Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh dự và tham gia thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Hà Nam.

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có 8 chương, 98 điều, trong đó các nội dung được sửa đổi bổ sung bao gồm: nội dung về thi đua, khen thưởng; quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; nội dung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.

Sáng 2810 Quốc hội thảo luận về Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tham dự phiên thảo luận trực tuyến sáng 28/10.

Dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc "quan tâm khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo"; mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam trong điều kiện chủ động hội nhập; quy định rõ hơn đối tượng khen thưởng "doanh nhân, trí thức, nhà khoa học", "doanh nghiệp" trong các loại hình khen thưởng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong phát hiện nhân tố, điển hình tiêu biểu để khen thưởng kịp thời theo thẩm quyền và trình cấp trên khen thưởng; bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" để khen thưởng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), từ điểm cầu Hà Nam, đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn việc khen thưởng là theo công trạng hay thành tích? Đại biểu đề nghị cần rà soát lại để có sự thống nhất giữa nội hàm khái niệm khen thưởng và loại hình khen thưởng, nếu không sẽ dẫn đến việc khi quy định các tiêu chuẩn cụ thể sẽ mất đi bản chất thực sự của khen thưởng là ghi nhận công trạng; và nếu thống nhất được vấn đề này, các điều khoản quy định cụ thể của phần khen thưởng sẽ cụ thể, rõ ràng hơn. Cùng với đó, cần phải có quy định rõ hơn về nguyên tắc, trách nhiệm và việc xử lý vi phạm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, của cá nhân trong thi đua, đề nghị khen thưởng và quyết định khen thưởng, dự thảo Luật đã có quy định xong chưa thể hiện rõ điều này.

Sáng 2810 Quốc hội thảo luận về Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi
Đại biểu Phạm Hùng Thắng thảo luận trực tuyến về Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).

Về thi đua, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung về phạm vi, thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua để có quy định khuyến khích mọi hình thức thi đua với sự tham gia của đa dạng, đông đảo các thành phần, tầng lớp xã hội.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật và sự cần thiết ban hành Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Các ý kiến cũng cho rằng, quan điểm xuyên suốt trong dự thảo Luật là phải bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, vừa thể hiện kết quả của thi đua là cơ sở để khen thưởng và ngược lại, khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua, song vẫn thể hiện thi đua và khen thưởng là hai phạm trù có sự độc lập tương đối với nhau về tính chất, phạm vi và nguyên tắc, đồng thời, không phải mọi khen thưởng đều xuất phát trực tiếp từ thi đua (khen đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn, khen đối ngoại). Nhiều ý kiến nhấn mạnh gốc của khen thưởng là thi đua, hiện nay khen thưởng vẫn là chính mà thi đua chưa được quan tâm, cho nên rất cần khắc phục tình trạng này.

Liên quan đến khen thưởng Huân chương đại đoàn kết dân tộc, một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể hơn về đối tượng, tiêu chuẩn cụ thể được nhận Huân chương đại đoàn kết dân tộc. Có ý kiến lưu ý, Huân chương đại đoàn kết dân tộc đang quy định dành tặng cho nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo và cá nhân có công lao. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại đang thiếu đối tượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cần được bổ sung thêm…
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã giải trình, làm rõ những vấn đề ĐBQH nêu./.

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy