Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trên cơ sở những văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả một số nhiệm vụ về thực hiện Chỉ số cải thiện các quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh. 

Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Người dân tìm hiểu các TTHC tại bộ phận “một cửa” UBND xã Nhân Bình (Lý Nhân).

Theo ông Nguyễn Công Hanh, Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL, Sở Tư pháp: Để bảo đảm chất lượng văn bản QPPL, cơ quan thẩm định đã thực hiện cẩn trọng, đầy đủ các quy trình theo quy định, gồm: Thu thập những tài liệu có liên quan đến nội dung của đề nghị; đánh giá sự cần thiết ban hành văn bản; đánh giá đối tượng, phạm vi điều chỉnh và các yếu tố khác của dự thảo văn bản. Do vậy, hầu hết các báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp đã thể hiện đầy đủ những nội dung thẩm định theo quy định Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015; thể hiện rõ quan điểm, nội dung ý kiến về việc đề nghị xây dựng văn bản có đủ hay không đủ điều kiện trình. Kết quả: nhìn chung, các ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp đều được cơ quan chủ trì lập đề nghị xây dựng văn bản hoặc soạn thảo dự án, dự thảo văn bản tiếp thu, giải trình cụ thể.

Bên cạnh làm tốt công tác lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL, việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL và văn bản quy định chi tiết cũng được quan tâm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Tư pháp đã thẩm định 26 dự thảo văn bản QPPL (4 dự thảo nghị quyết, 22 dự thảo quyết định); đóng góp ý kiến đối với 41 dự thảo văn bản; 100% các hồ sơ đóng góp, thẩm định được thực hiện đúng tiến độ và đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đóng góp, thẩm định văn bản luôn bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Các sở, ngành thường xuyên phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải các hồ sơ, dự thảo văn bản QPPL để lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh và dự thảo văn bản QPPL trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Chất lượng các dự thảo văn bản QPPL cơ bản đáp ứng được yêu cầu về cải cách thể chế.

Đối với những nội dung không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp, thẩm định để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh. Việc lập danh mục văn bản quy định chi tiết giúp đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng soạn thảo và khắc phục tình trạng “nợ” ban hành văn bản.

Sau đề nghị, xây dựng, ban hành, công tác rà soát, kiểm tra các văn bản QPPL cũng đã được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh hết sức chú trọng. Từ đầu năm đến nay, các sở, ngành đã thực hiện rà soát thường xuyên đối với những văn bản QPPL thuộc lĩnh vực phụ trách. Kết quả đã rà soát 40 văn bản QPPL. Qua rà soát đã tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung 6 văn bản. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị còn tiến hành rà soát chủ động theo chuyên đề, lĩnh vực như: Rà soát các văn bản về phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; rà soát, đề xuất định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội… Đồng thời, các sở, ngành cũng đã tham mưu UBND tỉnh tự kiểm tra 11/11 văn bản QPPL, đạt tỷ lệ 100%. Qua kiểm tra cho thấy các văn bản ban hành đúng thẩm quyền, nội dung phù hợp với pháp luật hiện hành.

Bên cạnh những kết quả tích cực trên đây, công tác đề xuất, xây dựng, ban hành, rà soát và kiểm tra văn bản QPPL cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Qua kiểm tra cho thấy chất lượng một số văn bản, dự thảo còn hạn chế. Cụ thể: Quy định trong dự thảo còn thiếu căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn; chưa rà soát hết nội dung, yêu cầu được giao, thiếu số liệu chứng minh sự cần thiết, tính khả thi của văn bản; việc tổng kết, đánh giá tình hình thực tiễn trong lĩnh vực được phân cấp quản lý của một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ. Một số hồ sơ dự thảo khi lấy ý kiến góp ý các cơ quan, đơn vị có liên quan, đối tượng chịu sự tác động của văn bản chưa xác định rõ những nội dung, lĩnh vực cần lưu ý để góp ý; chưa đánh giá toàn diện tác động chính sách nên quá trình góp ý, thẩm định còn gặp khó khăn.

Một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này là: người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị  được giao chủ trì soạn thảo chưa thật sự sát sao trong quá trình tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng văn bản. Bên cạnh đó, có một thực tế là đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật tại một số sở, ngành phần lớn kiêm nhiệm nên chất lượng tham mưu, thực hiện còn hạn chế.

Việc nhận diện đầy đủ những ưu điểm, kết quả tích cực cũng như những tồn tại, hạn chế là rất cần thiết, tạo cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao hơn nữa Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.