói chung còn thiếu thốn. Việc mua sắm khó khăn không những bởi ngân sách hạn chế, mà còn do thủ tục rườm rà, các quy định còn chồng chéo, ranh giới đúng - sai rất mong manh. Bác sỹ Vũ Văn Đạt, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nam chia sẻ: Có rất nhiều trang thiết bị y tế hiện đại nói chung, lĩnh vực nhãn khoa nói riêng, nếu được đầu tư sẽ tạo đột phá trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, người bệnh được hưởng lợi đầu tiên. Tuy nhiên, ngoài lý do nguồn ngân sách hạn chế, nguồn thu của bệnh viện chưa đủ mua sắm thiết bị đắt tiền, tôi cũng như lãnh đạo nhiều bệnh viện rất “ngại” việc mua sắm bởi các quy định chồng chéo, chưa rõ ràng, ranh giới đúng - sai rất mong manh. Cũng may là thời gian qua nhờ sự vận động của lãnh đạo tỉnh, sự chủ động tích cực của các cơ sở điều trị, một số doanh nghiệp đã quan tâm, hỗ trợ các bệnh viện đầu tư trang thiết bị hiện đại. Để thuận tiện giúp bệnh viện không phải thực hiện các thủ tục mua sắm, chúng tôi đã đề nghị nhà tài trợ mua và trao thiết bị thay vì chuyển tiền cho bệnh viện mua. Nhờ giải pháp này, từ đầu năm đến nay Bệnh viện Mắt đã có được 1 máy đo công suất thủy tinh thể nhân tạo tự động trị giá 2,147 tỷ đồng, 1 xe cứu thương trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Giải pháp trên đang được các cơ sở điều trị phát huy. Đợt dịch Covid-19 dồn dập đầu năm 2022, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều phải thành lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Các cán bộ y tế cách ly làm việc tại đây thiếu thốn về đồ dùng, trang thiết bị, trong khi thủ tục mua sắm cần thời gian. Tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP Phủ Lý, khi đưa vấn đề này ra liền có doanh nghiệp đã đồng ý tài trợ 1 máy giặt, 1 tủ lạnh. Giám đốc TTYT TP Phủ Lý Trương Văn Trự đã nhờ doanh nghiệp mua và trao hiện vật chứ không trao tiền. Và rất nhanh, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố đã có máy giặt, tủ lạnh, tạo điều kiện cho cán bộ y tế làm việc.

Cũng với hình thức này, năm 2022 TTYT thành phố còn có thêm được 1 máy xét nghiệm sinh hóa tự động trị giá 235 triệu đồng. Công suất máy gấp 10 lần máy bán tự động TTYT thành phố đang sử dụng, tiêu hao ít hóa chất, và đặc biệt độ chính xác cao hơn. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền cũng được bổ sung một số thiết bị nhờ hình thức này. 2 năm (2020- 2021) dịch Covid-19 bùng phát mạnh, công tác chống dịch cần nhiều vật tư, trang thiết bị y tế, trong khi đó việc mua sắm cần quy trình, thời gian. Cũng may là thời điểm đó đã kêu gọi được sự ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp. Nhiều đơn vị y tế đã thực hiện “xin nhận tài trợ bằng hiện vật”, nhờ đó có được vật tư, trang thiết bị y tế kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Theo lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chia sẻ, những điều chưa hợp lý trong quy định mua sắm trang thiết bị y tế đang được nghiên cứu để sửa đổi. Nhưng trong khi chờ, cấp ủy, lãnh đạo, nhất là người đứng đầu đơn vị không thể đứng yên, phải tìm mọi cách để có được thiết bị sớm nhất, có sớm ngày nào người dân được hưởng lợi sớm ngày đó, cũng là điều kiện để bệnh viện phát triển... 

Ứng biến hiệu quả với tình hình mới

Cán bộ đảng viên nêu gương thực hiện việc khó việc mới
Xã Xuân Khê (Lý Nhân) đạt được những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế-xã hội có vai trò rất lớn của các Tổ dân cư tự quản toàn diện.  Ảnh: Trần Ích

Mô hình Tổ dân cư tự quản toàn diện xuất hiện đầu tiên ở xã Xuân Khê (Lý Nhân). Ông Ngô Văn Lê, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Khê cho biết: Khi chưa sáp nhập thôn xóm, mô hình này tự phát ở 2 xóm cũ. Sau khi sáp nhập, Xuân Khê từ 12 xóm xuống còn 5 thôn, mỗi thôn địa bàn rộng, dân cư đông, trong khi bộ máy lãnh đạo thôn số lượng không tăng, việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và nhiều công việc khác rất khó khăn. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình tổ tự quản ở 2 xóm cũ trước đó, Ủy ban MTTQ xã đã tham mưu với Đảng ủy chỉ đạo thành lập tổ dân cư tự quản toàn diện ở các thôn. Năm 2018 xã hoàn thành việc sáp nhập, ngay đầu năm 2019 Đảng ủy xã đã ra nghị quyết lãnh đạo, giao cho UBND xã ra quyết định thành lập và quản lý các tổ dân cư tự quản toàn diện, Ủy ban MTTQ xã hướng dẫn hoạt động.

Đến nay, đã có 50 tổ dân cư tự quản toàn diện được thành lập ở Xuân Khê, mỗi tổ có từ 30-50 hộ. Các tổ dân cư tự quản được thành lập theo các chòm dân cư, về cơ bản là hàng xóm, họ hàng nên đoàn kết, giúp đỡ nhau thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, thi đua sản xuất, kinh doanh, xây dựng đời sống mới. Theo ông Ngô Văn Lê, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Khê, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự nguyện, có nhiệm vụ tự quản toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội của tổ dân cư, tổ dân cư tự quản toàn diện thực sự tham gia giải quyết hiệu quả các công việc trong thôn. Những thành tích Xuân Khê đạt được trong những năm qua, đặc biệt là việc trở thành xã đầu tiên của huyện và của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020 có vai trò quan trọng của các tổ dân cư tự quản toàn diện.

Từ hiệu quả của tổ dân cư tự quản toàn diện ở Xuân Khê, năm 2021 huyện Lý Nhân đã thực hiện thí điểm và triển khai nhân rộng mô hình ra toàn huyện. Được biết tháng 10/2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo về “Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trên phạm vi cả nước”. Điều đó chứng tỏ sáng kiến về tổ dân cư tự quản toàn diện ở Xuân Khê thực sự phù hợp, hữu dụng trong điều kiện thực tế, đồng thời cũng là xu hướng phát triển của xã hội văn minh hiện đại.

Thực tế luôn phát sinh nhiều vấn đề, có những việc thậm chí chưa có tiền lệ, chưa có quy định, nhưng ở nhiều nơi cấp ủy, chính quyền, CBĐV đã trăn trở, tích cực tìm các giải pháp ứng biến phù hợp, hiệu quả. Ở Hà Nam, không chỉ là câu chuyện “xin nhận tài trợ bằng hiện vật” ở các bệnh viện, hay mô hình tổ tự quản toàn diện ở Xuân Khê, mà còn có những câu chuyện thú vị khác về sự sáng tạo, ứng biến của các tổ chức đảng và CBĐV trong giải quyết những việc phát sinh ở cơ sở. Ví dụ như câu chuyện về những “lão cán bộ đoàn” ở TP Phủ Lý. Khi thanh niên đi làm xa, đi học, tổ chức đoàn ở các tổ dân phố trên địa bàn TP Phủ Lý rất ít đoàn viên, thậm chí có những địa phương 2-3 tổ dân phố mới thành lập được 1 chi đoàn. Mỗi dịp hè, Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu, việc tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi rất khó khăn do quá ít thanh niên ở nhà. Trước tình hình này, nhiều CBĐV đã có ý kiến, chi bộ cơ sở họp bàn và thống nhất huy động cán bộ các đoàn thể khác ở khu dân cư, chủ yếu là CBĐV về hưu đứng ra tổ chức hoạt động cho thiếu nhi. Các “lão cán bộ đoàn” dạy các cháu thiếu niên, nhi đồng múa hát, chơi các trò chơi,... dịp hè, tổ chức các hoạt động dịp 1/6, Tết Trung thu. Năm nào hoạt động hè của các tổ dân cư ở TP Phủ Lý cũng rất sôi nổi nhờ sự “xắn tay vào cuộc” của những CBĐV hưu trí, trong đó chủ yếu là các đảng viên cao tuổi.

Hoặc mô hình “Học bổng 1 +1” của Hội Khuyến học TP Phủ Lý. Lấy ý tưởng từ mô hình “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học thành phố đã phát động mô hình “Học bổng 1+1”, kêu gọi CBĐV là cán bộ lãnh đạo, doanh nghiệp ủng hộ tiền cho học sinh nghèo hằng tháng để giúp các cháu duy trì việc học tập. Mô hình sau đó được nhân rộng toàn tỉnh. Hàng nghìn học sinh nghèo đã được hỗ trợ tiền hằng tháng để duy trì việc học, nhiều em được hỗ trợ nhiều năm liền, từ học phổ thông cho đến khi tốt nghiệp đại học. Hiện tại học bổng được đổi tên thành “Địa chỉ đỏ-tấm lòng vàng” và được Hội Khuyến học tỉnh phát động rộng rãi, các cấp hội khuyến học hưởng ứng tích cực.

Cán bộ đảng viên nêu gương thực hiện việc khó việc mới

Cán bộ đảng viên nêu gương thực hiện việc khó việc mới

Thời gian qua, trong mọi phong trào cách mạng, hầu hết cán bộ, đảng viên (CBĐV) trong toàn Đảng bộ tỉnh luôn hăng hái đi đầu, không ngại khó ngại khổ, tích cực tìm giải pháp cho những việc khó, việc mới, việc phát sinh. Các tổ chức Đảng (TCĐ), đảng viên luôn bám sát những quy định cụ thể về nêu gương của CBĐV; chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Qua đó không ngừng phát huy tinh thần gương mẫu, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của CBĐV.

(còn nữa)

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.