Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an

Thực hiện chương trình phiên họp thứ 14, sáng 10/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ này. Phiên chất vấn được kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội dự phiên chất vấn tại Nhà Quốc hội; đồng chí Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Nam có đồng chí Đặng Thanh Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Hùng Thắng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các vị ĐBQH tỉnh.

Ủy ban Thường vụ quốc hội chất vấn Bộ Trưởng Bộ Công an
Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Hà Nam.

Trong phiên chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an gồm: Công tác quản lý Nhà nước về an ninh mạng; vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, "tín dụng đen", cho vay nặng lãi; việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao. Đã có 27 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 26 đại biểu phát biểu; 11 đại biểu tranh luận. Bộ trưởng Bộ Công an đã thẳng thắn trả lời các vấn đề đại biểu nêu và đề xuất nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) hỏi về việc bảo vệ thông tin cá nhân được Hiến pháp và pháp luật quy định rất rõ, nhưng hiện nay việc rao bán, sử dụng dữ liệu cá nhân vi phạm phổ biến. Đơn cử như những thông tin quảng bá sản phẩm hiện nay đều lấy thông tin dữ liệu cá nhân trái phép, vi phạm rất lớn. Giải pháp xử lý của Bộ Công an?

Cùng nội dung, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đặt vấn đề hiện nay các thông tin cá nhân đang được rao bán dễ dàng trên các hội nhóm. Mặc dù thời gian qua công an địa phương triệt phá nhiều thông tin nhưng còn nhiều đối tượng chưa được phát hiện xử lý. Những giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) đặt vấn đề hiện nay các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch đăng tải những thông tin giả mạo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tung tin giả, thất thiệt, phát tán các video độc hại, phản cảm gây nhiều tác hại đến việc đảm bảo an ninh, trật tự. Dù Bộ Công an và các bộ, ngành đã phối hợp để xử lý nhưng hiện tượng này vẫn phức tạp. Những giải pháp của Bộ Công an để tăng cường đấu tranh, ngăn chặn? Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chất vấn việc một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu phổ thông mẫu mới, trách nhiệm thuộc về ai, cách khắc phục như thế nào?

Trả lời các câu hỏi của đại biểu Siu Hương, Nguyễn Thị Thủy, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân là sự quan tâm của cử tri. Thực trạng của việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân trên thế giới và nước ta đang ở mức rất đáng báo động. Các hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và ý thức của người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa cao là nguyên nhân gây ra lộ lọt. 

Theo Bộ trưởng, để hạn chế, bộ đã triển khai một số giải pháp như xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân. "Chúng tôi đang tiến hành nhưng còn gặp nhiều khó khăn như đã trình Chính phủ ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đã qua 10 lần trình rồi và hiện nay đang vào giai đoạn "chót", sẽ sớm ban hành để có căn cứ pháp lý" - ông Tô Lâm nói. 

Theo lộ trình, dự kiến năm 2024 nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là tham gia môi trường mạng. Đồng thời, tích cực điều tra xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ, lọt, rao bán dữ liệu cá nhân. Điển hình, Bộ đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho lấy từ nguồn của Bộ GD-ĐT. 

Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như y tế cũng có nguy cơ bị lộ lọt nên sẽ tập trung điều tra, xử lý. Ông nói thêm, về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có dữ liệu rất lớn và là tài nguyên quốc gia nên phải đảm bảo. Bộ đã thực hiện đúng các điều kiện về an ninh, an toàn theo cấp độ 4. Hiện nay rất an toàn. Ngoài ra, hằng ngày lực lượng chức năng phải đối phó với hàng ngàn cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhiều tấn công từ nước ngoài nên phải có hệ thống đảm bảo…

 Về việc "cấp hộ chiếu mới không có nơi sinh, một số quốc gia từ chối chấp nhận" được đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu ra, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay hiện nay có 2 nước không cấp thị thực. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện theo đúng Luật Xuất nhập cảnh công dân Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2019. Tất cả các chi tiết in trên hộ chiếu đều thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Hộ chiếu mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đều sử dụng mẫu này và đều không có nơi sinh. Bản thân hộ chiếu chúng ta đưa ra cũng được đa số các nước trên thế giới chấp nhận. Hiện chỉ có 3 nước không chấp nhận là Đức, Czech và Tây Ban Nha nhưng gần đây Tây Ban Nha đã chấp nhận hộ chiếu của chúng ta.

Một số nước cũng đang vướng mắc về hộ chiếu, gần đây có Hàn Quốc bị xem xét tương tự. "Quá trình chúng tôi thực hiện đúng pháp luật, còn một số nước căn cứ vào đó có phản ứng gây khó khăn vì cũng có những lý do rất thực tế. 

Qua tìm hiểu cho thấy họ cũng muốn tìm hiểu xem nguồn gốc công dân ở những địa phương nào cụ thể, vì không tra cứu được nên vậy. Chúng tôi cho rằng đây là các vấn đề kỹ thuật, Bộ Công an đã có giải pháp. 

Trước mắt những cá nhân cần bổ sung nơi sinh thì chúng tôi đã bàn với các cơ quan sẽ bổ sung ở phần bị chú nơi sinh để tạo thuận lợi. Về lâu dài, nếu cần bổ sung nơi sinh sẽ đề xuất, báo cáo Chính phủ, thống nhất với các cơ quan liên quan, báo cáo Quốc hội sửa Luật Xuất nhập cảnh, trong đó bổ sung việc này. Trách nhiệm thì Bộ Công an chủ trì về việc này nên xin nhận trách nhiệm", Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch trả lời nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.