Ngày 5/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV họp toàn thể tại hội trường, nghe trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trong chương trình thảo luận buổi sáng về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam chủ trì thảo luận tại tổ 17. Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nêu lên một số vướng mắc trong cơ chế, chính sách liên quan phát triển nhà ở xã hội và đề xuất một số giải pháp cần luật hóa. Trong đó, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất một số giải pháp: Luật hóa để cởi nút thắt về tư duy, tiếp tục nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp đối với vấn đề phát triển nhà ở xã hội; cởi nút thắt về cơ chế, chính sách đối với phát triển nhà ở xã hội; đề nghị Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội ban hành một số chính sách nhằm đột phá phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc nhằm có bước đột phá trong việc phát triển nhà ở xã hội; các chính sách ưu đãi nhà ở lưu trú cho công nhân nên hướng đến các doanh nghiệp đang sử dụng lao động tại các khu công nghiệp; luật hóa các nội dung liên quan đến quy hoạch, xây dựng, quản lý nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú công nhân...
Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng nhất trí về sự cần thiết sửa đổi toàn diện dự án Luật Nhà ở. Tham gia góp ý vào Dự thảo luật, đại biểu Phạm Hùng Thắng đưa ra một số đề xuất: Dự thảo luật còn khá nhiều các điều, điểm giao thoa, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất giữa Dự án Luật này với các luật hiện hành, nhất là đối với Dự án Luật Đất đai và Dự án Luật Kinh doanh bất động sản đang sửa đổi. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội để thống nhất xử lý các vấn đề còn giao thoa, chồng chéo. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu để luật hóa tối đa các quy định đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả. Ngoài ra, đại biểu Phạm Hùng Thắng có một số ý kiến tham gia thêm về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân người nước ngoài; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh...
Phát biểu tại phiên thảo luận buổi sáng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu. Đồng thời khẳng định, các ý kiến thảo luận chi tiết, thẳng thắn và đưa ra được những vấn đề cần làm rõ để khi luật ban hành sẽ giải quyết được những tồn tại cũ, không để phát sinh những thủ tục mới.
Buổi chiều dưới sự chủ trì của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, tổ 17 tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị xem xét một số quy định cụ thể trong dự thảo, quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quy định đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; về phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; quy định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước...
Phát biểu tại phiên thảo luận buổi chiều, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu đã nêu bật, phân tách trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo hướng một việc chỉ giao một cơ quan quản lý để tránh việc chồng chéo. Đối với Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy khẳng định, đây là dự án luật rất quan trọng tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị cơ quan soạn thảo có quy định cụ thể, chi tiết hơn bảo đảm áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn.
P.V