ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT về giải pháp khắc phục ô nhiễm nước sông Nhuệ, sông Đáy

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng về giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Đáy, sông Nhuệ.

ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ TNMT về giải pháp khắc phục ô nhiễm nước sông Nhuệ sông Đáy
ĐBQH tỉnh tham dự phiên họp chiều 16/03

Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời, làm rõ chất vấn cũng như tranh luận của các ĐBQH về các nội dung: Việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của QH liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này. Việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.

ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ TNMT về giải pháp khắc phục ô nhiễm nước sông Nhuệ sông Đáy
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại phiên họp 

Tiếp tục đề cập về vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy, từ điểm cầu Hà Nam, ĐBQH Phạm Hùng Thắng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã nêu chất vấn với Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường về các giải pháp phắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy trên địa bàn tỉnh Hà Nam và các tỉnh hạ lưu…

Về vấn đề ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng nêu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Đây là vấn đề Bộ trăn trở rất nhiều, từ hai nhiệm kỳ nay. Đồng thời cho biết: Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên & Môi trường và các địa phương không cấp phép cho một nhà máy mới nào có nước thải xả nước thải không đảm bảo ra sông Nhuệ. Các địa phương, lộ trình đến năm 2030, trong đó Hà Nội sẽ thu được toàn bộ nước thải sinh hoạt, và ở Hà Nội chiếm 60% tỷ lệ nước đổ vào sông Nhuệ, sông Đáy chảy về Hà Nam, và như vậy thì đến năm 2030 Hà Nội mới thu được 90% và xử lý đạt tiêu chuẩn. Các làng nghề ở Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình chỉ chiếm 7%, Hà Nam chiếm 12% nước sinh hoạt, còn hiện nay tất cả các KCN, cụm CN, các doanh nghiệp xả thải lớn thì Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng sẽ làm như sông Hồng. Nghĩa là Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ rồi nên chúng tôi sẽ đưa ra lộ trình cụ thể. Hiện nay, đối với khu vực nguồn nước này, chúng ta phải có nguồn để bổ sung, thực chất là sông Sét, sông Tô Lịch chuyển nước thải, còn nước sông Nhuệ lấy từ sông Hồng vào để làm sạch và bổ sung nguồn nước. Chúng tôi cũng đề nghị các công trình thủy lợi, hiện nay chúng ta không chỉ thực hiện một mục tiêu là cung cấp vào mùa để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà chúng ta còn phải đảm bảo 8 tháng tiếp theo để bổ sung nguồn nước này phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội… của các tỉnh thượng nguồn. Nếu làm được cái này thì mới giải quyết được. Còn kể cả sau này, nếu Hà Nội không còn nguồn nước thải nữa thì đến mùa khô, lượng nước ít, không có dòng chảy thì bản thân nó cũng sẽ ô nhiễm. Còn việc chúng ta đã làm được là quan trắc để khi có vấn đề ô nhiễm thì lúc đó mới điều tiết, bổ sung bơm, bơm thì mất tiền. Bộ đã báo cáo Chính phủ cần phải điều tiết lại, thay đổi quy định điều tiết. Thứ hai là cần phải có chi phí tài chính để đầu tư và duy trì trạm bơm. Đây là bài toán Bộ sẽ tiếp cận để xử lý cho mọi nguồn nước ở các khu vực khác chứ không riêng gì sông Nhuệ, sông Đáy...

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh: phiên chất vấn đầu tiên của UBTVQH khóa XV đã thành công tốt đẹp. Việc chọn nội dung chất vấn là rất đúng, trúng. Mặc dù diễn ra theo hình thức trực tuyến, song phiên chất vấn vẫn tạo được sự tương tác giữa người chất vấn và trả lời chất vấn, đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đề nghị Bộ Công thương có phương án, kịch bản đảm bảo an ninh xăng dầu trong mọi tình huống. Tiếp tục kiểm soát giá xăng dầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn xăng dầu; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá xăng dầu.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của QH về quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại; khắc phục những hạn chế bất cập về quản lý đất đai; tăng cường kỷ luật kỷ cương nhà nước trong quy hoạch, quản lý đất đai; Rà soát nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, đấu giá đất; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; chế tài xử lý vi phạm; nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra về môi trường, đấu tranh chống tội phạm về môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là việc xử lý rác thải, phân loại rác thải ngay tại nguồn.

Để nghị quyết của UBTVQH đi vào cuộc sống, UBTVQH đề nghị Chính phủ, thành viên Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện nghiêm những nội dung đã nêu tại phiên chất vấn; các ĐBQH thực hiện tốt hơn nữa chức năng, trách nhiệm của mình, nhất là phát huy vai trò giám sát và giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri…

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy