Ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh đối với ngành Giáo dục chưa đo đếm được

Báo cáo Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi.

Ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh đối với ngành Giáo dục chưa đo đếm được
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn sáng 11/11. Ảnh: VA

Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Trên 7 vạn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực. Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể siết...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành Giáo dục và đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Bộ GD&ĐT đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, hướng phó với dịch bệnh. Tất cả vì học sinh thân yêu!

Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập. Kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần phục hồi, nhưng ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên, và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Hậu quả do dịch bệnh gây ra để lại lâu dài và sự khắc phục nó không phải một sớm một chiều.

Ngành giáo dục đã triển khai đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh, bước đầu có những con số và chỉ số về tác động tiêu cực, có điều đã nhìn thấy ngay và đã thấy, nhưng cũng có những điều còn ảnh hưởng lâu dài chưa đo đếm được. Đặc biệt là những lỗ hổng về kiến thức, những tác động tâm lý, tinh thần, tình cảm của học sinh.

“Trong sự chuyển trạng thái và ứng phó với dịch bệnh vừa qua, thật cảm động khi ngành giáo dục được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, được toàn thể xã hội, các cấp, các ngành, đoàn thể chăm lo chung tay hỗ trợ. Thay mặt cho trên 1,5 triệu giáo viên và người lao động cùng 24 triệu học sinh, sinh viên, tôi xin được trân trọng bày tỏ sự biết ơn sâu sắc”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ.

Dạy học lớp 1 trên truyền hình chỉ là một giải pháp

Trả lời câu hỏi về việc lớp 1 học trực tuyến chưa đạt hiệu quả như mong muốn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong việc chuyển trạng thái của ngành giáo dục để ứng phó dịch bệnh, Bộ GD&ĐT chủ trương riêng đối tượng học sinh lớp 1 và lớp 2 sẽ học chủ yếu trên truyền hình. Các trường có đầy đủ điều kiện và được đồng ý của giáo viên mới dạy trực tuyến. Trong vòng hơn hai tháng vừa qua, Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng được 166 bài giảng, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu các bài giảng của lớp 1 và lớp 2.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin, theo Đài Truyền hình Việt Nam thống kê, mỗi môn học có hàng triệu lượt học sinh vào học. Bộ trưởng cho rằng đây là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp, cũng sẽ khó có một giải pháp nào thỏa mãn được tất cả các yêu cầu. Do đó, chúng ta phải chọn một giải pháp tối ưu hơn cả. Đối với học sinh lớp 1 thì dạy trên truyền hình là một lựa chọn được đông đảo phụ huynh và dư luận xã hội ủng hộ. Đồng thời, nếu như các cháu học lớp 1 và lớp 2 học trên truyền hình thì khi quay trở lại trường, việc củng cố kiến thức và kiểm tra, đánh giá cũng sẽ thuận tiện. Còn những học sinh mà phải tiếp tục học trên truyền hình thì cũng sẽ phải có phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách phù hợp. Bộ cũng đã có hướng dẫn cho việc này.

"Khi các cháu học sinh đến trường thì vẫn phải có những hỗ trợ, củng cố thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Dạy học lớp 1 trên truyền hình chỉ là một giải pháp" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trúng điểm cao vẫn trượt đại học, Bộ sẽ rà soát lại quy định

Đại biểu Quốc hội Trương Ngọc Ánh (Cần Thơ) đặt câu hỏi thời gian qua có nhiều học sinh THPT có em điểm trung bình môn 9 điểm nhưng không đậu đại học, ý kiến của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này? Trả lời câu hỏi điểm cao vẫn trượt đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng có nhiều nguyên nhân. Như năm qua, có 165 học sinh phổ thông có điểm cao từ 27 điểm trở lên, hầu hết là học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng vào trường công an, quân đội.

"Có hiện tượng các trường đặt ra quá nhiều cách xét tuyển, chỉ tiêu ít nên ảnh hưởng xét trúng tuyển. Thực tế này cũng có việc phải điều chỉnh ở các trường đại học. Khi việc tuyển sinh là quyền của các trường, nhưng phải nằm trong quy định cho phép, nên Bộ GD&ĐT sẽ rà soát để không nên có quá nhiều phương án, gây phức tạp và rủi ro cho người đăng ký", - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói./.

Mỹ Anh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy