Để cán bộ, công chức, viên chức thực sự là công bộc của nhân dân

Bài 3: Cán bộ là gốc của mọi công việc

>>> Bài 1: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo 

>>> Bài 2: Xây dựng và thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”

Bài 3: Cán bộ là gốc của mọi công việc

Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) là một trong những khâu đột phá chiến lược được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhằm hướng tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đó, việc nâng cao năng lực, hiệu quả giải quyết nhiệm vụ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nhận diện thách thức

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Theo Người, công bộc là phẩm chất đầu tiên, cần thiết nhất của người cán bộ. Tư tưởng này luôn có ý nghĩa thực tiễn đến ngày nay, nhất là trong công cuộc CCHC, trọng tâm là cải cách tư duy phục vụ của mỗi CBCCVC khi giao tiếp với người dân. Một đội ngũ CBCCVC thực thi công vụ thật sự “gần dân, sát dân”, nhận thức đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, tác phong chuyên nghiệp, làm việc hiệu quả sẽ góp phần tạo dựng nền hành chính công trong sạch, tạo ưu thế cạnh tranh lành mạnh cho quốc gia trong xu thế hội nhập, phát triển. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận CBCCVC thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu bản lĩnh đấu tranh với những hành vi quan liêu, tiêu cực, chưa thực sự lấy phục vụ nhân dân làm mục tiêu, thước đo chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Thực trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và làm giảm niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền, khiến một số người dân, tổ chức còn tâm lý e ngại khi đến làm việc tại cơ quan hành chính.

Để cán bộ công chức viên chức thực sự là công bộc của nhân dân
Người dân tới thực hiện đăng ký thông tin hộ tịch tại bộ phận “một cửa” của thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục). Ảnh: Thanh Vân

Tại Hà Nam, trong thời gian qua, công tác CCHC đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song cũng vẫn còn đó những hạn chế, vướng mắc chưa được khắc phục. Theo bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020, tỉnh Hà Nam bị giảm điểm ở một số tiêu chí phụ so với các năm trước như: sự minh bạch về chính sách, trách nhiệm giải trình với người dân… Đáng lưu ý, ở một số địa phương trong tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng hồ sơ quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC): Ngọc Lũ (Bình Lục), Lê Hồ (Kim Bảng), Tiên Tân (TP Phủ Lý)…, tập trung ở những lĩnh vực phức tạp, nhiều thành phần hồ sơ (đất đai, xây dựng, môi trường). Kết quả kiểm tra công tác CCHC định kỳ của Sở Nội vụ tại một số sở, ngành, địa phương (nhất là những nơi có thay đổi về nhân sự) cho thấy CBCCVC tại bộ phận “một cửa” chưa thành thạo hoặc chưa làm đúng quy trình giải quyết TTHC; số liệu hồ sơ sổ sách ghi chép còn sai lệch với số liệu thể hiện trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử. Tại một số địa phương, có lúc, có việc người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác CCHC, bộ TTHC được niêm yết tại phòng “một cửa” không cập nhật thường xuyên, gây khó khăn cho người dân khi muốn tra cứu, tìm hiểu, hoàn thiện hồ sơ. Năng lực đội ngũ CBCCVC chưa đồng đều, làm việc không đúng chuyên môn sở trường, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp còn hạn chế. Có trường hợp CBCC tỏ ra khá lúng túng khi làm việc với người nước ngoài do không thông thạo ngoại ngữ, hoặc chưa nắm vững kiến thức chuyên môn khi trao đổi qua thông dịch viên, dẫn đến thiếu sót giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ, người dân phải đi lại nhiều lần. Ngoài ra, tình trạng thiếu thiết bị làm việc (máy quét, máy in, máy tính…) cũng gây khó khăn cho đội ngũ CBCCVC trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Đâu là nguyên nhân của những hạn chế nêu trên? Theo ông Đỗ Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, những vướng mắc trên không chỉ mới xuất hiện, mà tồn tại từ lâu. Dễ nhận thấy nhất là chế độ tuyển dụng, sử dụng CBCCVC còn nhiều bất cập cả trong văn bản quy định và thực tế. Không ít cán bộ vì nhiều lý do khác nhau được tuyển dụng vào làm việc không đúng chuyên môn đào tạo, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thiếu tính chuyên nghiệp. Một số cơ quan, đơn vị chưa xác định đúng, rõ chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, dẫn đến tình trạng: người làm không hết việc, trong khi người khác gần như không có việc để làm. Chưa kể, cơ chế xét tuyển CCVC và chế độ lương, thưởng như hiện nay rất khó thu hút nhân tài, người giỏi vào làm việc trong cơ quan nhà nước, nhất là lao động trẻ, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng ngoại ngữ tốt. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu đòi hỏi các cấp, ngành hữu quan cần có những giải pháp phù hợp, hiệu quả để khắc phục khó khăn, nhanh chóng giải đáp những mong mỏi của nhân dân trong thời gian tới.

Lấy con người là trung tâm của công tác CCHC

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đẩy mạnh CCHC, thiết lập một nền dịch vụ hành chính công, hình thành đội ngũ CBCCVC thực thi công vụ chuẩn mực. Theo đó, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) là một trong những giải pháp trọng tâm được các địa phương tập trung thực hiện 3 năm qua. 

Tại thị xã Duy Tiên, sau hơn 1 năm thành lập, bộ máy hành chính của xã Tiên Sơn (sáp nhập từ 3 xã Đọi Sơn, Châu Sơn, Tiên Phong) đã được sắp xếp tinh gọn hơn, chất lượng đội ngũ CBCC ngày càng nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Với những CBCC thuộc diện dôi dư sau sáp nhập, Đảng ủy, UBND xã tập trung định hướng tư tưởng, thực hiện phương án sắp xếp kiện toàn bảo đảm đúng quy định hiện hành gắn với giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Trong bố trí, sắp xếp, sử dụng CBCC, UBND xã thực hiện đúng quy trình, quy định, bảo đảm bố trí, sử dụng đúng vị trí việc làm, trình độ chuyên môn được đào tạo, nhất là đội ngũ CBCC làm việc tại phòng tiếp công dân, bộ phận “một cửa”, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với những CBCC chưa bảo đảm yêu cầu về trình độ được bố trí tham dự các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn theo quy định. Hiện tại, trên địa bàn toàn thị xã Duy Tiên đã giảm 7 đầu mối (3 đơn vị trực thuộc thị xã, 4 trường học), thực hiện trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị, trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã, bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở 100% phường, xã. 

Để cán bộ công chức viên chức thực sự là công bộc của nhân dân

Để cán bộ công chức viên chức thực sự là công bộc của nhân dân

Bài 2: Xây dựng và thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”

Để cán bộ công chức viên chức thực sự là công bộc của nhân dân

Để cán bộ công chức viên chức thực sự là công bộc của nhân dân

Bài 1: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo 

Theo đánh giá chung của cán bộ, đảng viên, nhân dân, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã phát huy rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, khắc phục dần tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi công vụ của đội ngũ CBCC, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và vai trò của người đứng đầu về CCHC được nâng cao. Coi trọng giải pháp lấy con người là trung tâm, dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân cũng bày tỏ mong muốn: công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ cần được tăng cường, nâng cao chất lượng, tạo tác động tích cực, trực tiếp đối với việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của bộ máy nhà nước và đội ngũ CBCC. Hoạt động này cần được đánh giá thực chất, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xử lý nghiêm hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của đội ngũ CBCCVC khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức tuyển dụng CBCCVC với mục tiêu tuyển dụng được người tài, người giỏi vào đúng vị trí việc làm. Đặc biệt, với thực tế ở Hà Nam (hiện đang rất thiếu đội ngũ chuyên sâu về công nghệ thông tin, ngoại ngữ), việc đổi mới hình thức tuyển dụng, có chính sách đãi ngộ tốt là giải pháp hữu hiệu để thu hút lao động trẻ có trình độ chuyên môn, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, kiến tạo, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, tạo dựng chính quyền điện tử hiện đại, tiện ích và đội ngũ CBCCVC thực sự do dân, vì dân, 5 năm tới, Hà Nam tiếp tục xác định con người là trung tâm của công tác CCHC, phấn đấu nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, Chỉ số năng lực cạnh tranh và Chỉ số CCHC. Vì vậy, hơn ai hết, những “công bộc của dân” phải tự nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm phục vụ nhân dân, lấy thước đo hiệu quả công việc bằng sự hài lòng của người dân, từ đó tăng cường mối gắn kết giữa chính quyền và nhân dân, xây dựng nền công vụ trong sạch, vững mạnh.

Thanh Vân - Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.