Nhiều nội dung "nóng" về kinh tế- xã hội được nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày làm việc thứ ba, HĐND tỉnh

Sáng ngày 9/12, Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khoá XIX tiếp tục nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri, chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường.

Ngày làm việc thứ ba HĐND tỉnh tiếp tục phiên chất vấn
Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa Kỳ họp.

Dự phiên họp có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX.

Ngày làm việc thứ ba HĐND tỉnh tiếp tục phiên chất vấn
Các đại biểu dự phiên họp ngày thứ ba, Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XIX.

Tại phiên họp, lãnh đạo các Sở: Y tế, Giáo dục & Đào tạo, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Nội vụ đã lần lượt trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung vào các vấn đề: Tăng cường nhân viên y tế tuyến cơ sở đảm bảo chất lượng; quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, mở rộng cơ sở hạ tầng phòng bệnh, trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tổ chức thi thăng hạng cho đội ngũ giáo viên và hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ nhân viên trường học; quan tâm, tạo điều kiện cơ sở vật chất, chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục; khi quy hoạch dự án đường phía Đông đường cao tốc Bắc Nam xem xét hướng tuyến để không ảnh hưởng đến chùa của thôn Đình Ngọ, xã Tiên Hiệp (Phủ Lý)…

Ngày làm việc thứ ba HĐND tỉnh tiếp tục phiên chất vấn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường tổ Lý Nhân (tổ đại biểu huyện  Lý Nhân) chất vấn lãnh đạo Sở Y tế tại Kỳ họp.

Chất vấn lãnh đạo Sở Y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường (tổ đại biểu huyện Lý Nhân) đặt câu hỏi: Hiện nay, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trong khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế xảy ra ở hầu hết các cơ sở y tế đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế; bên cạnh đó dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn có diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt trên địa bàn thành phố Phủ Lý, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới?

Ngày làm việc thứ ba HĐND tỉnh tiếp tục phiên chất vấn
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Khải trả lời chất vấn tại Kỳ họp.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đến nay, Sở Y tế đã tiến hành đấu thầu gói thuốc, vật tư y tế (đã có đơn vị trúng thầu), riêng gói vị thuốc y học cổ truyền đã đấu thầu 2 lần nhưng chưa có nhà thầu tham dự. Tình hình hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu về thuốc, trang thiết bị y tế trong khám, chữa bệnh. Tuy nhiên trên địa bàn, một số nơi, một số thời điểm vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 kéo dài gây nên chuỗi đứt gãy toàn cầu về cung cấp thuốc và vật tư y tế. Đồng thời giá cả tăng cao nên các đơn vị cung ứng hạn chế nhập khẩu, ít đơn vị tham gia thầu. Một số văn bản hướng dẫn về quản lý thuốc, vật tư y tế còn nhiều bất cập. Danh mục thuốc và vật tư y tế có hàng nghìn chủng loại khác nhau nên tốn rất nhiều thời gian chấm thầu thành công. Trình độ năng lực một số cán bộ, nhân viên y tế tham gia đấu thầu còn hạn chế. Để đáp ứng kịp thời thuốc và vật tư y tế cho người khám chữa bệnh, nhất là người bệnh có thẻ BHYT, Sở đề nghị có cơ chế phân cấp cho các đơn vị chủ động mua sắm thuốc và vật tư y tế theo đúng nhu cầu; đề nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn có liên quan. Sở Y tế sẽ phối hợp xứ lý các vướng mắc với những đơn vị đã trúng thầu, hạn chế tình trạng giá thuốc và vật tư y tế tăng cao ảnh hưởng đến quá trình cung cấp sau trúng thầu…

Về vấn đề phòng chống dịch sốt xuất huyết, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời điểm diễn ra dịch bệnh sốt xuất huyết thường vào mùa hè nhưng năm nay do diễn biến thời tiết bất thường, cùng với mức độ đô thị hóa tăng nhanh, đồng thời người dân vẫn trông chờ vào việc phun hóa chất của ngành y tế. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 960 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 50% so với năm 2021), riêng thành phố Phủ Lý ghi nhận 636 ca bệnh do đây là địa phương có mật độ dân cư đông, nhiều khu nhà trọ cho công nhân lao động không bảo đảm điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, là môi trường dễ phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch từ đầu năm, thực hiện thường xuyên các biện pháp điều tra nguyên nhân, phòng dịch… Thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cùng tham gia bảo đảm vệ sinh môi trường; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vật tư, hóa chất, thuốc, giường bệnh, để sẵn sàng thu dung bệnh nhân, không để xảy ra tình trạng tử vong…

Ngày làm việc thứ ba HĐND tỉnh tiếp tục phiên chất vấn
Đại biểu Bùi Trung Hiếu (tổ đại biểu thị xã Duy Tiên) chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Kỳ họp.

Quan tâm đến lĩnh vực Giáo dục và đào tạo, đại biểu Bùi Trung Hiếu (tổ đại biểu thị xã Duy Tiên) nêu nội dung chất vấn: Đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết các giải pháp để số học sinh phải học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các cơ sở giáo dục ngoài tỉnh trong thời gian tới được học trong tỉnh để giảm bớt khó khăn cho số học sinh này cũng như đảm bảo công tác quản lý chất lượng về giáo dục.

Ngày làm việc thứ ba HĐND tỉnh tiếp tục phiên chất vấn
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Anh Tuấn trả lời chất vấn tại Kỳ họp.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn của đại biểu: Mỗi năm có hơn 1000 học sinh không đỗ THPT phải theo học ở tỉnh ngoài. Nguyên nhân: một số học sinh vì địa bàn giáp ranh với tỉnh khác, thuận tiện hơn trong việc theo học; Khả năng đáp ứng của các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường nghề của tỉnh về cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu lớp học; đội ngũ giáo viên hiện tại chỉ có 64 người, không đủ để đảm bảo cho trên 2600 học sinh đang theo học với 114 lớp tại các trung tâm; phân bổ tài chính dành cho các trung tâm hiện tại còn gặp nhiều khó khăn, bất cập (theo số lượng biên chế), nên việc thuê giáo viên từ bên ngoài (chi trả phụ thuộc từ nguồn thu học phí) cũng rất hạn chế; chất lượng đào tạo nghề hiện tại còn một số hạn chế, ít có sự liên kết với doanh nghiệp; công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường THCS chưa thực sự cung cấp đủ thông tin cho các em học sinh về trung tâm đào tạo nghề, thiếu sự phối hợp với các trung tâm trong thu hút học viên… Về giải pháp: Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS; phối hợp với Sở LĐ,TB&XH và các ngành có liên quan trong việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh cấp THCS; tăng cường chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề; đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho các trung tâm của huyện, tỉnh; tăng cường sự phối hợp giữa các trường THPT với các trung tâm để hỗ trợ về đội ngũ giáo viên; đề nghị tăng chỉ tiêu biên chế cho giáo viên tại các trung tâm…

Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo: Hiện nay, tại một số tỉnh thành khác trên cả nước liên tiếp xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm với các cháu ở trường mầm non đang ăn bán trú, gây hoang mang trong nhân dân? Đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết thực trạng này tại Hà Nam và giải pháp cụ thể của Sở trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú?

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đối với vấn đề an toàn thực phẩm tại các trường học có hoạt động nuôi ăn bán trú trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này vẫn giữ vững sự an toàn. Sở GD&ĐT thời gian qua đã phối hợp với Sở Y tế thường xuyên tiến hành thẩm định với các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhà trường. Qua thẩm định, yêu cầu các nhà trường chỉ được phối hợp với các đơn vị đã được 2 ngành thẩm định. Trong thời gian qua, Sở GD&ĐT và Sở Y tế cũng chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi ăn bán trú. Thời gian tới 2 ngành sẽ tiếp tục tăng cường sự phối hợp để giữ vững việc bản đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục nuôi ăn bán trú.

Nhiều nội dung nóng về kinh tế xã hội được nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày làm việc thứ ba HĐND tỉnh
Đại biểu Trần Ngọc Nam (tổ đại biểu huyện Thanh Liêm) chất vấn giám đốc Sở Xây dựng liên quan đến công tác quy hoạch của tỉnh.

Liên quan đến công tác quy hoạch trên địa bàn, đại biểu Trần Ngọc Nam (tổ đại biểu huyện Thanh Liêm) đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thực trạng công tác quy hoạch của tỉnh hiện nay, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc nhất là trong việc quản lý quy hoạch của các dự án đô thị, nhà ở và giải pháp Sở Xây dựng tham mưu với UBND tỉnh để tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm khắc phục tình trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.

Nhiều nội dung nóng về kinh tế xã hội được nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày làm việc thứ ba HĐND tỉnh
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vất tại Kỳ họp.

Trả lời nội dung chất vấn trên, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Thực trạng quy hoạch tỉnh Hà Nam hiện nay vẫn còn có một số dự án quy hoạch triển khai mang tính chất nhỏ lẻ, chưa có tính kết nối. Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong quá trình tổ chức thẩm định của các Bộ, ngành trong đó xác định các định hướng lớn cho phát triển kinh tế xã hội, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, đặc biệt là hệ thống giao thông cấp vùng, liên tỉnh (như tuyến đường Vành đai 5 vùng thủ đô, CT16, CT11...). Tuy nhiên, do hệ thống Quy hoạch quốc gia chưa hoàn thiện nên công tác phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các bộ và địa phương còn nhiều hạn chế. Thời gian tổ chức lập, thẩm định quy hoạch cần đẩy nhanh để đảm bảo tiến độ, chất lượng nhưng vẫn phải thực hiện các trình tự, thời gian quy định. Hiện tại, một số đồ án quy hoạch cấp dưới đang được tổ chức lập song song cùng đồ án quy hoạch cấp trên, khó khăn lớn nhất là đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy hoạch, ảnh hưởng đến chỉ số và kết nối các đồ án quy hoạch. Một số nội dung quy hoạch theo các dự án cần điều chỉnh, bổ sung so với quy hoạch cấp trên thì quy trình thủ tục để điều chỉnh quy hoạch lại phải thực hiện qua các bước như đối với lập quy hoạch mới.

Về giải pháp: Sở Xây dựng xác định thường xuyên cập nhật thông tin của các Bộ ngành liên quan đến hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó cập nhật các nội dung nếu có thay đổi (như: hướng tuyến đường sắt nội vùng thủ đô, tuyến đường sắt tốc độ cao ....). Giải pháp quy hoạch không nhỏ lẻ và nhằm tăng cường công tác quản lý: Báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép lập quy hoạch lập phân khu phấn đấu đến năm 2025 phủ kín 100%, để có cơ sở giới thiệu thu hút đầu tư, đề xuất dự án và lập quy hoạch chi tiết (không tạo sự bất cập liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội). Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý quy hoạch. Thống nhất hệ thống tích hợp hệ thống phần mềm trong công tác quản lý của ngành xây dựng, ngành quản lý tài nguyên, đất đai và khoáng sản. Cung cấp thông tin và hướng dẫn các đơn vị để lựa chọn đơn vị tư vấn đăng tải trên trang web của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng các tỉnh, đảm bảo năng lực, kinh nghiệm từ tư vấn khảo sát, tư vấn lập nhiệm vụ đến tư vấn thực hiện quy hoạch. Thực hiện thẩm định và hướng dẫn các đơn vị liên quan trong quá trình thẩm định quy hoạch, để tăng cường chất lượng công tác thẩm định ngay từ hồ sơ khảo sát hiện trạng, ý tưởng quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch và đồ án quy hoạch.

Tiếp tục phiên chất vấn, lãnh đạo các sở: Tài nguyên môi trường; Tài chính, Nội vụ; Lao động, Thương binh và Xã hội đã lần lượt trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung vào các vấn đề: đề nghị tỉnh kiểm tra, giám sát việc cung cấp nước sạch của Công ty nước sạch Tiên Sơn có đảm bảo chất lượng, khối lượng, áp suất theo đúng cam kết; tiếp tục có những hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng; đề nghị đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn đổi tại các địa phương; đề nghị tăng mức giá bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp; có cơ chế khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất công ích và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; ban hành cơ chế đặc thù tăng tỷ lệ điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất cho ngân sách xã An Lão (Bình Lục) đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã; đầu tư tăng cường cơ sở, vật chất cho các trường học, trạm y tế cơ sở, đơn giản hóa quy trình mua sắm; sớm cấp kinh phí cho các xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020; hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ cộng tác viên dân số trên địa bàn xã Bồ Đề (Bình Lục) trong năm 2021; giảm giá thóc quy định trong tính thuế sử dụng đất nông nghiệp; điều chỉnh mức hưởng phụ cấp các chức danh không chuyên trách của cán bộ thôn loại 1,2,3 giữa các thôn, tổ phù hợp; kéo dài nhiệm kỳ của trưởng thôn theo nhiệm kỳ của HĐND xã; có phụ cấp cho các đối tượng là thành viên Ban Thanh tra nhân dân của xã, chi hội trưởng các đoàn thể ở thôn, cán bộ chi hội ở cơ sở, phó thôn; bổ sung quy định về chế độ phụ cấp kiêm nhiệm cho phó ban Kinh tế-Xã hội và phó ban pháp chế HĐND xã; bổ sung mở rộng xét duyệt chế độ cho đời thứ 3 của các đối tượng bị phơi nhiễm chất độc hóa học đioxin; có biện pháp giải quyết để tránh tình trạng lãng phí thẻ học nghề miễn phí cho quân nhân khi xuất ngũ không có nhu cầu sử dụng…

Quan tâm đến lĩnh vực Tài nguyên & Môi trường, thông qua đường dây nóng, nhiều cử tri của huyện Thanh Liêm đã đặt câu hỏi chất vấn. Cử tri xã Liêm Thuận hỏi bao giờ người dân mua đất dự án khu nhà ở mới được bàn giao đất? Cử tri xã Thanh Hà phản ánh tình trạng đất UB trên địa bàn xã bị lấn chiếm nhưng xã không quản lý được, đề nghị lãnh đạo UBND huyện trả lời? Cử tri thị trấn Tân Thanh hỏi tình trạng họp chợ cóc tại cầu Nga diễn ra nhiều năm nay gây ô nhiễm môi trường, mất ATGT, cử tri đề nghị nhiều lần nhưng chỉ một thời gian ngắn lại tái diễn?

Nhiều nội dung nóng về kinh tế xã hội được nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày làm việc thứ ba HĐND tỉnh
Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm Hoàng Mạnh Dũng trả lời ý kiến của cử tri tại Kỳ  họp.

Trả lời các vấn đề trên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Thanh Liêm cho biết: Dự án khu nhà ở xã Liêm Thuận được triển khai năm 2018. Đến nay, diện tích liên quan đến đất tái định cư còn vướng GPMB nên chưa thực hiện giao đất. Thời gian tới huyện phối hợp với cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để cấp đất tái định cơ cho người dân. Huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo với UBND xã Thanh Hà giải quyết những vướng mắc của từng trường hợp cụ thể, UBND huyện sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo để giải quyết vấn đề lấn chiếm đất UB trên địa bàn xã. Về tình trạng họp chợ cóc tại cầu Nga, cử tri đã có nhiều ý kiến. UBND huyện đã phối hợp với Sở GTVT tổ chức nhiều lần giải tỏa. Tuy nhiêu sau mỗi đợt ra quân giải tỏa lại tiếp tục tái diễn, trong khi chợ quy hoạch chỉ cách đó khoảng 300m nhưng người dân không vào sinh hoạt. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền cho các hộ kinh doanh chuyển vào trong chợ quy hoạch để sinh hoạt. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, quyết liệt xử lý giải tỏa khu vực chợ cóc tại đây.

Qua đường dây nóng, cử tri tỉnh Thái Bình chất vấn: hiện nay huyện Thanh Liêm vẫn chưa bàn giao đất cho người mua đất dự án KĐT Hưng Hòa. Đề nghị UBND huyện Thanh Liêm nói rõ phần diện tích đất đã GPMB khoảng 97% đã giao đất được cho người dân chưa. Khi nào dự án này bàn giao đất cho người mua đất của dự án?

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Thanh Liêm cho biết: về GPMB phần đất tái định cư hiện còn lại 14 hộ đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao diện tích đất. UBND huyện sẽ có phương án hỗ trợ những hộ này di chuyển. Còn 22 hộ chưa đồng ý kiểm kê, huyện sẽ tập trung GPMB nốt các hộ còn lại liên quan đến đất tái định cư.

Nhiều nội dung nóng về kinh tế xã hội được nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày làm việc thứ ba HĐND tỉnh
Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Long trả lời chất vấn tại Kỳ họp.

Cùng trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách sở Tài nguyên & Môi trường trả lời: Dự án KĐT Hưng Hòa đến thời điểm hiện nay về GPMB còn phần tái định cư, đề nghị huyện Thanh Liêm khẩn trương thực hiện các biện pháp thu hồi. Việc nhà đầu tư đề nghị giao đất ở tại khu vực này: Theo Luật Đất đai, KĐT phải triển khai giải phóng xong mặt bằng mới được giao đất, đồng thời hội đồng thẩm định của UBND tỉnh thẩm định giá. Căn cứ Luật Đất đai, giá đất được tính tại thời điểm giao đất. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND thực hiện nội dung này theo đúng quy định pháp luật.

Nhiều nội dung nóng về kinh tế xã hội được nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày làm việc thứ ba HĐND tỉnh
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đỗ Quốc Hòa trả lời chất vấn của cử tri tại Kỳ họp.

Liên quan đến lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, ông Đỗ Quốc Hòa, Phó Giám đốc BHXH tỉnh trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung vào các vấn đề: đề nghị cơ quan nhà nước nghiên cứu để đối tượng đã mua thẻ BHYT tự nguyện tại gia đình, nhưng khi thực hiện nghĩa vụ quân sự được cấp thẻ BHYT trong quân đội, như vậy lãng phí kinh phí đã mua của đối tượng và chồng chéo về cấp thẻ; Đề nghị có chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho hội viên người cao tuổi (nam 60, nữ 55 tuổi); Hiện nay người dân tham gia đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) không được hưởng chế độ BHYT, Bảo hiểm thai sản. Cử tri đề nghị Nhà nước, BHXH quan tâm, tạo điều kiện cho người tham gia BHXHTN được hưởng chế độ BHYT, chế độ Bảo hiểm thai sản.

Chiều 9/12 sẽ diễn ra phiên bế mạc Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XIX nhiệm kỳ 2021-2026.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy