Ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị, hạ tầng CNTT, phần mềm đồng bộ, hiện đại và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) tại bộ phận “một cửa” nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, xây dựng nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) luôn được coi là nền tảng quan trọng, giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), góp phần thực hiện chuyển đổi số trong cải cách hành chính (CCHC).

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nâng cao hoạt động ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh xây dựng Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính
Tập huấn nghiệp vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính cho cán bộ, công chức phường Hòa Mạc (Duy Tiên).

Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong từng ngành, từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đều có mạng cục bộ và kết nối internet. Tỷ lệ trung bình máy tính/CBCC từ cấp huyện trở lên đạt 100%. Tỷ lệ trung bình máy tính/CBCC cấp xã là 85%. Hiện tại, tỉnh đang triển khai dự án trang bị các thiết bị tại Trung tâm tích hợp dữ liệu và đã hoàn thiện giai đoạn 1.

Triển khai thử nghiệm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) để khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của quốc gia. Cấp 2.000 chứng thư số cho tổ chức, cá nhân, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị đã sử dụng chữ ký số của cơ quan; chữ ký số của cá nhân để ký số trên văn bản điện tử.

Một số phần mềm, cơ sở dữ liệu đã được xây dựng và triển khai, như: Cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu lưu trữ, quản lý các đối tượng người có công, hệ thống thông tin địa lý (GIS), quản lý hộ tịch... Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành bảo đảm liên thông 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, trung ương. Các cơ quan, đơn vị đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan, đơn vị. Hệ thống thư điện tử của tỉnh bảo đảm cung cấp hộp thư điện tử cho CBCC từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỷ lệ CBCC từ cấp huyện trở lên thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 95%.

Đặc biệt, Hà Nam cũng xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2008, 9001:2015 được triển khai tại 100% cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ đó, đã đáp ứng yêu cầu công tác cải cách TTHC trong cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; giúp CBCC của cơ quan, đơn vị, địa phương làm việc khoa học hơn, giải quyết công việc đạt kết quả cao, hạn chế tối đa tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân. Hiện tại 976 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã được tích hợp, kiểm thử lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh theo đúng lộ trình, mục tiêu của Chính phủ.

6 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký 21 quyết định (9 quyết định công bố TTHC và 12 quyết định công bố danh mục TTHC) với tổng số 57 thủ tục, trong đó: ban hành mới 22 thủ tục; sửa đổi bổ sung 4 TTHC, thay thế 17 TTHC cũ bằng 9 TTHC mới và bãi bỏ 22 TTHC. Đã cắt giảm 17/35 thủ tục ban hành mới, sửa đổi bổ sung, thay thế đạt 48,5% (18 TTHC không thể cắt giảm do có tính phức tạp và liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người dân). Tổng thời gian giải quyết/tổng thời gian quy định là: 240/574 ngày, thời gian cắt giảm là 334 ngày, đạt 58%. 

Những nỗ lực trong tiến trình ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào CCHC đã giúp Hà Nam cơ bản “bắt kịp” với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), bảo đảm sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Điều đó có thể thấy rõ qua chỉ số xếp hạng chuyển đổi số (DTI) của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020, tỉnh xếp vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố (xếp thứ 6 về chính quyền số, xếp thứ 40 về kinh tế số, xếp thứ 23 về xã hội số). Bên cạnh đó, Hà Nam cũng đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT-Index) năm 2020 (xếp hạng hạ tầng kỹ thuật thứ 37, xếp hạng thứ 15 về nhân lực, xếp hạng ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước thứ 26).

Kế hoạch số 700/KH-UBND của UBND tỉnh về đẩy mạnh cải cách TTHC giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu trong năm 2022, tăng tối thiểu 20% việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa” xuống trung bình còn tối đa 30 phút/1 lần đến giao dịch. Trong giai đoạn 2023-2025, tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận; giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/1 lượt giao dịch; mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025… 

Để đạt được mục tiêu này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật, công khai minh bạch đầy đủ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng văn hóa, văn minh công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt ứng dụng mạnh mẽ CNTT tạo bước đột phá hiện đại hóa nền hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cơ quan nhà nước “không giấy tờ”, ứng dụng CNTT vào công tác giám sát việc giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân tại những địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi sang xây dựng chính quyền số trong thời gian tới.

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.