Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn

Ngày 24/10, tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội thảo luận trực tuyến về báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp, trong đó có những lĩnh vực công tác của ngành thanh tra.

Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về công tác phòng chống tội phạm
Quốc hội thảo luận 2 dự án luật và công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng
Cuối giờ thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã có giải trình về ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV Ngăn chặn từ đầu không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhiều hoạt động thanh tra bị đình hoãn do dịch bệnh

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết mặc dù trong năm 2021, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã giảm so với năm 2020, nhưng việc phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển sang cơ quan điều tra lại tăng.

Lý giải về điều này, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, số cuộc thanh tra, kiểm tra giảm chủ yếu là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch lần thứ 4, khiến nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra phải dừng, hoãn. Trước khó khăn khách quan này, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đã chủ động xây dựng phương án phù hợp với tình hình phòng, chống dịch để triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.

Ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, việc chuyển các vụ việc sang cơ quan điều tra tăng so với năm 2020 cho thấy chất lượng hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm tra đã từng bước được nâng lên; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, vi phạm pháp luật. Đặc biệt, là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cơ quan nội chính trong thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trong phòng, chống tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho hay, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng đã đáp ứng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là “trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thi hành án nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án”.

Tổng Thanh tra Chính phủ lấy ví dụ về cuộc thanh tra việc quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển 7 vụ việc ngay trong 6 tháng đầu năm 2021 sang cơ quan điều tra trong quá trình thanh tra, chưa dự thảo kết luận.

Hoàn thiện quy định pháp luật về kiểm soát tài sản người có chức vụ

Về ý kiến của đại biểu đề nghị đẩy mạnh hoàn thiện thể thế phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều đổi mới, chú trọng ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực nói chung và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng; từng bước hoàn thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ theo hướng đảm bảo “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chia sẻ, công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Do đó, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng Đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương liên quan xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng giao Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Thanh tra sửa đổi, Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập…

Phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch

Về hoạt động thanh tra liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết Chính phủ đã ban hành hàng loạt Nghị quyết, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và có biện pháp phòng ngừa, phòng chống tiêu cực, tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Thanh tra Chính phủ đã trình Thủ tướng phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó có thanh tra các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thêm, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh sự giám sát của các cơ quan dân cử, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, báo chí, doanh nghiệp và người dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Phòng chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Việt Đức (TTXVN)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.