Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế; kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, chiều 29/10, Quốc hội nghe và thảo luận tại Tổ nội dung các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 -2030 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Đoàn ĐBQH tỉnh dự và thảo luận ở Tổ về các nội dung này tại điểm cầu Hà Nam.

Chiều 2910 Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế kế hoạch quy hoạch sử dụng đất
Đồng chí Phạm Hùng Thắng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại Tổ chiều 2/10 tại điểm cầu Hà Nam

Về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện đã có tác động tiêu cực đến mọi mặt của kinh tế - xã hội, tăng trưởng đạt thấp, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách bị ảnh hưởng, cả giai đoạn có 17/22 mục tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, chất lượng tăng trưởng được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động được cải thiện; hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện; huy động vốn đầu tư phát triển tăng; quản lý nợ xấu, nợ công có nhiều tiến bộ, hiệu quả sử dụng vốn được cải thiện; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; thể chế luật pháp, kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ cấu lại nền kinh tế cũng còn những bất cập, hạn chế: việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại 3 trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng không đạt mục tiêu, 5/22 mục tiêu không đạt.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ; năng lực thị trường vốn, thị trường khoa học, công nghệ còn hạn chế; khu vực kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế; khả năng huy động, hấp thụ vốn còn thấp; công tác cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý các dự án yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu; việc triển khai xây dựng các quy hoạch còn chậm, thể chế liên kết vùng chưa đầy đủ, hiệu quả kinh tế còn thấp; tính bền vững và khả năng thích ứng của nền kinh tế chưa cao…

Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn đặt ra đối với quản lý, sử dụng đất đai trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ; phân bổ, huy động quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, an ninh lương thực quốc gia; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh .

Về kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020, cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội quyết định (bình quân đạt 85,35%); có 14 chỉ tiêu đạt trên 90%, 06 chỉ tiêu đạt từ 70%-90%, 01 chỉ tiêu đạt từ 50% -70% và 04 chỉ tiêu đạt dưới 50%. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ nguồn lực đất đai cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế do nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo đồng bộ, kết nối, thiếu tầm nhìn dài hạn; việc lập quy hoạch chưa dựa trên phương pháp, công nghệ hiện đại; thông tin, số liệu, tài liệu đầu vào cho công tác lập quy hoạch còn hạn chế. Dự báo sử dụng đất chưa sát với nhu cầu, việc phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương. Việc tổ chức lập, thực hiện quy hoạch còn là khâu yếu: Các quy hoạch có sử dụng đất như quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch phân khu… lập thiếu tính đồng bộ, ổn định, còn thay đổi, điều chỉnh nhiều lần làm phá vỡ tính tổng thể của hệ thống quy hoạch; công tác giám sát, kiểm tra việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch chưa nghiêm và thường xuyên…

Chiều 2910 Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế kế hoạch quy hoạch sử dụng đất
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở Tổ chiều 29/10

Thảo luận tại Tổ về các nội dung trên, các ĐBQH tỉnh Hà Nam cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành các Kế hoạch, đồng thời cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể. Đối với dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, các ý kiến của ĐBQH tỉnh đều tập trung vào: quan điểm và mục tiêu tổng quát; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; danh mục các chương trình, đề án trong Kế hoạch; nguồn lực và phương thức huy động, tổ chức thực hiện và một số vấn đề khác có liên quan. Về kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng: Những mục tiêu không hoàn thành cũng như những hạn chế, yếu kém cần phải đánh giá rõ nguyên nhân và làm rõ trong báo cáo thẩm tra. Để kế hoạch được triển khai ngay trong những năm đầu của giai đoạn 2021- 2025, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị sau khi được QH thông qua, Chính phủ cần chỉ đạo các chỉ tiêu, mục tiêu, đề án và kiểm soát chặt chẽ và phải xác đinh rõ những khó khăn cần tháo gỡ, những nội dung cần cơ cấu lại để Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đạt được kết quả cao…

          Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), các ĐBQH tỉnh tập trung cho ý kiến vào các nội dung: Về hồ sơ, thời gian trình Quốc hội; về đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015 và 2016-2020) quốc gia; về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia; về sự phù hợp với Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan; về các chỉ tiêu cụ thể; về giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và một số nội dung khác. Trong đó, các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần làm rõ, xem xét kỹ về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và các quy hoạch có liên quan; về các chỉ tiêu cụ thể: đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất khu CN; đất QP-AN; các loại đất khác, cần lưu ý quan điểm phát triển quỹ đất theo hướng lấn biển; đất các cơ sở văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo… Đồng thời một số ý kiến đề xuất cần tăng cường quản lý đất đai, đất lúa, đất thương phẩm…

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy