Để cán bộ, công chức, viên chức thực sự là công bộc của nhân dân

Bài 2: Xây dựng và thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”

>>> Bài 1: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo 

Bài 2: Xây dựng và thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”

Ngày 13/6/2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai xây dựng điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” đối với chính quyền cấp xã tại 14 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình đã tạo ra những chuyển biến tích cực ở cấp chính quyền cơ sở, nhất là về trình độ chuyên môn, tinh thần, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người đứng đầu cơ quan, đơn vị, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Đổi mới tác phong theo “5 biết”, “3 thể hiện”

Xã Hợp Lý (Lý Nhân) là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” từ năm 2019. Cùng với nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận “một cửa”, để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình, đội ngũ CBCC xã luôn chú trọng thực hiện nghiêm chuẩn mực đạo đức công vụ, quyết tâm thực hiện tốt: “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn) và “3 thể hiện” (tôn trọng trong quan hệ giao tiếp; văn minh lịch sự, văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc; gần gũi trong quan hệ, giải quyết công việc).

Hằng tuần, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp về từng địa bàn thôn tham gia các hoạt động tập thể cùng nhân dân. Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã thực hiện tiếp dân định kỳ 3 ngày/tháng, đồng chí Chủ tịch UBND xã tiếp dân vào thứ năm hằng tuần. Nhờ đó, các ý kiến, kiến nghị, đơn thư của công dân được tập trung giải quyết nhanh, gọn, đúng quy định, không có đơn thư tồn đọng, kéo dài, vượt cấp.

UBND xã Hợp Lý cũng đã thành lập “Tổ hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)”, trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các giao dịch hành chính (vào thứ ba, thứ năm hằng tuần). Những cải tiến, đổi mới của chính quyền địa phương trong xử lý thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng nhanh, gọn, khoa học, thuận tiện, tiết kiệm trên đây đã nhận được sự đánh giá tích cực của đa số người dân. 

Để cán bộ công chức viên chức thực sự là công bộc của nhân dân
Công dân làm thủ tục đăng ký kết hôn tại bộ phận “một cửa” UBND thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân). Ảnh: Khánh Chi

Có mặt từ sớm tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Hợp Lý để làm giấy khai sinh cho con, chị Đặng Thị Thanh Hương (người dân thôn Phúc Thủy, Hợp Lý) vừa ghi phiếu đánh giá, góp ý, vừa vui vẻ chia sẻ: Tôi tranh thủ đến sớm vì ở nhà bận nhiều việc, nhưng không nghĩ TTHC hoàn thành nhanh gọn đến thế. CBCC ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả rất chuyên nghiệp, thân thiện, nhiệt tình hướng dẫn người dân nhanh chóng hoàn thiện các bước TTHC theo quy định. Chúng tôi được nhận kết quả ngay trong buổi, thậm chí có những TTHC chỉ sau nửa tiếng đã có kết quả. Tôi cũng rất bất ngờ và rất vui khi nhận được thư chúc mừng của Chủ tịch UBND xã nhân dịp gia đình đón thêm thành viên mới. Những việc làm cụ thể, thiết thực trên đây thể hiện rõ sự quan tâm, thân thiện, sẻ chia của CBCC, người đứng đầu chính quyền địa phương đối với người dân. 

Đồng chí Lê Thị Giang Xuân, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lý Nhân cho biết: Đến nay, Lý Nhân đã có 21/21 xã, thị trấn thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Gần gũi, thân thiện, cởi mở trong hoạt động giao tiếp với người dân đã giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm bắt chính xác tình hình đời sống nhân dân, những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Qua đó, kịp thời tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ người dân đối với những việc có thể giải quyết ngay ở cơ sở, không để phát sinh phức tạp. Mặt khác, số hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC trả trước hạn, đúng hạn ở các xã chiếm tỷ lệ cao cũng đã giúp nhân dân tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, được người dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất tích cực. 

Để cán bộ, công chức, viên chức thực sự là công bộc của nhân dân

Để cán bộ, công chức, viên chức thực sự là công bộc của nhân dân

Bài 1: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo 

Khi CBCCVC thực sự gần dân, hiểu dân 

Xã Tân Sơn là một trong những đơn vị triển khai điểm mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” của huyện Kim Bảng trong năm 2020. Trao đổi về kết quả thực hiện mô hình của xã, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Sự hài lòng của người dân luôn là thước đo đánh giá  chính xác về hiệu quả mô hình, hiệu quả làm việc của đội ngũ CBCC. Sau hơn 1 năm thực hiện, chúng tôi nhận thấy rõ sự cải thiện đáng kể trong mối quan hệ giữa chính quyền với người dân. Và khi có được lòng tin của nhân dân, các cuộc vận động, phong trào thi đua và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng được thực hiện tốt hơn. Khi triển khai mô hình, chúng tôi đặc biệt quan tâm duy trì nghiêm

Quy chế dân chủ ở cơ sở cùng thái độ lắng nghe, biết “cảm ơn”, “xin lỗi” đúng lúc, đúng chỗ của đội ngũ CBCC cũng như người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Công tác tiếp công dân được tổ chức định kỳ, thường xuyên gắn với chú trọng hình thức đối thoại trực tiếp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhất là những vấn đề bức xúc mà người dân quan tâm, từ đó có phương án giải quyết đúng lý, hợp tình, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN). Tinh thần, trách nhiệm cao của đội ngũ CBCC được phát huy và thể hiện rõ nét trong hiệu quả giải quyết công việc. 100% TTHC của người dân, tổ chức, DN được giải quyết theo thẩm quyền xong trước và đúng thời hạn. Các TTHC liên quan đến công chứng, chứng thực (khai sinh, khai tử…) được giải quyết, trả kết quả ngay trong ngày (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ). 

Hơn 1 năm qua, UBND xã Tân Sơn đã tiếp nhận trên 1.400 hồ sơ, trong đó tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn đạt 97,2%, không có hồ sơ quá hạn. Lãnh đạo UBND xã trực tiếp trao 166 thư chúc mừng những gia đình có thành viên mới, những cặp vợ chồng đăng ký kết hôn; 58 thư chia buồn đối với những gia đình có hiếu sự, bảo đảm trang trọng, ý nghĩa, tạo dựng cách ứng xử văn minh, dân chủ, thân thiện, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc, gắn kết gần gũi giữa chính quyền với người dân. 

Ở phạm vi rộng toàn tỉnh, tại một số xã, phường, thị trấn, sau một thời gian triển khai mô hình, CBCC và người đứng đầu địa phương đã có sáng kiến đổi mới, bổ sung thêm nội dung vào bộ quy tắc ứng xử giữa CBCC với nhân dân. Xã Nguyên Lý (Lý Nhân), thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) bổ sung “5 biết” thành “6 biết” (thêm “biết sẻ chia”) và “5 không” (không hách dịch, cửa quyền; không quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân; không tham ô, lãng phí; không né tránh trách nhiệm; không chậm trễ giải quyết hồ sơ, công việc). Xã Nhân Bình (Lý Nhân) chỉnh sửa, bổ sung “3 thể hiện”, xác định rõ chủ thể giao tiếp trực tiếp với CBCC là nhân dân và thể hiện quan điểm mô hình không chỉ dừng lại ở “chính quyền thân thiện” mà cả “công sở thân thiện”…

Từ nỗ lực “thay đổi chính mình”, chính quyền các địa phương đã nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao của quần chúng nhân dân. Theo kết quả lấy phiếu khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại bộ phận “một cửa” ở các địa phương, mức độ “rất hài lòng” chiếm tỷ lệ rất cao, có 3 đơn vị đạt tỷ lệ tuyệt đối 100%; “không hài lòng” chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (2%). Đa số phiếu đều đánh giá tốt về: cơ sở vật chất tại trụ sở làm việc; thái độ giao tiếp; chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc của CBCC. Một số địa phương có số hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC trả trước hạn đạt tỷ lệ cao, như: phường Hòa Mạc (Duy Tiên) 100%; xã Tân Sơn (Kim Bảng) trên 98%; xã Liêm Cần (Thanh Liêm) 100%; Phường Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý) 100%... 

Đánh giá về hiệu quả mô hình, đồng chí Phạm Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng: Tuy còn có những hạn chế nhất định ở một số địa phương (trang thiết bị thiếu đồng bộ, vai trò của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội chưa rõ nét, nhất là trong giám sát đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị…) nhưng thực tế đã chứng minh ở hầu hết các địa phương thực hiện mô hình “chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” đã tạo được chuyển biến rõ nét về tư tưởng, nhận thức, phong cách làm việc, tinh thần phục vụ nhân dân trong CBCC cơ quan chính quyền cấp xã. Chỉ với những hành động, việc làm cụ thể, đơn giản, từ cử chỉ, lời nói, sắc thái đúng mực, biết cảm ơn, chúc mừng, xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ đã góp phần tạo dựng, củng cố mối gắn kết chặt chẽ, sự tin cậy, sẻ chia, cởi mở giữa chính quyền và nhân dân.

Như vậy, có thể thấy, phần đông người dân đã có tâm lý thoải mái hơn khi đến làm việc tại cơ quan hành chính nhờ sự thay đổi căn bản về thái độ, cung cách phục vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ CBCCVC. Tuy vậy, để góp phần xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, người dân cũng cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của mình, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, qua đó thu hẹp hơn nữa khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân.

>>> Bài 3: Cán bộ là gốc của mọi công việc

 Thanh Vân - Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.